Tuesday, September 28, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 26 -


- Kỳ 26 -


Tôi nhớ cách đây vài năm, có một người phụ nữ ở Sài Gòn gọi phone cho tôi, hỏi: “Hồi Mậu Thân anh có ra Huế và quen với một người con gái , sau đó, thì thất lạc nhau trong cuộc chiến tranh. Bây giờ biết được tin anh, không biết có đúng chăng ?”. Tôi cười :” Anh ấy người miền nào ?” Cô nói: ” là dân Hải Phòng” .” Vậy là không phải đâu, cô tìm lầm người rồi, tôi là dân Nam bộ”. Tôi kể cho bạn tôi là nhà thơ Vũ Trọng Quang ở Sài Gòn nghe. Vũ Trọng Quang cất công tìm trên danh bạ điện thoại thì được biết tên cô là Hoàng Thị Kim Cúc nhà ở đường….Sài Gòn.Thỉnh thoảng lại có những cú phone chưa hề quen thăm hỏi, tỏ lòng ái mộ rồi đích thân hát hoặc trên dĩa CD qua điện thoại di động bản “Kỷ Vật Cho Em” cho tôi nghe. Nhiều người gặp ,biết tôi là tác giả bài thơ KVCE , họ rất mừng , vì cho đến bây giờ họ mới gặp được tác giả bài thơ bằng xương bằng thịt mà họ yêu mến.Tôi rất cảm động về những người bạn xa lạ đó, về những tình cảm suốt mấy mươi năm trôi qua vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của họ, như mới ngày hôm qua đây thôi. Đó là niềm vui sau cuộc bể dâu đời người tôi đã trải qua. Ngược lại , nỗi buồn , buồn tận cùng cũng không ít . Cứ nhớ là đau thốn ruột gan trước sự biến thiên của tạo hóa, trước tình người , tình đời thay đổi
Cuối năm 2005, tôi và ký giả Thiện Mộc Lan – người phỏng vấn tôi 4 kỳ báo trên nhật báo Đuốc Nhà Nam năm 1971 biết được tin tức của nhau kể từ sau 1975 . Anh Thiện Mộc Lan đã gửi cho tôi những dòng sau hơn 30 năm xa cách .

“ …Tôi quen với nhà thơ Linh Phương từ năm 1971, lúc anh đang ở đỉnh cao danh vọng, và tôi là một ký giả của nhật báo Đuốc Nhà Nam tìm đến địa chỉ do nhạc sĩ Phạm Duy cung cấp để làm một loạt bài phỏng vấn Linh Phương. Riêng nhạc sĩ Phạm Duy, đã có lần tâm sự : " Với chiến tranh Việt Nam, tôi đã ba lần viết về hòa bình qua 3 tác phẩm Nhớ Người Thương Binh, Ngày Trở Về và Kỷ Vật Cho Em".

Sau năm 1975, Linh Phương và tôi lạc mất nhau. Qua bao thăng trầm, mỗi người một số phận, anh em vẫn nhớ nhau nhưng không có cách nào biết được tin tức của nhau. Tôi thì từ giã làng báo Sài Gòn, trở về quê nhà ở Tỉnh Đồng Tháp hòa nhịp cùng cuộc sống mới. Trên 30 năm, tưởng không bao giờ còn gặp lại Linh Phương, nào ngờ…cuối năm 2005 nhờ ký giả Phan Bảo Quân báo Sân Khấu Truyền Hình ( hiện ở Sài Gòn -người viết bài về nhà thơ Linh Phương tác giả Kỷ Vật Cho Em và việc nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ ) chúng tôi đã liên lạc được nhau.

Lá thư đầu tiên sau bao năm " bặt vô âm tín ", nét chữ của Linh Phương vẫn đẹp và bay bướm như hồi năm 1971 , anh viết tay bài thơ Kỷ Vật Cho Em tặng tôi - Thiện Mộc Lan
.
Từ thập niên 70, Linh Phương đã nổi tiếng là nhà thơ trẻ có nhiều " huyền thoại ". Đông đảo các trang báo Sài Gòn lúc bấy giờ tốn khá nhiều giấy mực để viết về Linh Phương với những mảnh đời khá thú vị. Ba mươi mấy năm trước , Linh Phương là một đề tài sôi động , rồi ba mươi mấy năm sau Linh Phương vẫn sôi động .
THIỆN MỘC LAN
( ký giả báo Đuốc Nhà Nam- Quật Cường- Độc Lập trước năm 1975 )

Như anh Thiện Mộc Lan nói, thật kỳ lạ - chỉ có bài thơ Kỷ Vật Cho Em thôi mà cuộc đời tôi nhiều gian nan, và cũng xảy ra nhiều đề tài sôi động . Mấy chục năm trôi qua, Kỷ Vật Cho Em vẫn không đi vào lãng quên trong ký ức mọi người . Tôi gian nan vì bên kia cho rằng tôi là tâm lý chiến làm thơ cho Phạm Duy phổ nhạc chống phá cách mạng . Bên này thì cho rằng phản chiến , làm băng hoại hàng ngũ QLVNCH . Tôi chông chênh giữa hai lằn đạn , không biết mình thuộc thành phần nào , có công hay có tội với đât nước này . Mà thế nào đi nữa thì lý lịch tôi cũng đen ngòm mất rồi . Muốn làm một tiện dân , muốn sống làm một con người tử tế cũng là rất khó khăn đối với tôi .
Cho đến bây giờ, Kỷ Vật Cho Em vẫn còn sôi động , vẫn còn được nhắc nhở như một bài thơ kinh điển nói về chiến tranh Việt Nam. Kinh điển vì bài thơ nói về chiến tranh được phổ thành nhạc khúc vẫn bất tử trong lòng những người yêu thơ , yêu nhạc xa xưa , dù chiến tranh ngày ấy đã xa dần . Trong bài viết “ Hoài niệm về bài hát Kỷ Vật Cho Em “ ; hay trên website Đông Dương Thời Báo bảo bức tượng “ Thương tiếc “ hình ảnh người lính ngồi ôm súng canh giữ Nghĩa trang Quân Đội và bài hát Kỷ Vật Cho Em là điềm báo trước sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam. Ngay cả chuyện một người lấy nguyên văn bài thơ phổ nhạc KVCE mà gắn cho một cái tên CN của một xác chết xa lạ nào đó là tác giả .Điều này công chúng yêu thơ, yêu nhạc Việt Nam không một ai tin được sự dối trá , đến mức độ trơ trẻn như thế - trừ một vài người thiếu hiẻu biết. Sự thật vẫn là sự thật ,và Linh Phương vẫn là Linh Phương, 30 năm – 50 năm hay mãi mãi về sau không thể nào thay đổi được .

Tháng 8 năm 1978 , tôi được trả tự do sau ngày tập trung cải tạo từ 01.05.1975 . Gia đình tôi cứ tưởng tôi đã chết trong cuộc biến động lớn lao của đất nước . Má tôi thực sự biết được tôi còn sống nhờ một sự tình cờ của một người đi buôn đường dài từ Sài Gòn xuống Cà Mau . Người này ở gần nhà tôi trên Sài Gòn ( lúc này gia đình má tôi đã bán nhà ở quận 8 Sài Gòn về Cà Mau sinh sống ). Má tôi nghĩ tôi đã chết, nhưng bà vẫn cố bấu víu hy vọng là tôi vẫn còn hiện diện trên cõi đời này. Bà nhờ người đi buôn đường dài đến ngôi nhà ngày xưa hỏi chủ nhà coi có nhận được thư từ nào của tôi gửi về đó không ? .
Thật là may mắn , người chủ nhà cho biết vừa nhận được một lá thư gửi về địa chỉ này , người chủ nhà ra thùng rác tìm lại lá thư . Lá thư đã mất nhưng bì thư vẫn còn, nên má tôi biết tôi còn sống và đang cải tạo . Bà tức tốc đến nhờ một người cậu ruột của má là Cộng Sản có chức sắc Tỉnh Hậu Giang ( bây giờ là TP. Cần Thơ ) bảo lãnh cho tôi . Cậu ruột của má lạnh lùng từ chối vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của mình , khi có liên hệ với Ngụy quân . Má tôi vừa khóc, vừa chạy tức tưởi đến nhà ông Sáu Khương ,một người bà con cũng là Cộng Sản có chức sắc nhưng không phải ruột thịt , nhờ ông giúp bảo lãnh tôi . Ông Sáu Khương liền viết thư cho người cháu của ông làm việc tại UNND nơi tôi cải tạo , can thiệp và trả tự do cho tôi .

