Monday, August 15, 2011

Hồi Ký Linh Phương - Kỳ 46 -







- Kỳ 46 -






Bằng cách nào đó, trong trí nhớ tôi vẫn không quên những con đường, những góc phố Sài Gòn ngày xưa. Ở đó, tôi lớn lên với nhiều kỷ niệm-kỷ niệm một đời người, một đời người là bao nhiêu năm,bao nhiêu lần của mấy mươi năm tôi xa Sài Gòn ? Tôi trở về như một đứa con đi hoang, lạ lẫm từng bước chân tìm lại thời tuổi trẻ của mình.Nhịp đập trái tim Sài Gòn không còn thời sôi nổi của những năm khói lửa, những năm quê hương oằn mình hứng chịu bao đợt pháo kích của hai bên.Nhịp đập Sài Gòn đau nhói nhiều hơn lúc Sài Gòn biết đến không khí chiến tranh bằng đêm đêm hỏa châu cháy sáng vùng ngoại ô, đêm đêm tiếng đại bác ì ầm vọng về. Sài Gòn phòng trà, quán cà phê đã đầy không khí chiến tranh lúc tiếng hát Thái Thanh, tiếng hát Khánh Ly, Nhật Trường với Kỷ Vật Cho Em.Kỷ Vật Cho Em đã đi vào lòng người thật rõ nét chân dung của những người lính cầm súng ra chiến trường.
Những người con gái năm xưa tiễn tôi lên đường đều trở thành đàn bà và những đứa con họ đã lớn, lớn như chúng tôi hồi mặc đồ nhà binh. Những người đàn bà hôm nay, những người bạn gái thời đi học, lưu bút ngày xanh, mộng bướm hồn hoa.Thời bài thơ “ Phượng Sài Gòn “ đăng trên nhật báo Dư Luận .Bài thơ rất dài, tôi chỉ còn nhớ vài đoạn như dưới đây “:





“…Buồn quá anh làm thơ đăng báo
Thương chiều mưa bụi rớt ngoài hiên
Lớp học hôm nào em khẽ bảo
Buồn như thuở ấy chúng mình quen…”

“… Anh ở Kandal chờ di chuyển
Bản đồ nào mang tọa độ Khánh Ly
Và lớp lớp hàng hàng cọp biển
Thề một lời chỉ một lần đi …”





Chúng tôi gặp lại nhau sau mấy mươi năm cách biệt , ngồi ôn lại vui buồn ngày ấy. Những khuôn mặt bây giờ chỉ còn sót lại chút gì đó của Sài Gòn mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông.Tôi nhớ cô bé Hương xinh đẹp có hàng bánh ướt trước cổng trường trung học Trần Quý Cáp mà tôi thường ghé ăn. Không biết tôi mê ăn bánh cuốn của cô bé hay tôi mê cô bé nhỉ ? Hình như là cả hai.Nhưng rồi những cuộc hành quân đã cuốn hút tôi đi mãi…đi mãi trong lửa đạn khốc liệt.
Lần đầu trở về Sài Gòn, tôi hay lang thang trên con đường LVD, ngơ ngác tìm hình bóng ai đó, phảng phất nụ cười buồn Sài gòn đã xa lắc, xa lơ.Lúc ấy, tôi gầy guộc, hốc hác với mái tóc dài , và buông xuôi cuộc đời mình ngần ấy tháng năm cải tạo.Tôi tìm lại màu áo lụa hôm nào, màu áo lụa mà sau này ký ức tôi đã có bài thơ “ Sài Gòn Áo Lụa Hôm Qua “. Hôm qua ! Chao ôi, muốn chảy nước mắt vì hai chữ “ hôm qua “ .





Ngỡ ngàng
nắm lấy bàn tay
Người xưa nay đã
khác ngày xưa xa
Sài Gòn áo lụa
hôm qua
Chỉ còn là giấc
mơ hoa ngọt ngào
Mùa mưa
sân cũ
Trúc Đào
Đành thôi thương nhớ
tình đầu dở dang
Chẳng còn
thu tím
lá vàng
Cho nên
áo lụa Sài Gòn nhạt phai
Thôi thì
cứ nắm bàn tay
Dẫu người xưa đã
khác ngày xưa xa





Màu áo lụa ngày nào , và con đường Duy Tân ngày nào giữa sân trường đại học.Tôi đi tìm màu áo lụa , tìm bờ vai nhỏ nhắn của người con gái bao nhiêu năm trôi qua. Bao nhiêu năm chẳng khác nào chiêm bao, giật mình thức dậy đầu xanh lốm đốm điểm sương. Nhưng thiên hạ trùng trùng biết đâu mà tìm đôi bờ vai của người năm cũ ? Thôi thì chì còn :




Xoè tay buồn
hứng giọt mưa
Sợ rơi lên áo người xưa
phai màu
Xót xa
một mối tình đầu
Vàng như lá úa
hôm nào bên hiên
Phố buồn
vì tại anh quên
Ra đi chẳng hẹn về .
Nên bây giờ
Sài Gòn đứng đó
ngẩn ngơ
Tìm trong thiên hạ
đôi bờ vai em

( Tìm trong thiên hạ đôi bờ vai em )








Tôi đã đứng ngẩn ngơ giữa Sài Gòn tìm màu áo , tìm bờ vai quen thuộc mà ngày đi tôi không hẹn buổi về .Tôi bỗng thương nhớ giây phút ngày xưa, giây phút gần gũi bên nhau . Những giây phút ngắn ngủi mà tôi trân quý vô cùng, tôi mang theo làm hành tranh suốt cuộc hành trình chiến tranh và tù đày của tôi.

