Sunday, August 29, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 15 -


- Kỳ 15 -


Đầu thập niên 70, Kỷ Vật Cho Em đã như một hiện tượng văn học nghệ thuật nổi bật thời bấy giờ. Trong sinh hoạt ca nhạc cũng như thi ca, thì Kỷ Vật Cho Em đã nói lên những bi thảm của cuộc chiến tranh Việt Nam, cái bi thảm mà tuổi trẻ thế hệ chúng tôi phải chấp nhận. Có nhiều ý kiến không đồng nhất xoay quanh Kỷ Vật Cho Em, tiêu biểu là 2 luồng dư luận khác nhau như : 1 - Kỷ Vật Cho Em mang nội dung chủ bại, gây hoang mang trong hàng ngũ quân lực VNCH.
2- Kỷ Vật Cho Em tích cực , đã nói lên sự thật mà những người cầm súng phải đối diện với sự thật đó Chấp nhận nó như là định mệnh, để chiến đấu vì quê hương , vì Tổ Quốc Việt Nam thương yêu.
Tôi nghĩ chủ bại hay tích cực ở mặt nào đó thì cũng đã nói lên được tư tưởng của mỗi con ngườiở Miền Nam Việt Nam . Và tuổi trẻ chúng tôi ra mặt trận cũng vì những tư tưởng thiêng liêng, cao cả ấy. Thiết nghĩ hãy để cho mọi người phán xét, chấp nhận hay loại bỏ KVCE ra khỏi sinh hoạt ca nhạc, sinh hoạt văn học và sự yêu mến của công chúng từ đầu thập niên 70 cho đến bây giờ .

Lúc ấy, Miền Nam Việt Nam có hai đài phát thanh : Đài phát thanh Sài Gòn và đài phát thanh Quân đội song hành với nhau. Đài phát thanh Quân đội có “ Chương trình Dạ Lan” dành riêng cho anh em quân nhân trên bốn vùng chiến thuật .Em gái hậu phương Dạ Lan chuyên trách đọc thư, trả lời thư , chọn những bài hát ,động viên, an ủi tinh thần chiến sĩ trên khắp nẻo đường đất nước .” Chương trình Dạ Lan “ mà nhân vật chính không phải là một người., chương trình bắt đầu từ năm 1963 đến ngày 29 tháng 4 năm 1975 thì chấm dứt.. Dạ Lan là tên chung của chương trình , sau trở thành tên riêng của hai người đều mang tên Lan, đều có giọng nói giống nhau, không ai phân biệt được . : 1- Hoàng Xuân Lan( Dạ Lan 1 ) làm việc từ 1963 đến 1966 thì chuyển về làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh Đà Lạt., hiện còn ở Việt Nam. 2- Hồng Phương Lan ( Dạ Lan 2 ) làm việc từ 1963 đến ngày 29/04/1975, hiện ở Mỹ ( South Carolina ), còn có tên Mỹ Linh trong các chương trình nhạc trẻ, nhạc yêu cầu, nhạc thời trang trên đài phát thanh Quân đội ..Ngày xưa, mỗi lần nghe Dạ Lan nói hay kể chuyện, giọng của Dạ Lan dịu dàng, ấm cúng khiến cho anh em quân nhân vơi bớt phần nào những vất vả, nhọc nhằn của đời lính mà cái chết đến với họ không biết lúc nào.
Kỷ Vật Cho Em lúc ban đầu cấm, nhưng sau đó thì được cho hát bởi anh em quân nhân rất thích nghe ca sĩ hát bản này trên đài phát thanh cũng như nơi tiền đồn . Phải nói chương trình Dạ Lan và Kỷ Vật Cho Em đối lập với nhau khi nói về hình tượng của người lính, nhưng cả hai đều được công chúng yêu thích .

Những câu chuyện tình thời chiến luôn luôn là nỗi ám ảnh, bi thương khiến cho tuổi trẻ chúng tôi luôn day dứt, dù cuộc chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm. Nhưng những hệ lụy của cuộc chiến tranh vẫn còn đó, những câu chuyện tình dang dở vẫn còn đó .Như câu chuyện tình mà T.T Nguyễn Văn Vinh -Nha Kỹ Thuật đã kể : “Tôi nhớ lại năm xưa, có lần trước ngày lên đường công tác, tôi lái xe đưa một nhân viên của tôi đến thăm lần cuối người bạn gái, hay nói đúng hơn, một người yêu, có nhà ở hẻm xứ Bùi Phát, trên đường Trương Minh Giảng, nay đổi tên là Lê Văn Sỹ. Ðến nơi, người thanh niên ấy vội vã bước xuống xe như muốn tận dụng những giây phút ngắn ngủi và quý báu còn lại... Khoảng 10 phút sau, anh trở ra với người bạn gái đi theo tiễn chân, trên tay anh còn mang một gói quà nhỏ mà tôi đoán chắc đó là quà kỷ niệm của người yêu. Họ nhìn nhau, mắt đẫm lệ, và tôi chỉ biết im lặng cảm thông nỗi buồn chan chứa đang xâm chiếm 2 tâm hồn... Xe chạy được một quãng đường, người thanh niên ấy quay nhìn tôi, vừa nói vừa mở món quà : “Ðây, anh xem, quà cô ấy tặng em”. Tôi liếc nhìn, thấy một nắm tóc thề được gói trong một chiếc áo lót. Cả hai chúng tôi đều im lặng trên đường về trại.
Lần khác, một nhân viên của tôi cũng sắp lên đường, anh đến gặp tôi và trao cho tôi một chồng thơ khá dày đã đề bì sẵn và nói : “Anh Dũng, anh biết em là con một, em đi nhưng em đã không dám nói thật với mẹ em. Vì vậy, em nhờ anh mỗi tháng đến thăm mẹ em và trao cho mẹ em một bức thơ này, nói là em đang đi học ở ngoại quốc gửi về để mẹ em yên tâm”.
Tôi xúc động nhìn người thanh niên ấy với tất cả lòng yêu thương và mến phục. Tôi đã nhận thơ anh giao và hàng tháng, tôi đã đến thăm mẹ anh và trao cho bà quả phụ ấy bức thư của con bà... Nhưng đau đớn thay, lá thơ cuối cùng của anh đã được trao mà “khóa học” của anh vẫn chưa mãn.
Hai nhân viên mà tôi vừa kể trên đây, cả 2 đều trở về từ cõi chết, một anh hiện đang sống ở Cali, đó là anh Lâm, em ruột của anh Nguyễn Ngọc Trâm, còn người kia, trước ngày tôi rời Saigon, anh ấy đang vất vả hành nghề thợ mộc ngoài Vũng Tàu…”

Nỗi buồn của cuộc chiến tranh sẽ không bao giờ quên trong ký ức của những người sinh ra và lớn lên trong thế hệ này. Tuổi trẻ thế hệ chúng tôi có người phải vĩnh viễn mất đi một phần thân thể của mình, có người ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại với gia đình, với những người thương yêu của mình . Sự thật như thế nên khi tôi viết bài thơ “Để trả lời một câu hỏi “ sau đổi thành “ Kỷ Vật Cho Em “ là viết lên sự thật mà tuổi trẻ chúng tôi phải đối diện và chấp nhận . “ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu .Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi “. Viết lên sự thật phải chăng là chủ bại, là hèn nhát, là có tội với Tổ quốc , với cuộc chiến tranh mà tuổi thanh niên chúng tôi tham dự chăng ?


Xe ngang Xuân Lộc càng thêm nhớ
Năm xưa ta bỏ lại một người
Khép mắt ngủ yên ngày thất thủ
Thị trấn buồn phủ kín khăn sô

Giặc giết em khi ta được lệnh
Theo đoàn quân về giữ Sài Gòn
Gạt lệ lên đường vào cuộc chiến
Thương xác bạn tình không ai chôn

Trời đất quay cuồng trong căm giận
Mất em ta mất cả quê nhà
Thủ đô ai cắm cờ tang trắng
Để hồn ta đau mãi chưa nhòa

Xe ngang Xuân Lộc càng thêm nhớ
Em chết lâu rồi không mộ bia
Xương tàn cốt rụi còn đâu nữa
Ta khóc đời ta cứ cắt chia

( Xuân Lộc – thơ Linh Phương )


- ( còn nữa ) -

Friday, August 27, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 14 -


- Kỳ 14 -


Năm 1995, nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành tập thơ “ Lời Tự Tình Phương Đông “ của tôi( bìa họa sĩ Lưu Nhữ Thụy , phụ bản họa sĩ Lê Triều Điển , Nguyễn Thuyên . Lời bạt nhà phê bình lý luận văn học Hoài Anh , tựa nhà văn Sơn Nam ), trong tập thơ này đa số là những bài viết cho Cẩm Thuyên như “ Căn nhà sàn rung rinh gió thổi “; “ Ghé thăm người dưới mộ “; “Lời Tự Tình Phương Đông “; “Lời ru cho búp bê “; “Ngôi mộ bên đồi “; “Nén hương cho hai ngôi mộ “; “ Kinh Hồng “; “Một ngày ở phương đông “; “Thức dậy búp bê ơi ! “…Đó là định mệnh , như tôi đã nói trong những dòng hồi ký trước. Tôi không oán trách bất cứ ai, không hận thù dù biết cái chết đó do cái gì, tại sao ? Sự tàn nhẫn của chiến tranh, sự vô luân của chiến tranh, đó là tất yếu của chiến tranh. Như lời bạt của nhà lý luận phê bình Hoài Anh đã viết khi đọc thơ tôi : “Đọc thơ Linh Phương tôi như lạc vào một màn sương mù : do dự mà cả quyết, nghi ngờ mà tự tin, nồng nàn mà lãng đãng. Đó là vũ trụ của những cái có thể, những cái hình như, những cái chưa định. Phải chăng đó cũng là cảnh giới Bất nhị, lưỡng phân nhưng vẫn từ Thái nhất mà ra. Nếu như nhà thơ trước đây kêu” Gần hơn thế nữa vẫn còn xa lắm “, thì Linh Phương lại muốn xa mặt đi để càng gần lòng hơn. Vì thế nên ta gặp ở đây một lối thơ hình thức thì phương Tây nhưng nội dung thì phương Đông, như tác giả đã đặt tựa đề cho tập thơ Lời Tự Tình Phương Đông.