Bước chân về Cà Mau , tận cùng của mảnh đất Việt Nam , tôi cảm thấy mình thật lạ lẫm với nơi này . Tôi cứ nhớ Sài Gòn, nhớ bạn bè , nhớ kỷ niệm nơi tôi mở mắt khóc cười- nơi tôi lớn lên làm người- nơi tôi cầm súng ra mặt trận như thế hệ thanh niên chúng tôi lúc bấy giờ tại miền Nam Việt Nam .Nơi tôi biết thương yêu và yêu bằng một tình yêu thực sự là tình yêu chứ không phải ngộ nhận hay mơ hồ hoặc hình như là tình yêu .Tôi da diết nhớ Sài Gòn, nhớ con đường Lê Văn Duyệt nơi có bóng hình một người con gái mà tôi thương yêu . Tôi muốn về Sài Gòn tìm người xưa, nhưng thời điểm đó rất khó khăn đối với một người cải tạo mới được trả tự do bằng “ Lệnh tạm tha “. Rât khó khăn vì thời kỳ bao cấp, muốn từ Tỉnh về Sài Gòn phải sắp hàng ngồi
ròng rã ngoài trời mưa nắng mấy ngày chưa chắc đã mua được một tấm vé xe . Rất khó khăn vì lúc ấy tôi không có việc làm, không có tiền để mua vé xe huống chi là ăn uống , chỗ ở khi trên đó tôi không còn ai thân thuộc- bạn bè thì thất lạc mỗi người một nơi chưa biết được tin nhau sau 1975.

Năm 1979, bà mợ của má tôi( em dâu của bà ngoại ) –là một thành viên trong Ban quản lý HTX.MB đưa tôi vào làm kế toán viên cho HTX. Tôi làm kế toán phụ cho kế toán trưởng Trần Tố Linh , sau đó tôi được cữ đi học khóa đào tạo kế toán của Ty Thương Nghiệp .Ở trường nghiệp vụ kế toán , tôi làm tổ trưởng một tổ chỉ có tôi và An là nam , còn lại toàn nữ. Tôi nhớ những tổ viên nữ là Diệu Hằng , Như Mai , Tố Anh, Đái Thị Hồng Vân , Tú Hương và hai người con gái tôi không còn nhớ tên . Có hai giảng viên dạy chúng tôi là thầy Hùng và một cô giáo trẻ , xinh đẹp tên Đổ . Ở một tổ quá nhiều nữ , nên tôi và An giống như “ guom lạc giữa rừng hoa “ thường được những bông hoa đẹp chiếu cố nhiều hơn . Nhất là tôi , vì An nhỏ tuổi lại lóc chóc . Đêm nào tôi với Diệu Hằng cũng ngồi nói chuyện tới khuya ngoài sân trường nghiệp vụ , nói chuyện bâng quơ chứ thực ra cũng không có gì . Nếu không nói chuyện với Diệu Hằng thì tôi lên phòng cô Đỗ nói chuyện với cô về miền Bắc quê hương Hà Nam Ninh xa lắc xa lơ của cô. Trong những bông hồng trong tổ , có ba người đẹp nhất đều người Tàu :là Hồng Vân , Tố Anh và Diệu Hằng- tôi thường gọi đùa :ba bông hồng Trung Hoa. Giữa khóa học Hồng Vân – Tố Anh xuất cảnh theo diện người Hoa .
Ra trường , về lại HTX.MB được một thời gian ngắn thì tôi lên làm Kế Toán Trưởng thay thế Trần Tố Linh ( cũng là bông hồng Trung Hoa )xuất cảnh sang Mỹ .Lúc đó , giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc , nên những người Hoa bị nhà nước bắt buộc rời khỏi Viêt Nam . Diệu Hằng cũng là người Hoa , nên đành phải ra đi . Trước ngày Diệu Hằng xuất cảnh, Hằng tìm gặp tôi từ giã .Tôi chỉ biết chúc Diệu Hằng được bình an nơi xứ lạ quê người . Đôi mắt Diệu Hằng đỏ hoe nhìn tôi một hồi lâu rồi lặng lẽ chạy đi .Từ đó, tôi không còn tin tức của ba bông hồng Trung Hoa xinh đẹp nữa – họ như những cánh chim trời bay đi không bao giờ trở lại .

( còn nữa )

Sunday, September 26, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 25 -


- Kỳ 25 -


Có những mối tình bắt nguồn từ cuộc chiến tranh- đi trong lửa đạn mà mấy chục năm khi chiến tranh kết thúc , vẫn còn đau đáu sự chia ly, mất mát , khổ đau và hạnh phúc mà thế hệ chúng tôi phải chấp nhận . Cũng như lời hứa một đám cưới của tôi với Thu Hồng đã vĩnh viễn nằm yên trên tờ thư , trên thiệp cưới đầy nước mắt của em . Tôi đã lạnh lùng viết cho em một lá thư với lời chúc em được hạnh phúc .Em buồn bã giận hờn cắt mái tóc dài chấm lưng , chỉ còn ngắn tới bờ vai để thầm nhủ với lòng mình quên đi… quên đi…người đàn ông mà bảy năm trời em thương nhớ , chờ mong .
Ngày em gửi thiệp cưới cho tôi , là em muốn chìa bàn tay của em cho tôi nắm lấy để cùng em vượt qua ngưỡng cửa định mệnh cuộc đời . Nhưng tôi đã vô tình không nắm lấy bàn tay đầy hy vọng của em giao phó cho tôi . Nếu như ngày đó tôi nắm chặt bàn tay em thì tôi và em sẽ không có ngần ấy thời gian hơn 30 năm “ sông dài cá lội biệt tăm “. Để ngày nay sợi khói tình dài đăng đẳng nửa vòng trái đất- em một đầu , tôi một đầu dụi hoài, dụi mãi , dụi miết cũng không tan . Vĩnh viễn không tan… không tan…


“ …Ba mươi năm lận đận giữa cuộc đời
Đời dâu bể anh càng thêm đau khổ
Ba mươi năm tình yêu là sợi khói
Anh dụi hoài- dụi mãi không tan “


Linh Phương và Thu Hồng

Dòng đời tàn nhẫn đã xô giạt em và tôi mỗi người một ngã , nửa đời khoắc khoải khôn nguôi . Tôi đã nợ em một mối tình mà tôi cứ day dứt không thể nào trả được, và chỉ mong bù đắp lại những gì tôi có thể bù đắp được cho em .Cuộc đời của em có một tình yêu duy nhất – đó là tình yêu em trao cho tôi thời xuân sắc. Thời Linh Phương nổi tiếng với bài thơ phổ nhạc Kỷ Vật Cho Em – một Linh Phương ngang tàng , ngạo mạn đã đi vào trái tim con gái của em. Người con gái xinh đẹp , kiêu hãnh biết bao chàng trai đeo đuổi , nhưng không ai lọt vào đôi mắt biếc của Tiểu Thư Trần Thị . Vẻ đẹp đài các, trâm anh của em -con gái Bắc Kỳ khiến tôi yêu em say đắm .
Thu Hồng yêu tôi bằng mối tình đầu , và mối tình da diết ấy em mang theo trong lòng 30 năm chúng tôi bặt vô âm tín .Thư từ tôi gửi em , tập thơ chép tay tôi tặng em – mấy chục năm trời em vẫn giữ, vì em coi đó là kỷ vật của cuộc đời em . Chúng tôi xa nhau, bất cứ với lý do gì, chúng tôi cũng không hề oán trách một ai . Chúng tôi nghĩ chẳng qua là định mệnh mà chúng tôi phải gánh chịu , dù khổ đau hay hạnh phúc – nước mắt hay nụ cười .

