Tôi nhớ cách đây vài năm, có một người phụ nữ ở Sài Gòn gọi phone cho tôi, hỏi: “Hồi Mậu Thân anh có ra Huế và quen với một người con gái , sau đó, thì thất lạc nhau trong cuộc chiến tranh. Bây giờ biết được tin anh, không biết có đúng chăng ?”. Tôi cười :” Anh ấy người miền nào ?” Cô nói: ” là dân Hải Phòng” .” Vậy là không phải đâu, cô tìm lầm người rồi, tôi là dân Nam bộ”. Tôi kể cho bạn tôi là nhà thơ Vũ Trọng Quang ở Sài Gòn nghe. Vũ Trọng Quang cất công tìm trên danh bạ điện thoại thì được biết tên cô là Hoàng Thị Kim Cúc nhà ở đường….Sài Gòn.Thỉnh thoảng lại có những cú phone chưa hề quen thăm hỏi, tỏ lòng ái mộ rồi đích thân hát hoặc trên dĩa CD qua điện thoại di động bản “Kỷ Vật Cho Em” cho tôi nghe. Nhiều người gặp ,biết tôi là tác giả bài thơ KVCE , họ rất mừng , vì cho đến bây giờ họ mới gặp được tác giả bài thơ bằng xương bằng thịt mà họ yêu mến.Tôi rất cảm động về những người bạn xa lạ đó, về những tình cảm suốt mấy mươi năm trôi qua vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của họ, như mới ngày hôm qua đây thôi. Đó là niềm vui sau cuộc bể dâu đời người tôi đã trải qua. Ngược lại , nỗi buồn , buồn tận cùng cũng không ít . Cứ nhớ là đau thốn ruột gan trước sự biến thiên của tạo hóa, trước tình người , tình đời thay đổi
Cuối năm 2005, tôi và ký giả Thiện Mộc Lan – người phỏng vấn tôi 4 kỳ báo trên nhật báo Đuốc Nhà Nam năm 1971 biết được tin tức của nhau kể từ sau 1975 . Anh Thiện Mộc Lan đã gửi cho tôi những dòng sau hơn 30 năm xa cách .
“ …Tôi quen với nhà thơ Linh Phương từ năm 1971, lúc anh đang ở đỉnh cao danh vọng, và tôi là một ký giả của nhật báo Đuốc Nhà Nam tìm đến địa chỉ do nhạc sĩ Phạm Duy cung cấp để làm một loạt bài phỏng vấn Linh Phương. Riêng nhạc sĩ Phạm Duy, đã có lần tâm sự : " Với chiến tranh Việt Nam, tôi đã ba lần viết về hòa bình qua 3 tác phẩm Nhớ Người Thương Binh, Ngày Trở Về và Kỷ Vật Cho Em".
Sau năm 1975, Linh Phương và tôi lạc mất nhau. Qua bao thăng trầm, mỗi người một số phận, anh em vẫn nhớ nhau nhưng không có cách nào biết được tin tức của nhau. Tôi thì từ giã làng báo Sài Gòn, trở về quê nhà ở Tỉnh Đồng Tháp hòa nhịp cùng cuộc sống mới. Trên 30 năm, tưởng không bao giờ còn gặp lại Linh Phương, nào ngờ…cuối năm 2005 nhờ ký giả Phan Bảo Quân báo Sân Khấu Truyền Hình ( hiện ở Sài Gòn -người viết bài về nhà thơ Linh Phương tác giả Kỷ Vật Cho Em và việc nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ ) chúng tôi đã liên lạc được nhau.
Lá thư đầu tiên sau bao năm " bặt vô âm tín ", nét chữ của Linh Phương vẫn đẹp và bay bướm như hồi năm 1971 , anh viết tay bài thơ Kỷ Vật Cho Em tặng tôi - Thiện Mộc Lan
Từ thập niên 70, Linh Phương đã nổi tiếng là nhà thơ trẻ có nhiều " huyền thoại ". Đông đảo các trang báo Sài Gòn lúc bấy giờ tốn khá nhiều giấy mực để viết về Linh Phương với những mảnh đời khá thú vị. Ba mươi mấy năm trước , Linh Phương là một đề tài sôi động , rồi ba mươi mấy năm sau Linh Phương vẫn sôi động .