Nếu phương Đông có niềm tin “ Thác là thể phách, còn là tinh anh “ thì Linh Phương nói chuyện với người đã chết như nói với người đang sống, vì tin rằng chờ xem sẽ thấy hiển linh bây giờ “. Nếu phương Đông có cách gửi tình u ẩn như một nỗi niềm thiên cổ thì Linh Phương ngỏ tình với người đang yêu như ngỏ tình với những tình nhân “ chờ em từ muôn kiếp trước “. Anh muốn nối quá khứ với hiện tại, đồng thời dự tưởng tương lai : Anh không tin rằng có “ những phép mầu hóa thân từ cái chết đến sự hồi sinh “…
Có phải cái một thoáng ấy cũng là một “ sát na “ của vũ trụ biến đổi vô thường, chỉ đem cái tâm bất biến mới cảm nhận được bằng “ tâm thức”.Một dũng cảm của thái độ phá chấp cũng đòi hỏi một sự hy sinh lớn lao “ Như ta đã treo cổ số phận mình trong thơ. Khi nàng Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường tự vận “, có khi thân phải chết đi để cho tâm sống lại, đó là cổ tích đời thường, cổ tích của ngày hôm nay và mai sau, bởi thiên nhiên vẫn là cái thường hằng vĩnh cửu , ” Chút trời thơ mưa ngọt. Buồn em nở đòng đòng “, thiên nhiên bao dung như lòng mẹ, nhật thực rồi đến nguyệt thực ,chia ly rồi đến đoàn viên…


LỜI TỰ TÌNH PHƯƠNG ĐÔNG


1*
Cẩm Thuyên ngồi co ro như con mèo mắc mưa
Trong căn nhà sàn rung rinh tựa tàu lá chuối phất phơ trước gió
Bên bếp than hồng
Con Cẩm Thuyên như chú chuột bạch dễ thương
Như con cún nhỏ lăng xăng trong bụng mẹ
Rồi mùa thu cuối cùng
Bắt đầu cho ngày mùa đông
Những con chim lười cũng vội vàng bỏ tổ
Cẩm Thuyên cũng vội vàng xuôi tay nhắm mắt
Thật lạ lùng
Phải chăng em vừa mới hát ?
Tiếng bay cao về một phương trời
Tiếng vang xa về một cõi nào
Không phải oan hồn
Chẳng phải yêu ma
Mà ám ảnh quanh ta vĩnh viễn
2*
Hỡi Cẩm Thuyên
Hỡi quả na
Hỡi dòng máu đỏ
Cho ta nhìn ngực nàng màu hoa thạch thảo căng đầy nhịp thở
Cho ta vẽ lên ngực nàng đóa hồng vừa nở
Đóa hồng thương yêu rạng rỡ
Hỡi hươu –nai-hoẵng trên rừng
Các ngươi sợ cây ná, cây tên của người săn thú
Còn Cẩm Thuyên sợ loài người hung dữ
Vì Cẩm Thuyên hiền như tu nữ
Vì Cẩm Thuyên thuần khiết như Ma Soeur
3*
Hỡi con suối chảy thờ ơ
Hỡi ngôi mộ thơm mùi đất mới
Hãy nghe bước chân ta trở về
Hãy nhìn ta bẻ gươm dũng sĩ
Hỡi những bẩn chật-ích kỹ và bạo tàn
Hỡi những thù ghét-nhỏ nhoi-man rợ
Hỡi những quả na
Hỡi những trái phá
Hãy nghe Cẩm Thuyên hát như sơn ca khi buổi sáng mai nàng dậy trễ
4*
Hỡi những con chuột-con cún chết trong bụng mẹ
Hỡi những con chuột-con cún nằm trong bụng Cẩm Thuyên chưa đẻ
Hỡi những con chuột-con cún biến thành đất-thành đá
Hỡi những xương thịt
Hỡi những giọt máu kết tinh
Những thương yêu
Những giao thoa tượng hình-tượng bóng
Cho con
Cho con
Hỡi những con chuột-con cún chết trong bụng mẹ
Hãy nhìn ta tươi cười
Hỡi các con vô tội
Hỡi các con chết mà chẳng oán hờn
Hỡi cây thánh giá khẳng khiu
Hỡi cha xứ cầu kinh ru ngủ
Hãy thắp hương cho nàng
Hãy thắp hương cho mẹ con Cẩm Thuyên
Hãy cắm hoa trên ngôi mộ còn xanh cỏ dại
5*
Ôi ! Ta muốn khóc cho em tỉnh lại
Cho chuột con-cho cún nhỏ hồi sinh
Cho bẩn chật, ích kỹ và bạo tàn
Cho thù ghét rơi vào vực thẳm
Ôi Ta muốn chết cho em được sống
Cho chuột con-cho cún nhỏ vui đùa
Cho ta nhìn bụng em tròn ủm như chiến nón sắt ngày xưa
Dũng sĩ đội theo cuộc trường cjhinh gian khổ
Hỡi Cẩm thuyên
Hỡi quả na
Hỡi dòng máu đỏ

Khi gõ trên bàn phím bài thơ này tôi đã chảy nước mắt hồi tưởng lại những gì của ngày hôm qua. Tôi biết ở một thế giới nào đó Cẩm Thuyên vẫn còn sống, tôi tin vào điều đó cũng như tôi đã từng tin vào cuộc đời này . Tôi tin “ thác là thể phách, còn là tinh anh “ . Tôi tin cuộc sống không có sự kết thúc mà là sự mở đầu ở một nơi khác, ở một kiếp khác . Em đã đi trong kiếp nhân gian này bằng những bước chân đau đớn làm người, để rồi người ta cướp mất quãng đời thanh xuân hoa mộng của em, và của con chúng mình chưa biết khóc cười . Thì ở nơi khác , em sẽ bay đi , con chúng mình bay đi bay đến chân trời không có hận thù , chỉ có thương yêu - hồn nhiên - hạnh phúc .
Tôi cũng hồi tưởng ngày hôm qua , ngày mà tuổi thanh niên của tôi, của những người thanh niên sinh ra thế hệ này với bao ước vọng trong lòng, đẹp lắm, hồng lắm, trong veo lắm,hiền lành lắm . Như một bài thơ tôi đã viết


“Chúng tôi ra đi từ tuổi 15-16
Cầm súng chẳng hiểu tại sao ?
Mỗi viên đạn rời khỏi nòng súng là mỗi vết cứa vào trái tim non dại vẫn còn mơ ngoài cánh đồng – những con cánh cam – những con chuồn chuồn – những con cào cào – châu chấu.
Chúng tôi chẳng hiểu tại sao ?
Tuổi thơ mình bị đánh cắp”.


Cầm súng lên đường ra mặt trận với một tâm hồn nhân bản, hoài vọng khát khao cháy bỏng cho ngày hoà bình . Nhưng than ôi ! Tuổi thanh niên của tôi, của tuổi trẻ Việt Nam đã lụi tàn vì cuộc chiến, vì tù đày, vì ước mơ không bao giờ trở thành hiện thực.


( còn nữa )

Thursday, August 26, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 13 -


- Kỳ 13 -



Tôi đã đi qua nhiều ngọn núi, khu rừng, con suối, cánh đồng, dòng sông bất kể ngày đêm, mưa nắng.Lúc ở Bình Long, khi Tây Ninh, Chương Thiện, Cần Thơ, mật khu Mây Tào hay Krek ( Kampuchea ). Nơi nào, ở đâu những tờ thư của Thương Mặc Uyên cũng đều theo tôi với bao nhớ nhung dài theo thời gian, dài theo con đường đất nước mà buớc chân tôi đặt đến.Như cánh chim giang hồ bay mịt mờ trong sương gió , khói lửa, đạn bom . Thời gian cứ kéo dài theo cuộc chiến triền miên, thư Thương Mặc Uyên cũng thưa dần rồi biến mất. Tôi không hiểu lý do tại sao và cũng chẳng muốn tìm hiểu làm gì khi cái sống và cái chết cách nhau một lằn ranh mỏng manh như sọi chỉ .Vả lại , chúng tôi chỉ là tri kỷ, tâm đầu ý hợp trong thơ văn chứ không hẳn là tình yêu trai gái. Tôi có nguyên tắc sống để làm người, bất di bất dịch. Không thể níu kéo được gì một khi quay lưng thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại . Trong tình bạn tri kỷ hay trong tình yêu cũng không ngoại lệ. Những gì tha thứ được thì tha thứ , người đàn ông luôn luôn đứng trên phụ nữ . Người đàn ông phải bao dung tha thứ mọi lỗi lầm cho người phụ nữ, bởi vì họ luôn luôn nhỏ bé trước một người đàn ông . Và một khi tôi đã bước đi rồi , thì chẳng hề có ngày trở lại nữa . Tình yêu với tôi là một điều thiêng liêng, yêu người nào đó tôi luôn luôn yêu hết lòng , hết dạ, dù họ cư xử với tôi có được “ tử tế “ hay không, tôi vẫn tôn trọng cái tình yêu đó. Nhưng đã dứt khoát rồi, dù cho có đau lòng cách mấy thì cũng đành hẹn kiếp sau thôi.

Cuộc chiến tranh càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn, biết bao mối tình bi thương trong đạn bom khói lửa. Ngày trở về của người quân nhân phải chăng là những phế nhân tật nguyền một phần thân thể , là hòm gỗ cài hoa, là trên những chiếc trực thăng sơn màu tang trắng, là những chiếc băng ca, là những tấm poncho gói xác những người thanh niên thế hệ của chúng tôi ra đi khi ước mơ đầy ắp trong tâm hồn còn xanh, chưa biết hận thù, bàn tay học trò chưa hề vấy máu. Tuổi trẻ chúng tôi thường tự hỏi tại sao phải như thế, tại sao anh em mình lại phải đánh nhau, phải giết nhau vì yêu quê hương, Tổ quốc Việt Nam. ?
Không hẳn những người cầm súng chiến đấu mới bi thương mà những người ở phía sau mặt trận vẫn chịu cảnh ly tan, cách biệt bao mối tình trai gái, vợ chồng, cha mẹ anh em.
Tôi cũng không thoát được thảm cảnh ấy, một mối tình đau thương mà tôi không thể nào quên trong ký ức của mình. Mối tình với một người con gái tên Thuyên, bao năm trời trôi qua vẫn sống , dù xương đã tàn, cốt đã rụi . Trong một bài về tôi đăng trên nguyệt san Phản Kháng , V.KH . đã viết : “Trong nỗi đau ngọt ngào quặn thắt, có phải Cẩm Thuyên đã trở về trong căn nhà sàn rung rinh gió thổi. Có phải Cẩm Thuyên trở về từ ngôi mộ, từ thế giới không còn hận thù, không còn chiến tranh, với đêm B.52 không còn rung chuyển bầu trời, với đêm đại bác không còn vượt trùng trùng núi non rừng thẳm làm giật mình, tỉnh giấc con Cẩm Thuyên. Đứa con vừa tượng hình đã biết thành đất, thành đá…Bụi đỏ, rừng xanh, cỏ cây, mặt trời, núi non, suối chảy đã chứng kiến ngày Thuyên trút hơi thở cuối cùng trên quê hương khốn khó của nàng. Từ đó Cẩm Thuyên đã đi vào thế giới thi ca Linh Phương. Như buổi mai nào, khi tiếng kèn đồng sang sảng thúc giục những bài chiến ca khổ nhục…Chàng sống trong đau thương để làm thơ, sống trong kỷ niệm buồn để làm thơ. Thơ là nước mắt, là hạt lệ khô, là máu tim chàng kết tinh vì tình yêu và hạnh phúc không bao giờ đạt được….( 1972 )”.

Trong chùm thơ 23 bài trước 1975 đăng trên website Gió –O , tôi có những bài thơ viết cho Cẩm Thuyên như :
Căn nhà sàn rung rinh gió thổi

Ở đó
Căn nhà sàn rung rinh gió thổi
Căn nhà rung rinh như buổi sáng mùa đông
Thuyên ngồi co ro nướng bánh cho lũ em ăn đi học

Ở đó
Con chó già lờ đờ đôi mắt chờ ngày sương mù buốt giá rồi lặng lẽ nằm chết

Ở đó
Cục xà phòng anh mua tặng vẫn còn y nguyên
Bởi Thuyên thật lười biếng giặt đồ
Bởi Thuyên thật lười biếng phơi áo quần trước cửa
Và nhiều thứ khác
Những thứ gì anh đâu nhớ hết
Phải không Thuyên?
Phải không Thuyên?


“ Ghé thăm người dưới mộ “

Về ghé thăm em thật tình cờ
Vẫn khoanh tay ngồi dáng buồn so
Ứa nước mắt nói rằng anh nhớ
Chắc chết như vầy quá đi thôi !

Em cúi đầu vội hái cành khô
Buổi sáng còn đong chút sương mù
Tặng anh chiếc lá thơm mùi tóc
Chiếc lá rừng xưa ngủ giấc chờ

Cũng ví đời em anh áo xanh
Năm ba bảy lượt tỏ ngọn ngành
Mai sớm xuống đồi anh lượm củi
Đốt cháy dùm em ngọn lửa tình

Cũng ví đời anh rất muộn màng
Chắp tay quỳ gối khóc ăn năn
Rồi em xa hẳn- em xa hẳn
Một thế kỷ dài-một trăm năm

Về ghé thăm em dưới mộ buồn
Giận trời anh giận thấu tủy xương
Thấy trực thăng bay lòng muốn bắn
Nhưng ngại miệng người anh sát nhân.