Năm 1992 , Trần Công Thành có xuống Cà Mau kiếm tôi, nhưng định mệnh không cho chúng tôi trùng phùng vào thời điểm đó, nên tôi và Trần Công Thành không gặp được nhau . Nếu như ngày đó tôi và Thành gặp nhau , thì có lẽ tôi và Thu Hồng sẽ không phải chịu thời gian xa cách cho đến ngày …Cuộc đời tôi cũng sẽ khác hơn ngày hôm nay , không phải là ngày hôm nay .





Ngày 9 tháng 10 năm 2009 , chúng tôi được biết tin nhau sau nấy mươi năm biền biệt mỗi người mỗi ngã . Thu Hồng tìm được tôi qua bằng những cái gõ trên Google kiếm : “ Nhà thơ Linh Phương tác giả Kỷ Vật Cho Em “ , trong một tình cờ như một định mệnh. Một bi kịch cuộc đời của chúng tôi còn có hậu trong phần đời còn lại của tôi và em . Chúng tôi đã mừng chảy nước mắt , cứ ngỡ chiêm bao chứ không là sự thật . Chúng tôi không ngờ có một ngày hội ngộ khi đầu tôi chớm bạc sau bao năm lận đận trong cuộc đời – cuộc sống và cuộc tình . Đầu em cũng lưa thưa vài cọng tóc muối tiêu như màu của khói tình vương mãi trong tim. Chúng tôi hội ngộ lúc tôi và em mỗi người có một cuộc đời riêng – cuộc sống riêng - ở cách xa nhau nghìn trùng .
Tôi và Thu Hồng giống như Lý Sanh và Dương Y đời nhà Châu, gặp nhau rồi phải cách biệt bao năm trời , đau đáu với những câu thơ :




Nhân đạo Tương giang thâm
Vị để tương tư bạn
Giang thâm chung hữu để
Tương tư vô biên ngạn
Quân tại Tương giang đầu
Thiếo tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy

( Người bảo sông Tương sâu
Chưa bằng lòng thương nhớ
Sông sâu còn có đáy
Lòng nhớ lại vô bờ
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông ương
Nhớ nhau mà không thấy
Cùng uống nước sông Tương )


Thời gian trôi qua như cái chớp mắt. Chao ôi ! Cái chớp mắt mà dài đăng đẵng mấy chục năm trời . Mấy chục năm em chỉ giữ một mối tình thơ dại cùng tôi – trong khi mấy chục năm dâu bể , tôi đã có nhiều cành hồng đi vào thế giới thơ của mình. Nhưng mối tình thơ dại ấy , tôi không bao giờ quên ; tôi không được phép quên , vì tôi nợ em một mối tình lớn lao mà kiếp này tôi chưa trả được . Tấm lòng Thu Hồng rộng mở như em thường nói: “ Yêu một nhà thơ em luôn nghĩ rằng hãy để cho nhà thơ có tâm hồn được tự do bay bổng trong sáng tác , như thế mới có những cảm xúc thăng hoa . Có những cảm xúc thăng hoa mới có những bài thơ hay . Nên em không bao giờ ích kỷ, trói buộc tâm hồn nhà thơ chỉ viết cho một mình mình” .
Tôi nợ em một mối tình vì tôi là người đàn ông không chung thủy với một mối tình. Em đã chịu thiệt thòi hết thời con gái để tôn thờ mối tình đấy trắc trở , gian truân.Tôi trân quý em – một hồng nhan tri kỷ hơn 30 năm dài cất giữ tình yêu tôi trong trái tim em .Chúng tôi xa nhau nửa đời người, nhưng vĩnh viễn ở Thu Hồng , ở tôi :



Hôm qua
người cũ chưa là…
Hôm nay
người cũ chưa là …
người xưa


Nói gặp lại nhau , thực sự chúng tôi chỉ mới liên lạc được với nhau, kể cho nhau nghe những gì với ngần ấy tháng năm .Ngần ấy tháng năm vì sao bặt tin , ngần ấy tháng năm mỗi người mỗi ngã .


Ly loạn- em- ta-đều lưu lạc
Mỗi người- mỗi hướng- mỗi đời riêng
Ta mãi ở cùng trời- cuối đất
Ôm nỗi đau cũng chỉ một mình


Hiểu ra , thì …chỉ còn nước mắt , chỉ biết nhoi nhói trong lòng khi nghĩ về ngày xửa , ngày xưa .


Giọt lệ tưởng muôn ngàn hạt ngọc
Dẫu tháng năm chung sống bên chồng
Ai đã cho đời em hạnh phúc
Để hồn ta lặng lẽ chờ mong



Như một sự trở về, “ anh trở về dang dở đời em “ như câu thơ trong bản nhạc Kỷ Vật Cho Em. Cuộc đời của anh và của em đã dang dở, dang dở hết kiếp này rồi Thu Hồng ơi !


( còn nữa )

Wednesday, September 22, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 24 -


-Kỳ 24 -


Ngày 27 tháng 1 năm 1973, hiệp định Paris được ký kết ( có hiệu lực ngưng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 28/01/1973 ). Chúng tôi, vui mừng đến chảy nước mắt. Sau bao năm chiến tranh rồi ra cũng có ngày kết thúc, ngày quê hương không còn đạn bom, không còn những xác chết của anh em bên này hay bên kia chiến tuyến. Ngày anh em chúng tôi nhìn nhau thân thiện, không còn hận thù sau mấy mươi năm loạn lạc. Nhưng rồi…tất cả chúng tôi đều hiểu rằng đó chỉ là giấc mơ- giấc mơ cháy bỏng của một dân tộc đã không bao giờ trở thành hiện thực. Chiến tranh lại tiếp tục, những mối tình nghiệt ngã thời đạn bom lại không chấm dứt theo cuộc chiến triền miên.
Tôi là một quân nhân , một văn nghệ sĩ , với tâm hồn ướt át tình cảm nên không khỏi đa mang trong cuộc đời mình những mối tình thời khói lửa điêu linh. Những mối tình đi qua, nhưng có một mối tình không bao giờ đi qua trong cuộc đời tôi . Đó là mối tình tôi trân trọng thương yêu, đau khổ khi chia cắt - cũng là mối tình đẹp, nhiều hệ lụy nhất sau cuộc chiến tranh Việt Nam . Đó là tình yêu giữa tôi và Thu Hồng .
Thu Hồng là người con gái duy nhất mà tôi tặng 60 bài thơ do chính tôi chép tay, kết chỉ màu đỏ thành tập. Thu Hồng ví tôi như Phượng Hoàng trong lồng sắt, cái lồng sắt vĩ đại trên quê hương đầy bom đạn và xác chết đã nhốt Phượng Hoàng của em . Và tôi gọi Thu Hồng là hồng nhan tri kỷ một đời thương yêu của tôi .


Ngày xưa , Thu Hồng và tôi lần đầu tiên gặp nhau , lúc Thành bị bệnh em vào xin phép đơn vị cho Thành nghỉ . Khi ấy tôi đang ngồi bên thành cửa sổ phòng Chiến Tranh Chính Trị, mặc quân phục rằn ri TQLC , trên túi áo trận mang chữ Press với bảng tên Linh Phương .Thấy tôi rất xấc láo , ngạo nghễ , giọng điệu bất cần đời , Thu Hồng biết rằng chính tôi là người em muốn tìm gặp, và tôi cũng biết em chính là người đi vào trái tim ngạo mạn của tôi. Em cũng nổi máu kiêu kỳ của con gái Bắc nên chủ động nói chuyện cùng tôi và Thiếu Tá Danh . Em trêu chọc tôi đủ thứ, tôi chỉ biết cười cười . Thực ra, Thu Hồng biết tôi một phần qua Trần Công Thành ( em trai Thu Hồng ) thường đem những bài thơ tôi viết về nhà cho em.





