Tuesday, February 22, 2011

Hồi Ký Linh Phương



- Kỳ 41 -



“ Kỷ Vật Cho Em “ như tôi đã nói trong những kỳ đầu tiên của Hồi Ký, đã có những dư luận đánh giá khác nhau về nội dung của nó. Trên website ở hải ngoại có bài viết của một tác giả binh chủng Nhảy Dù cho rằng QLVNCH thất bại trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua Hạ Lào một phần là do bản nhạc Kỷ Vật Cho Em đã làm nản lòng anh em chiến sĩ. Website Văn Tuyển có bài “ Phạm Duy – “ Hữu xạ tự nhiên hương “ Ngọc Thiên Hoa viết : “…Nếu bài ''Bà mẹ Gio Linh'' bị VM cấm như NL nói vì lời bài hát gây tâm lý chán chường cho những người cầm súng miền Bắc thì bài ''Kỷ vật cho em'' phổ thơ Linh Phương của PD cũng gây ''lạnh gáy'' cho phía Quốc Gia khi lời bài hát lại thê thảm hơn cho ngày về của một... thương phế binh: ''Anh trở về trên đôi nạng gỗ. Anh trở về vì đã cụt chân''. Phạm Quang Tuấn trong “Nghệ thuật phổ nhạc của Phạm Duy" nhận xét: “Thoạt nghe qua và nhìn vào nhạc, khó thấy là nhạc bài này hay ở chỗ nào. Nhưng không thể quên được cái tác dụng mà nó gây cho thính giả miền Nam trong thời chiến. Phạm Duy kể là mỗi lần nó chơi ở phòng trà là như có "riot". Tôi còn nhớ khi ở New Zealand bọn du học sinh chúng tôi được nghe băng này, đứa nào cũng bàng hoàng. Thậm chí có người ở miền Nam đã cho rằng bài này là một trong những lý do làm miền Nam thua! Tại sao bản nhạc này lại có một tác dụng mạnh như thế? Ðành rằng lời cũng có ảnh hưởng, nhưng những lời phản chiến như vậy ở miền Nam ngày xưa không phải là quá hiếm”. (tuanpham.org). Nhưng tất cả những bài hát có nội dung trên đều phản ảnh một phần sự thật của một cuộc chiến mang tên “Cuộc chiến chống ngoại xâm (1945 – 1973) và thống nhất đất nước (1973 – 1975)” mà người nhạc sĩ nào có tình quê hương, có lòng trắc ẩn không thể cho qua. Người nhạc sĩ tài năng và có lương tâm dù phục vụ cho một chế độ nào, dưới con mắt tinh anh và tâm hồn đầy chất nhạc trời phú của mình, tất cả những nỗi niềm thống thiết, những số phận không may đã, đang và sẽ được tái tạo qua từng nốt nhạc trong khả năng trời ban cho họ. Nốt nhạc không biết rung động với nỗi thống khổ, buồn vui của nhân loại, nốt nhạc… chết!... Con đường âm nhạc của PD gắn bó với những dòng thơ của bạn bè như cùng nhau chia sẻ những rung cảm: Người thì cảm bằng những nốt nhạc, người thì cảm bằng những lời thơ. Những thi nhân từ những bước đi chập chững, qua nhạc ông đã trở thành những nhà thơ được cả nước biết đến như Nguyễn Bính với ''Cô hái mơ'' (có nơi ghi của Hoàng Giác), Huy Cận với ''Ngậm ngùi'', Cung Trầm Tưởng với ''Tiễn em'', ''Em hiền như masơ'' của Nguyễn Tất Nhiên, “Tây tiến” của Quang Dũng, “Ngày xưa hoàng thị” của Phạm Thiên Thư, "Kỷ vật cho em" của Linh Phương... ”.
Tôi cho rằng sự thất bại của QLVNCH hay “ gây lạnh gáy cho phía Quốc Gia” chỉ là một cách nhìn phiến diện, cách nghĩ thiển cận không thực tế. Chính cách nhìn đó, cách nghĩ đó làm tổn thương những người một thời cầm súng. Chiến tranh là tàn nhẫn, là đau thương -sự thật lại càng tàn nhẫn , đau thương hơn. Chúng ta không được quyền tô hồng, đánh bóng, mỵ người cầm súng bằng sự dối trá. Kỷ Vật Cho Em là sự thật của cuộc chiến, sự thật mà tuổi trẻ ( không riêng gì miền Nam ) phải gánh chịu vì hoàn cảnh lịch sử của cả dân tộc Việt Nam, không ai có thể chối cãi được.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, bao nhiêu mất mát đau thương, bao nhiêu oan khiên đã trút xuống đôi vai người dân hai miền Nam -Bắc.Bao nhiêu gia đình ly tán, bao nhiêu mối tình gạt nước mắt phân ly. Có người phụ nữ khi đọc bài thơ “ Truyền Thuyết “ của tôi :