Tôi bắt gặp ánh mắt nhìn tôi, ánh mắt u uẩn như quen thuộc lạ lùng .Người đàn bà ngập ngừng hỏi: “ Anh có phải là anh Phương, tiểu đoàn 6 Thần Ưng binh chủng TQLC không ? “. Tôi giật mình thảng thốt. Tôi chợt nhớ ra ánh mắt u uẩn của người đàn bà.” Có phải chị là Vân, người yêu của Lê , tiểu đoàn 4 Kình Ngư? “.” Dạ phải “.Ký ức tràn ngập trong tôi. Người bạn thân đời quân ngũ tên Lê tôi vẫn nhớ như in hôm hai đứa ngồi quán Giao Chỉ đường Võ Tánh. Ngồi uống bia từ 4 giờ chiều đến tối có chương trình nhảy sexy.Hai đứa lầm lì ngồi cho đến khi quán đóng cửa gần 1 giờ sáng. Trong túi không tiền, tôi tháo tấm plaque vàng 18 một lượng giao cho người chủ quán hẹn mai sẽ đến chuộc lại, dù người chủ quán không lấy.Lần cuối tôi gặp Vân là hôm đám tang Lê, nhà mẹ của Lê ở Bình Thủy – Cần Thơ.
“ Chị vẫn khỏe chứ ? “, “ Em khỏe “. “ Cuộc sống bây giờ chị thế nào rồi ?. Người đàn bà lặng lẽ cúi đầu. “ Từ ngày anh Lê chết, em về Bình Thủy ở với má ảnh, dù không cưới xin. Mấy năm trước bà mất, em lại lên Sài Gòn kiếm sống “.” Anh ra sao rồi ? “. Tôi cười.Chị cũng cười. Nụ cười vu vơ đến nghẹn lời, đến đau lòng. Sao chị không khóc, sao tôi không khóc? Đôi khi nước mắt cũng thay những điều muốn nói mà không nói được sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.” Anh Phương sao ở đây?”.” Tôi tìm chút gì còn sót lại ngày xưa chị ạ “.Những đời người, bóng hình ngày xưa, ước mơ đâu đó đã héo khô như phận người.” Trả lại em yêu…con đường Duy Tân cây dài bóng mát…” (nhạc Phạm Duy).
Không ai trả lại cho em, cho anh , cho chúng tôi một quãng đời đánh mất. Quãng đời chưa yêu vì không dám yêu, yêu rồi thì cứ sợ không có ngày về,hay ngày về với thân thể không còn nguyên vẹn, ngày về người không còn là người nữa.
“ Thôi em đi nhé anh “, “ Vâng ! Chị đi “. Người đàn bà mất hút vào biển người mênh mông.Tôi chợt nhớ là chưa hỏi chị ở chỗ nào để có dịp đến thăm và thắp cho Lê một nén nhang . Tôi thật vô tình.

Hộp thư điện tử của tôi bị đánh cấp, thư riêng tôi được gửi đến địa chỉ những người nhận đúng theo mục đích mà kẻ cắp định sẵn. Qua những thư đó, tôi nghi ngờ được kẻ cắp không mấy khó khăn.Sự độc ác của con người thật dễ sợ, thủ đoạn, lạnh lùng ,vô cảm. Tôi bất ngờ, hụt hẫng trước sự việc xảy ra. Tôi cố tin rằng chỉ là chiêm bao, hành động không thể là hành động người tôi tin tưởng-người thân thiết đã cùng qua những ngày bão giông trong cuộc đời tôi.Đêm đó, tôi thức suốt đêm, cố gắng tìm cách phục hồi lại hộp thư bị mất. Lúc ấy, đúng 3 giờ sáng. Tôi vào mục “ thư đã gửi “ có 5 thư gửi đi .Tôi xóa tất cả thư còn lại, vì tôi hiểu hộp thư này sẽ tiếp tục bị đánh cắp Và tôi xác định được thủ phạm.khi vào mục những người lạ đăng nhập . Mắt tôi như mờ đi trước dòng chữ hiển thị nơi đăng nhập.Nghi ngờ không còn nghi ngờ , thực sự là như thế ,chính xác là như thế. Đúng như tôi đoán , hôm sau tôi không còn mở được hộp thư mà suốt đêm qua đã phục hồi.Tình cảm riêng tư của tôi đã không còn gì, tấm gương vỡ lại vỡ thêm nhiều mảnh. Người càng xa người hơn.Kẻ làm điều ác, hả hê đến nhẫn tâm với những gì đạt được, liệu có giây phút nào ân hận không ? Có giây phút nào nhận ra mình sai lầm không ? Hãy để tòa án lương tâm trừng phạt họ mà thôi.

Quá khứ đã trở thành kỷ niệm, tình yêu trở thành kỷ niệm và chỉ còn trong ký ức xa xăm thời chiến tranh khói lửa.Kỷ niệm một thời thương yêu, kỷ niệm là có thật không là huyền thoại. Đã đến với nhau một lần, một lần thôi hết một đời. Dù quá khứ hay hiện tại thì tình yêu cũng sẽ vĩnh cửu trong trái tim mỗi người. Đừng để nụ cười vu vơ mãi đau lòng nhau nhé những người đàn bà thương yêu tôi.Sống là tha thứ, bao dung, là mở rộng lòng để đón nhận những gì mà thượng đế phân phát cho mỗi người chúng ta.





( còn nữa )