Tôi và Thành chơi rất thân, có khi hai anh em nằm chung trên một chiếc giường sắt cá nhân sau phòng Chiến Tranh Chính Trị .Thành thường hay lấy thơ của tôi phổ thành ca khúc . Tôi nhớ , lúc đó Thành đã phổ thơ tôi thành một tập ca khúc mang chủ đề “ Một giờ cho Việt Nam “ gồm có những bài thơ nói về chiến tranh Việt Nam, chủ yếu là thời điểm 1972 .


“ Con qua sông Thạch Hãn
Lệ rưng rưng hai hàng
Con qua sông Thạch Hãn
Cờ chiến thắng cờ tang … “

Hay :

…” Con bỏ vùng Quảng Trị
Chạy về ngõ Trường Sơn
Chào anh em miền Bắc
Về giải phóng miền Nam…”

Hoặc :

“ Con xuôi về Komtum đất đỏ
Đạn lên nòng chờ bóng chiến xa
Mẹ ngàn năm sầu đưa mắt ngó
Bạn bè con mở hội trăm hoa

Con xuôi về Komtum đất đỏ
Thăm đường xưa mìn bẫy hầm chông
Thăm vợ hiền bồng con đứng đó
Suốt một đời ôm trọn nhớ mong …

Rồi :

“… Mời anh em về đây đốt lửa
Dân hai miền tập họp dựng cờ …”


Tôi nghĩ những bài thơ của tôi lúc bấy giờ đầy tính nhân văn và nhân bản, không hận thù, không sắt máu mà đầy tình người .Cái tình người mà tôi đánh đổi bằng những tháng năm lưu đày khi tuổi trẻ ở thế hệ chúng tôi lên đường cầm súng ra mặt trận .

Hôm Thành đem tập thơ viết tay, được kết bằng những sợi chỉ màu đỏ về choThu Hồng, Thành nói :
“ - Ông Phương biểu tôi đưa cho bà cái này, nhưng trong đó có mấy bài thơ cho bà thôi. Còn thì ông đổi tên nhân vật lại , đừng có mơ mộng quá là chết đó nghe” . Đó là 60 bài thơ đầu tiên em nhận được, trong ấy có bài “ Tình khúc cho Trần Thị Thu Hồng


Xưa kia ta ở dưới trần
Thấy em tim nở đầy bông mất rồi
Bất ngờ ôi thật bất ngờ
Tiểu thư về nẻo mịt mờ khói sương
Xin người một chút hoài hương
Mà trong buổi sáng ta hôn môi nồng
Này em những giọt mưa hồng
Nghe như mùi đất còn thơm mùi tình
Cho em bày tỏ ngọn ngành
Thương yêu từ kiếp nào đành quên sao ?



Em linh cảm bài thơ đó tôi viết cho người khác, nhưng đề tên em. Nhưng đâu có hề gì , vì những giòng chữ đề tên Trần Thị Thu Hồng là chữ của Linh Phương ; mà thơ Linh Phương cũng đã thú nhận :


“… Này em chiên ngoan đạo
Mặt tươi tỉnh như hoa
Bởi em vốn thật thà
Còn ta ưa ba xạo

Bởi em vốn khờ khạo
Ta ma giáo đủ điều
Coi Phật Chúa nhẹ hều
Nên ta vô số tội … “


Em chấp nhận cái ba xạo của thi sĩ, và em muốn nâng niu những dòng thơ nào mà em cảm nhận được Linh Phương dành riêng cho em … “. Trong cuộc đời này chỉ có em là hiểu tôi nhất, không ai hiểu tôi bằng em”. Đó mới là hồng nhan tri kỷ thực sự trong cuộc đời Linh Phương .
Em nói những bài thơ lúc trai trẻ của tôi là những bài thơ hay nhất viết về em , cho em . Những bài thơ làm em “ chết “ cả cuộc đời .


“… Sân cát lạnh mồ hôi em ướt .
Mồ hôi thơm ủ lại mùi hương …”


Những bài thơ như lời thề nguyện cho một mối tình, như một lời dự cảm mà tôi và em phải chia cắt sau này .


“… Ta sẽ chết và ta thề nguyện
Cùng núi non, chim chóc, mặt trời
Cùng thần linh Đông, Tây, Nam, Bắc
Hồn thiêng ta phảng phất bên người…”


Tôi nhớ trong những lá thư gửi cho em , tôi mơ ước sẽ dành dụm tiền để có một ngày trở về cưới em, ngày tôi với em thành vợ , thành chồng sống bên nhau như chim liền cánh , cây liền cành .Tôi trân quý tình yêu đầu đời của em đối với tôi, một người con gái đã thương yêu tôi. Tưởng đâu không bao giờ có ngày ly tan, tưởng đâu những gì tôi và em mơ ước sẽ trở thành hiện thực trong một vài năm .
. Trong một đoạn nhật ký em viết ngày 26 tháng 5 năm 1974 với những dòng ngắn ngủi khi em không nhận được một lá thư nào của tôi gửi em :

Thưa ông !
Tôi thú thật rằng tôi đã chờ đợi thư ông, tôi ghiền đọc thư ông ghê lắm, ông giận tôi chăng ? Hay có thể ông đã rời xa nơi khác mà vĩnh viễn không bao giờ ta có thể gặp lại.
Hãy viết thư cho tôi ông nhé .
Thu Hồng .

Lúc đó, cả hai chúng tôi đều không hiểu tại sao lại bặt tin nhau . Em hờn trách tôi quên em , không gửi thư cho em ; còn tôi lại hiểu lầm ngược lại .Cứ thế mà chúng tôi bặt vô âm tín – cứ thế mà người chân trời , người góc biển không hay .
Thời gian gặp nhau của tôi và em quá ngắn ngủi, tôi phải tiếp tục ra đi cho cuộc hành trình thăm thẳm vô định của mình . Tôi là người bị lưu đày trên chính quê hương bi thảm với bản án mà tuổi trẻ chúng tôi thời ấy phải chen vai gánh chịu . Lần cuối, tôi đã viết trang thơ tình nhỏ xíu trên tờ giấy tập vở học sinh ,với dòng chữ nhỏ xíu cho em :

“… Xe đày ải chở ta
Đến chỗ hẹn với người
Chỗ hẹn mà không hẹn
Ta thoáng chút ngậm ngùi …”.


Chuyến ra đi đó dài đăng đẳng mấy chục năm .Thời gian như mây bay, như gió thổi , như nước chảy qua cầu – nhưng tình yêu chúng tôi mãi mãi vẫn còn ở lại . Dù những ngày gặp nhau của tôi và em ngắn ngủi , nhưng những ngày gặp nhau ngắn ngủi ấy miên viễn trong cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi đã đi tới tận cùng của sự chia ly ,thương nhớ một mối tình thanh xuân , qua bao thăng trầm của cuộc sống , bao bể dâu của cuộc đời . Nhưng cuối cùng có một điều rất thực trong trái tim mỗi người – trong trái tim của tôi và em như chưa hề có cuộc chia ly . Vâng ! Không hề có cuộc chia ly đau đớn đến cuối đời người như bao cuộc chia ly khác trong cuộc chiến Việt Nam.


( còn nữa )

Monday, September 20, 2010

Hồi Ký Linh Phương - kỳ 23


Kỳ 23 -


Trong cuốn Hồi Ký của tôi , tất nhiên sẽ không thể thiếu một hồng nhan tri kỷ hiện tại đã cùng tôi chia sẻ - cùng tôi "đi " trong mưa bão gian nan đầy trời . Năm tháng đó tôi không bao giờ quên, Dạ Hương đã viết cho tôi trên một website :
" Thành phố nơi tôi ở vẫn còn phủ trắng màu tuyết , vẫn còn những cơn mưa bão lạnh buốt ,nhưng không khí Tết đã rộn ràng ..... Nắng Xuân , gió Tết đang ngự trị nơi quê nhà , không biết những người còn ở lại đó biết có tìm thấy được mùa xuân ......

