Wednesday, December 15, 2010

Hồi Ký Linh Phương - kỳ 40 -

-Kỳ 40 -


Bài thơ “Để trả lời một câu hỏi “ phổ thành ca khúc “ Kỷ vật cho em “đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Cuộc chiến tranh lùi dần vào quá khứ , người Việt Nam ở hải ngoại hay quê nhà vẫn không quên một bản nhạc nổi tiếng trong năm tháng đạn bom .Tuổi trẻ ngày xưa không còn nữa, những người cầm súng tóc đều lấm tấm điểm hoa sương, hoặc đã nằm xuống ở hải ngoại hay quê nhà. Nhưng họ vẫn nhớ như in “ Kỷ vật cho em “ ,vì đó là hình ảnh một thời điêu linh mà họ chen vai gánh chịu. Những người may mắn ra đi trót lọt xứ lạ quê người có cuộc sống phồn vinh; những người ở lại nuốt lệ vào lòng với những nhọc nhằn nơi quê hương của mình .Những người còn nguyên vẹn hình hài dù sao cũng đỡ hơn những anh em mang thương tích tật nguyền.Một phần thân thể gửi cho mảnh đất đầy xương máu, một phần thân thể còn lại lê lết tấm thân tàn kiếm sống. Bao oan khiên đau đớn sau cuộc chiến tranh bao giờ mới không còn nữa ? Tại sao vậy ? Tôi thường hỏi tôi, nhưng tôi không biết trả lời câu hỏi nhức nhối này.

Trong chương trình đại nhạc hội do Trung tâm Asia tổ chức vừa qua tại Long Beach Convention Center, trực tiếp thu hình trong bộ đĩa Asia 66 “ Cánh hoa thời loạn “, trong phần nói về tác giả bài thơ “Để trả lời một câu hỏi “ nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “ Kỷ vật cho em “ MC.Nam Lộc đã giới thiệu :

” Một trong những bài thơ rất nổi tiếng gây nhiều xúc đông vì diễn tả thật gần tâm trạng của người vào sinh ra tử trong giai đoạn khốc liệt nhất cuộc chiến tranh Việt Nam, đó là bài” Để trả lời một câu hỏi “ của thi sĩ Linh Phương. Linh Phương cũng là một quân nhân QLVNCH. Ông đã nhờ nhà báo Trần Dạ Từ phổ biến bài thơ này trên tờ báo Độc Lập năm 1970, để tặng người con gái tên Hương.
Sau đó, có nhiều lời đồn đại rằng tác giả đã tử trận ở Hạ Lào, rồi Kampuchea. Có người thì bảo tác giả hiện vẫn còn sống, khiến cho lý lịch của ông trở thành bí ẩn. Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với tác giả đôi ba lần, nhưng vẫn chưa tìm ra được tông tích của người được mệnh danh là kẻ làm thơ nhưng không mang danh thi sĩ “.

Như lời anh Nam Lộc giới thiệu, chỉ sau này qua trung gian hồng nhan tri kỷ Dạ Hương bên Canada , tôi và anh Nam Lộc mới liên lạc được với nhau . Dạ Hương-người phụ nữ đã cùng tôi chia sẻ lúc tôi bị hoạn nạn vì mấy mươi bài thơ. Người phụ nữ thương yêu tôi cũng như tôi thương yêu người phụ nữ này, dù vì một nguyên nhân nào đó có một ngày chúng tôi không còn là của nhau, tôi cũng không bao giờ quên Dạ Hương , một món nợ ân tình mà tôi chưa trả được .
Anh Nam Lộc đã gửi cho tôi email mà trước đây Trung tâm Asia tìm cách liên lạc với tác giả nhưng không gặp .Email như sau :
Anh Linh Phương thân mến,
Có lẽ anh không biết tôi là ai vì cái địa chỉ email không quen với anh. Tôi xin được phép giới thiệu với anh tôi tên là Đinh Bá Cầu hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ. Tôi hân hạnh được một người bạn thân cho tôi địa chỉ điện thư của anh và hôm nay tôi viết thư thăm và chúc anh nhiều sức khỏe tại quê nhà và tôi cũng nhân dịp này xin thỉnh ý anh một việc.
Thưa anh Linh Phương, tôi bên này cũng đã lên mạng đọc nhiều bài thơ của anh viết trước và sau 75 và có in thành tuyển tập. Thơ anh đã cho tôi một cảm nhận thật sâu sắc vì anh đã trải lòng mình với những tâm thức thời đại, cùng cất cánh bay vào xã hội hiện thực để nói lên những cảm nhận và tâm tình của mình qua thi tứ và thi từ rất mực của Anh. Nhưng bài Kỷ Vật Cho Em của anh hình như đã đi vào lòng người VN chúng ta như một vết hằn mà không bao giờ có thể xóa được vì đây là bài thơ của thế hệ, bài thơ của một giai đoạn lịch sử, chẳng khác nào bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan.
Cảm nhận được giá trị lịch sử của nó, hôm nay tôi xin phép anh cho tôi lấy bài thơ của anh mà ông Phạm Duy đã phổ nhạc có mặt trong cuốn CD mà tôi đang sắp phát hành tại Hoa Kỳ …( xin bỏ một đoạn ngắn )
Nếu anh không ngại xin anh viết cho tôi vài dòng về tiểu sử của anh nhất là binh chủng nào anh đã phục vụ trước 75 để được chính xác hơn, vì chúng tôi không dám võ đoán về thân thế và sự nghiệp của anh.
Khi phát hành xong cuốn CD này chúng tôi chắc chắn sẽ gửi anh một số tiền để nói lên ý thức tôn trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ của Anh…( bỏ một đoạn )
.
Đinh Bá Cầu