Lông ngỗng ngày ấy Mỵ Châu trao
Trọng Thủy thầm giấu trong ngực áo
Ba mươi năm ngược xuôi tìm dấu
Thương ” sông dài cá lội bặt tăm (*)”

Hạt lệ hóa thành ngọc biển Đông
Lấp lánh mang nỗi buồn ly biệt
Không thể nào giống như truyền thuyết
An Dương Vương chém chết con mình

Trọng Thủy dang tay níu mối tình
Xa hơn nửa vòng quay trái đất
Mỵ Châu sống êm đềm hạnh phúc
Để tim chàng đau mãi khôn nguôi

Vầng trăng khuya nhỏ máu khóc đời
Mang giấc mơ theo đường lông ngỗng
Truyền thuyết vẫn còn trang để trống
Cho người sau viết chuyện tình xưa

( Linh Phương )
(*) –ca dao


đã nói rằng : “Trong cuộc đời Linh Phương có những mối tình đi qua-mỗi một mối tình ấy ví như mỗi một chiếc lông ngỗng của Mỵ Châu dẫn đường cho anh tìm lại được người xưa “. Tình yêu không có sự chia ly mà tự nhiên như cỏ cây, trời đất vẫn cứ thế nhớ nhau , cứ thế lớn theo từng ngày .Nhưng cũng có những mối tình chết dần , chết mòn giữa binh đao, giữa ngục tù khi câu trả lời chỉ là “ mai mốt anh về “. “ Mai mốt anh về “ có thể rất gần, “ mai mốt anh về “có thể dài đăng đẵng như cuộc chiến tuổi trẻ Việt Nam hai miền tham dự.

Ngày từ giã mái trường, từ giã cặp sách học trò ở tuổi thanh xuân, chúng tôi ra đi với bao ước vọng hòa bình.Tâm hồn chúng tôi như tờ giấy trắng chưa lấm lem vết mực, tay cầm bút trở thành cầm súng, hồn nhiên không chút hận thù. Áo thư sinh thay bằng áo lính,thấy yêu làm sao lúc giã từ mối tình thơ dại học trò.


Trước ngày anh vào lính
Trước ngày anh cầm súng giữ quê hương
Xin cho em nụ hôn thật dài
Nụ hôn như bông hồng rạng rỡ buổi sớm mai
Ơi ! Buổi sớm mai anh chợt yêu đời quân đội
Buổi sớm mai anh thay áo học trò
Buổi sớm mai anh mặc đồ nhà binh
Rồi em sẽ xa anh
Rồi em sẽ nhớ anh
Thôi trước ngày anh vào lính
Hãy ngủ cùng em đêm nay lần cuối cùng
Hãy dã man trên thân thể con gái còn đẹp tuổi hồn nhiên
Hãy ôm em thật chặt
Hãy nói thương em thật nhiều
Trước ngày anh vào lính
Em không tiễn đưa anh bằng nước mắt
Vì em vẫn còn hy vọng
Ngày mai anh vào lính
Ngày mốt xứ sở hòa bình

( TRƯỚC NGÀY ANH VÀO LÍNH -1967 trong tập KVCE )



Những mối tình học trò ấy đẹp vô ngần, tâm hồn thanh niên ấy đẹp vô ngần, ước mơ ấy đẹp vô ngần . Vậy mà chúng tôi phải đau đớn khi mỗi một viên đạn rời khỏi nòng súng của mình. Trò chơi sinh tử lạnh lùng , tàn ác khiến cho xương máu anh em chúng tôi trải dài theo các địa danh khốc liệt. Mấy mươi năm, ai đã đánh cắp tuổi thanh xuân của chúng tôi ?. Mấy mươi năm , bây giờ anh em chúng tôi có người vĩnh viễn nằm yên dưới ba tấc đất, có người mang thương tích tật nguyền phải khổ đau vì cuộc mưu sinh khắc nghiệt để tồn tại phần đời còn lại. Mấy mươi năm những người còn sống bạc tóc hết rồi- sống mà ray rứt mãi khôn nguôi- sống để thấy mình có lỗi với đất nước, với đồng bào thân yêu của mình dù quê nhà hay hải ngoại .Nhìn lại đi cuộc chiến này với một cái nhìn bao dung, nhân ái giữa người Việt Nam với người Việt Nam.

( Còn nữa )