Monday, March 21, 2011

Hồi Ký Linh Phương - kỳ 45 -

-Kỳ 45-

Gần nửa thế kỷ trôi qua, bài thơ phổ nhạc Kỷ Vật Cho Em và tác giả không đi vào quên lãng như các tác phẩm khác trong lòng công chúng. Những người yêu thơ, yêu nhạc trước 1975 và cả những thế hệ sau này vẫn tìm hiểu về bài thơ , về số phận của tác giả Linh Phương sau năm 1975. Trên website ://kekhopk.com đã có bài viết :

“ Linh Phương là ai và đã làm gì?

Hai tuần trước trên trang báo này có đăng bài “Rắc rối quanh bài thơ được phổ nhạc Kỷ Vật Cho Em,” thì có rất nhiều độc giả và thính giả của đài Tiếng Nước Tôi gọi về yêu cầu chúng tôi đăng trọn bài thơ “Kỷ Vật Cho Em”. Cũng như có thêm bài thơ nào nữa của nhà thơ Linh Phương thì xin đăng phổ biến. Hoặc những gì có liên quan đến nhà thơ này, như vấn đề tình cảm, cuộc sống, v.v...
Và hôm nay chúng tôi xin đăng vài hàng về tiểu sử của nhà thơ Linh Phương và trọn nguyên văn bài thơ của anh.

. Nhà thơ Linh Phương họ Ðoàn, 25 tuổi, gốc người miền Nam, là một sĩ quan quá nhiều binh chủng như Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Kích, Biệt Ðộng Quân. Anh bỏ gia đình lang bạt xứ người gần 10 năm, viết văn, làm thơ từ năm 1962, anh đã chủ trương
-Văn nghệ Hoa Ðông Phương (1964).
- Chủ tịch Hội Những Người Viết Trẻ (1966).
- Biên tập viên Tuần Báo Tinh Hoa (1967).
- Anh cùng Vũ Trọng Quang coi sóc cơ sở văn nghệ báo chí, xuất bản phát hành Ðộng Ðất (1968).
Sáng tác đã xuất bản:
- Áo Tím Mùa Thu (1964).
- Còn Gì Cho Em (1965).
- Trên Ngọn Sầu Ðông (1966).
- Kỷ Vật Cho Em (1971).

Nhà thơ quân đội họ Ðoàn đã dự hầu hết các mặt trận khủng khiếp trong và ngoài nước như: Dakto, Khe Sanh, A Shau, A Lưới, Cồn Tiên, Tây Ninh, U Minh (nội địa Việt Nam), Prey Veng, Kompongcham, Tonlé, Bassac (ngoại biên Cambodia), Tchepone, Ðồi 30-31 (Hạ Lào), v.v...

Là một con người nhiều tình cảm, anh đã một thời yêu say đắm người con gái mang tên Hữu Phượng, nhưng rồi không thành. Khi vào quân đội, một Hoàng Ðắc Thị Cẩm Thuyên đã yêu thơ, yêu tác giả cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt vì cuộc chiến.

Từ sau ngày cái chết của Cẩm Thuyên, hoa khôi vùng Ðịnh Quán bụi mù đất đỏ, nhiều người con gái bước chân vào cuộc đời lãng mạn của nhà thơ như: Tố Huyền Trân (sinh viên Văn Khoa), Nguyễn Thị Linh Phương (sinh viên Dược Khoa), và anh đã sống trong nồng nàn yêu thương của cô giáo Trần Uyên Trâm, ca sĩ kiêm xướng ngôn viên đài phát thanh Nha Trang.

( Nguyên văn bài thơ phổ nhạc Kỷ Vật Cho Em ) “.

Tôi không biết tác giả là ai ? Tư liệu về tôi tìm ở nơi nào ? ( theo như bài viết là sưu tầm ) trong bài tương đối chính xác. Vào những năm tháng đó, tôi viết nhiều bài thơ cho cái chết của Cẩm Thuyên, cho đứa con chưa mở mắt chào đời đã biến thành đất, thành đá vì sự nhẫn tâm của cuộc chiến Việt Nam. Sự đau đớn tận cùng đó, đối với tôi không là sắt máu mà vẫn nhẹ nhàng để tôi ru con tồi ngủ , giấc ngủ không bao giờ thức để chứng kiến những gì mà người cha và thế hệ cha phải gánh chịu.Tôi nghĩ rằng yêu thương, nhẹ nhàng yêu thương sẽ đủ sức lay động lòng người .Lời ru không hận thù bởi tôi là người làm thơ, tâm hồn của người làm thơ chứ không phải là sát nhân.


Ngủ ngoan đi búp bê ơi !
Chiều xưa nắng tắt buồn rơi xuống đồi
Quạnh hiu ba đứng giữa trời
Lòng đau như cánh hoa khô cuối mùa
Nến tàn. Gió lạnh hơi mưa
Vầng trăng phố núi nửa đời treo nghiêng
Búp bê ơi ! Hãy ngủ yên
Cho lời ru mãi ngọt mềm môi ba

( Lời Ru Cho Búp Bê )


Ru con ngủ, rồi lại gọi con thức để hiểu tấm lòng ba đối với con, để thấy những bông hoa ba hái về trước mộ cho con. Dù bây giờ , mấy mươi năm xương tàn cốt rụi, mộ cũng không còn dấu vết. Dù ba mẹ không có một đám cưới thì con vẫn là con của ba, mẹ vẫn là người vợ đau khổ trong những cái khổ của người vợ lính ngày xưa.