Tôi rất cảm kích việc làm đứng đắn của Trung tâm Asia, tôn trọng những sáng tác của anh em văn nghệ sĩ. Khác hẳn với một số cá nhân ,trung tâm ca nhạc trong và ngoài nước thường hay “quên” những tác giả bài thơ phổ nhạc, thậm chí họ “ quên” luôn việc giới thiệu tác giả bài thơ .Tôi đã trả lời thư cho Trung tâm và riêng với anh Nam Lộc, một người tôi trân trọng. Trong một email, anh Nam Lộc viết:

“ Anh Linh Phương kính mến,
Tôi xúc động đến rơi lệ khi nhận được thư anh trả lời. Thương anh quá đỗi đi thôi. Biết làm gì để giúp nhau bây giờ! Thôi thì hãy an ủi nhau với tất cả tấm lòng, và sống tử tế với nhau những ngày còn lại trong cuộc đời. Dù muộn nhưng tôi đã cảm thấy thật là may mắn được quen biết anh. Xin hãy xem nhau là tri kỷ. Nếu cần bất cứ chuyện gì ở bên này bờ đại dương xin anh cứ email cho tôi, tôi xin hứa sẽ hết sức kín đáo và thận trọng để không xẩy ra chuyện làm phiền nhiễu đến cuộc sống vốn đã khó khăn của anh.

Chúng tôi và TT Asia sẽ dựa vào các tin tức anh gởi để "giao quà"! Và sẽ báo tin cho anh biết trước khi đến.
Chúc anh luôn bình an và vui khoẻ.
Thân quý,
Nam Lộc “.

Anh Dang Lũy cũng gửi cho tôi những câu thơ của anh khi biết tôi vẫn còn sống : Trong cuộc đời tôi biết có một thứ mà người ta sẻ chia với nhau cho hết những tận cùng của cảm xúc. Đó là tấm lòng của nghệ sĩ. Xin góp một chén rượu mừng vui cho cuộc gặp gỡ của các anh.


Nhận tin anh còn sống
Giọt nước mắt ngỡ ngàng
long lanh chén rượu mừng vui
Bên trời hồn tri kỷ
Người năm xưa lại về.
Lũy



Những tình cảm của các anh em trong trung tâm Asia khiến tôi vô cùng xúc động, xúc động trước tâm tình của người muôn năm cũ còn tràn đầy trong từng lời, từng ngôn ngữ cho nhau. Những người cùng thế hệ đã có một thời tuổi trẻ yêu không dám yêu, và đã lỡ yêu thì yêu vội vàng, sợ không kịp cho nhau tình yêu khi mà cuộc chiến tranh vẫn hiện diện trong từng ngóc ngách quê hương. Cũng như tình yêu của tôi và người xưa hơn 30 năm thất lạc giữa cuộc đao binh , biết được tin tức nhau thì gần hết cuộc đời. Biết được tin tức nhau khi một bên là ngày, một bên là đêm.

Qua những email của anh em ở Trung Tâm Asia làm tôi thật hạnh phúc vô cùng khi tình cảm của những người năm xưa vẫn còn dành cho tác giả bài thơ phổ nhạc Kỷ Vật Cho Em . Điều làm tôi xúc động nhất là email của anh Nam Lộc và ca sĩ Thanh Lan. Email “ Thanh Lan gửi lời thăm anh Linh Phương “Thanh Lan đã viết : “ Vừa thu hình bài Kỷ Vật Cho Em với Vũ Khanh. Cảm xúc theo từng lời thơ của anh đã viết. Xin cám ơn anh đã để lại cho khán giả những lời chân thành từ đáy tim, để Thanh Lan có được dịp may hát một bài hát tuyệt vời. Xin chúc anh được bình an.”.Tôi cảm động vô cùng với những gì anh Nam Lộc , ca sĩ Thanh Lan và Trung tâm Asia dành cho tôi. Tôi không bao giờ quên câu của Thanh Lan : “ Sẽ luôn luôn cầu nguyện cho anh Linh Phương được an vui “.
Không hiểu tôi nghĩ về bài thơ “Để trả lời một câu hỏi “ phổ nhạc thành “ Kỷ vật cho em “ của tôi có sai chăng ?
Thứ nhất. Tiền tác quyền một bài thơ phổ nhạc “ Kỷ Vật Cho Em “ mà nhạc sĩ Phạm Duy trả cho tôi vào đầu thập niên 70 là 50.000 đồng ( bằng 5 lượng vàng vào thời điểm đó ) , chỉ kém bài thơ phổ nhạc ‘ Màu tím hoa sim “ hay “Áo anh sứt chỉ đường tà “ của thi sĩ Hữu Loan , cuối năm 2004 công ty Viek VTB đã mua với giá 100 triệu ( trừ tiền thuế 10% ông còn 90 triệu ). Có lẽ ở Việt Nam duy nhất chỉ có 2 tác giả là thi sĩ Hữu Loan và tôi, có tiền tác quyền bài thơ cao hơn hết ( ? ).
Thứ hai.Tiền tác quyền trả cho tác giả bài thơ phổ nhạc “Để trả lời một câu hỏi “ tức “ Kỷ Vật Cho Em “ khi sử dụng của Trung tâm Asia là 4 triệu đồng ( tôi lấy con số chẳn ). Có lẽ tôi là tác giả duy nhất được trả tiến tác quyền cao nhất tại Việt Nam ( ? )