( còn nữa )

Tuesday, August 24, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 12 -



- Kỳ 12 -

Năm 1967, Lâm Quốc Trung ( Trúc Quân ) Chủ bút ; tôi làm Thư ký toà soạn tuần san Tinh Hoa Nữ Sinh do nhà văn Nguyễn Thạch Kiên làm Chủ nhiệm . Trong tờ tuần san này , tôi viết hai truyện dài là : “ Vòng Tay Nước Mắt “ ký tên Linh Phương ;“Mười Tám Tuổi Buồn “ ký tên Đoan Hà . Toà Soạn báo được đặt tại nhà in Thanh Long đường Võ Tánh Quận 1 Sài Gòn . Thời gian làm báo , tôi và Thương Mặc Uyên ( Lâm Thị Việt Nữ) nhóm Cung Thương Miền Nam ( trong đó có Mây Viễn Xứ- Nguyễn Lệ Tuân ) quen nhau rồi thân nhau, coi nhau như tri kỷ .
Tôi vừa là Thư Ký toà soạn, vừa sửa morasse ( còn gọi là thầy cò ) cho tuần báo Tinh Hoa Nữ Sinh, cũng vừa sửa morasse cho nhật báo Tiếng Việt ( thỉnh thoảng tôi viết một vài bài về nghệ sĩ sân khấu ) tại đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn .Thời đó, chưa có máy vi tính. Thay vào đó là vô số chữ nhỏ li ti bằng chì , đựng trong những hộc nhỏ bằng gỗ theo thứ từ a,b,c,d… Người thợ sắp chữ cầm trên tay một khung gỗ nhỏ , nhanh nhẹn bóc từng con chữ bỏ vào khung , mắt liếc vào mầu giấy bài viết để phía trên hộc Sau khi dàn trang xong, người ta mi ra từng bản in để cho người sửa morasse sửa lỗi chính tả trước khi đưa lên máy in thực thụ .
Điều tôi nhớ nhất là tính tỉ mẩn của Kim Nhị, đã lưu giữ những hình ảnh, bản vỗ sửa bài vở lúc chưa in thành báo, cũng như Nhị đã giữ được mẩu giới thiệu nhóm Văn nghệ Hoa Đông Phương do tôi làm trưởng nhóm , cắt ra từ tờ nhật báo vào năm 1965 và tặng lại tôi vào năm 2006 khi tôi và Kim Nhị gặp lại nhau sau 32 năm.Trong thư gửi tôi Kim Nhị viết :

“…Vẫn nhớ đến anh, nhưng công việc và sinh kế cuốn hút em tạm thời quên tất cả, mãi đến khi em thấy ảnh nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Linh Phương trên báo Thanh Niên ra ngày 06.02.2006 , em mới gọi phone cho Uyên Thanh Thảo báo tin.
Em nhớ rất rõ, em và nhóm Văn nghệ Sóng Trùng Dương đi hát giúp vui và em bàng hoàng khi một vị Thiếu Tá gặp em đã nói : “Có người hỏi cô có phải là Lương Kim Nhị không ? “. Lần gặp anh lúc đó vui mừng, cảm động không xiết, Linh Phương tặng cho Kim Nhị 2 quyển đặc san do Linh Phương Chủ trương biên tập. Rất tiếc, em không còn giữ- xin lỗi anh, vì cho bạn mượn, sau 1975 em không liên lạc được. Ở nơi này không tiện nói nhiều, em theo bạn bè văn nghệ ra về, trong đầu em vẫn còn hình ảnh của anh.
Ngay ngày hôm sau, em mua một số vật dụng cá nhân, một mình chạy xe PC qua con đường đất đỏ bụi mù với đoàn xe GMC chuyển bánh. Đến nơi thì anh đã lên đường, bàng hoàng rưng nước mắt quay về nơi làm việc mà tâm trạng âu lo đủ thứ…






Em nhớ những ngày cùng nhau đến trường Bồ Đề sôi sục đấu tranh, nhớ những buổi trưa hè nắng đổ lửa trường đai học Văn Khoa thăm các anh chị em thương tích đầy người , nằm dưới đất mà nghe lòng mình chua xót, nhớ vòng tay nối liền trong đêm lửa trại. Những tà áo trắng, những ánh mắt hờn căm trong đêm đã nung chí chúng mình và những bài thơ đăng báo bị đục bỏ vì kêu gào chiến tranh…Những lúc tháp tùng xuống đường khi thầy Thích Quảng Đức tự thiêu, mắt cay sè vì lựu đạn cay, tụi mình đã chảy nước mắt của thời áo trắng mộng mơ.
Anh, trong nhóm Văn nghệ Hoa Đông Phương của tụi mình, đếm trên đầu ngón tay còn được ai ? Mỗi đứa một phương trời trôi giạt , tính từ thời điểm lập nhóm tháng 10/1965 đến nay em còn giữ được kỷ niệm này là 41 năm ( Giới thiệu Văn nghệ Hoa Đông Phương ). Và khi anh làm Thư ký Toà soạn Tuần san Tinh Hoa Nữ Sinh năm 1967 thì Kim Nhị còn giữ được hình ảnh, bản sửa bài khi chưa lên khuôn.
Biết được tin tức của anh, em mừng quá nên nói lung tung , không đầu đuôi, đừng chấp em nhé, văn chương chữ nghĩa bay mất rồi. Tóc đã muối tiêu, con cái em đã trưởng thành. Như Kim Sính, Phượng đã có dâu rể, cháu nội, ngoại. Còn em thì được hai con; một gái sinh năm 1979, một trai sinh năm 1982 – con trai em hiện du học ở Thụy Sĩ, chưa lập gia đình, em còn phải lo cho chúng nó. Làm cha cũng là em, làm mẹ cũng là em, làm bạn cùng con cũng là em, tất cả lo toan đã làm em oằn vai, buơn chải nuôi hai con đến ngày nay, hai con là điểm tựa của em đó
…( 29/05/2006 )”.
Chúng tôi , mỗi người đều có một cuộc đời riêng, dù khổ đau hay hạnh phúc cũng là cuộc đời , sau mấy mươi năm cách biệt vì chiến tranh, tù đày trên chính quê huơng của mình . Hội ngộ , ngồi bên nhau , ôn lại cuộc chia ly không ai biết trước nó dài đăng đẳng 32 năm trời . Bồi hồi, xúc động không sao tả xiết , nhưng qua cuộc bể dâu , có còn chăng là những câu thơ bật máu từ môt trái tim cho một trái tim mà thôi .

KIM NHỊ 1

Không nhìn thấy anh- mặt trời chưa khép bóng- em lẻ loi đứng khóc một mình.
Cầm trên tay một bông hoa nở giữa vòng thép gai chiến tranh- chiến tranh xô giãt đời anh rời khỏi em- rời khỏi nụ hôn buồn ướt đẫm đôi môi- đỏ rực màu hoàng hôn- xanh xao đợi chờ khoảnh kắc chia ly.
Trời ơi ! Cái khoảnh khắc chia ly- ai ngờ đâu dài đăng đẵng ba mươi hai năm không một lần hội ngộ- không một lần kịp gọi tiếng nhị thương yêu.


KIM NHỊ 2

Tháng sáu Sài Gòn-mưa- hàng cây bên đường bây giờ già hơn năm 1974.
Nhị không còn trẻ khi gặp lại anh- dấu chân chim úa sầu cuối đuôi con mắt người phụ nữ hai con- bươn chải giữa chợ đời trăm cay nghìn đắng.
Thênh thang tuổi xế chiều- anh như con chó già chờ chết bên ngưỡng cửa cuộc sống- vẫn còn say đắm yêu em – yêu em sợ không kịp yêu trước ngày nằm xuống cùng đất đá- cỏ cây- hoa lá- mặt trời
.

VÀ SÀI GÒN

Anh muồn hôn đôi bàn tay mềm mại của em- đôi bàn tay Sài Gòn- sáng mai lên xe trở về tỉnh lỵ.
Đêm cuối cùng- nhị không đến- nỗi buồn theo anh mọc rễ trong trái tim mang mầm mống bệnh ung thư.
Anh muốn hôn đôi bàn chân của em-đôi bàn chân cùng anh đi khắp đoạn đường khói lửa- gian nan- chừng đó tháng năm áo trận bạc màu sương gió.
Đêm cuối cùng- nhị không đến- anh đau đáu đợi chờ.

( còn nữa )

Sunday, August 22, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 11 -


- Kỳ 11 -




Sáng hôm đó, chúng tôi bị còng tay đưa lên một chiếc xe jeep cảnh sát, chạy đến Văn phòng Quận Trưởng . Lần này , ngoài vị Quận Trưởng còn có một người mà tôi không biết ông ta là ai . Chúng tôi lại bắt đầu tranh luận xoay quanh vấn đề chống chính phủ với người đàn ông lạ này. Sau hai tiếng đồng hồ tranh luận, vị Quận trưởng ra lệnh cho những người cảnh sát chìm đưa chúng tôi trở về Trung tâm Cải huấn. Trước khi lên xe , ông ra lệnh cho cảnh sát không được còng chúng tôi và trên đường về ghé một quán nào đó cho chúng tôi ăn uống đàng hoàng . Điều này khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, nhưng cũng không có ý kiến gì . Chúng tôi về tới Trung tâm gần 11 giờ trưa, lúc này chúng tôi mới chắc chắn là mình thoát nạn .
Tuần lễ tiếp theo , tôi được trả tự do nhờ sự can thiệp của Thượng Tọa Thích Quảng Liên, một trong những vị Thượng Tọa ở chùa Ấn Quang và thuộc thành phần tranh đấu cùng với Thượng Tọa Thích Trí Quang ngoài miền Trung .Đinh Trọng Cường còn lại một mình, trông Cường lúc này thật buồn. Hai ngày sau, tôi và một số bạn gái từng tranh đấu bên nhau vào Trung tâm Cải Huấn thăm Cường .Sau đó, Cường cũng được phóng thích, từ đó chúng tôi không còn gặp nhau lần nào nữa. Nhưng qua bạn bè kể thì có lần đi trên đường bị Cảnh Sát hỏi giấy tờ , Cường chìa ra một thẻ do Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo cấp rồi thản nhiên bỏ đi .Cũng có người kể sau 1975, gặp Cường hoá thân là một cán bộ Việt Cộng . Và cho đến bây giờ , trong đám bạn bè ngày xưa không còn ai gặp Đinh Trọng Cường lần nào nữa . Qua những sự kiện trên, cho đến giờ tôi vẫn không hiểu thực sự Cường là ai ? Nhưng dù cho có là ai , thì đó cũng là chuyện quá khứ của ngày hôm qua , khi tất cả đều thay đổi . Mỗi lần nhớ thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình, xuống đường đấu tranh vì lý tưởng dân tộc , đạo pháp tôi cảm thấy ân hận khi biết mình đã sai lầm. Sự bồng bột khiến cho tôi và một số sinh viên học sinh vào thời gian đó nh ư một bầy cừu non chỉ biết nhắm mắt đi theo con cừu đầu đàn.Tôi rất đau đớn nghĩ về những ngày xuống đường , những ngày bị đánh đập , những ngày đi trong lựu đạn cay, phi tiễn, lưỡi lê khi biết mình đã ngây thơ bị người ta lợi dụng .
Sau ngày ra tù, tôi thực sự trở thành một con ng ười khác, chiến tranh như cuốn hút tôi vào guồng máy khổng lồ không thể nào thoát ra. Mặc dù Sài Gòn ngày ấy vẫn thấy những trái sáng thắp đỏ góc trời quê hương, vẫn nghe tiếng đại bác hàng đêm vọng v ề , nhưng Sài Gòn vẫn nghĩ rằng chiến tranh hãy ở rất xa…rất xa…Còn tuổi trẻ chúng tôi thời đó đâu được bình yên khi anh em chúng tôi ra đi mỗi ngày một nhiều, mà trở l ại thì mỗi ngày một ít . Suy nghĩ đó, tôi đã viết :





“ Những sợi lông măng rất mịn màng
Như sương mù buổi sáng
Bay dật dờ giữa dòng sông Sài Gòn
Dòng sông hẹn hò- em nhớ không?
Lúc em ngồi khóc bên anh
Mỗi lần nhìn thấy hoa lửa hàng đêm thắp sáng bầu trời
Mỗi lần nghe tiếng đại bác vọng về thành phố thân yêu
Nơi em cắp sách đến trường
Nơi anh sống đầy âu lo- cảnh giác
Nơi cuối cùng của sự bình yên
Nơi em vẫn thường cầu nguyện
Rằng chiến tranh hãy còn xa lắc- xa lơ
Trong trí tưởng tượng của anh
Trong trí tưởng tượng của em… “




Rồi chúng tôi cũng phải lên đường vào cuộc chiến triền miên theo vận mệnh của đất nước ,mà trong lòng mơ ước rồi chiến tranh sẽ chấm dứt, mọi hận thù sẽ không còn, để được thương yêu nhau hơn, một mai đất nước hòa bình.