Đặt búp bê xuống giường
Búp bê biết nhắm mắt
Hãy ngủ cho yên giấc
Ba lên đồi hái hoa

Những cánh mimosa
Nở vàng màu áo mẹ
Ba trân trọng tặng bé
Búp bê ngoan nhất nhà

Vậy mà con đi xa
Cõi vĩnh hằng sâu thẳm
Ngây thơ nằm bất động
Ngủ giữa trời đầy hoa

Những cánh mimosa
Ba hái về để đó
Thức dậy búp bê ơi !
Ba gọi con. Ba khóc

( Thức dậy búp bê ơi )


Thực ra , mối tình giữa tôi - Tố Huyền Trân và Nguyễn Thị Linh Phương ( Nguyễn Thị Linh Phương- người mà trong bài phỏng vấn tôi của ký giả Thiện Mộc Lan báo Đuốc Nhà Nam có đề cập đến ngày xưa Linh Phương thường làm thơ cho người yêu ở trường Áo Tím thường viết “ Cho khung trời Gia Long “ ) chỉ là một thoáng qua của thời trai trẻ sau khi bặt tin thư của Thương Mặc Uyên .Tình yêu đối với tôi lúc nào cũng đẹp, dù là bội bạc nhưng lúc quay lưng vẫn có cái gì đó thật đẹp trong trái tim thơ.
Những mối tình tôi chưa hề công bố sau năm 1975, và cũng không có gì là dấu ấn trong cuộc đời của tôi.Nhưng tác giả bài viết, có lẽ là người am tường về tôi khoảng một, hai năm đầu thập niên 70, nên đã đề cập đến mối tình “ lửng lơ con cá vàng” này ( Trước năm 1969 và từ năm 1972 đến 1975 , có lẽ không được biết gì về tôi nữa nên tác giả bài viết đã không nói đến những mối tình sau đó ).

Riêng về Trần Uyên Trâm , Uyên Trâm không phải là xướng ngôn viên đài phát thanh Nha Trang, mà Uyên Trâm xướng ngôn viên chương trình tiếp vận 5 của đài phát thanh Nha Trang. Uyên Trâm là em út một gia đình nhiều anh chị em, anh hai là sĩ quan cấp Tá Bộ Tồng Tham Mưu . Tôi và Uyên Trâm chia tay nhau khi có ba con: Con gái lớn là Thiên Hương, con trai kế tiếp là Kiên Cường- Thạc sĩ và Anh Dũng con trai út -Cử nhân kinh tế.Tôi không muốn đề cập sâu về chuyện tôi và Uyên Trâm vì sao phải chia tay.Tôi nghĩ hãy để cho vết thương được lành miệng theo thời gian. Tất cả những gì của chúng tôi đều là những gì của sự tốt đẹp trong cuộc sống và cuộc đời.

Một số người thường trách cứ , quy trách nhiệm cho Kỷ Vật Cho Em là khóc than, là bi thảm hóa cuộc chiến, khiến cho QLVNCH mất hết động lực chiến đấu.Điều đó không đúng. Kỷ Vật Cho Em không bi lụy, không rên rì mà nó là chứng nhân lịch sử của một thời đại, một cuộc chiến tranh khốc liệt, chúng ta phải chấp nhận những hậu quả tất yếu của cuộc chiến đó. Thành- bại là một ván cờ trên bàn tròn, bàn vuông, bàn chủ nhật chứ không phải do những người cầm súng tham dự.Như bài thơ “ Nỗi buồn tháng tư “ của tác giả Mai Kiều Vy trên vantuyen.net có chú thích câu : “…Anh còn nhớ bài tình ca rên rỉ …” là Kỷ Vật Cho Em.Nguyên văn bài thơ đó như sau :

(Viết riêng tặng nhà thơ Linh Phương)

Tháng tư về, em tóc rối chờ anh,
Mấy mươi năm, chưa một lần trở lại,
Ngày tháng phôi pha,mong chờ khắc khoải,
Đời trôi nổi lênh đênh theo vận nước.

Nơi em về, đường trần khuya lạc bước, ....
Vắng anh rồi, mây gió cũng buồn lây,
Nơi đó bây chừ phố vẫn mưa bay?
Trời tháng tư chao ôi, buồn quá nhỉ!

Anh còn nhớ bài tình ca rên rỉ? (1)
Ru hồn anh ngủ mấy chục năm dài,
Nơi anh nằm heo hut hút những vòng đai,
Chốn anh về mù mịt chẳng tương lai,

Em ở lại với nỗi đau quằn quại,
Ngậm khối sầu, em nặng gánh hai vai,
Nơi xứ lạ, ôm cuộc đời vất vưởng,
Tháng năm dài, đêm nằm em mộng tưởng…

Anh bên em đi nốt quãng đường dài!
Đêm rơi xuống mình mặn nồng ân ái…
Rồi đêm tàn, thấy anh không trở lại,
Em hụt hẫng trong đêm dài sợ hãi...