Nhưng điều ấy không quan trọng, nghĩ vui thôi . Cũng như tôi nghĩ mình may mắn có một bài thơ nổi tiếng, trả được một chút nợ cho cuộc đời cũng là điều sung sướng lắm rồi ., hạnh phúc lắm rồi. Và không phải riêng lĩnh vực ca nhạc còn hoài niệm “ Kỷ vật cho em “ ; trong lĩnh vực văn học vẫn không quên được “ Kỷ vật cho em “. Như bài viết trong cuốn sách “Trang sách và những giấc mơ bay - tập 1 “ do Thư Ấn Quán phát hành mới đây tại Hoa Kỳ . Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên đã “Đọc lại Kỷ Vật Cho Em “ ;

“ …Những tâm tình bùi ngùi như thế lại được âm nhạc tiếp sức, đẩy lên một bậc khiến giới công chúng càng yêu thích luồng gió mới kia nhiều hơn.
Rồi theo trào lưu thơ phổ nhạc ngày càng thịnh hành, bất ngờ công chúng lại được nghe trên đài phát thanh Sài Gòn, trong các phòng trà đô thành, các quán cà phê: “em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại...xin trả lời mai mốt anh về... anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa...” khiến mọi người ngơ ngác hỏi: Linh Phương, tác giả bài thơ, là ai vậy? Hắn trong bưng làm thơ địch vận hay trong nhóm phản chiến? Thần hồn và tứ trong bài thơ cứ bình-thản-nức-nở, bình-thản-nghẹn-ngào, coi như không có gì ghê gớm. Rồi khi cái tứ đó đi qua những cung bậc cao thấp của nhạc sĩ Phạm Duy, cộng với chất giọng của Thái Thanh lại càng run rẩy, thê thiết hơn. Những năm tháng ấy, kẻ viết bài này chỉ mới là anh sinh viên trong giảng đường, tình cờ đọc trên tờ nhật báo Độc Lập đã thoáng giật mình! Càng giật mình hơn khi được biết Linh Phương viết bài Kỷ vật cho em trong lúc đang hành quân ở Chương Thiện khoảng đầu năm 1970! Trong khi đó, những người bạn tôi đang có mặt trên khắp bốn vùng chiến thuật lại cười ha hả từ những kbc có con tem anh chiến binh bồng súng xông tới, phong bì lấm lem bùn đất, sờn rách: “... mình chắc mẩm hắn cũng là lính. Hắn mô tả tâm trạng, hoàn cảnh sao đúng hoàn cảnh tụi mình quá trời. Mai mốt tụi mình có về trên đôi nạng gỗ có về hòm gỗ cài hoa hay trên trực thăng sơn màu tang trắng... thì các cậu chớ có ngạc nhiên, chớ có buồn! Đời trai chinh chiến mấy thằng sống sót trở về?”. Mấy câu ngắn ngủn kia mãi ám ảnh tôi. Ám ảnh bởi vẻ lạc quan, coi sống chết như chuyện có không của người bạn. Mà hắn đâu để mắt tới Ngũ uẩn giai không, hắn đâu biết gì về tâm kinh đâu ảnh hưởng gì về triết học Phật giáo? Chẳng qua khi đối mặt quá nhiều với cái chết, luôn rình rập bên cạnh, không báo trước thì con người ta chẳng còn buồn để ý đến nó? Cứ chờ đón nó một cách thản nhiên như trong bài thơ Kỷ vật cho em của Linh Phương.
Vào độ tuổi ra trận mạc ấy, hẳn ai cũng có người yêu, chí ít cũng em gái hậu phương, thản hoặc một Dạ Lan từ trời cao thầm thì, chia sẻ với các anh mỗi đêm. Ấy vậy nhưng khi em của Linh Phương hỏi: Em hỏi anh bao giờ trở lại thì nhà thơ cứ thẳng đuột trả lời mai mốt anh về, có thể bằng nhiều cách về khác nhau:



...Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca...
...Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt...
...Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân...