“…Những sợi lông măng dễ thương và rất mềm
Mềm và dễ thương như bờ vai trần trụi của em
Bờ vai theo anh qua bao cánh đồng khói lửa
Qua bao dòng sông đạn bom
Qua bao cánh rừng khô cằn cháy xém
Ôi chiến tranh!
Chiến tranh mang niềm tin hy vọng của anh
Một mai đất nước hòa bình
Trên chuyến tàu thống nhất Bắc- Nam
Anh còn sống trở về
Được yêu em bằng cả tấm lòng
Được làm thơ bằng cả tấm lòng
Dù tấm lòng chưa đủ
Trước cuộc dời phù phiếm xa hoa

Ôi! Cuộc chiến tranh mấy mươi năm qua
Dài bằng thời gian chờ đợi
Dài bằng nỗi đau và nỗi nhớ
Của anh
Của em

Ôi! Anh vẫn mong ngày tháng còn lại sẽ êm đềm
Êm đềm như dòng sông Sài Gòn ngày nào
Nơi chúng mình hò hẹn
Về tương lai của anh
Của em
Một mai đất nước hòa bình “





Nhưng hỡi ơi ! Trái tim tôi đã bật máu khóc trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.




( còn nữa )

Friday, August 20, 2010

Hồi kỳ Linh Phương - kỳ 10 -




- Kỳ 10 -








Tại Trung Tâm Cải Huấn Quận 8 , những người giám thị dồn tất cả thường phạm đủ thứ tội sang phòng khác. Họ nhốt chúng tôi một phòng rộng thênh thang , thường để chứa khoảng vài chục người. Sở dĩ chúng tôi được ưu đãi ở một phòng như thế vì họ tách rời những thường phạm với chúng tôi là tù chính trị .Chúng tôi được họ cư xử thật tử tế trong mọi vấn đề sinh hoạt trong phòng giam.
Đêm trong tù, Đinh Trọng Cường kể cho tôi nghe về gia đình anh ta, một gia đình có nhiều người trong đảng Đại Việt. Anh chị của Cường bị giết chết thời chống chế độ Tổng thống Ngô đình Diệm đàn áp Phật Giáo năm 1963 . Ngồi bên nhau tới khuya, chúng tôi cảm thấy sợ trước không gian thanh vắng và rộng mênh mông của phòng giam. Chính giữa phòng là một vòng tròn được kẻ bằng nước sơn màu đỏ .Chúng tôi nghe đồn trong phòng có ma, mặc dù đèn sáng nhưng vẫn thấy rơn người . Cường dạy tôi đọc kinh Phật để xua đuổi ma, và để bớt sợ hơn .
Được vài ngày thì tôi quen với Bích Trâm con của một giám thị trại giam thường đi ngang phòng chúng tôi .Bích Trâm gởi thư tỏ tình với tôi, thư qua thư lại vài lá thì Đinh Trọng Cường phát hiện. Anh ta giảng cho tôi một bài chính trị, một khi đã dấn thân vào cuộc đấu tranh phải dẹp bỏ tất cả tình cảm riêng tư trai gái. Cường còn cảnh cáo tôi nếu không chấm dứt thì anh ta sẽ báo cáo lên giám thị. Mặc dù thế, nhưng tôi và Bích Trâm vẫn tìm cách lén lút trao đổi thư từ với nhau.
Một hôm, chúng tôi được kêu lên phòng giám thị gặp Quận trưởng Quận 8. Ông ta hỏi tại sao chúng tôi chống Chính phủ,. Chúng tôi trả lời chúng tôi không chống Chính phủ , chúng tôi chỉ chống độc tài, chống đàn áp Phật Giáo miền Trung khi ông Nguyễn Cao Kỳ đưa tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đàn áp tín đồ Phật Giáo ngoài đó . .Cuộc tranh luận được kết thúc khi vị Quận Trưởng bảo ngày mai các anh sẽ được đưa lên Văn phòng Quận tiếp tục tranh luận về vấn đề này .
Tôi và Cường ngủ không được, chúng tôi miên man nghĩ đến ngày mai lên Văn phòng Quận trưởng, chúng tôi sẽ bị một trận đòn tra tấn không biết tơi tả thế nào nữa. Đến khuya mệt mỏi Cường thiếp đi, riêng tôi thì cứ thao thức. Chợt nghe tiềng gọi khe khẽ, tôi đứng lên đi đến bên cửa sổ. Bích Trâm nắm lấy tay tôi vừa khóc, vừa nói : “ Em thương anh, em sợ ngày mai anh lên đó người ta sẽ đánh đập anh. Nghĩ tới em sợ lắm anh ơi ! Lên đó anh đừng cãi với họ nha anh “. Tôi gật đầu cho Bích Trâm an lòng. Thực tình, nếu nghĩ rằng giữa tôi -Bích Trâm đó là tình yêu thì không đúng , tôi hãy còn quá trẻ để xác định đứng đắn đúng nghĩa tình yêu . Tôi chỉ thinh thích Bích Trâm đơn giản vì cô ấy xinh đẹp, dễ thương, thường mặc áo màu tím, cái màu da diết , lãng mạn mà tôi rất thích .Bích Trâm cũng là nguồn nghị lực động viên tôi vượt qua cái hiện tại khó khăn . Ngược lại , Bích Trâm cũng thế , tình cảm của người con gái mới lớn đầy mộng mơ, khao khát thì yêu chỉ để mà yêu, để có một chút nhớ nhung, rung động đầu đời trong một tâm hồn đa cảm của cô ấy .Vì yêu cái màu tím da diết ấy mà tôi yêu ( ? ) Bích Trâm và tôi đã làm bài thơ “Áo Tím Mùa Thu “ như sau :







“ Xa em rồi chắc nhớ thương
Tóc thơ còn xỏa vai buồn nữa không
Dòng đời một chuyến sang sông
Hôn em lần cuối bềnh bồng gió lay
Nghiêng nghiêng bóng nhỏ đường dài
Mình thương nước mắt rụng đầy trên tay
Mùa này thành phố mưa bay
Hồn anh tím đọng phương này đó em
Xa rồi mình chắc sẽ quên
Trời ơi ! Đau nhói con tim nghẹn lời
Đừng yêu anh nữa em ơi !
Số người thơ phải suốt đời dở dang…”







Vào thập niên 60, loại thơ với ngôn ngữ như bài này thường được đa số đọc giả ưa chuộng . Báo chí thời đó phần nhiều theo chiều hướng thơ trên, ngoại trừ một số rất ít là loại thơ hơi mới. Tiêu biểu phải kể đến Lệ Khánh nổi tiếng với tập thơ “ Em là gái trời bắt xấu “ , cô ở Đà Lạt có người yêu là nhạc sĩ Thục Vũ.Mối tình của cô gái làm thơ trời bắt xấu được nhiều người trong giới văn nghệ biết đến như là một mối tình đẹp





















Tiếp theo là Lý Thụy Ý nổi tiếng với những bài thơ viết về người lính đang chiến đấu ngoài mặt trận . Và một người nữa là MH .Hoài Linh Phương , có in một tập thơ nếu tôi nhớ không lầm thì tập thơ này do hoạ sĩ Trịnh Cung vẽ bìa







Hai tác giả Lệ Khánh và Lý Thụy Ý đều có thơ đăng thường xuyên trên tờ tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong , một tờ báo trong những tờ báo dành cho phụ nữ lúc bấy giờ như Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai. Riêng Mh.Hoài Linh Phương thường viết bài cho nhật báo .Chính Luận, Tiền Tuyến, các nguyệt san Quân Đội VNCH như: Chiến Sĩ Cộng Hòa, Tiền Phong, Lướt Sóng... v.v.…




- ( còn nữa ) -







Hồi ký Linh Phương - kỳ 9 -



- Kỳ 9 -



Tình bạn giữa tôi và Vũ Trọng Quang , thể hiện qua bài thơ “ Bạn tôi “ tôi đã viết :


Bạn tôi trên đó làm chủ quán ( * )
Có rất nhiều bia bán khách hàng
Chiến hữu bốn phương về đánh trận
Chập vừa xẩm tối đến nửa khuya

Bạn tôi trên đó ưa nói phịa
Kể chuyện tiếu lâm lẫn tấu hài
Mua vui khoảnh khắc.Ờ! Cũng phải
Giữa cuộc đời cơm áo bon chen

Thỉnh thoảng từ quê tôi ghé lên
Thăm bạn đôi khi nghĩ buồn cười
Chỉ ngại đàng sau câu chào hỏi
Là đôi con mắt khó đăm đăm

Rất may vợ bạn người hào phóng
( Có lẽ do nhiễm bệnh của chồng )
Tri kỷ giàu nghèo đâu vướng bận
Chuyện bạc tiền thua chuyện nghĩa nhân

Bạn tôi trên đó làm chủ quán
Thương thằng nối khố mấy mươi năm
Bỏ biệt Sài Gòn đi kiếm sống
Trôi giạt nơi cuối đất – cùng trời

Sợ tôi “đứt bóng” thường nhắn gọi
“ Mày nhín vài hôm lên đây chơi
Tụi tao ngứa miệng nên hay chửi
Đm ! Mày – xa lắc- xa lơ

Bạn tôi trên đó- thằng nhà thơ ( ** )
Thằng họa sĩ – giảng viên đại học ( *** )
Thằng mang giày dép- thằng chân đất
Gặp nhau mừng -rượu uống ngã nghiêng

Tay trắng – trắng tay về với biển
Lâu lâu nhớ quá khóc một mình
Cuộc sống chẳng dung đời kẽ sĩ
Thôi đành tóc bạc tiễn tóc xanh


Ngoài Vũ Trọng Quang, tôi còn nhưng người bạn thân khác như : Nguyễn Văn Long cũng làm thơ, nhưng bỏ thơ đi kiếm tiền trang trải cho cuộc sống- Huỳnh Súy làm kinh tế nay trở thành đại gia- Nguyễn Hữu Đức Phó Giáo sư Tiến Sĩ trường Đại học Y Dược Sài Gòn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất giữa tôi và Đức mà thỉnh thoảng Nguyễn Hữu Đức gặp tôi lại nhắc là chiếc ba lô mà tôi để lại trước khi ra chiến trường. Đức thường dùng chiếc ba lô này đựng sách vở suốt những năm Đức học đại học y khoa.