Cả bầu trời u ám một màu đen,
Thế gian này choáng ngợp cả hơi men,(2)
Tháng tư về, em mang sầu lữ thứ,(3)
Và tháng tám, mịt mù mây che phủ…(4)

Em nhớ lắm, ôi! Những mùa thu cũ,
Gió thu về, em nặng trĩu ưu tư,
Anh bây chừ đã yên giấc ngàn thu,
Em ở lại gục đầu trong lệ đắng!...

( 04/04/08 )
------------------------------------
( 1 ) – Kỷ Vật Cho Em.

Kỷ Vật Cho Em không phải là bài tình ca, cũng không rên rỉ theo ý nghĩ của Mai Kiều Vy hay một số người nhận định về lời thơ . Đó là sự thật của tuổi trẻ thời đại chúng tôi phải chấp nhận như thế, không ai có thể phủ nhận được.


( còn nữa )

Thursday, March 10, 2011

Hồi Ký Linh Phương - kỳ 43 -


Kỳ 43

Như tôi viết Hồi Ký Linh Phương về người con gái đã theo tôi qua khắp chiến trường khói lửa trong cuộc chiến tranh Việt Nam bằng những lá thư gửi từ Sài Gòn vào cuối thập niên 60. Tôi và em quen nhau vào năm 1967 khi tôi làm thư ký tòa soạn tờ tuần báo Tinh Hoa Nữ Sinh do nhà văn Nguyễn Thạch Kiên làm Chủ Nhiệm.
Thỉnh thoảng, Thương Mặc Uyên. ghé tòa soạn chơi, thường là em mặc chiếc áo dài màu trắng, dáng dấp em thật mảnh mai và dễ thương -lúc đó em còn đi học. Em làm thơ rất hay, trong nhóm Cung Thương Miền Nam của nhà thơ Nguyễn Lệ Tuân, nhà thơ Mây Viễn Xứ ( tức nhà thơ Lâm Hảo Dũng hiện định cư bên Mỹ , còn Nguyễn Lệ Tuân thì đã chết ).. Quen nhau không được bao lâu, tôi lên đường vào quân ngũ, ra đi mang theo những kỷ niệm của em và những ước mơ dở dang của mình.

Tôi đã đi qua nhiều địa danh, qua nhiều vùng chiến thuật, sống chết chỉ một tích tắc ơ hờ, hành quân không ngơi nghỉ , vậy mà tôi cứ da diết đợi chờ những lá thư của em gửi đến với bao xa cách nhớ nhung. Những lá thư của em tôi cất kỹ trong bọc nilon để trước ngực áo như lá bùa hộ mạng của người lính khi ra trận. Có lúc hành quân dưới ánh sáng hỏa châu soi từng bước chân đi, trời mưa rồi sình lầy của đồng bằng châu thổ Cửu Long. Nước xâm xấp gần ngang ngực.đi suốt đêm từ Rạch Giá qua tới Cầu Trắng - Cần Thơ, qua những cánh đồng tăm tắp, những dòng sông, kênh rạch rồi cầu khỉ trơn trợt, mưa gió lạnh run nhưng cứ sợ ướt những lá thư của em mà thôi.



Tôi vẫn thường tưởng tượng rằng :

Những sợi len màu tím
Em vui mừng đan cho anh chiếc khăn choàng cổ
Rồi ngày lạnh bắt đầu cho mùa đông
Khi chiếc lá cuối thu nằm run rẩy chết
Anh ở trong rừng
Đội nón sắt vải lưới ngụy trang
Mặc áo giáp cổ choàng khăn len tím
Lưng thắt dây đạn M.16
Tay cầm súng trong tư thế tấn công
Anh sẵn sàng chờ giặc đến
Người yêu em biết không
Em ở Sài Gòn
Em ngồi đan áo ấm
Chờ chuyến liên lạc hành quân em sẽ gởi ra mặt trận
Mà nghe em nói đây
Áo ấm em thêu tên anh kề bên tên em
Dù bất cứ ở đâu
Cồn Tiên hay Gio Linh
Đông Hà hay Đà Nẵng
Mỗi lần mặc áo là nhớ em
Nha anh

( Nói Cùng Người Yêu Ở Xa )

Chuyển vùng bốn về vùng ba với Tây Ninh, Bình Long rồi Long Khánh, rừng tiếp rừng, ngày tiếp ngày. Tôi nhớ Sài Gòn , nhớ chiếc áo dài trắng học trò của em, nhớ nụ cười của em, và nghĩ đến một ngày nào đó .


Em ở Sài Gòn em bỏ học
Anh nhớ con đường nhớ lá me
Cái sỏi nào bám chân ngà ngọc
Gió thổi tóc dài vạt áo che


Guồng máy chiến tranh đã cuốn hút tôi vào bom đạn,chiến tranh không phải là trò đùa.Một ngày nào đó, tôi sẽ không còn đôi tay để trở về dìu em dạo phố,không còn đôi chân để đưa em đến giảng đường, không còn đôi mắt để nhìn em trong chiếc áo dài của thời hoa bướm mộng mơ. Thời gian cứ dài ra… dài ra…thư của em thì thưa dần … thưa dần …rồi bặt tăm. Tôi không hiểu tại sao ? Anh không hiểu tại sao TMU ơi ? Nhưng tôi chỉ biết rằng nỗi buồn ấy, tôi vẫn không buồn kịp theo từng chuyến hành quân, theo cuộc chiến triền miên trên đất nước mình..