Tôi biết chuyện của anh , một người tôi kính mến , của một người cầm viết không tương lai và mất luôn cả quá khứ ! Anh tự thu mình nhỏ bé giữa giòng đời tàn nhẫn , trang trải lòng mình trên những vần gieo . Vần trắc trở nên đường anh đi nhiều sóng gió . Anh cố gieo vần bằng nhẹ nhàng mà đời vẫn chông chênh ...

Những bài thơ của anh có những ưu tư khắc khoải , và có cả cái tình cảm vui buồn , yêu hận của mỗi con người . Thế mà bọn họ lại sợ !!! Họ sợ những sự thật , sợ những ngòi bút sắc bén . Họ đã cô lập anh , đã dùng tất cả uy quyền để đối phó với anh , với một người mà cả lời đính chánh cũng không có cơ hội . Những bài thơ từ tim óc cúa anh bị cấm đăng cả trong nước và ngoài nước . Họ muốn tên anh phải bị chôn sống ! Nhưng họ lầm rồi ! Họ bịt miệng được anh , nhưng họ không bịt mắt được mọi người , không bịt mắt được công lý ! Tuổi trẻ VN, đã sinh ra và lớn lên trong chế độ , hôm nay đã biết lên tiếng cho chính nghĩa . Sao họ không ý thức được là mầm mống tuyệt vọng đã có trong lòng mỗi con nguời , đâu chỉ riêng mình anh .

Anh là con người có nguyên tắc , anh không bao giờ làm ngơ trước tình cảm của bạn bè . Anh bặt tin , tôi vẫn nghĩ anh bận rộn cho mấy ngày Tết . Nhưng sinh nhật anh , tôi chúc mừng , anh vẫn im lặng .... Việc này chưa hề xảy ra từ khi tôi quen anh .Hôm nay thì tôi đọc được 2 bài thơ của 2 người đem về đây . Anh tặng thơ cho tôi trong dịp Tết mà đăng ở nơi khác , tôi xót xa vô cùng ! Chuyện anh đã bị cấm đoán là sự thật hiển nhiên rồi !

Giờ này không biết anh làm gì , ở đâu ? Anh có chịu được những hành hạ từ tinh thần đến thân xác của họ không ? Sức cúa anh còn chịu được bao lâu những dâu bể của cuộc đời đây .

Tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho anh . Cầu xin tất cả an lành và may mắn , xin cho anh thật nhiều nghị lực . Cho dù thế nào đi nữa thì những người bạn của anh bên này vẫn luôn hướng về anh , vẫn mong tin anh , vẫn mong có ngày anh xuất hiện trở lại .
Tôi không biết những lời này của tôi có ảnh hưởng đến anh hay không? Nhưng tôi phải nói , vì tôi đang sống ở xứ sở tự do , cái quyền tự do ngôn luận và tính mạng con người được đưa lên hàng đầu ! Xin lỗi anh , nếu vì tôi mà anh bị hành hạ thêm !!!!!

Và anh ạ , tôi sẽ không để tên của anh biến mất như ý muốn cúa họ . Tôi sẽ tìm khắp nơi để đem thơ anh về đây… anh Linh Phương nhé ! …"
Tôi vô cùng xúc động với những gì Dạ Hương đối với tôi trong lúc sóng gió đổ ụp xuống cuộc đời người làm thơ . Cũng như em đã chia sẻ , giúp đỡ tôi trong những ngày tôi nằm bệnh viện phải giải phẫu . Tôi thực sự cô độc đến khủng khiếp , đau khổ đến khủng khiếp khi bị cuộc đời vùi dập không thương tiếc .

Ân tình của Dạ Hương tôi nhớ mãi, tôi sẽ không bao giờ quên sự thương yêu của em dành cho tôi ..Trong cuộc đời tôi có hai người hồng nhan tri kỷ để tôi thương yêu , đó là Trần Thị Thu Hồng- hồng nhan tri kỷ của quá khứ và Dạ Hương – hồng nhan tri kỷ của hiện tại . Mỗi người đều có một vị trí riêng trong lòng tôi, cho dù mai đây vì lẽ gì đó, có thể không được như ý nguyện của mỗi người chúng tôi .


Chạy trốn nỗi buồn - nỗi buồn hoá thành thiên thạch
Rơi xuống lòng anh hằng hà sa số vết thương
Này ngực gầy bao năm trời hứng chịu bão giông
Này đôi chân bảy dặm bao lần anh vấp ngã
Đôi chân ngày xưa thách thức cùng sỏi đá
Sỏi đá phải mềm cho chân cứng bước đi
Giấc mộng đời người chưa hội ngộ đã chia ly
Trên con đường tình đầy gian nan trắc trở
Hạt hạnh phúc nẩy mầm xanh rồi vụn vỡ
Để triệu triệu nơtron kết thành một trái tim đau
Trong mắt anh giờ lại ẩn hiện nỗi lo âu
Khi cơm áo chết khô trên mâm rượu nhạt


Không biết rồi tôi có hoàn thành được cuốn Hồi Ký của mình lúc xuôi tay nhắm mắt như tâm niệm của tôi không ? Như các bạn đã biết Hồi Ký tôi viết được 21 kỳ phải tạm dừng lại .Bởi có nhiều chuyện không như ý muốn, như những gì đã nghĩ . Chung quanh còn nhiều áp lực cứ dồn xuống đôi vai gầy yếu của tôi, lúc nào tôi cũng sống trong căng thẳng, lo âu. Sức khoẻ cũng không được tốt như tháng năm về trước , nhiều khi tôi cảm thấy mình chắc không còn sống bao lâu nữa để được yêu cuộc đời này, con người này .
Thôi thì tùy định mệnh , cho sống được bao nhiêu thì sống bấy nhiêu- viết được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu .Vì tâm niệm như thế, nên tôi lại tiếp tục viết cho cuốn Hồi Ký của mình. Và tôi nhất định phải sống để chờ để đợi – chỉ chết khi tôi đã được hội ngộ cùng hồng nhan tri kỷ của tôi
.

( còn nữa )

Thursday, September 16, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 22 -


- Kỳ 22 -


Tháng 5 năm 1975 , tôi tập trung cải tạo như tất cả số anh em khác ở miền nam Việt Nam . Những năm tháng tù tội, tôi không được thư từ của bất cứ người thân nào . Tôi gửi cho Thu Hồng nhiều lá thư, không hiểu em có nhận được hay không mà không lá thư nào hồi âm cho tôi .Tôi thèm được nhận một lá thư để đọc, thèm được nhận một món quà nhỏ của người thân thôi , đó cũng là niềm vui lớn lao của một người tù . Đôi lúc , tôi cũng thấy tủi thân tự hỏi sao định mệnh đối với mình nghiệt ngã như vậy ? Ai cũng có người thân gửi thư an ủi, chia sẻ - chỉ trừ vài anh em mồ côi . Còn tôi , tôi vẫn còn những người thân trong cuộc đời lận đận của mình mà vẫn giống như kẻ mồ côi ..Nhiều đêm không ngủ được nhớ đến Thu Hồng, tôi tự hỏi với tôi rằng tại sao em không trả lời thư của tôi, dù là một lá thư chỉ vỏn vẹn vài chữ thôi, cũng đủ cho tôi sung sướng đến ngần nào . Tôi biết em yêu tôi, nhưng tôi không hiểu nguyên nhân nào tôi không nhận được thư em suốt ngần ấy năm trong trại giam . Một câu hỏi mà suốt hơn 30 năm trời , tôi vẫn không được giải đáp . Cho đến một ngày…