Đời tôi có nhiều người bạn tốt, ngược lại cũng có những người bạn không được tử tế với nhau trong cái tình và cái đạo làm người. Lúc tôi sa cơ lỡ vận, nhớ bạn mấy mươi năm không gặp tìm tới thăm. Bạn lại tưởng tôi đến nhờ vả tiền bạc, nên lãng tránh; gặp thì cực chẳng đã nói chuyện qua loa nhạt như nước ốc. Mặc dù ngày trước tôi đã từng cưu mang bạn lúc bạn nghèo túng, bữa đói, bữa no. Có bạn chén rượu, chén trà , miệng mồm lúc nào cũng anh em mình vui buồn hoạn nạn chia sẻ với nhau , nhưng đó lại là những Nhạc Bất Quần - những tên ngụy quân tử , tráo trở “đâm sau lưng chiến sĩ “ nói theo từ ngày xưa thường dùng ám chỉ những tên phản bội trong hàng ngũ anh em . Loại bạn như thế sẵn sàng đưa tôi vào Quỷ Môn Quan không thương tiếc .Tất nhiên là tôi đã nếm qua mùi vị cái tình bạn rất “ khó chịu” này.
Nhưng người bạn khó hiểu nhất, bí ẩn nhất trong cuộc đời tôi mà mấy mươi năm trôi qua đến giờ tôi không thể nào quên là Đinh Trọng Cường,. Đó là khoảng năm 1966 ,phong trào Phật Giáo miền Trung được sự ủng hộ của Trung tướng Nguyễn Chánh Thi ( Tư lệnh Quân đoàn 1, Tư lệnh vùng 1 Chiến thuật ) Đại tá Đàm Quang Yêu và Thị trưởng Đà Nẳng bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn chống chính quyền của ông Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ lan rộng vào Sài Gòn .Những cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp trong thành phố. Lúc đó, Đinh Trọng Cường là Chủ tịch Lực lượng Thanh niên- Sinh viên- Học sinh Cứu nguy Phật Giáo. Tôi tham gia vào Lực lượng này, nhưng người tôi biết duy nhất là Đinh Trọng Cường mà thôi .
Sau khi tôi và Cường tổ chức thành công cuộc xuống đuờng chống chính phủ tại trường trung học Bồ Đề ( trường Nguyễn Văn Khuê ngày xưa, sau 1975 đổi là trường trung học Đồng Khởi. thuộc Quận 1 Sài Gòn ). Ba ngày sau, tôi và Cường tổ chức cuộc biểu tình khác cũng tại trường này . Cuộc biểu tình thất bại, các cô bạn gái cuốn biểu ngữ giao cho Cường, tôi đến lấy xe gắn máy gửi bên hông Khu Dân Sinh gần trường. Tôi chạy vòng lại đón Cường, Cường vừa ngồi lên yên xe sau thì hai tên Cảnh sát chìm nắm lấy cổ áo tôi và Cường , dí súng vào lưng. Tôi bảo : “ Anh cất súng đi, tôi không chạy đâu, người ta thấy coi kỳ lắm “ . Gã cảnh sát chìm nghe lời tôi cất súng, áp tải tôi và Cường vào Chi cảnh sát Quận Nhì ( sau 1975 là Quận 1 ) thẩm vấn. Hôm sau, chúng tôi bị giải giao qua Nha Cảnh sát Đô thành . Ở Nha Cảnh Sát lấy cung , tôi bị một trận đòn bán sống bán chết ,lúc nửa tỉnh , nửa mê tôi nghe tiếng những gã cảnh sát nói với nhau: “ Tụi nó không phải là Cộng Sản“ . Được một tuần, chúng tôi được đưa đến Trung tâm cải huấn Quận 8 bên kia dạ nam dốc cầu Chữ Y

---------------------------------------------------------
- ( * ) ( ** ) Nhà thơ Vũ Trọng Quang khi ấy là chủ quán Trồng Đồng ở số 5 đường Lê Qúy Đôn. quận 1 Sài Gòn .
- ( *** ) Phó giáo sư tiến sĩ trường Y Dược Sài Gòn cũng là hoạ sĩ vẽ tranh biếm ký tên Đức.

.

( còn nữa )

Saturday, August 14, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 8 -


- Kỳ 8 -


Năm 1965, trên nhiều nhật báo , tuần san đều có giới thiệu nhóm Văn Nghệ Hoa Đông Phương, nguyên văn như sau :” Văn Nghệ Hoa Đông Phương được thành lập vào đầu tháng 10-65 với trưởng ban kiểm soát : Linh Phương và Đan Phong.
Và thành phần Văn Nghệ Hoa Đông Phương như sau : Linh Phương – Mây Hoàng Hôn- Thương Triều Lan –Thương Hoài Phượng- Đan Phong – Linh Dzạ Thào- Nguyễn Kim Sính- Hồng Điệp Thủy ( Lương Minh Nhị )- Ngô Kim Huê- Phạm Thị Tài- Mạc Vy Oanh- Trang Vy Hoài – Hoài Lệ Khanh ( Trần Thị Thanh Nhàn )- Phượng Chi (Đào Thị Thanh Phụng )- Huyền Nga ( Nguyễn Thị Mỹ Ngọc )- S.3.L.A.
Văn Nghệ Hoa Đông Phương tha thiết đón nhận sự gia nhập của các bạn trẻ yêu văn nghệ . Thư về : Lâm Quang Tuyên 61. Cư Xá Chánh Hưng ( nhờ chuyển cho Đoàn Văn Nhơn ) “ . Thực ra, Văn Nghệ Hoa Đông Phương được thành lập vào năm 1964 do Lâm Quốc Trung ( nhà văn Trúc Quân ) làm trưởng nhóm và tôi làm phó nhóm . Sau đó, Lâm Quốc Trung tách ra thành lập Tinh Việt Văn Đoàn, tôi lên làm trưởng nhóm Văn Nghệ Hoa Dông Phương kể từ tháng 10/1965
.




Vào thời gian này, tôi hãy còn quá trẻ, nên thường viết cho những trang “ tuổi mới lớn” hay “ thiếu nhi “, song song với những bài thơ người lớn. Bài thơ người lớn đầu tiên của tôi đang trên tuần báo Đông Nam Á của Việt Nam Quốc Dân Đảng . Bài thơ tình nhưng đầy ngôn ngữ cải lương, tôi chỉ còn nhớ đôi ba câu mà lúc đọc lại vẫn buồn cười vì cái ngây ngô của tuổi mới lớn của mình tập tành làm thơ tình người lớn . Bài thơ tôi quên mất tựa , chỉ nhớ vài câu: “ Nàng ơi có biết đêm dài . Chiều nghiêng đổ lạnh ta ngồi nghe kinh. Cung son giờ vắng phi tần …”..Bài thơ mang tâm sự của một ông vua khi phải xa cách người mình yêu mến. Hồi đó tôi rất thích vua Tự Đức, ông là một ông vua rất có hiếu với mẹ là bà Từ Dũ, là một ông vua có tâm hồn đa cảm, và ông cũng là một thi sĩ . Bài thơ nổi tiếng của ông là bài “ Khóc Thị Bằng “ một phi tần của ông như sau :



" Ới thị Bằng ơi đã mất rồi!
Ới tình ới nghĩa ới duyên ôi.
Trưa hè nắng chái oanh ăn nói,
Sớm ngỏ trưa sân liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi đeo hoài chứ chẳng thôi.”


Có lẽ vì yêu thích bài thơ của vua Tự Đức mà khi sáng tác bài thơ người lớn đầu tiên tôi lại hoá thân làm một đấng quân vương chăng ?
Trong nhóm văn nghệ Hoa Đông Phương Hồng Điệp Thủy ( Lương Minh Nhị ) báo đã in lầm, chính xác là “ Kim “ chứ không phải là “ Minh “.Ở đây cũng cần nói thêm về Kim Nhị, vì giữa tôi và Kim Nhị đã có một khoảnh khắc rất đẹp, đầy xúc động trong thời chiến tranh ,một khoảnh khắc mà 32 năm sau tôi mới biết, qua lời kể của những người bạn gái của tôi và Nhị . Một khoảnh khắc mà trong bài thơ “ Thời Gian “ tôi đã viết :

“Không nhìn thấy anh- mặt trời chưa khép bóng- em lẻ loi đứng khóc một mình.
Cầm trên tay một bông hoa nở giữa vòng thép gai chiến tranh – chiến tranh xô giạt đời anh rời khỏi em – rời khỏi nụ hôn buồn ướt đẫm đôi môi- đỏ rực màu hoàng hôn- xanh xao đợi chờ khoảnh khắc chia ly .
Trời ơi ! cái khoảnh khắc chia ly- ai ngờ đâu dài đăng đẳng ba mươi hai năm không một lần hội ngộ – không một lần kịp gọi tiếng nhị thương yêu… “


Đó là khoảng tháng 4 năm 1974 , Nhị chạy xe BC với hai giỏ thức ăn đến thăm tôi.
Nhưng những chiếc xe GMC đã đưa tôi đi trước đó khoảng 5 phút, Nhị đứng bơ vơ khóc giữa con đường đất đỏ bụi mù, quanh những vòng thép gai. Cho đến 32 năm sau, chúng tôi mới gặp nhau , bồi hồi nhắc lại những gì của ngày xưa . Ngày mà tuổi trẻ chúng tôi phải cầm súng lên đường ra mặt trận, để lại sau lưng cả một khoảng trời hoa mộng đầy ước mơ tuổi học trò. Sau 32 năm gặp lại, Nhị đã là một phụ nữ thành đạt trong cuộc sống phồn hoa của Sài Gòn; còn tôi vẫn với đôi bàn tay trắng. Tôi giống như một loại chùm gởi sống bám vào thân cây cho qua ngày, qua tháng, qua năm.
Tôi lẻ loi trước dòng chảy thác ghềnh xã hội, tôi không bắt kịp và chắc không bao giờ bắt kịp cái guồng máy thay đổi đó . Những khi về Sài Gòn đi chơi với bạn bè văn nghệ thân thiết, tôi cảm thấy mình lạc lõng, quê mùa giữa một thành phố ăn chơi, thay đổi từng giờ , từng ngày . Uống một chai bia, cứ nhớ thời gian ở Cà Mau bị người ta hè nhau “đánh hội đồng “ mình, không cho cái quyền được làm việc để kiếm sống , thèm đủ thứ mà chảy nước mắt.Nhiều lúc đói quá , tôi nén tiếng than trong lòng không bật ra với bất cứ ai, dù với người bạn thân là Vũ Trọng Quang, tôi hiểu nếu lẫn lộn giữa tiền và tình bạn, sẽ có một ngày cái tình bạn mấy mươi năm sẽ mất đi tính thiêng liêng của nó . Đôi khi, Vũ Trọng Quang thương bạn , nhớ thằng bạn nối khố lỡ vận gần hết cuộc đời , kêu tôi lên Sài Gòn chơi, đều đưa tiền xe đi về, ăn uống vì bạn biết tôi không có tiền.


( còn nữa )

Tuesday, August 10, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 7









- Kỳ 7 -



Tôi với nhà văn Nguyễn Thị Thu Hiền ( Hội viên Hội nhà văn Việt Nam ) gặp và quen nhau trong trại sáng tác của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2005 tổ chức tại Bình An . Quen rồi thành ra thân thiết, nên lúc Thu Hiền phụ trách trang văn học nghệ thuật cho một tờ báo, Thu Hiền có một bài viết về tôi và nhà thơ Dương Thuấn “ Hành trình âm nhạc từ bài thơ đến ca khúc”– Nhà thơ Dương Thuấn-nhạc sĩ An Thuyên : Bài thơ và ca khúc “ Đi tìm bóng núi “.– Nhà thơ Linh Phương- nhạc sĩ Phạm Duy : Bài thơ và ca khúc “ Kỷ vật cho em “.Trong đó, Thu Hiền đã có cái nhìn về tôi như sau : “ Giờ, anh ngồi đây-sau ba chìm bảy nổi, giữa bạn bè, giữa rất nhiều người vẫn yêu và nhớ “ Kỷ vật cho em “. Một chị bạn anh đã kể với tôi rằng mỗi lần Linh Phương từ Kiên Giang lên Sài Gòn chơi, các anh chị lại đón anh bằng những bài thơ trong ca khúc. Linh Phương chiều lòng tôi, kiểu một người anh lớn chiều cô em gái nhỏ cách rất xa thế hệ, mở điện thoại cho tôi nghe thu âm ca khúc ngày nào. Mai xa, tôi mãi mong anh thỉnh thoảng lại thả vào điện thoại của tôi những câu thơ mới, đẹp như “ Kỷ vật cho em “. Nhưng rất tiếc bài viết này không được lên báo vì một lý do nào đó, tạm gọi là tế nhị .