Chúng tôi mất liên lạc nhau cuối năm 1969, tôi không còn nhận được lá thư nào của em nữa. Chiến tranh khiến chúng tôi yêu chưa kịp yêu, hẹn hò chưa kịp hẹn hò ,buồn chưa kịp buồn, nhớ chưa kịp nhớ. Mỗi buổi sớm mai thức dậy, tôi mới biết tôi còn sống, còn được nhìn mặt trời rực rỡ sau kẽ lá chòm cây. Còn được thả hồn về Sài Gòn hoa lệ, về với Bà Hạt với con đường Nguyễn Duy Dương quận 5, nơi bóng dáng người con gái nhỏ làm thơ rồi trở thành nhà thơ giữa mùa quê hương ly loạn . Thả hồn về nhà in Thanh Long tòa soạn tuần báo Tinh Hoa Nữ Sinh trong con hẻm đường Võ Tánh, nơi bước chân em đến sau giờ tan học nào đó. Đối với tôi, một chút gì của em đều là kỷ niệm tôi, một chút gì của em tôi đều nâng niu , chăm chút mang theo làm hành trang cho chuyến hành trình vô tận. Chuyến hành trình mà người con gái nào nếu có người yêu, người phụ nữ nào nếu có chồng ra mặt trận đều chung một câu hỏi “ Em hỏi anh bao giờ trở lại “. Và bất cứ người lính nào cũng chỉ có thể trả lời rằng “ Mai mốt anh về “, câu trả lời xót xa đến thế, đau đớn đến thế.





Xa nhau , thời gian dài theo cuộc chiến cho đến ngày kết thúc chiến tranh vẫn không một tin tức gì về em.Khoảng năm bảy năm trước, một người bạn nói với tôi em hiện định cư tại Mỹ với chồng con. Tôi rất vui mừng biết em còn sống, được hạnh phúc bên chồng con.Mấy mươi năm bể dâu, tôi lận đận giữa đời trầm luân sau mấy năm cải tạo trở về. Tôi không bật tiếng rên khi bị người ta đánh đập, tôi không bật tiếng than khi vất vả chuyện mưu sinh.Chuyện thành bại của một ván cờ đã đi vào quá khứ, nhưng giấc ngủ ở tôi chưa đêm nào được yên giấc.Tôi cứ ray rức khôn nguôi về những người thương yêu thời trai trẻ như “ sông dài cá lội biệt tăm…”. Con đường lông ngỗng trắng vời vợi mà đôi chân tôi đã bật máu bao lần .Lắm lúc…


Anh hụt hơi chạy về phía ban mai chân trời
Nơi có một mối tình và giấc mơ riêng nồng thắm
Giấc mơ không thấy hỏa châu – không nghe tiếng ầm ầm bom đạn
Mối tình không xa khuất vì vạt rừng- góc núi - dòng sông
Anh đã đi qua ngần ấy thời gian chiến tranh
cũng như em đã đi qua ngần ấy nỗi buồn
Lặng lẽ đợi chờ – âm thầm thương nhớ
Phía ban mai chân trời quá khứ
Anh chạy hoài – chạy mãi- không đến được cùng em
Hụt hơi ngã sấp xuống mặt đường–lưỡi dao cuộc đời cắm sâu vào lồng ngực
Máu đỏ thành hoa
Con bướm vàng tuổi thơ chợt hiện về trong ký ức
Bên vòng kẽm gai giữa mùa khói lửa điêu linh
Em đứng khóc một mình phía ban mai chân trời không có anh
Không có anh
Không có anh

( Phía ban mai chân trời )


Cách đây một năm ,tôi được một người bạn văn nghệ kể TMU đã chết vì bệnh..Tôi bàng hoàng không muốn tin lời người bạn văn nghệ, tôi cũng không sao kiểm chứng được em thực sự qua khỏi kiếp người hay còn tồn tại ở thế gian ? Tôi vẫn hy vọng sẽ gặp lại em, người con gái trong chiếc áo dài trắng của hơn 40 năm trước. Ngày tôi còn là một thanh niên nhìn cuộc đời sau lăng kính màu hồng Ngày em còn là một thiếu nữ hồn nhiên lắm mộng nhiều mơ. Trái tim em ngừng đập rồi để lại tôi vết thương thời trai trẻ, chỉ một lần đến cùng nhau-một lần là xong một đời, là mãi mãi vĩnh biệt thiên thu.Nỗi buồn tôi nuốt, tôi giữ trong lòng chật hết, niềm vui thì bay theo gió ngàn lẫn khuất xa xăm.Bay đi nhé gió ơi, bay về chỗ nào thăm thẳm có em.

Thứ bảy 05/03/2011. Tôi nhận được email tên…vn… chỉ vỏn vẹn hàng chữ “Nhờ bạn tôi gửi đến Linh Phương.....khi nào có thể.. “ và 2 câu thơ của em :


Ngàn năm dưới mộ em sầu
Nhớ người lính trẻ...........tình đầu khôn nguôi !