Về bằng con đường nào thì thân thể thế hệ các anh không còn nguyên vẹn như lúc ra đi. Họ đã chắc chắn như vậy, nên chi cứ tạo một tâm thế trong những tình huống khắc nghiệt để em chuẩn bị đón nhận những bất toại trong cuộc sống chỉ có khói lửa trước mặt!...”

Sau khi xem xong DVD – Asia 66, có nhiều cô gọi điện thoại cho tôi nói : “ Em đã coi nhiều lần, lần nào cũng chảy nước mắt vì Kỷ Vật Cho Em, nhất là hình ảnh những người lính chào chiếc hòm gỗ phủ cờ và lúc ca sĩ Thanh Lan ôm quan tài nức nở “ ; “ Coi Asia 66 , em rất hãnh diện vì anh “; “ Trong Cánh Hoa Thời Loạn có 2 bản nhạc phải khóc là Áo anh sứt chỉ đường tà và Kỷ vật cho em “.Và Lữ Anh Thư cũng đã viết trên website cothommagazine.com :


"… Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
…Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền, chai đá …”


Đó là đôi lời trong bài hát Kỷ Vật Cho Em, rất phổ biến trong những năm đầu thập niên 1970 tại miền Nam Việt Nam. Ngày đó, ở tuổi mới lớn, tôi cũng như mọi cô nữ sinh ở Sài Gòn thường hát bài này với bao nỗi xót xa cho những người lính. Những xót xa ngày đó chỉ là những xót xa của một đứa trẻ cho một người bị mất đi một phần thân thể vì bom đạn của chiến tranh, hay xót xa lãng mạn cho một cuộc tình thời chinh chiến.

Tôi hạnh phúc thật hạnh phúc, còn điều hạnh phúc nữa là thỉnh thoảng có người ái mộ , tôi không quen biết,gọi điện thoại và hát cho tôi nghe Kỷ Vật Cho Em. Cách đây ba tuần, một cô tên Thùy Trang ở Sài Gòn đã hát cho tôi nghe hết bản “ Kỷ vật cho em “ trên điện thoại di động.Tôi thường có những bất ngờ như thế, và tôi vô cùng xúc động trước tấm lòng người còn yêu mến “ Kỷ vật cho em “, dù đã 40 năm trôi qua.




( còn nữa )

Thursday, December 9, 2010

Hồi Ký Linh Phương - Kỳ 39 -

- Kỳ 39 -


Năm 2002, tôi lại thất nghiệp . Tất nhiên kinh tế eo hẹp hơn mặc dù tôi vẫn làm thơ gửi báo lấy tiền nhuận bút. Nhưng tiền nhuận bút cũng chẳng là bao, bởi ít có ai sống nhờ vào nhuận bút thơ cả.Hình như vào khoảng năm 2003, 2004 gì đó , tôi được kết nạp ( sau vài lần đắn đo không ý kiến khi người ta mời tôi ) vào Hội văn học nghệ thuật Tỉnh. Vài tuần sau, tôi được phân công biên tập thơ cho tạp chí C.A.C của Hội.Và cũng chỉ biên tập một vài số tạp chí thì tôi bị “ nạn “ vì một câu thơ trong bài thơ của tôi.. Nội dung bài thơ nói về người lính khi trở về cụt hết một cánh tay.


Bỏ lại chiến trường một cánh tay
Cha mang ba lô về nhà
Ngực đeo huy chương đủ loại

Giã biệt bao cánh rừng rực cháy
Bao cánh rừng đạn bom
Cha nghiêng người xuống bế con
Bằng cánh tay còn lại

Trời lúc đó nhiều mây
Gió phất phơ vạt áo trống không như lá cờ Tố quốc
Đang bay… đang bay
Mẹ mừng vui ôm cha
Bật khóc

Con lớn lên từ hơi thở nồng nàn của đất
Từ dòng sữa ngọt ngào của mẹ
Và lời ru êm đềm của sông
Từ mùi khói đốt đồng
Từ mồ hôi cha hòa cùng hạt thóc
Từ giấc ngủ nhọc nhằn cha còn vung tay gặt
Lúa chín vàng
Trong giấc mơ xanh

Cảm ơn cha người chiến binh
Đã dạy con thương yêu cuộc đời-thương yêu đất nước
Để mai này nối bước
Con vào lính như cha

( Khi người lính trở về )


Người thương binh bế đứa con bằng một cánh tay còn nguyên vẹn, còn cánh tay kia chỉ có ống tay áo trống không bay phất phơ trước gió. Đại ý câu thơ là vậy , nhưng có người suy diễn rằng : lá cờ Tổ quốc là cờ đỏ sao vàng, chứ sao trống không được. Thế là tôi phải tự kiểm điểm trước Ban chấp hành Hội và tự rút khỏi ban biên tập tạp chí ,làm một hội viên bình thường.