Cuối tháng 12 , tôi lại gặp Thu Hiền ở Sài Gòn để cùng đến gặp nhạc sĩ Phạm Duy theo lời hẹn của anh Nguyễn Hòa điều hành website Văn nghệ Sông Cửu Long ( bây giờ là Văn Chương Việt ) với nhạc sĩ Phạm Duy . Tháp tùng còn có nhà thơ Chinh Văn và nhà thơ Vũ Trọng Quang . Chúng tôi hẹn gặp nhau tại “Động Hoa Vàng “ của nhà thơ Phạm Thiên Thư . Ngồi quanh bàn trà tại nhà anh Phạm Thiên Thư, chờ nhà văn Thu Hiền. Tôi cảm thấy mừng vì anh Phạm Thiên Thư khoẻ hơn lúc gặp tôi và nhà thơ Chinh Văn cách đây một năm trước. Lúc mà anh nhớ nhớ quên quên , tặng tôi tập thơ “ Đoạn Trường Vô Thanh “ anh viết hàng chữ đề tặng cũng không xong, anh Chinh Văn phải đánh vần cho anh từng chữ một .Chúng tôi đến tư gia của nhạc sĩ Phạm Duy vào buổi trưa, chuyện vãn với ông về ký ức một thời của “ Kỷ Vật Cho Em “. Nhưng hình như ông cố lãng tránh cái quá khứ đó , khi ông trở về thực thụ sống ở Việt Nam . Ông rất ngại nhắc lại những gì đã qua , những gì ông sáng tác trong cuộc chiến tranh Việt Nam .Thậm chí nếu chối bỏ được thì ông cũng không từ nan, bởi đó là sự tất yếu của chính ông để bảo vệ một cái gì đó trong cuộc sống và phần đời còn lại của mình . Ôi ! Sao lại như thế nhỉ ? Ông say sưa nói về những đoạn phổ nhạc về Kiều, cho chúng tôi nghe giọng hát của ca sĩ Mỹ Linh . Tôi cảm thấy thất vọng về một nhạc sĩ Phạm Duy của ngày nào với một nhạc sĩ Phạm Duy hôm nay . Từ giây phút gặp lại nhau sau cái đêm tại phòng trà “Đêm Màu Hồng “ cách đây 35 năm , bao nhiêu hồ hởi của một Linh Phương trẻ trung và một Phạm Duy sôi nổi ở tuổi trung niên đã không còn nữa . Trong tâm hồn tôi vừa bồi hồi, vừa nuối tiếc như mình vừa đánh mất một cái gì thật mơ hồ . Cũng từ giây phút này, ở tôi có hai nhạc sĩ Phạm Duy cùng lúc : một nhạc sĩ Phạm Duy tồn tại và một nhạc sĩ Phạm Duy đã chết . Âu đó cũng là cuộc bể dâu đời người qua bao nhiêu thăng trầm của quê hương đất nước , mỗi người đều chọn cho một cách riêng , không ai trách ai được.






Nhớ lại về chuyện viết bài về tôi , sao nhiêu khê thế, vẫn là vấn đề tế nhị, nhạy cảm chưa cho phép. Như tờ Văn Hoá Đà Nẳng có phỏng vấn tôi những câu dưới đây :
1- Anh có thể nói rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “ ? Lúc đó anh có phải là thương binh chế độ Sài Gòn không ? (đọc những tư liệu trên trang web có cảm giác anh rất lành lặn ).
2- Vụ tranh chấp bản quyền của anh và Pham Duy lúc ấy có căng thẳng lắm không ? Hiện anh có thường gặp lại nhạc sĩ Phạm Duy không ?
3- Từ sau 1975 cuộc sống anh ra sao ? Anh có sợ rằng dòng thơ của mình bị lạc điệu so với dòng thơ hiện đại bây giờ không ?
4- Nếu chung quanh bài thơ KVCE có nhiều giaI thoại ly kỳ như thế, sao anh không viết một quyển hồi ký như anh nói ?
5- Xem chừng anh vẫn còn làm thơ nhiều lắm, anh có dự định sáng tác nào mới trong thời gian đến ?
Tôi đã trả lời tất cả những câu hỏi, nhưng cuối cùng cũng không thê vượt qua số phận bởi vẫn còn tồn tại sự định kiến nhất định mà chúng ta phài chấp nhận, vì đó là hoàn cảnh của lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Đúng như Thu Hiền nói, vào năm 2004 tôi lên Sài Gòn chơi, được những người ái mộ đón tôi, tổ chức buổi tiệc thân mật ngồi bên nhau, và hát cho tôi nghe bản nhạc “ Kỷ Vật Cho Em “ .. Kỷ niệm tôi không quên là đêm trên sân thượng nhà của Trác Phương Mai, Công Ty tranh thư pháp, thủy mạc và hướng dẫn học . Đêm đó có họa sĩ Phượng Hồng, họa sĩ Mặc Trí, Vũ Thụy Đăng Lan, Loan và Huỳnh Súy bạn tôi , những người bạn này tuy mới quen nhưng họ rất thực tình . Đăng Lan hát Kỷ Vật Cho Em cũng khá hay, chúng tôi ôn lại những gì đã trôi qua trong ký ức của mình đến khuya mới chia tay nhau . Từ đó, Đăng Lan và tôi rất thân nhau, vì Đăng Lan là người viết văn , viết sách . Trong bản thảo “Độc thoại “Đăng Lan đã viết :”… Dáng điệu tác giả Kỷ Vật Cho Em, vành kiếng trắng lồng vào gương mặt của một người đã trải qua chiến tranh, tất cả đã dẫn tôi nghĩ đến một sự lên đường.





Ngày xưa, lúc còn là chàng lính thơ hào hoa phong nhã, Linh Phương đã nhiều lần “ hoá thân” thành những con tằm : Vương Thị Ái Khanh, Phạm Thị Âu Cơ, Đăng Lan… để nhả ra những sợi tơ :

Em ở Sài Gòn em bỏ học
Anh nhớ con đường nhớ lá me

rồi :

Rơi mất bao giờ sợi tóc tơ
Không duyên không nợ thì người ơ !
Thư anh có gửi hàng trăm lá
Cũng tỉ như mưa rớt giữa trời…


Giờ đây, vẫn còn thấp thoáng trong những lá thư anh gởi cho tôi , thấp thoáng một vài gợn tâm tư trên tảng trán mà hai nét xói thái dương như xói mãi tới cõi siêu hình. Những lúc đó, tôi giữ yên lặng. Tôi biết anh đang cố giữ lại, gởi cho tôi những gì anh giữ lại, và ghi lại những thoáng gợn đó mà cả anh lẫn tôi, không nói với nhau, đều biết rằng những kỷ niệm với cuộc đời đều không thể xóa nhoà, mà có lẽ chỉ có thơ, mà chắc chắn chỉ còn văn nghệ là những con đường giải thoát.Những lúc đó, anh thường nói:- Anh vừa mới in “ Lời ru của gió “. Và thường tiếp :- Mai anh về Sài Gòn !Hai lời nói, hai ý nghĩ tưởng tượng như thiếu liên lạc mà lại rất liên lạc bởi bắt gặp nhau ở cùng tâm trạng. Đối với anh, về Sài Gòn, trở về ngày xưa, về với dĩ vãng “Áo tím mùa thu “ là một sự liền mạch với thơ, là một thời gian rút về suy gẫm , rút về im lặng, rút về sáng tạo, rút về vô ký. Và lại xuống Sài Gòn nhộn nhịp với người và việc , quay cuồng với dòng đời… để rồi, lại thấy :



Em sẽ đi trên con đường ổ gà
Không có anh.
Chỉ có lời ru thì thầm của gió
Gió ru em.
Gió bạt ngàn từ câu chuyện cổ
Tình yêu là tiếng cười, là tiếng khóc trong veo
Tờ thư như chiếc lá bay vèo
Mang kỷ niệm vào ký ức
Ký ức thì xanh.
Kỷ niệm thì hồng
Và tình yêu thì ngượng ngập
Ngượng ngập lần đầu tay hoa mười ngón nhỏ
Em ve vuốt ngực anh.
Lồng ngực già nua ốm yếu
Rồi em chợt hiểu
Suốt cả đời người mắc nợ cùng anh



Suốt cả đời người mắc nợ cùng anh , không phải muốn mắc nợ với nhau là dễ đâu , nếu không có duyên phận . Đăng Lan và tôi có kỷ niệm không quên là đêm chúng tôi đi nghe nhạc ở phòng trà Ân Nam . Nghe nhạc xong ra về trên 11 giờ đêm, tôi định điện thoại cho bạn tôi đến rước, nhưng Đăng Lan không chịu . Đăng Lan đưa chiếc xe gắn máy cho tôi chở cô ấy về nhà của người bạn tôi ở .Xa Sài Gòn lâu quá, lại là ban đêm tầm nhìn của đôi mắt cận của tôi mất phương hướng, thay vì chạy về phía trung tâm Sài Gòn, tôi lại chạy ra phía ngoại ô thành phố . Chạy lòng vòng tới hơn 12 giờ mà vẫn còn lạc đường, Đăng Lan bảo tôi ngồi ở sau cho cô chở tôi .Gần 1 giờ sáng, tôi với Đăng Lan mới tới nhà , Vũ Trọng Quang đang ngồi đợi cửa chờ tôi .Bây giờ thì Đăng Lan mở một shop lớn bán hàng lưu niệm ở quận nhất Sài Gòn.Cứ như dòng thời gian trôi đi, trôi đi mãi mãi, không dừng lại nơi nào. Tôi là người sống có nguyên tắc, trong tình yêu tôi không bao giờ biết quay lưng với một ai . Chỉ hết dạ hết lòng vì một tình yêu dù phải khổ đau như thế nào , trừ khi người ta quay lưng với mình .. Tôi không bao giờ biết quay lưng , nên một khi rời khỏi mối tình nào đó, tôi cũng sẽ không bao giờ biết quay lưng trở lại, vĩnh viễn là như thế . Và tất cả chỉ còn là chuyện ngày xửa, ngày xưa…có một mối tình đã chết.




( còn nữa )