TM.Uyên.

Tôi sững sờ, hoang mang vì những dòng chữ và 2 câu thơ này. Tôi thẫn thờ đọc không biết bao nhiêu lần để hiểu rõ câu “ Nhờ bạn tôi gửi đến Linh Phương…khi nào có thể “. là sao ? Phải chăng bạn em gửi đến tôi hai câu thơ của em là lời trăn trối sau cùng của em trước phút lâm chung ? Hai câu thơ : “ Ngàn năm dưới mộ em sầu. Nhớ người lính trẻ… tình đầu khôn nguôi “ như những mũi kim đâm vào trái tim đầy vết xước của tôi.TMU. ơi ! Hai câu thơ sao mà khổ đau thế hả em ? Người lính trẻ ấy với mối tình đầu, bây giờ tóc đã điểm hoa sương sau mấy mươi năm bị đời vùi dập. Mấy mươi năm hệ lụy chiến tranh dai dẳng không ngờ.Tôi là kẻ mộng du đang chạy trên những nóc nhà cao tầng xã hội mới, tôi sợ một ngày rớt xuống đất không có được một lời trối trăn . Đầu óc tôi miên man suy nghĩ về cái chết của em. Về hai câu thơ như một lời thề của một người con gái gửi lại người xưa biền biệt mấy mươi năm .Chiến tranh đã không giết được người lính thú hơn 40 năm trước của em. Vậy mà kết thúc chiến tranh rồi định mệnh vẫn không cho anh và em một lần hội ngộ.

Tôi vẫn không tin em chết, em chưa chết, em vẫn còn sống một nơi nào đó trên quê hương của mình. Em vẫn còn sống ở nơi nào đó ở bên kia nửa vòng trái đất hạnh phúc với chồng con.Những lời trong email ,hai câu thơ em gửi chỉ là đùa thôi, chỉ là chút nghịch ngợm như thuở em còn cắp sách., thuở em và anh quen nhau thôi mà, phải không TMU ? Tôi không tin em chết, nên tôi gửi theo địa chỉ email : “ Tôi là Linh Phương, nhận được email này tôi rất xúc động khi đọc hai câu thơ của TMU. Đã hơn 40 năm rồi, xin ai đó cho tôi biết TMU. ngày xưa có phải là TMU. gửi cho tôi email này không ? Và cuộc sống của TMU. bây giờ ra sao . Tôi rất nóng lòng được biết”., và tôi chờ đợi email hồi âm .Tôi không tin em chết khi nhận được email ngày thứ bảy 50/03/2011.Em không chết em chỉ đùa với anh thôi phải không TMU. ? Đùa với người cũ của em thôi mà. Rồi em cũng sẽ xuất hiện gặp lại “…người lính trẻ tình đầu khôn nguôi “ của em thôi.
Tôi nhận được email ngày thứ hai 07/03/2011, không trả lời những gì tôi muốn biết, chỉ có hàng chữ “n… là một email chung của những người bạn cũ , để nhớ một thời áo trắng.”, và 4 câu thơ của em :

“ Người xưa nát với cỏ cây
Tình xưa phiêu hốt theo mây cuối trời
Linh Phương ơi...... mộng xa vời
Thư xanh ngày cũ ngậm ngùi nhớ nhau.”
- TM.Uyên-

Tôi rớt nước mắt đọc những câu thơ của em. Tôi tin em còn sống một cách lạ lùng, dù những câu thơ kia là của người chết.Nhưng tại sao em không muốn gặp mặt Linh Phương hả em ? Chiến tranh đã xô dạt đời anh xa em, một lần xa mà hơn 40 năm trời, thì tại sao, tại sao em vẫn muốn đùa với anh như ngày xửa ngày xưa ?. Tôi không tin TMU. chết, tôi gửi email cho những người bạn thời áo trắng của em .” Xin những người bạn cũ của TMU. vui lòng cho tôi biết về TMU.. Vì trước đây tôi có hỏi những người bạn văn nghệ được biết TMU. với chồng con định cư tại Mỹ. Mấy năm nay tôi được tin TMU. bệnh và đã không còn sống trên cõi đời này . Dù sống hay chết, dù cuộc sống hiện nay ra sao , xin những người bạn cũ của em cho tôi biết rõ hơn.Đừng để tôi hoang mang, đau lòng khi nghĩ đến em ….”.

( còn nữa )

Thursday, March 3, 2011

Hồi Ký Linh Phương - kỳ 42 -


- Kỳ 42 -


RẮC RỐI QUANH BÀI THƠ ĐƯỢC PHỔ NHẠC “ KỶ VẬT CHO EM “


Tuần qua đài Tiếng Nước Tôi có yêu cầu chúng tôi nói về bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em,” bởi cho đến bây giờ rất nhiều người vẫn lầm tưởng bản nhạc nói trên là do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác.
Là người phụ trách chương trình cổ nhạc của đài, cũng đồng thời phụ trách trang cổ nhạc kịch trường của nhật báo Người Việt, chúng tôi viết lên bài này để độc giả, thính giả, chúng ta cùng hiểu qua giai thoại về bản nhạc từng một thời gây chấn động mọi giới.
Thật ra thì “Kỷ Vật Cho Em” nếu không có chuyện rắc rối xảy ra thì nó cũng là bản nhạc thuộc loại “phản chiến” như nhạc của Trịnh Công Sơn vậy thôi. Nhưng vấn đề ở đây là do có liên quan đến luật pháp về tác quyền đối với nhạc sĩ tên tuổi Phạm Duy, nên sự kiện đã trở thành lớn chuyện.