Năm 2005, tôi tham dự trại sáng tác văn học tại Vũng Tàu ( thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) , cũng trong năm này tôi dự trại sáng tác văn học do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật trung ương tổ chức tại Bình An – Kiên Lương thuộc tỉnh Kiên Giang. Ở trại sáng tác tôi gặp nhà văn Trần Thôi – nhà văn Hồ Tĩnh Tâm Hội VHNT Vĩnh Long ; nhà văn Nguyễn Thị Thu Hiền – Hà Nội , nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô - Cần Thơ ( con của nhạc sĩ Hoàng Trọng )…Tính tôi ít nói, không thích ồn ào nên thường không tham dự rượu chè với anh em văn nghệ sĩ. Vì thế, khi “ Hội Ngộ Văn Chương “ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đề cập đến tôi chuyện Kỷ Vật Cho Em thì nhà văn Hồ Tĩnh Tâm đã viết cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo : “Anh kiếm đâu ra bài viết của Linh Phương vậy? Lại còn cả hình nữa. Hồi đó trông Linh Phương khác với bây giờ quá. Hôm gặp nhau ở Kiên Lương Kiên Giang, em thấy Linh Phương như cư sĩ ở ẩn; lặng lẽ, cô độc, lúc nào cũng cứ như đang chìm trong suy tưởng gì đấy. Đến bữa cơm, tụi em thường ồn ào bia rượu, còn Linh Phương thì vẫn cứ trầm mặc đắm chìm trong thế giới nào.
Một lần em với cái Hiền, cái Nga tha thẩn ra bãi biển ngắm trăng, con dế của em nó gáy báo có tin nhắn, mở ra thì nhận đươc 4 câu thơ của Linh Phương. Thơ tình. Hai đứa chúng nó đọc xong thì a cả lên: Ông anh có người tình làm thơ hay quá. Em liền bịa ra Linh Phương là Linh Phượng. Thế là hai đứa nó cứ khảo Linh Phượng là ai. Chừng tụi nó biết Linh Phương, tụi nó ngạc nhiên: Cái ông còm nhom tóc tai dài thòn này mà thơ hay thế à?”






Tôi nhớ một kỷ niệm vui trong chuyến hành hương các tỉnh miền tây do Xuân Hương điều hành một website bên Mỹ nhân chuyến về Việt Nam chơi đã tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ Sài Gòn và anh em văn nghệ sĩ các tỉnh đồng bằng sông Cửu long đi chơi. Đến thành phố Long Xuyên ( thuộc tỉnh An Giang ) sau một buổi tiệc tại nhà hàng với anh em Hội văn học nghệ thuật An Giang gồm : nhà thơ Trịnh Bửu Hoài – nhà thơ Hồ Thanh Điền … Đoàn văn nghệ sĩ ngủ đêm ở khách sạn An Long.Tôi , nhà thơ Vũ Trọng Quang – nhà văn Vũ Hồng ( Bến Tre ) – nhà văn Ngô Khắc Tài ( An Giang ) vẫn tiếp tục ngồi trước khách sạn lai rai cho tới gần 1 giờ sáng mới vào ngủ .Phòng tôi ngủ gồm 4 người là: các nhà thơ Vũ Trọng Quang- Phù Sa Lộc- Mặc Tuyền và tôi.
Có lẽ do uống rượu nhiều, nên ai ngủ say như chết. Mới 5 giờ sáng, chúng tôi giật mình thức giấc khi nhà thơ Phù Sa Lộc la toáng lên : “ Chết rồi , bị trộm mấy ông ơi , cái quần tôi mất rồi “ .Tôi , Vũ Trọng Quang, Mặc Tuyền nhìn lên chỗ móc quần của mình. Tất cả quần của chúng tôi đều được “ diệu thủ “ nào đó mượn tạm không chừa một ai. Nhà thơ Hồ Thanh Điền Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật An Giang là thổ địa nơi đây đã phát giác đống quần của chúng tôi được nhét dưới hốc cầu thanh lên xuống. Tất cả tiền bạc, điện thoại đi động của các nhà thơ đều không còn, chỉ duy nhất có tôi là điện thoại còn nằm trong túi quần. Nhà thơ Ngô Thị Hạnh nói vui : “Điện thoại của anh Phương như có linh hồn , lúc ở Sài Gòn làm rớt xuống đường không hay vẫn có người chạy theo trả lại. Bây giờ bị trộm, điện thoại vẫn không mất “.Đúng như Ngô Thị Hạnh nói, điện thoại của tôi nhiều lần rớt nhưng không mất, không hư. Mặc dù điện thoại đã hơn 6 năm rồi , không còn ai xài đời điện thoại này nữa ,nhưng nó chính là người bạn thủy chung để tôi liên lạc với bạn bè, người thân khắp mọi miền đất nước.
Chuyện bị trộm đã trở thành giai thoại vui “ Bốn nhà thơ mất quần “đăng trên “ Shop văn nghệ “ của báo Thanh Niên cũng như một vài website trong và ngoài nước.Mới đây, nhà thơ Phù Sa Lộc trong chuyến đi cùng nhà thơ nữ Trúc Linh Lan ( phu nhân nhà thơ quá cố Võ Minh Đường ) - nhà văn Ngọc Tuyết và anh Tôn Thất Lang - Nhật Hồng trong Hội văn học dân gian Cần Thơ đến Châu Đốc, qua Hà Tiên ghé Rạch Giá thăm tôi, Phù Sa Lộc còn nhắc đến “ tai nạn “ bốn nhà thơ mất quần ngày xưa, không nín cười được.
Tháng 11 năm 2008, tôi bị “ tai nạn “ mấy chục bài thơ viết về những trăn trở của một con người chế độ cũ .Người ta cho rằng mấy chục bài thơ này mang nội dung phản động,. Trong mấy tháng trời, tôi bị kiểm điểm trong Hội VHNT , rồi làm bản tự kiểm nêu những sai trái của mình nộp lên lãnh đạo. Cuối cùng, tôi đã ký biên bản xác nhận mấy chục bài thơ của tôi cho Phòng PA.25 .Tôi được khoan hồng không phải bị giam giữ cải tạo. Bạn bè xa lánh vì ai cũng sợ liên lụy khi tiếp xúc , có những người quen biết lại nhìn tôi bằng những ánh mắt ghẻ lạnh.Tôi cũng không oán trách một ai, âu đó là lẽ thường tình trong cuộc sống và cuộc đời vậy.