Monday, August 9, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 6


- Kỳ 6 -



Cũng trong năm này ba tôi bị bệnh ung thư gan, sau khi đã chạy chữa qua nhiều bệnh viện ở Sài Gòn, nơi nào cũng lắc đầu bất lực .Má phải đem ba về nhà nằm cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay . Ông không nói gì với tôi cả, chỉ nắm chặt bàn tay tôi mà đôi mắt trào ra hai dòng lệ. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi thấy ông khóc. Đám tang ba tôi cũng có kèn trống đầy đủ, cũng có người đưa đến nghĩa địa Đô Thành , nơi an nghĩ cuối cùng của cuộc đời ông , đối với ông cũng là hạnh phúc lắm rồi.Sau năm 1975, má tôi dắt díu đám con gái về Cà Mau sinh sống ..Má tôi không hốt được hài cốt ba tôi đem đi an táng chỗ khác ,vì nghĩa địa Đô Thành được san bằng để xây dựng công trình đô thị. Như vậy là ba tôi chết nhưng cũng không có chỗ dung thân, không yên mồ yên mả Người ta nói, những người chết không yên mồ, yên mả con cháu về sau làm ăn sẽ không khá và sẽ gánh chịu những cái bất hạnh , tai ương trong cuộc đời mình .Tôi hy vọng điều đó không xảy ra và điều đó chỉ là những dị đoan mà thôi.Mà nếu có xảy ra tôi chỉ cầu nguyện xin trút tất cả xuống đôi vai của tôi , bởi vì tôi là con trai lớn trong gia đình tôi phải gánh chịu..
Ba tôi bỏ quê đi từ nhỏ cùng với hai người bạn , một người tên Mến, một người tên Hành .Theo như giấy tờ thì ông người Phong Điền -Quảng Trị ( bây giờ thuộc Thừa Thiên-Huế ), nhưng năm 2007 tôi đến nhà người bạn tên Hành của ba, để tìm lại họ hàng bên ông sau mấy mươi năm thất lạc vì giặc giả . Người bạn tên Hành đã chết, vợ con ông này cho tôi biết , chồng bà ở Huyện Hương Thủy , xã Hương Vân ( Huế ) . Tôi thầm nghĩ , nếu như vậy chẳng lẽ ba tôi người huyện Hương Thủy, chứ không phải Phong Điền-Quảng Trị ? Vì hai người cùng chung xã, chung huyện mới có thể rủ nhau đi được . Nhưng dù Phong Điền hay Hương Thủy, tôi cũng tâm nguyện với lòng mình rằng tôi sẽ đi tìm lại gốc gác xác thực của ba tôi-người đàn ông phiêu bạt giang hồ qua nhiều vùng đất nghèo nàn của một quê hương loạn lạc .Và tháng 03 /2009 tôi đã có chuyến đi tìm dòng họ Đoàn của mình tại Làng cổ Phước Tích, nơi có ngôi mộ thủy tổ họ Đoàn cách đây 500 năm. Tại đền thờ Đoàn tộc , tôi đã thắp nhang cho thủy tổ của mình và tôi đã khóc trước bàn thờ sắc chỉ của Vua Khải Định sắc phong Đoàn tộc : Hầu Khai Khẩn “ Dực Bảo Trung Hưng . Linh Phò Chi Thần “ Nhớ lại tổ tiên của mình là Đoàn Hữu Trưng trong cuộc nổi dậy chống Vua Tự Đức ngày 16 tháng 9 năm 1866 ( lịch sử gọi là giặc Chày Vôi , do công việc xây Lăng Vạn Niên Cơ quá cực khổ , lại bị quan lại đánh đập tàn nhẫn . Nên lòng dân ta thán , mới có câu : “ Vạn Niên là Vạn Niên nào . Thành xây xương lính hào đào máu dân " .Cuộc nổi dậy bị thất bại, Đoàn Hữu Trưng , Đoàn Hữu Ái , Đoàn Hữu Trực bị xử lăng trì – Đoàn Thị bị tử hình, Đoàn Khóa mất tích, Đoàn Hào chết, Đoàn Thị Châu bị kết án tù 20 năm. Từ ngày đó, họ Đoàn phài chạy tứ tán khắp nơi trốn tránh sự truy đuổi của triều đình .





Tôi lúc nhỏ rất mập và tròn vo như ông Phật Di Lặc , nên ở nhà và hàng xóm thường gọi tôi là Phật Di Lặc . Má sanh ra , tôi khó nuôi , theo lời một ông sư má phải đưa cho người phụ nữ khác nuôi, tôi gọi người này là má , còn má của mình thì tôi không được gọi phải gọi bằng Vú ( vú nuôi ) . Người phụ nữ tôi gọi má , bà rất thương tôi , và tôi cũng thương bà như má .Nhưng bà lại ghiền rượu, ngày nào cũng say xỉn không bao lâu thì bà chết . Thế là , tôi không còn ai để được gọi tiếng “ má “ thương yêu nữa . Ở nhà , tôi còn có tên Liên - Liên là sen , tượng trưng cho sự tinh khiết ( theo nhà sư đặt tên cho tôi ) , sở dĩ đặt cho tôi tên Liên là ý muốn cho tôi sau này dù ở tận đáy bùn nhơ cũng giữ mình trong sạch , vươn lên như đóa sen ‘ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn “ .Tôi giống tính ba, ít nói, lạnh lùng , khó gần gũi, sống nội tâm nhiều hơn. Thực ra, tôi vốn đa cảm, mau quên, dễ tha thứ, dù với những người từng tìm cách hại tôi. Bởi vì như tôi đã nói, tất cả những gian nan, những đọa đày, những sự đánh đập dù bất cứ vì lý do gì đi nữa cũng là định mệnh .Tôi tin ở điều đó, tin vào sự trả giá , vào luật nhân quả , mình gieo cái gì mình phải gặt lấy cái ấy thôi. Sống phải có tấm lòng bao dung, nhìn nhận vấn đề nào đó, đánh giá một con người nào đó đừng đầy ác cảm và định kiến thù hằn mà quên đi sự nhân ái, vị tha. Tất cả những phán xét nếu có, chính là ở những tâm hồn của mỗi một người chúng ta có nhân bản hay không, có độ lượng hay không . Tôi là một Phật tử, tôi quy y từ hồi còn đi học ở chùa Ấn Quang Sài Gòn với Thượng Tọa Thích Quảng Liên , pháp danh tôi là Chơn Kiểm, nên tôi hiểu thế nào là “ác lai ác báo “.Tất cả những gì mình làm hôm nay, con cháu đời sau sẽ nhận lãnh hậu quả mà thôi.


Ba tôi lúc còn sống , thỉnh thoảng ông kể chuyện ông đi giang hồ, phải làm thuê cho nông trại của một ông chủ người Pháp . Ông cùng chú ba Hành, chú ba Mến đưa bò đi bằng tàu thủy từ Sài Gòn ra Tourane (Đà Nẳng )..Tôi còn nhớ chuồng bò của ông chủ người Pháp rộng thênh thang, cạnh bờ sông có một khu chăn nuôi cừu. Lúc nhỏ tôi cũng thường ra đó nhìn những con cừu xinh xắn hay chiều chiều ngồi bên bờ sông thích thú chờ mấy ông Tây chỉ mặc độc nhất cái quần đùi bó sát mông ; còn mấy bà Đầm thì mặc áo lót và quần lót mỏng dính , chơi lướt ván sau những chiếc ca nô lướt sóng hết tốc lực .Hai bên bờ, lũ trẻ con như tôi lẫn người lớn đều vỗ tay cỗ vũ vang vọng một góc sông. Hồi đó, thấy chiếc ca nô là như thấy một cái gì đó thật lạ lùng ; và thấy cách ăn mặc của ông Tây bà Đầm cũng là lạ lẫm quá mức tưởng tượng .
Nhà tôi, phía sau là con sông mà các ông Tây, bà Đầm thường lái ca nô chơi lướt ván, như tôi đã nói. Phía trước xa xa là thành Tây, tôi không biết trước đó cái thành này để làm gì, tôi chỉ biềt đây là một kho hàng rộng lớn , vắng vẻ . Người dân ở đây đồn rằng trong thành Tây có rất nhiều ma, thường ra nhát những người yếu bóng vía , nên đêm khuya khoắc không ai dám đi ngang nơi này . ( Theo lời ba tôi - năm 1955 Đại Tá Dương Văn Minh( sau này là Đại Tướng, Tổng Thống VNCH ) . Tư lệnh Biệt khu Thủ đô được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm (đến ngày 26/10/1955 công bố Hiến pháp tạm thời , tuyên bố Việt Nam là một nước Cộng Hòa, Quốc Trưởng lấy danh hiệu là Tổng Thống )cử làm Tư lệnh chiến dịch Hoàng Diệu để tiêu diệt lực lượng Bình Xuyên . Lính Bảo An của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mặc đồ kaki vàng , quần short vàng đầu đội mũ bê rê ,dàn trận ở thành Tây; còn phía bên sông là lính Bình Xuyên. Vì nhà tôi ở chính giữa hai đầu họng súng, nên phải đi tản cư tránh bom đạn vô tình . Dượng Ba tôi ( tức chồng của dì Ba em của má) là lính Bình Xuyên đã cùng một toán lính đưa phà qua lại con sông cho dân chúng chạy vô phía ruộng về Cần Giuộc lánh nạn.
Ba tôi vác một bao đồ to đùng , nào gạo, nào quần áo, nồi niêu . Má tay bồng em gái kế tôi, tay dắt tôi lội qua đám sình non lún tới thắt lưng đầy ô rô, cóc kèn Tôi mặc duy nhất cái quần đùi, mình trần trùi trụi , vừa lội sình vừa nhìn lên trời coi máy bay đầm già đảo tới, đảo lui bỏ trái khói . Tới chừng lội qua bãi sình non bước lên bờđất . Thì…cái quần của tôi đã vướng vào ô rô, cóc kèn mất hồi nào không hay. Thấy tôi ở truồng vì mất quần ai cũng ôm bụng cười , dù lúc đó súng đạn nổ ì ầm giữa quân đội ông Diệm và quân đội Bình Xuyên đã bắt đầu khốc liệt.Sau cùng lực lượng Bình Xuyên một phần đầu hàng, một phần rút vào rừng tiếp tục chiến đấu chống lại ông Ngô Đình Diệm .Gia đình tôi lại kéo nhau trở về nhà, cũng may nhà tôi vẫn còn nguyên vẹn, trong khi những nhà khác bị sập hoặc cháy rụi vì cuộc chiến giữa hai bên .

( còn nữa )

Thursday, August 5, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 5 -


- Kỳ 5 -



Hồi nhỏ, trước nhà tôi có một cây me tây cạnh con kênh chảy ngoằn ngoèo ra tận đầm sen . Đầm sen rất lớn , nhìn mút mắt cũng chưa thấy bờ .Phía bên trái nhà là một đồng cỏ, nơi đó tôi một mình ra bắt cào cào, châu chấu, hay những con cánh cam, chuồn chuồn . Vào những buổi trưa , tôi với má ngồi chẻ hạt sen phơi khô, phơi nắng, đem ra ngoài chợ bán . Má hay kể chuyện cổ tích một người đàn bà bỏ vùng quê Cần Thơ theo chồng lên Sài Gòn bươn chải kiếm sống - người đàn bà đó chính là má . Sài Gòn lúc đó còn hoang vu, sông nước chằng chịt, như cái vùng đất nơi tôi mở mắt khóc cười sau này thuộc quận 8 Sài Gòn .Thường thường, má hay kể chuyện về tôi, tôi cười trêu má : ” Má ơi ! Má kể chuyện cổ tích hả ? “ . Má tôi chửi : “ Thằng cha mày, má nói thiệt đó con”.Trêu má cho vui, chứ tôi luôn luôn tin má không bao giờ nói dối. Hình như trong cuộc đời má tôi có hai thế giới cùng song song để sống : Một thế giới đời thường, có buồn vui, cơm áo và hy vọng. Còn một thế giới kia thuộc về cổ tích- cổ tích chỉ có tôi, tuyệt nhiên chẳng bao giờ có bóng dáng ông bụt, bà tiên. Tôi thích sống giữa thế giới cổ tích tuổi thơ đầy màu hồng, đầy hoa bướm, cào cào, châu chấu, đồng ruộng, bờ cỏ và dòng kênh trước nhà. Má bảo , tôi ví như những giọt nước – còn má là dòng sông, sông không bao giờ thiếu được nước, nhưng nước thì có thể mơ đến biển rộng bao la , mà bỏ sông để hòa vào đại dương mênh mông .Tôi không nghĩ là tôi bỏ má, nhưng cuối cùng thì tôi cũng bỏ má ra đi cho đến ngày má nhắm mắt .