Hình chụp tại một quán ca nhạc ở Sài Gòn, lúc nhạc sĩ Phạm Duy mới về Việt Nam. Bên trái là ký giả Lê Phương Chi,
cũng là nhà văn Thái Tâm Canh, tác giả bộ truyện Trung Hoa lịch sử tiểu thuyết “Ðào mả Tần Thủy Hoàng”. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Thời ấy vào khoảng 1971, giới yêu nhạc đã xôn xao bàn tán khá nhiều về bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em,” vì ai cũng đinh ninh rằng do chính nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy sáng tác như hằng bao nhiêu bản nhạc khác của nhạc sĩ vậy. Thế rồi, đùng một cái, tin tức loan truyền mau lẹ không riêng gì trong giới yêu nhạc mà lan rộng sang nhiều giới khác, rằng bản nhạc kia nguyên là bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” của một thi sĩ quân đội mà nhạc sĩ họ Phạm đã chơi trò ma giáo phổ nhạc của người ta rồi tỉnh bơ luôn!


Bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” với những câu:

Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến thắng trận Pleime
Hay Ðức Cơ - Ðồng Xoài - Bình Giã
Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng...

Cũng bằng những dòng thơ đó, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành bài nhạc “Kỷ Vật Cho Em,” một nhạc phẩm đã tạo nhiều tiếng vang sâu rộng trong lòng giới yêu chuộng nhạc thời bấy giờ (khoảng 1970). Ðã nổi tiếng rồi, qua năm sau bản nhạc lại được đưa lên bàn mổ để thêm một lần nữa nổi tiếng nhiều hơn, và lần này đã gây chấn động không những trong làng ca nhạc mà lan rộng ra nhiều giới khác, do một rắc rối xảy ra như sau:

Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” của nhà thơ Linh Phương mà tác giả không hề được hỏi ý kiến, cũng không được hưởng một xu nào cả khi bản nhạc được xuất bản, và sau hết là tên tác giả bài thơ bị xóa bỏ trong tuyển tập nhạc của Phạm Duy. Cũng nên biết có lúc giới trẻ yêu nhạc đã gọi nhạc sĩ Phạm Duy là “Bố già Hippy”.


Nhà thơ Linh Phương. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)


Bản nhạc nêu trên qua thời gian coi như đã đi vào lịch sử âm nhạc, văn học Việt Nam. Thế nhưng, đối với lớp người thuộc các thế hệ sau này có mấy ai am tường những rắc rối bao quanh bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em” lúc nó mới ra đời? Cũng như có mấy ai biết rõ nguồn gốc bản nhạc được giới mộ điệu liệt vào một trong số những bản nhạc hay, bất hủ ấy vốn xuất phát từ bài thơ của một người chiến sĩ có tâm hồn văn nghệ. Ðồng thời lại cũng có người lầm tưởng bản nhạc kia là hoàn toàn của Phạm Duy như đã đề cập.
Cái điều mà thiên hạ thắc mắc lúc bấy giờ là nhà thơ kia là ai? Và tại sao bản nhạc được phổ biến gần cả năm trời rồi mà tác giả lại im lặng như thế chứ? Lúc ấy tại những tụ điểm ca nhạc thì hầu như ngày nào cũng có ca sĩ hát bài “Kỷ Vật Cho Em” và có hát là có người bàn bạc về tác giả cũng như nội dung bài thơ.

Rồi lại có tin nói rằng tác giả bài thơ ấy là một chiến sĩ đã chết trận, nên chỉ nghe nói mà không thấy xuất hiện. Thế là bao nhiêu huyền thoại được tung ra, nào là Linh Phương tác giả “Kỷ Vật Cho Em” đã chết trận ở Huế, nào là tác giả là một vị thiếu tá cụt tay của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, trung úy một chân của Biệt Ðộng Quân, v.v...

Rồi thì việc phải đến đã đến, nhà thơ Linh Phương xuất hiện, anh là một sĩ quan binh chủng Biệt Ðộng Quân, Biệt Kích, 25 tuổi, gốc người miền Nam. Sau lần giã từ hiểm địa Hạ Lào, nhà thơ Linh Phương trở về thành phố và nhân một lần tình cờ ngồi ở phòng trà Queen Bee nghe tiếng hát Thái Thanh qua bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em” của tác giả Phạm Duy. Anh sửng sốt vì bản nhạc là bài thơ anh sáng tác vào đầu năm 1970 gửi cho nhiều nhật báo, tuần san. Riêng tờ Ðộc Lập, anh sửa tên lại là “Trả Lời Cho Một Câu Hỏi” đăng trên mục thơ do cô Ấu Lăng phụ trách vào Tháng Năm, 1970. Một bất ngờ hơn nữa người bạn của anh trao cho anh mượn tập nhạc “Kỷ Vật Chúng Ta” của Phạm Duy, trong đó có bản “Kỷ Vật Cho Em,” tên tác giả bị bôi xóa, niên hiệu bài thơ lại đề năm 1968.