THIỆN MỘC LAN
( ký giả báo Đuốc Nhà Nam- Quật Cường- Độc Lập trước năm 1975 )
Như anh Thiện Mộc Lan nói, thật kỳ lạ - chỉ có bài thơ Kỷ Vật Cho Em thôi mà cuộc đời tôi nhiều gian nan, và cũng xảy ra nhiều đề tài sôi động . Mấy chục năm trôi qua, Kỷ Vật Cho Em vẫn không đi vào lãng quên trong ký ức mọi người . Tôi gian nan vì bên kia cho rằng tôi là tâm lý chiến làm thơ cho Phạm Duy phổ nhạc chống phá cách mạng . Bên này thì cho rằng phản chiến , làm băng hoại hàng ngũ QLVNCH . Tôi chông chênh giữa hai lằn đạn , không biết mình thuộc thành phần nào , có công hay có tội với đât nước này . Mà thế nào đi nữa thì lý lịch tôi cũng đen ngòm mất rồi . Muốn làm một tiện dân , muốn sống làm một con người tử tế cũng là rất khó khăn đối với tôi .
Cho đến bây giờ, Kỷ Vật Cho Em vẫn còn sôi động , vẫn còn được nhắc nhở như một bài thơ kinh điển nói về chiến tranh Việt Nam. Kinh điển vì bài thơ nói về chiến tranh được phổ thành nhạc khúc vẫn bất tử trong lòng những người yêu thơ , yêu nhạc xa xưa , dù chiến tranh ngày ấy đã xa dần . Trong bài viết “ Hoài niệm về bài hát Kỷ Vật Cho Em “ ; hay trên website Đông Dương Thời Báo bảo bức tượng “ Thương tiếc “ hình ảnh người lính ngồi ôm súng canh giữ Nghĩa trang Quân Đội và bài hát Kỷ Vật Cho Em là điềm báo trước sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam. Ngay cả chuyện một người lấy nguyên văn bài thơ phổ nhạc KVCE mà gắn cho một cái tên CN của một xác chết xa lạ nào đó là tác giả .Điều này công chúng yêu thơ, yêu nhạc Việt Nam không một ai tin được sự dối trá , đến mức độ trơ trẻn như thế - trừ một vài người thiếu hiẻu biết. Sự thật vẫn là sự thật ,và Linh Phương vẫn là Linh Phương, 30 năm – 50 năm hay mãi mãi về sau không thể nào thay đổi được .
Tháng 8 năm 1978 , tôi được trả tự do sau ngày tập trung cải tạo từ 01.05.1975 . Gia đình tôi cứ tưởng tôi đã chết trong cuộc biến động lớn lao của đất nước . Má tôi thực sự biết được tôi còn sống nhờ một sự tình cờ của một người đi buôn đường dài từ Sài Gòn xuống Cà Mau . Người này ở gần nhà tôi trên Sài Gòn ( lúc này gia đình má tôi đã bán nhà ở quận 8 Sài Gòn về Cà Mau sinh sống ). Má tôi nghĩ tôi đã chết, nhưng bà vẫn cố bấu víu hy vọng là tôi vẫn còn hiện diện trên cõi đời này. Bà nhờ người đi buôn đường dài đến ngôi nhà ngày xưa hỏi chủ nhà coi có nhận được thư từ nào của tôi gửi về đó không ? .
Thật là may mắn , người chủ nhà cho biết vừa nhận được một lá thư gửi về địa chỉ này , người chủ nhà ra thùng rác tìm lại lá thư . Lá thư đã mất nhưng bì thư vẫn còn, nên má tôi biết tôi còn sống và đang cải tạo . Bà tức tốc đến nhờ một người cậu ruột của má là Cộng Sản có chức sắc Tỉnh Hậu Giang ( bây giờ là TP. Cần Thơ ) bảo lãnh cho tôi . Cậu ruột của má lạnh lùng từ chối vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của mình , khi có liên hệ với Ngụy quân . Má tôi vừa khóc, vừa chạy tức tưởi đến nhà ông Sáu Khương ,một người bà con cũng là Cộng Sản có chức sắc nhưng không phải ruột thịt , nhờ ông giúp bảo lãnh tôi . Ông Sáu Khương liền viết thư cho người cháu của ông làm việc tại UNND nơi tôi cải tạo , can thiệp và trả tự do cho tôi .