Chúng tôi bị tập trung ngoài sân trại , sắp thành nhiều hàng . Tất cả hành trang được mở tung ra để kiểm soát . Chai lọ thủy tinh , vật bén nhọn , giấy bút đều bị tịch thu Trong túi xách tôi chỉ có 2 bộ quần áo cũ, một ống kem đánh răng , một bàn chải, nên đi tới đâu cũng nhẹ tênh . Ban quản giáo trại giam phân loại chúng tôi ra nhiều thành phần . Tôi vào phòng 13 – phòng “ có nợ máu với nhân dân “ và sẽ chờ ngày phán xét . Trong phòng chia thành nhiều tổ ; tổ tôi gồm : Thiếu Tá Nhi, Trung úy Trần Chánh Tùy, Thiếu Úy Nguyễn Đình Long , tôi và ông già Chuẩn úy Hưng . Trung úy Tùy làm trưởng phòng điều hành sinh hoạt .
Mỗi ngày chúng tôi được 15 phút ra ngoài sân phơi nắng , tắm rửa , giặt giũ quần áo và đập ruồi. Đêm thì phải đập muỗi , bắt rệp, nếu không có hoặc có ít thì tối hôm sau đứng trên một tấm bao bố, tự phê , kiểm điểm . Một con ruồi bằng một con muỗi; 5 con muỗi hoặc ruồi tương đương với một con rệp . Bắt được một con chuột quy ra 100 con muỗi . Đêm nào , chúng tôi cũng cởi áo ở trần , áo để trước mặt để muỗi đánh mùi người mà bay vòng vòng quanh áo . Ở trần , mặc quần đùi để muỗi bu đến chích , cứ thế mà dùng hai tay đập muỗi bôm bốp . Tôi đập muỗi dở ẹt, ngày nào cũng bị đứng lên bao bố tự phê .
Những ngày sau, tôi chợt nẩy ra một trò ma giáo để không còn bị kiểm điểm chuyện nộp ruồi muỗi nữa . Nguyên tôi nằm ngủ kế bên Trần Chánh Tùy ( tất cả phòng viên đều nộp ruồi muỗi cho Trưởng phòng ), những bọc ni lon ruồi muỗi thì Trưởng phòng để kế bên tôi. Tôi đập muỗi tới khuya , chờ mọi người đều ngủ hết , tôi mới lên chỗ nằm của mình . Tôi thò tay , mở bọc ni lon “ chôm “ một nhúm muỗi bỏ vào bọc ni lon của mình . Từ đó, tôi không còn trình diễn cái màn đêm nào cũng đứng bao bố để tự phê .
Mỗi chiều thứ bảy đối với chúng tôi là những giờ khắc nghẹt thở sau buổi cơm chiều . Môi chiều thứ bảy , tuần nào cũng như tuần nấy đều có nhóm bộ đội lăm lăm súng AK. 47-50 , B. 40 chỉa vào phòng . Một cán bộ cầm tờ giấy đọc tên một vài người trong chúng tôi, đem theo hành trang ra đi mà không bao giờ chúng tôi còn gặp lại họ nữa . Tôi nhớ một lần , Chín Thái Cán bộ quản giáo chỉ tay vào mặt tôi nói :” Tao biết mày từ đất liền , mày làm tâm lý chiến cho thằng Phạm Duy phổ nhạc chống phá cách mạng “ . Tôi im lặng .
Một hôm , tôi bị kêu lên văn phòng ban quản giáo trại khai lý lịch . Tôi bước vô phòng , đứng trước bàn của cán bộ quản giáo tên Năm Vang . Không hiểu sao ông ta quăng cặp còng số 8 vào mặt tôi ( tôi nghĩ chẳng lẽ mặt mình dễ ghét đến nỗi thây là muốn đập rồi ? ). Tôi né sang một bên, cặp còng văng ra ngoài cửa sổ . Ông cán bộ tức xanh mặt, chụp lấy khúc gỗ đập vào đầu tôi như đập đầu cá lóc .Miệng ông ta quát tháo : “ Mày đừng khinh tụi tao là lũ chăn trâu “ . Lúc này thì tôi hiểu ra… chỉ là cái mặc cảm của một con người với một con người . Tôi không giận vị cán bộ này , mà trong lòng tôi cứ thấy tội nghiệp cho ông ta. Sau đó, tôi bị còng tréo hai tay ra sau lưng, trở về phòng và mọi người trong phòng không ai được tiếp xúc với tôi. Tôi đi vệ sinh thì có một người ban quản giáo cắt đặt “ chăm sóc “ . Đúng một tháng , tôi được tháo còng , hai cánh tay tôi gần như muốn liệt hẳn .
Cuối cùng, tôi được chuyển sang phòng lao động, sáng theo ban quản giáo đi lên núi , dùng xà beng nạy những tảng đá to đẩy xuống chân núi. Xong xuống núi , dùng búa nhỏ cán bằng mây dẽo để đập thành những viên đá 4x6 chất đủ 1 mét khối . Hôm nào tôi cũng nhờ anh em phụ tôi mới đủ chỉ tiêu do ban quản giáo giao trại viên. Đôi kiếng cận của tôi bị miễng đá râm chi chít trên mặt kiếng , hai bàn tay tôi rịn máu rồi chai sần theo ngày tháng lao động . Một thời gian, tôi được đi nhổ cỏ quanh thị trấn.Tôi thích nhất là nhổ cỏ những con đường quanh thị trấn. Vì những con đường này có những loại rau dại như rau sam , rau rền . Vừa nhổ cỏ, vừa nhổ rau sam, rau rền chờ lúc nghỉ trưa , luộc với muối làm canh để ăn cơm với muối .
Tôi nhớ lần nhổ cỏ ở một con đường gần trại gia binh của anh em lính Địa Phương Quân cũ, có một chú bé len lén dúi vào tay tôi chai mắm nêm và một bọc ớt, rồi nói : “ Má cháu gửi chú “ . Tôi hỏi : “ Má cháu ở đâu ? “ , cậu bé chỉ tay vô trại gia binh nói : “ Má cháu ở trại gia binh , ba cháu là lính Địa Phương quân chết rồi “ . Xong , cậu bé chạy vụt đi .Mấy chục năm qua, tôi vẫn nhớ cậu bé đó, không hiểu người phụ nữ kia và cậu bé ra sao , có được sống một đời sống ổn định hay trôi giạt nơi nào trên quê hương Việt Nam . Người tôi mang ơn mà tôi chưa hề biết mặt, một người vợ lính trong muôn ngàn người vợ lính khác, trong muôn ngàn cảnh đời của một dân tộc triền miên hận thù và chém giết .

Tháng 8 năm 1978 , tôi được trả tự do; tôi trở về với đời sống của một tiện dân.Cuộc đời tôi trải qua bao khúc quanh với nhiều biến cố , nhiều thăng trầm trong cuộc sống ngày đó và bây giờ.Nhưng dù sao thì tôi cũng thật hạnh phúc - hạnh phúc là tôi được sống, được làm thơ, được trải lòng mình nhờ gió thổi bay đi…bay đi … vào cõi nào chỉ có người với người còn biết thương nhau . Thôi thì, những người yêu mến Linh Phương , cũng như những người Linh Phương yêu mến ở cõi nhân gian này, hãy rộng lòng tha thứ nếu tôi có lỗi và hãy sẻ chia cùng tôi phần đời còn lại chưa được bình yên này.