Năm 1971 ,có rất nhiều nguồn tin Linh Phương đã chết ở Hạ Lào, rồi Kampuchea ,mặc dù báo chí loan tin rất dè dặt. Rồi những phân ưu, cáo phó trên mặt báo liên tục, khiến cho ký giả Thiện Mộc Lan báo Đuốc Nhà Nam đã cất công đi tìm sự thật về nguồn tin Linh Phương tử trận ở chiến trường Kampuchea . Sau nhiều ngày tìm nơi này, nơi khác qua nhiều người nhưng không biết đích xác Linh Phương nơi nào. Cuối cùng, ký giả Thiện Mộc Lan đã đến tư gia của nhạc sĩ Phạm Duy- như tác giả bài báo kể :”... Chúng tôi chợt nhớ, nghĩ đến nhạc sĩ Phạm Duy, hy vọng rằng giữa nhạc sĩ và nhà thơ có nhiều liên hệ từ “ Kỷ Vật Cho Em “ ra đời, thế nào nhạc sĩ Phạm Duy cũng biết rõ về Linh Phương. Khi nghe chúng tôi báo tin Linh Phương chết, nhạc sĩ Phạm Duy sửng sốt :- Linh Phương mới thăm tôi cách đây nửa tháng mà...lẽ nào...như vậy được. Ối ! Dzồi, tôi nghĩ anh ta chưa chết đâu...Như bán tin, bán nghi, Phạm Duy hỏi tiếp :- Tin có chính xác không ?- Chỉ nghe anh em loan tin như vậy.- Mong sao anh ấy vẫn còn sống với chúng mình.Chúng tôi hỏi nhạc sĩ Phạm Duy :- Linh Phương đến thăm anh, có ghi lại KBC, hoặc điện thoại hay địa chỉ nhà riêng không ?Vừa nói chuyện với tôi, vừa lục soạn hồ sơ “ Kỷ Vật Cho Em “, một hồi lâu Phạm Duy mới tìm được địa chi của Linh Phương. Đây là nhà của người bạn thân mà Linh Phương mượn để liên lạc với bạn bè.Với địa chỉ của Phạm Duy trao, chúng tôi tin là “ xua” lắm, hy vọng 90 phần trăm thế nào đến đó mình cũng hiểu rõ về Linh Phương sống hay chết.Số nhà ghi thật đơn giản: 104/23 đường Yersin, tưởng đâu dễ tìm, nhưng ở đây gặp nhằm vị trí đặc biệt ở một khu gần Cầu Ông Lãnh nên phải “ hụt hơi “ mới tìm được nhà...” Ký giả Thiện Mộc Lan đã gặp tôi nơi đây- tư gia của nhà thơ Vũ Trọng Quang, và sau đó nhật báo Đuốc Nhà Nam đã đăng loạt phỏng vấn 4 kỳ báo qua những tít :1. Nhà thơ có nhiều huyền thoại, tác giả “ Kỷ Vật Cho Em “ Linh Phương còn sống hay đã vĩnh viễn ra đi.2. Liên lạc khắp nơi ĐNN- VN mới tìm ra tông tích tác giả “ Kỷ Vật Cho Em “.3. Linh Phương đã nói gì với ĐNN- VN ?4. Linh Phương thích làm thơ nhưng không mang danh thi sĩ.
Thực ra, không chỉ bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “ tốn nhiều giấy mực báo chí, mà còn có 2 bài thơ đăng cùng một số báo trên tờ tuần báo Khởi Hành của Hội Văn nghệ Sĩ quân đội do Đại tá nhạc sĩ Anh Việt-Trần Văn Trọng làm Chủ nhiệm và nhà văn Viên Linh làm Thư ký toà soạn. Đó là bài thơ năm chữ “ Bài Cho Chiến Trường Đông Dương “ và bài thơ tám chữ “ Từ Giã Bọn Mày “ .
Sau khi báo phát hành được khoảng một tiếng đồng hồ thì cảnh sát được lệnh tịch thu. Qua số báo sau, nhà văn Viên Linh đã có vài hàng đại ý như …Linh Phương chỉ nói lên sự thật của cuộc chiến, nhưng rất tiếc BTT/PHNT đã ra lệnh tịch thu vì cho rằng thơ Linh Phương đã làm giảm ý chí chiến đấu của quân đội . Chúng tôi xin cáo lỗi cùng độc giả .
Năm 1972, tôi chủ trưong biên tập tờ đặc san Thắp Đuốc với ban biên tập gồm Đại Tá Tuệ ( Cục phó Cục Công Binh ) bút hiệu ông là Bạch Mai Tiên Sinh – Trung Tá Nguyễn Phu ( Chi huy trưởng Trung tâm 3 nhập ngũ ) bút hiệu Người Gio Linh và Thiếu Úy Tuấn .Lúc này, tôi nhận được thư của nhà văn Mường Mán , sĩ quan Sư Đoàn 1 Bộ binh. Trong thư anh nói với tôi có một người mạo tên Muờng Mán của anh . Tôi và Mường Mán quen nhau trong trường hợp như vậy, anh hẹn một ngày nào đó anh em sẽ gặp nhau hàn huyên nhiều hơn. Nhưng cuộc đời của người quân nhân xuôi ngược đó đây, làm sao có dịp hội ngộ như đã dự định .Và lần đầu tiên tôi và Mường Mán ngồi bên nhau uống rượu là năm 2002 , tức là 30 năm sau với nhà thơ Vũ Trọng Quang, nhà thơ Bùi Đức Long và một người bạn là hoạ sĩ chuyên vẽ biềm họa là Đức ( Nguyễn Hữu Đức - Phó giáo sư Tiến sĩ , giảng viên trường Đại học Y Dược Sài Gòn ) nhân dịp họp mặt ra mắt công ty Vietcom.





Lúc này, mùa hè đỏ lửa bắt đầu vào ngày 30 tháng 3 năm 1972 ( người Mỹ gọi là Easter Offensive ) Từ Cam Lộ, La Vang, Hải Lăng , Cổ Thành Quảng Trị rồi Dakto , Tân Cảnh, BenHet đến Bình Long , An Lộc . Những trận đánh dữ dội giữa hai bên, khiến cho dân chúng phải ồ ạt tìm đường lánh nạn . Giữa thời điểm này , tác giả Trần Tường Trình của nhật báo Sóng Thần có một bài viết “ thắp nén hương cho Linh Phương “.Lại thêm một lần nữa Linh Phương bị khai tử trong cuộc chiến tranh Việt Nam .


( còn nữa )

Tuesday, August 3, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 4 -


- Kỳ 4 -


Chuyện nhát gái tôi còn nhớ mãi" tai nạn tình yêu " xảy ra cho tới bây giờ , mỗi lần hồi tưởng ,tôi không nín cười được . Thực ra, tình yêu lúc đó cũng chưa phải là tình yêu. Chỉ thấy thích một người nào đó, thì ngộ nhận là tình yêu thôi. Tôi thích một cô học cùng trường tên Kim Hoàng. Thích nhưng không bao giờ dám nói, chỉ đợi tan học chạy cà rịch cà tang chiếc xe đạp đòn dông từ thời Pháp của ba tôi theo sau chiếc xe đạp của cô ấy.Chiếc xe đạp ba tôi, có cái ba-ga to đùng để chở dụng cụ xây dựng, mà lại không có thắng xe, mỗi lần muốn dừng lại, tôi thò chân xuống mặt đường, kéo lê một đoạn mới đứng lại được.Ngày nào cũng như ngày ấy, tôi chạy theo sau Kim Hoàng đến ngõ quẹo về nhà tôi bên kia dạ nam Cầu Chữ Y mới thôi. Hôm đó, vừa chạy theo sau cô, vừa suy nghĩ ngày mai mình nhất định làm gan nói chuyện với Kim Hoàng . Mải suy nghĩ tồi không để ý đèn ở ngả tư đã bật sang màu đỏ,. Mọi người đều dừng lại, tôi giật mình thọt chân xuống mặt đường để thắng xe lại, nhưng không còn kịp nữa rồi. Tôi đụng vào phía sau chiếc xe đạp của Kim Hoàng. Cô nhảy xuống đất, do lực đụng hơi mạnh nên cô cố gượng để không té , cô phải chạy cắm đầu cắm cổ về phía trước một khoảng xa mới ngả lăn kềnh xuống đường . Chết rồi !Tôi như thấy trời đất tối sầm , miệng than thầm trong bụng .Lồm cồm ngồi dậy, cô chỉ tay chửi um sùm , ông cảnh sát công lộ dòm theo hướng tay cô nhưng không biết ai là thủ phạm trong đám người dừng xe đông đảo chờ đèn xanh . Cũng may, đèn xanh bật cháy, tôi vừa quẹo hướng Cầu Chữ Y vừa run , chạy hết tốc lực ( có lẽ mặt tôi lúc đó không còn giọt máu ) , trái tim đập ầm ầm sợ cảnh sát bắt vô bót, vừa mắc cở ơi là mắc cỏ .Ngày hôm sau vào trường , tôi cứ lấm lét ngó trước , nhìn sau, hễ thấy bóng dáng Kim Hoàng là vắt giò lên cổ chạy trốn Từ sau “ tai nạn “ đó, tôi hết còn mỗi ngày chạy tò tò sau xe của Kim Hoàng nữa. Một mối tình học trò của tôi đã “ chết bi thảm“ ngay trong trứng nước cũng do chiếc xe đạp không thắng của ba tôi.

Ngay từ nhỏ tôi đã không được may mắn. Có lẽ thế mà tôi thường sống thu mình trong vỏ ốc cô đơn. Tôi lặng lẽ lớn lên, lặng lẽ sống cách biệt với gia đình. Tôi sống xa gia đình một cách hồn nhiên, thường là ở nhà bạn bè . Như tôi đã viết trong phần mở đầu , trong gia đình anh em tôi không biết thương nhau ( Lẽ ra, tôi không nên viết chuyện gia đình của tôi, nhưng đã là hồi ký là phải hết sức trung thực, dù câu chuyện của đời mình có đau đớn cách mấy . Con cũng xin lỗi vong hồn ba má khi con viết trong hồi ký chuyện trong gia đình mình ). Vì anh em tôi không biết thương nhau, tôi chỉ còn cách chọn lựa duy nhất là phải sống xa gia đình để cố gắng duy trì tình cảm ruột thịt thiêng liêng . Ba tôi mất sớm, má tôi một mình nuôi bầy con khôn lớn . Cho đến những giây phút cuối cùng của kiếp làm người, má nắm bàn tay tôi rồi má khóc , khiến tôi nhớ ngày ba nhắm mắt cũng nắm bàn tay tôi rồi ba cũng khóc . Mấy ngày trước khi chết, má không nói được ; vậy mà lúc này khi cầm tay tôi má vừa khóc, vừa dặn dò : “ Con lớn nhất trong gia đình, con phải lo cho các em con“. Lời trối trăng của má chỉ ngắn ngủi thế thôi, mà tôi đã khóc.Tôi gật đầu cho má an lòng ra đi, tìm lại ba tôi-người má thương hết đời của má .Chứ các em tôi cũng không cần tôi lo, các em đã có gia đình, có cuộc sống riêng tư và đều có một cuộc sống khá giả . Còn tôi, thì gần hết đời người vẫn trắng tay, vẫn bị cuộc đời dập vùi không thương tiếc,nhưng dẫu sao cũng còn có những người tử tế giúp đỡ tôi vượt qua cơn giông bão . Má dặn dò là dặn dò , nhưng má cũng hiều đứa con trai duy nhất của má từ thuở ấu thơ đã chịu nhiều thua thiệt cho đến lúc lớn lên vào quân đội như bao thanh niên khác sống ở miền nam


“Thuở ấy !
Giã từ tuổi mười tám bướm hoa tôi lên đường ra mặt trận
Mẹ tiễn tôi qua cầu đầy gió và nắng
Với đôi chân trần liêu xiêu trên mặt đường nhựa nóng bỏng
Buổi trưa mùa phượng đỏ không quên
Mẹ tiễn tôi-mẹ khóc bằng trái tim của người đàn bà mang thai
Ngày xưa hái một bông cúc dại thả xuống ao làng cầu nguyện
Khi đứa con trai đầu lòng mở mắt
Đất nước rồi sẽ bình yên

Thuở ấy , tôi lớn lên
Thở bằng hơi thở của con kênh nước đen ngòm nồng nặc mùi sình non- mùi rác rến- mùi súc vật chết trôi
Nơi cha dạy tôi bài học đầu tiên đau khổ
( Như chính cuộc đời đau khổ của cha đã bỏ quê đi từ năm chín tuổi )
Một mình sống-một mình lập nghiệp-một mình buồn-một mình vui
Cha ơi cha !
Suốt đời con vẫn nhớ`
Bài học cha dạy con sống để làm người

Thuở ấy- tôi lớn lên thật dại khờ
Chưa lần yêu-chưa lần hẹn hò- chưa lần thề thốt
Chưa kịp chạm bàn tay- chưa kịp nói lời mật ngọt
Đã biết nhói đau khi tiếng đại bác vọng về
Đã biết nhói đau khi nghe tiếng gầm rú của những chiếc máy bay bỏ bom trên bầu trời ...”



( còn nữa )