Anh hơi buồn về chuyện đó nên nhờ người bạn ký giả một tờ tuần báo đăng vài hàng nhắn tin cần gặp nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy vẫn không đá động gì, nên nhà thơ quân đội Linh Phương buộc lòng phải gởi thư lên tiếng cùng Phạm Duy về bản nhạc.

Giờ đây thì vụ rắc rối này không là chuyện riêng tư của Phạm Duy và Linh Phương nữa, vì mọi người đều đã biết đến qua báo chí. Sau mấy ngày báo đăng, rằng nhà thơ Linh Phương tác giả bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” sẽ đưa nhạc sĩ Phạm Duy ra tòa về việc phổ nhạc không có sự chấp thuận của tác giả, cuộc lên tiếng của Linh Phương đã bắt buộc Phạm Duy phải nhờ người đi tìm đến số nhà 104/23 Yersin, Sài Gòn, nơi cư ngụ của anh để điều đình về bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em.”

Nhạc sĩ Phạm Duy cho báo chí biết là ông đang thảo một bức thơ ngỏ để trả lời nhà thơ Linh Phương, sở dĩ ông phổ nhạc bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” là vì đã lâu lắm tình cờ ông đọc thấy bài thơ hay hay trong một tờ nhật báo, và ông đã nổi hứng đặt nhạc cho thơ, cũng như đã từng phổ nhạc cho thơ của Huy Cận, Thế Lữ, Nguyễn Du.
Rất tiếc khi tập nhạc được phát hành, nhà xuất bản đã sơ xuất bỏ quên tên của nhà thơ trên bản nhạc, và ông đã lưu ý nhà xuất bản cải chính giùm lỗi này cũng như mười mấy lỗi trầm trọng khác. Ðồng thời ông cũng yêu cầu các nhà xuất bản kiếm nhà thơ để giải quyết vấn đề tác quyền, nhưng nhà xuất bản kiếm không ra vì không ai biết nhà thơ Linh Phương là ai? Ở đâu?

Về việc kiện cáo, nhạc sĩ Phạm Duy cho là không thành vấn đề, vì nhà phát hành phải lo chuyện này. Tuy nhiên, việc nhà thơ Linh Phương lên tiếng, Phạm Duy cho đó là dịp may để ông được biết rõ tên thật và binh chủng của thi sĩ, để ông có thể ngỏ lời mời tới gặp và sẽ đưa tới gặp nhà xuất bản để những người này làm bổn phận của họ.

Và sau đó thì lá thơ của Phạm Duy được lên báo:

Sài Gòn, ngày 11 Tháng Tám, 1971.
Kinh gởi anh Linh Phương.

Trước hết, tôi xin thành thật xin lỗi anh vì đã liên lạc với anh quá chậm trễ, nhưng cho mãi tới hôm nay tôi mới được biết anh ở đâu tên thực là gì, dù rằng đã từ lâu tôi đã nhờ thi sĩ Phổ Ðức, Du Tử Lê cũng như đã nhờ vài người bạn quân nhân cùng binh chủng với anh bằng cách đăng tin tìm anh trên nội san của binh chủng mà chưa có kết quả. Nay anh đã liên lạc được với tôi qua báo chí, thì tôi thấy đành phải nhờ báo chí để liên lạc với anh (trong khi tôi mong được gặp anh để đỡ phải làm phiền hà báo chí).

Là một người rất yêu quý tất cả những cái đẹp của quê hương xứ sở (trong đó có thi ca), tôi thường hay tìm cách để giới thiệu cái đẹp đó cho mọi người biết. Việc phổ nhạc bài thơ của anh cũng chỉ nằm trong mục đích đó. Tôi không nhớ đã đọc và thuộc lòng bài thơ của anh vào lúc nào và cũng quên hẳn không biết bài đó đăng ở đâu, nhưng chắc chắn phải là vào lúc mà người bạn thơ Trần Dạ Từ và tôi đồng ý với nhau rằng những kỷ vật mà chúng ta tặng nhau lúc đó chỉ có thể là những vỏ đạn, mảnh bom hay dây thép gai. Tập thơ “Tỏ Tình Trong Ðêm” của Từ cũng mang rất nhiều ý tính đó. Cho nên bài thơ của anh được phổ thành ca khúc đã mang tên “Kỷ Vật Cho Em” trong khi, nếu tôi không lầm, nó được anh đặt tên là “Trả Lời Cho Một Câu Hỏi.”

Những điều anh trách tôi như: “Không đăng tên thi sĩ hoặc đăng sai năm ra đời” thì việc này xin được giải thích như sau:

1. Tất cả những bài bản của tôi làm ra trong vòng 30 năm nay đều không do tôi ấn hành xuất bản. Thường thường, gần đây là những bạn thân bỏ tiền ra in, và thường tôi ít được duyệt lại lần chót trước khi hoàn thành tuyển tập. Do đó, ngoài lỗi lầm lớn lao đã không đăng tên anh, còn khoảng 12 lỗi khác cũng rất quan trong, và khi tuyển tập ra đời, tôi đã nói với anh bạn xuất bản nên in một “phụ bản đính chính” (erratum) tất cả những khiếm khuyết hay sai lầm. Dù sao tôi cũng nhận lỗi đã không cứng rắn đối với anh bạn xuất bản. Từ nay trở đi chắc tôi sẽ khó tính hơn.