Sẻ chia nhé! Những nỗi đau
Nhưng không. Em đã đi đâu mất rồi
Một mình. Ờ! Một mình tôi
Vết thương là vốc máu người tặng cho
Vô đạo lắm đất trời ơi!
Nhẫn tâm chi với câu thơ xé lòng
“ Tôi yêu đất nước Việt Nam
Bốn ngàn năm trước Cha Rồng-Mẹ Tiên…”
Đau mà chẳng bật tiếng rên
Buồn mà chỉ biết mình ên ngậm ngùi
Trên môi cũng vẫn nụ cười
Như ngày xưa lúc đời chưa dập vùi

( Như ngày xưa lúc đời chưa dập vùi )

( còn nữa )

Monday, September 13, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 21 -


- Kỳ 21 -



Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông , Sài Gòn trong tôi là những kỷ niệm êm đềm của thời thanh niên cho đến khi cầm súng ra chiến trường . Sài Gòn trải qua bao phong ba bão táp, bao nhiêu cuộc biến động và có đổi thay vì lẽ gì đó , nhưng Sài Gòn vẫn mãi mãi đọng lại ký ức của tôi là một Sài Gòn đẹp và thơ mộng vô cùng . Một Sài Gòn không bao giờ quên được trong tôi, trong mọi người rằng :


Đặt khẽ lên môi anh nụ hôn
Em có nghe hơi thở Sài Gòn
Vương chút bụi khi ngồi Thanh Thế (*)
Và nắng Bến Thành thơm rất thơm

Nếu chán . Chúng ta vô rạp Rex
Chờ xem phim lãng mạn ái tình
Chiến tranh – súng đạn ! Thôi bỏ hết
Cơm – áo-gạo- tiền . Gác một bên

Hãy tạt qua ngang thương xá Tax
Loanh quanh đi cho trọn buổi chiều
Anh sẽ đưa em về Bà Chiểu
Ăn gỏi khô bò trước Lăng Ông

Đêm xuống. Ra công viên đứng ngắm
Phà Thủ Thiêm và Bến Bạch Đằng
Đợi khuya ghé phòng trà ca nhạc
Ngồi Queen-Bee hay Đêm Màu Hồng

Ta sẽ đi cùng khắp ngả đường
Vỉa hè - góc phố – của quê hương
Tìm trong ký ức thời thơ dại
Áo lụa em bay trắng giảng đường

Dẫu cách xa vời vợi muôn trùng
Bên trời Âu Mỹ– em buồn không ?
Sài Gòn vẫy gọi người xưa cũ
Sống nửa đời làm kiếp lưu vong

Anh ở Việt Nam ngày thương nhớ
Tóc bạc lâu rồi trong trại giam
Ngửa mặt khóc cười theo vận nước
Trời ơi ! Đã mấy chục năm ròng

( MỘT GÓC SÀI GÒN NGÀY CHƯA THẤT THỦ )





Nhớ những ngày ờ Sài Gòn , vào Thảo Cầm Viên đi chơi, chụp hình với H. với Nguyệt Minh, những cô bạn gái ở trường Lê Văn Duyệt. Trương Ngọc Sương làm cơ quan Mỹ , cô giáo Huỳnh Thanh Tú dạy học ở Long Khánh, Bạch Tuyết Bình Dương .Đó là những ngày vui nhất trong khoảnh khắc của cuộc đời, những khoảnh khắc thanh thản của tâm hồn hiếm hoi có được. Sau này, khoảng thập niên 90 khi tôi trở lại Sài Gòn mới biết H. bây giờ là vợ một người bạn. Còn Sương , còn Huỳnh Thanh Tú, còn Bạch Tuyết không biết trôi giạt nơi nào ? Còn sống hay đã chết, ở nước ngoài hay vẫn còn ở Việt Nam.?
Muốn tìm lại những người năm cũ , những vui buồn của thời chiến tranh loạn lạc , thời thanh niên của tôi, của tất cả thanh niên lúc bấy giờ chưa bao giờ được bình yên , trừ những người là “con ông cháu cha” của một tầng lớp ngồi trên. Muốn tìm , cũng không cách chi tìm được cái ngày hôm qua.Ngày mà thơ không vướng chút nào không khí của cuộc chiến triền miên. Ngày mà thơ là mộng là mơ .



Em ở Sài Gòn em bỏ học
Anh nhớ con đường – nhớ lá me
Cát sỏi nào bám chân ngà ngọc
Gió thổi tóc dài vạt áo che

( Phượng Sài Gòn )



Ngày ấy đối với thế hệ chúng tôi đã xa quá rồi, sau mấy mươi năm chiến tranh, lòng người phân hóa, dân tộc ly tan .Không ai đủ bình tĩnh để ngồi lại nói với nhau như anh em một nhà ,không ai đủ can đảm nhìn thấy sự thật để nhận ra những lỗi lầm trong quá khứ đau thương của một dân tộc .
Tôi rất ghét loại người chối bỏ quá khứ của mình, để tô son trét phấn một cách vụng về cho hiện tại .Tôi không chối bỏ mà còn hãnh diện với quá khứ của mình – dù quá khứ không cao sang trưởng giả, ngược lại là những năm tháng nhọc nhằn chuyện áo cơm .Tôi hãnh diện tôi có một người cha giang hồ bỏ miền Trung khô cằn nứt nẻ , bỏ nhà ra đi từ lúc lên chín, lên mười trôi dạt qua nhiều vùng đất của quê hương để kiếm sống . Một mình vui, một mình buồn, một mình mưu sinh cho đến ngày ông dừng chân giang hồ khi có một người phụ nữ cùng ông sống quãng đời hạnh phúc . Người phụ nữ đó là má tôi , người của chín dòng sông hiền hòa miền Tây Nam bộ .

Trong những người chối bỏ quá khứ đó -tôi đã gặp, đã hội ngộ sau hơn 30 năm xa cách kể từ ngày bài thơ Kỷ Vật Cho Em trở thành một ca khúc nổi tiếng lúc bấy giờ và còn sống mãi cho tới ngày nay. Gặp lại nhạc sĩ Phạm Duy cuối tháng 12 năm 2005 trong tư gia ông tại Sài Gòn, nói chuyện với ông, tôi chợt hiểu Phạm Duy ngày xưa đã chết . Phạm Duy bây giờ không phải là một Phạm Duy ngày nào : " Tôi yêu đất nước tôi từ khi mới ra đời…".Ông đã cố tình chối bỏ quá khứ của ông để bấu víu cái ân huệ mà người ta ban phát .Phạm Duy còn sống không là Phạm Duy tôi yêu mến, Phạm Duy của ngày tôi ngồi ăn cơm tại nhà ông, cư xá Chi Lăng nghe Julie hát. Tôi không dám trách ông , bởi mỗi người có một cách sống, có một sự chọn lựa cho riêng mình . Âu cũng là một thứ hạnh phúc ông tìm được lúc tuổi về già trong cuộc đời ông vậy . Tôi gánh chịu gần hết một đời dâu bể, tôi thường coi đó là định mệnh Bởi như thế tôi mới tự an ủi , vỗ về chính mình ,xoa dịu tâm hồn vốn nhiều đổ vỡ-một trái tim đa cảm vốn nhiều thương tích và những hình bóng đi qua cuộc đời tôi. Những hình bóng đi qua cuộc đời tôi là những bông hoa-là hương vị tình yêu tôi nếm trải . Đau khổ-đắng cay- buồn-vui-hạnh phúc - thất vọng…Tôi đã vượt qua tất cả , vượt qua chính mình như tôi đã vượt qua lửa đạn cuộc chiến tranh tàn khốc trên quê hương Việt Nam ,mà một thời tuổi trẻ của tôi tham dự.Tôi chứng kiến những biến động lớn lao của đất nước và tôi còn sống sót trở về ,không mang thương tích tật nguyền như bài thơ Kỷ Vật Cho Em tôi đã viết vào năm 1970.Nhưng trở về không có nghĩa là không trả giá cho sự trở về , tôi đã trả giá cho sự trở về của mình .