( còn nữa )

Friday, December 3, 2010

Hồi Ký Linh Phương - kỳ 38 -

- Kỳ 38 -


Tôi bắt đầu làm thơ lại với mục đích kiếm tiền lo cho cuộc sống hàng ngày. Tôi cố gắng viết thật nhiều , nhưng không dùng tên Linh Phương. Thoạt tiên, tờ Văn nghệ Minh Hải rồi các tờ Kiên Giang, Hậu Giang ( bây giờ là Cần Thơ ).Sau đó thì hầu như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Sài Gòn rồi các tỉnh khác với tên Linh Phương.
Kiếm tiền nhuận bút vừa để tiêu xài, vừa tiện tặn để dành chút tiền phòng khi bạn bè, anh em văn nghệ Sài Gòn có tin vui, tin buồn còn có chút tiền chia vui, chia buồn. Hoặc nhiều khi nhớ bạn thì có tiền đi xe lên thăm vài ba ngày cho đỡ nhớ. Lúc này, tôi đã về Rạch Giá sống một quãng đời chùm gởi nương tựa thân cây.
Khoảng năm 1994 , tôi phụ trách biên tập thơ, văn “ Trang Viết Học Trò “ cho tờ bào tỉnh.Ngoài thơ văn , còn có chuyên mục “ Đọc thơ các em “ và “ Vườn Ô Mai “ giải đáp thắc mắc về tình bạn, tình yêu cho tuổi mới lớn với bút hiệu Cỏ Non. “ Vườn Ô Mai “ rất được tuổi mới lớn yêu thích, không chỉ tuổi mới lớn không mà tuổi người lớn cũng ưa thích cách trả lời dí dỏm của tôi.

Trong những năm này , Nguyên Hương cô giáo 20 tuổi ở một huyện kế cận thương yêu tôi, đó là năm 1996.Trong thư ngày 16.10.1996 Nguyên Hương viết : “…Chiều hôm qua em nghĩ thế nào cũng có thư anh. Thế là đi dạy về, chưa kịp thay đồ dựng vội chiếc xe, em chạy sang văn phòng và thấy một bì thư quen thuộc….Anh không thương em, anh chẳng thương em tí nào cả ? Trong khi em nhớ anh ngày đêm, mong những nét chữ của anh như mong chờ hạnh phúc. Em gọi tên anh ở mọi lúc mọi nơi. Buổi sáng thức dậy người đầu tiên em nghĩ đến là anh, trong giờ dạy em cũng nghĩ về anh, đi chơi cùng bạn bè, mặc dù không có xác thể anh bên cạnh nhưng lại cũng là anh chiếm ưu thế nhất trong đầu em……Khi trái tim em nói tiếng “ yêu anh “ thì em đã nghĩ đến những trái ngang và ngăn cách. Nhưng con tim em là một con tim cuồng si. Đúng rồi ! Nó sống vì một tình cảm và cũng có thể chết vì một tình cảm thiêng liêng….Em giận anh, em ghét anh lắm, anh có biết không ?... Em yêu anh- em yêu anh. Anh có nghe thấy không ? Và anh, hãy một lần nói tiếng “ yêu em “ từ tận cùng trái tim anh, để em được mỉm cười mãn nguyện. Nói đi anh, em chỉ cần có thế thôi, vậy là quá đủ cho em rồi. Em sẽ gọi tên anh mãi mãi, khắc vào tim mình hai tiếng “ LP “…Anh mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất trong trái tim em. EM YÊU ANH …”