2. Việc đề niên hiệu của ca khúc rất có thể do trí nhớ kém cỏi của tôi hoặc do vội vàng đưa bài ca đó vào lúc chót: Xin thú thật với anh bài thơ bất hủ của anh được phổ thành ca khúc đã không được phép hát và ấn hành; nhà xuất bản cũng như những nơi phổ biến ca khúc đó không bị phiền hà cũng là một sự may rủi.

Tôi hiểu sự buồn giận của anh và mong anh sẽ hiểu cả sự vô tình mắc lỗi của tôi. Tôi tự nghĩ trong suốt cuộc đời sáng tác của tôi, ngoài sự gìn giữ sự tự do tuyệt đối của mình có thể làm cho nhiều người không ưa, tôi chưa hề bao giờ phải làm buồn lòng những người làm thơ mà tôi phổ nhạc. Tôi ước ao anh sẽ không phải chỉ làm một bài thơ đó để cho tôi phổ nhạc và mong anh sẽ còn cho cuộc đời nhiều thi phẩm bất hủ hơn.
Ngoài ra, tôi mong được gặp anh để người bạn xuất bản có thể thanh toán tiền tác giả.


215 B Chi Lăng Phú Nhuận Sài Gòn
Phạm Duy


Kết cuộc thì vấn đề được giải quyết ổn thỏa bằng một sự thông cảm hết sức văn nghệ chớ không dính dáng gì đến tiền bạc. Sự thông cảm thể hiện rõ hơn khi Phạm Duy đích thân mời Linh Phương trong quân phục tác chiến tới dự buổi trình diễn của gia đình Phạm Duy tại phòng trà Queen Bee. Khán giả đêm đó đã biết mặt nhà thơ Linh Phương tác giả bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” mà họ tán thưởng từ lâu qua lời giới thiệu trịnh trọng của nhạc sĩ Phạm Duy.

Tháng Tư, 1975 nhạc sĩ Phạm Duy di tản ra hải ngoại, và ông đã về nước sống tại Sài Gòn nhiều năm qua, thỉnh thoảng người ta cũng thấy ông ở các tụ điểm ca nhạc. Riêng nhà thơ Linh Phương thì sau ngày quân đội VNCH tan hàng, người ta không biết anh ở đâu, sống bằng nghề gì.

Đó là một bài viết mới nhất về những giai thoại chung quanh bài thơ “ Trả Lời Một Câu Hỏi “ thơ Linh Phương , nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “ Kỷ Vật Cho Em “của tác giả Ngành Mai trên nhật báo Người Việt . Bài viết chính xác , tuy nhiên cũng có vài chi tiết mà tôi cần bổ sung thêm để bạn đọc có thông tin thật rõ ràng. Trong bài viết,tấm ảnh tôi mặc quân phục Biệt Động Quân trong bộ sưu tập của tác giả Ngành Mai là tấm ảnh tôi chụp trước Hội Trường Diên Hồng, được đăng trong bài viết về tác giả Linh Phương của ký giả Huy Trường , phụ trách trang kịch trường-tân nhạc báo Lập Trường của GS. Nguyễn Ngọc Huy trong Phong Trào Cấp Tiến. Những huyền thoại về tôi cũng được Vĩnh Kha viết lời bạt cho tập thơ “ Kỷ Vật Cho Em “ do Cơ sở Động Đất xuất bản ( trang 1,2,3). Tôi xin trích một đoạn lời bạt : “ …Như một thứ linh thiêng lì lợm qua những binh chủng đồ trận Thủy Quân Lục Chiến-Biệt Động Quân. Như một thứ phù thủy uy quyền tối thượng, nhà thơ họ Đoàn đã làm say mê bao nhiêu trái tim yêu thơ, yêu tác giả qua bút hiệu Linh Phương-Vương Thị Ái Khanh- Phạm Thị Âu Cơ,,,một thời được mệnh danh là hiện tượng lạ trong thi ca hiện chiến Việt Nam….Nếu như bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “của Linh Phương mà anh Phạm Duy phổ nhạc với tiếng hát Thái Thanh làm rúng động dư luận bằng những huyền thoại đầy hào quang cho nhà thơ họ Đoàn như nào là Linh Phương Trung úy một chân, nào là Linh Phương đã tử trận ở chiến trường Hạ Lào, nào là Linh Phương Thiếu Tá cụt tay của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, nào là Linh Phương hạ sĩ,,v,,v,,”
.Lúc nhạc sĩ Phạm Duy tìm được tôi qua người cháu của ông là Phạm Duy Nghĩa sĩ quan Phòng Tâm Lý Chiến của Bộ tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến ( tôi nói trong Hồi Ký Linh Phương ) lúc đó tôi ở Tiểu đoàn 6 TQLC, sau tôi chuyển qua binh chủng Biệt Động Quân thời gian rất ngắn nên tôi không đề cập trong tiểu sử của mình.

( còn nữa )