Bước chân về Cà Mau , tận cùng của mảnh đất Việt Nam , tôi cảm thấy mình thật lạ lẫm với nơi này . Tôi cứ nhớ Sài Gòn, nhớ bạn bè , nhớ kỷ niệm nơi tôi mở mắt khóc cười- nơi tôi lớn lên làm người- nơi tôi cầm súng ra mặt trận như thế hệ thanh niên chúng tôi lúc bấy giờ tại miền Nam Việt Nam .Nơi tôi biết thương yêu và yêu bằng một tình yêu thực sự là tình yêu chứ không phải ngộ nhận hay mơ hồ hoặc hình như là tình yêu .Tôi da diết nhớ Sài Gòn, nhớ con đường Lê Văn Duyệt nơi có bóng hình một người con gái mà tôi thương yêu . Tôi muốn về Sài Gòn tìm người xưa, nhưng thời điểm đó rất khó khăn đối với một người cải tạo mới được trả tự do bằng “ Lệnh tạm tha “. Rât khó khăn vì thời kỳ bao cấp, muốn từ Tỉnh về Sài Gòn phải sắp hàng ngồi
ròng rã ngoài trời mưa nắng mấy ngày chưa chắc đã mua được một tấm vé xe . Rất khó khăn vì lúc ấy tôi không có việc làm, không có tiền để mua vé xe huống chi là ăn uống , chỗ ở khi trên đó tôi không còn ai thân thuộc- bạn bè thì thất lạc mỗi người một nơi chưa biết được tin nhau sau 1975.
Năm 1979, bà mợ của má tôi( em dâu của bà ngoại ) –là một thành viên trong Ban quản lý HTX.MB đưa tôi vào làm kế toán viên cho HTX. Tôi làm kế toán phụ cho kế toán trưởng Trần Tố Linh , sau đó tôi được cữ đi học khóa đào tạo kế toán của Ty Thương Nghiệp .Ở trường nghiệp vụ kế toán , tôi làm tổ trưởng một tổ chỉ có tôi và An là nam , còn lại toàn nữ. Tôi nhớ những tổ viên nữ là Diệu Hằng , Như Mai , Tố Anh, Đái Thị Hồng Vân , Tú Hương và hai người con gái tôi không còn nhớ tên . Có hai giảng viên dạy chúng tôi là thầy Hùng và một cô giáo trẻ , xinh đẹp tên Đổ . Ở một tổ quá nhiều nữ , nên tôi và An giống như “ guom lạc giữa rừng hoa “ thường được những bông hoa đẹp chiếu cố nhiều hơn . Nhất là tôi , vì An nhỏ tuổi lại lóc chóc . Đêm nào tôi với Diệu Hằng cũng ngồi nói chuyện tới khuya ngoài sân trường nghiệp vụ , nói chuyện bâng quơ chứ thực ra cũng không có gì . Nếu không nói chuyện với Diệu Hằng thì tôi lên phòng cô Đỗ nói chuyện với cô về miền Bắc quê hương Hà Nam Ninh xa lắc xa lơ của cô. Trong những bông hồng trong tổ , có ba người đẹp nhất đều người Tàu :là Hồng Vân , Tố Anh và Diệu Hằng- tôi thường gọi đùa :ba bông hồng Trung Hoa. Giữa khóa học Hồng Vân – Tố Anh xuất cảnh theo diện người Hoa .
Ra trường , về lại HTX.MB được một thời gian ngắn thì tôi lên làm Kế Toán Trưởng thay thế Trần Tố Linh ( cũng là bông hồng Trung Hoa )xuất cảnh sang Mỹ .Lúc đó , giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc , nên những người Hoa bị nhà nước bắt buộc rời khỏi Viêt Nam . Diệu Hằng cũng là người Hoa , nên đành phải ra đi . Trước ngày Diệu Hằng xuất cảnh, Hằng tìm gặp tôi từ giã .Tôi chỉ biết chúc Diệu Hằng được bình an nơi xứ lạ quê người . Đôi mắt Diệu Hằng đỏ hoe nhìn tôi một hồi lâu rồi lặng lẽ chạy đi .Từ đó, tôi không còn tin tức của ba bông hồng Trung Hoa xinh đẹp nữa – họ như những cánh chim trời bay đi không bao giờ trở lại .
( còn nữa )