Thư ngày 19.10.1996 : “Anh yêu của em ! Anh có biết rằng vào đúng 10 h 35’ trưa ngày hôm nay, cách đây 20 năm về trước đã có một hình hài xuất hiện trên cõi đời này… để 20 năm sau, bé gái ấy trở thành thiếu nữ- môt thiếu nữ không hương trời sắc nước gì cho lắm, nhưng cũng đủ để cho một người thương nhớ… Anh yêu ạ ! Riêng anh phải cám ơn hay cả hai chúng ta đều phải cám ơn ngày hôm nay của 20 năm về trước ? Từ ngày đó để hôm nay anh có một Nguyên Hương hết lòng thương yêu anh và mặt trời nhỏ bé đã xuất hiện trong bầu trời lồng ngực anh…Rồi em ước : Giá như…giá như…bây giờ em có anh. Giá như anh sẽ làm điểm tựa cho em trong lúc này. Giá như em được khóc trong vòng tay anh, những giọt nước mắt sung sướng và hạnh phúc. Em nhớ anh lắm, anh có biết không ? Tối nay em thấy mỏi mệt lắm, chân tay em bủn rủn nhưng em vẫn ngồi viết cho anh. Anh đừng giận em đã không biết nghe lời anh, phải giữ gìn sức khỏe. Đêm nay em sẽ không vâng lời anh được đâu, vì không được ngồi viết cho anh, em sẽ cảm thấy khó chịu hơn. Với lại, em không muốn để anh phải chờ thư lâu, anh có hiểu không ? Nguyên Hương của anh luôn mong muốn anh vui mà. Chỉ cần anh vui thì dù có mỏi mệt đến mấy em cũng quên hết để làm tất cả những gì có thể mang niềm vui đến cho anh… LP ơi ! Em tin anh, rất tin anh, em tin trái tim anh là của em, tâm hồn anh là của em; và LP sẽ chẳng có ngày bỏ Nguyên Hương bơ vơ trong cuộc đời nghiệt ngã này…Em dừng bút nha anh. Anh bảo em phải vâng lời anh. Thế còn anh ? Anh có thể nghe lời cô bé con của anh không ? Anh cũng phải giữ gìn sức khỏe và thật sự hạnh phúc khi nghĩ về em nhé . Anh có buồn em không ? Đừng giận mà , em sẽ đền cho anh tất cả. Em yêu anh .Em của anh . Nguyên Hương

Cuối cùng, tôi và Nguyên.Hương chia tay- em lấy chồng, nhưng cuộc sống không được hạnh phúc, do người chồng quá ghen tương về quá khứ của vợ. Vài năm sau, có một cô học trò lớp 12 yêu tôi cũng tên Hương, nhưng là Mai.Hương. Cuộc tình đầy trắc trở bởi mẹ và chị của em chận tất cả thư từ của tôi gửi cho em. Mẹ em đã gửi cho tôi một lá thư yêu cầu tôi chia tay với em, nhưng em vẫn tìm cách liên lạc với tôi. Thư ngày 29.06.1999 em đã viết cho tôi :
“…Anh thương yêu nhất trong cuộc đời em ! Em viết thư cho anh ngoài vườn nhà em, khi mà bóng chiều đã gần như tắt hẳn. Em nhớ anh, anh biết không ? Chưa bao giờ em thấy em yêu anh đến vậy…Anh yêu dấu ! Phải chăng anh đang nghĩ đến cái ngày mà chúng ta sẽ trở thành những người cách xa vời vợi ? Phải chăng trong lòng anh, em chỉ là một cái gì đó, rồi sẽ nhạt nhòa ?
Em từng sống trong hoài nghi và em biết thế nào là những đau xót mà nó mang đến. Lúc em không còn ghi thư cho anh, em thường đọc báo KG lắm. Và mỗi lần bắt gặp một bóng hình nào đó trong tác phẩm của anh, em đã ….Anh biết cảm giác của em lúc đó như thế nào không ? Em cảm thấy mình bị bỏ rơi, em nghĩ rằng trong lòng anh lúc đó không hề có bóng hình “ Mít ướ “t- em xót xa cảm thấy anh quên em. Và mỗi lần như vậy, nỗi hoài nghi trong lòng em lại nhen nhúm, nó làm cho em buồn tủi và giận hờn, xót xa đau đớn nữa.
Em đã không đúng phải không anh ? Sau những lần như vậy, em thấy mình thật có lỗi với anh. Em đã thầm xin lỗi anh, không biết anh có nghe thấy không ? Mà dù lúc đó em có nghĩ thế nào, thì em cũng vẫn yêu anh, trái tim em vẫn là của anh. Và mãi mãi nó là của riêng anh. Anh nói cho em nghe đi, những gì anh nghĩ, anh viết ra bắt nguồn từ em hay từ hoàn cảnh ? Anh Phương ơi, một trái tim non trẻ không có nghĩa là một trái tim thiếu chín chắn, thủy chung, phải không anh ? Em yêu anh không phải “ yêu chỉ để mà yêu “ mà em còn biết chờ đợi, hy vọng và sống vì người em yêu nữa… Anh thương yêu ! Hàng đêm em vẫn chắp tay cầu xin hạnh phuc sẽ trở về cùng anh, để anh được sống với những gì lẽ ra anh phải có.
Những lần được thư anh, em cứ thẫn thờ, trằn trọc, bâng khuâng mãi… Hạnh phúc với em là điều quá bình thường với người khác. Em sẽ hạnh phúc biết bao nếu chiều nay em có anh bên cạnh, để được thì thầm bên tai anh lời yêu thương nồng nàn thiết tha trong trái tim em, để vơi chút nhớ nhung trong lòng nhỏ. Em sẽ hứa cùng anh, lời hứa của một trái tim yêu anh tha thiết : Em yêu anh hết đời này, kiếp này sang kiếp khác. Em mãi mãi là của anh. Và trọn đời, anh Phương ơi ! Em chỉ cho một người duy nhất gọi em là “ Mit ướt “. Em chỉ là “ Mít ướt “ của riêng anh…. Trời đã tối rồi. Em dừng bút, để không thôi mắt em “ có vấn đề “ thì anh Phương của em sẽ không vui . nhớ anh tha thiết . Hôn anh. Nhỏ của anh
. Mai Hương “.

Rồi em vào đại học Cần Thơ, tôi và em chia tay nhau vì biết bao hệ lụy trong cuộc tình chênh lệch tuổi tác này.Em không thể vượt qua trước sự nghiệt ngã của mọi người , và trước những áp lực của gia đình .Mà tôi , thì tôi không thể nào không trả em về với mẹ em- người đã viết một lá thư với tư cách một người mẹ thương yêu con gái của mình .
Những mối tình thoáng qua như cơn mưa rào, như vạt mây cuối trời , như nước chảy dưới cầu , như bèo giạt hoa trôi .Nhưng dẫu sao những bóng hồng đi qua cuộc đời tôi vẫn để lại một chút gì đó thương yêu , đã làm tươi hồng một trái tim thơ giữa những năm tháng lận đận , lao đao.Những người con gái ngày xưa đã hết rồi thời xuân sắc, đã có một gia đình hạnh phúc bên chồng bên con. Không biết, có khi nào đó bất chợt nhớ lại ngày xửa, ngày xưa có một người mình thương yêu chăng ?
Có lẽ tôi đa mang nhiều quá chữ “ tình “ và có lẽ như tôi đã nói – tôi là người đàn ông không chung thủy với người tôi thương yêu.Nhưng điều duy nhất là tôi chưa hề quay lưng, không biết quay lưng với bất cứ bóng hồng nào. Hãy để cho người phụ ta, chứ ta chưa hề phụ người.

Tôi có nhiều mối tình, nhưng tôi chỉ nợ một mối tình của Thu Hồng, mối tình mà suốt hơn 30 năm tôi chưa quên, không hề quên và suốt cuộc đời còn lại tôi cũng không sao trả được .Hơn 30 năm không được nhìn nhau, không ngồi bên nhau, không nói được lời thương yêu, kể từ lúc tôi rời phòng CTCT ra đi . Muốn khóc mà không khóc được sau ngần ấy thời gian cách xa. Ai trả cho chúng tôi những năm tháng thanh xuân với bao ước mơ cháy lòng khi yêu nhau ? Ai trả lại em ngày 20 tuổi mộng đầy ắp trong lòng của một tiểu thư đài các chưa lấm bụi đời ? Ai trả lại tôi thuở 24 bạc màu sương gió trên vai áo trận, kiêu ngạo đi vào trái tim em ? Ai trả lại cho chúng tôi những gắn bó , những thương yêu mà chúng tôi đã mất hơn 30 năm trời thất lạc giữa cuộc đao binh ?

Tôi còn một mối tình mà có lẽ tôi sắp nợ , đó là Dạ Hương. Chỉ với bốn năm thôi, bốn năm thời gian không dài cũng không ngắn trong tình yêu xa vời vợi : ngày bên này- đêm bên kia. Tôi biết , tôi không thể nào trọn vẹn đôi bề chữ “ tình “, nếu như hai người hồng nhan tri kỷ của tôi không nhìn về một phía. Phía trái tim thơ mỏng manh nhiều vết xước của cuộc sống, cuộc đời qua bao thăng trầm đi hết cuộc chiến tranh của ngày hôm qua.Tôi có lỗi , thật nhiều lỗi với tất cả những bóng hồng thời trai trẻ, cũng như khi xế bóng .Tôi thật vô cùng hạnh phúc vì đến giờ phút này , tôi còn có hai người hồng nhan tri kỷ chia sẻ cùng tôi những buồn vui của kiếp làm người.Tôi hy vọng hạnh phúc này sẽ mãi mãi nguyên vẹn cho đến ngày tôi nhắm mắt.Tôi hy vọng vì tôi rất sợ thất vọng khi tuổi mỗi người chúng tôi đâu còn mười tám, hai mươi.


( Còn nữa )