( còn nữa )

Friday, September 10, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 20 -



- Kỳ 20 -


Tôi đã có một phần đời thật vất vả mà tôi không thể nào quên-nhớ thì muốn chảy nước mắt. Nhớ để coi như sự nhắc nhở với lòng mình rằng: Con người đôi lúc không sống tử tế được với nhau , vì lẽ gì đó của quá khứ, của hoàn cảnh lịch sử, của đất nước chiến tranh dài lâu.Nhớ không phải để hận, mà để răn mình phải sống tốt hơn, "người" phải được làm người - người vượt qua cái ngưỡng cửa khắc nghiệt nửa "con" , nửa "người" .
Làm được "người" đúng là "người" thật khó . Thường thì người ta vẫn tưởng mình là "người", nhưng thực ra có những người chưa thực sự là" người"- bởi trong họ vẫn tồn tại nửa "con", nửa" người" - nửa ác, nửa thiện . Nhiều khi, tôi thèm da diết được mất trí nhớ hoặc lúc nhớ, lúc quên như nhà thơ Phạm Thiên Thư của Ngày Xưa Hoàng Thị .Phạm Thiên Thư trải qua một thời gian trí nhớ anh không được bình thường . Tôi nghĩ biết đâu đó là khoảng thời gian anh hạnh phúc nhất, thoát khỏi những lụy phiền giữa chốn nhân gian. Tôi đến nhà anh lúc anh chưa mở quán cà phê Hoa Vàng, lúc anh mang căn bệnh nhớ nhớ quên quên. Thấy anh khó khăn khi viết những chữ tặng tôi trong tập thơ Đoạn Trường Vô Thanh mà thương anh vô cùng . Tôi cũng mong mình sẽ nhớ nhớ quên quên tất cả những gì của quá khứ và hiện tại. Đời người thật phiền phức, nhất là đối với những người hay đa mang tình cảm như tôi.
Tôi không bắt kịp nhịp sống của thời đại hôm nay, không thở cùng hơi thở của thế hệ hiện tại .Phải chăng tôi là người của muôn năm trước ? Đặt câu hỏi như thế , tôi lại nhớ đến má tôi lúc bà còn sống . Như tôi đã nói trong đoạn trước , nhà tôi nghèo lắm . Má tôi bán hàng bông , còn ba tôi lúc này làm thợ mộc. Hồi đó, tôi không hiểu vì sao ba không bao giờ làm thuê gần trường tôi đi học, dù người ta có thuê ông thật nhiều tiền đi nữa .Lớn lên, tôi mới biết ông sợ bạn học cùng trường của tôi thấy ông , như thế tôi sẽ mắc cở với bạn học của mình .Tôi đã khóc khi hiểu được những gì ba dành cho tôi .


Tôi nhớ những tháng nghỉ hè, tôi thường theo phụ má , sáng bán chợ An Đông, chiều thì bán ở chợ chòm hỏm Bà Hạt . Hai chợ thuộc quận 5 cách nhà tôi khoảng mười mấy cây số, nhà tôi thuộc quận 8 . Khuya , hai má con tôi thức dậy lội bộ từ nhà đến chợ An Đông; chiều tối lại lội bộ từ chợ Bà Hạt trở về nhà .
Có hôm trời mưa , má và tôi lặng lẽ choàng tấm nilong đi trong mưa , gió thổi tạt vào người vừa ướt vừa lạnh . Hai má con tất tả đi như đua với bóng đêm nhạt nhoà, đua với dãy phố đèn sáng trưng, lộng lẫy những con người giàu có, ăn sang mặc đẹp .Vừa đi , tôi vừa ao ước , nữa lớn lên tôi cố gắng kiếm thật nhiều tiền, thật nhiều tiền để má tôi không phải cực như ngày hôm nay
.

Cuôc đời của bà khổ lắm, bà đã sống cùng lúc hai thế giới : thế giới cổ tích và thế giới hiện tại để một mình nuôi con cái đến ngày lớn khôn.Tôi ân hận đã không được sống gần má, bởi tôi chẳng khác cánh chim giang hồ , bay hoài…bay hoài…không mỏi cánh thiên di. Tới lúc biết mình mình mồ côi cha mẹ rồi, tôi mới chợt nhận ra mình chỉ là "con" chứ chưa được làm "người".
Trong một bài viết của nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm ngày 19/03/2006 khi nói về tôi trên một website ở Việt Nam , ông đã mô tả :

Tôi nhớ thật rõ ràng, khoảng 70-75 của thế kỷ XX, văn học miền nam bây giờ có những hiện tượng sáng chói, khiến người làm văn nghệ thật lưu tâm. Như hiện tượng thơ tình Nguyễn Tất Nhiên (ngòai tập Thiên Tai) bật sóng rực rỡ ở miền đông nam bộ, Trịnh Bửu Hoài với 2 tập thơ tình ở miền tây nam bộ, Phạm Thiên Thư với Kinh ngọc – Kinh hiền và 10 bài thơ đạo ca phổ nhạc , Nguyễn Bắc Sơn với những bài thơ ngang tàng, phóng dật, .. .

Thì hiện tượng Linh Phương cũng gây ra nhiều sóng gió trên văn đàn miền nam lúc bấy giờ. Điển hình là bài thơ Kỷ Vật Cho Em được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và tức khắc hình thức phản chiến trong thơ được nhân rộng.

Bên trong quần chúng hâm mộ,đến nổi đi đến đâu ngoài nhạc Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tất Nhiên, thì Kỷ Vật Cho Em của Linh Phương được phổ biến rầm rộ trong các phòng trà quán càfê văn nghệ

Khoảng năm 1970, lúc tôi và anh em Đồng Bằng Sông Cửu Long tập hợp làm tạp chí Khai Phá và nhà xuất bản Khai Phá nên sự liên lạc với các bằng hữu văn nghệ sĩ miền nam, thật mật thiết và cập nhật hàng ngày. Nhà thơ Vũ Ngọc Đức (tức ký giả kịch trường Phan Bảo Quân) đến báo tin vừa làm một bài viết trên sân khấu kịch trường về việc tác quyền của bài thơ Kỷ Vật Cho Em. Vũ Ngọc Đức cho hay, với nhiệt tình của nhạc sĩ Phạm Duy, mọi việc được ông giải quyết lịch lãm và phóng khoáng, Linh Phương nhận được 40.000 đồng. (sau này đọc bản thông tin chính thức của Linh Phương, thì tác quyền nhận được chỉ là 50.000 đồng, gồm một séc pháp Á ngân hàng và 20.000 đồng tiền mặt).Lúc bấy giờ, nhà xuất bản Khai Phá đã xuất bản và giới thiệu được nhiều tác phẩm của những anh em văn nghệ sĩ trẻ nổi tiếng như Lưu Nhữ Thụy, Nguyễn Thanh Xuân, Lâm Chương, Hà Thúc Sinh, Phạm Trích Tiên,Trịnh Bưủ Hoài, Lâm Châu, Lâm Hảo Dũng, Thụy Miên…

Nên tôi nhờ Vũ Ngọc Đức sắp xếp gặp mặt Linh Phương để bàn bạc in cho Linh Phương một thi phẩm, cùng lúc với Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Trần Kiêu Bạ (*)t, Minh Nguyễn, Trần Mộng Hoàng …Tuy nhiên , vì bản chất quá nghệ sĩ , Linh Phương cứ lăng ba vi bộ rày đây mai đó, nên đến 1975 , Khai Phá vẫn chưa in được tập thơ cho anh như dự kiến.

Trở lại vị trí địa dư : Linh Phương, họa sĩ biếm Nguyễn Hữu Đức (hiện là giảng viên khoa dược, SG , với học vị tiến sĩ dược khoa) và tôi, ở trên hai nhánh sông của cây cầu Chữ Y duyên nghiệp. Nguyễn Hữu Đức ở bên nhánh dạ nam, lúc đó là phường Rạch Ông, Quận 8. Tôi và Linh Phương lại cư ngụ bên nầy nhánh Hưng Phú, thuộc phường Chánh Hưng , cách đầu cầu Chữ Y nơi tôi ở khoảng hơn một cây số là nhà của gia đình Linh Phương . Tuy mang tiếng hàng xóm , nhưng tính Linh Phương trầm lắng, phiêu bạt như cánh mây, lúc mờ lúc tỏ , nên chúng tôi càng rất ít hàn huyên gặp gỡ .

Trong thời chiến bao nhiêu sự thế nổi trôi là bao nhiêu hình bóng được khắc họa. Đúng thì không nói làm gì, nhưng có lúc cũng lẫn lộn giữa thực ẩn có cái hư. Giai đọan đó, mặc sức ai muốn thêu dệt, đồn đại thì cứ tung tin , đen trắng rối mù trên các trang nhật báo là cái để câu khách bình dân quá dễ dãi. Ở một thời mà sáng sớm khi bình minh bừng dậy, soi gương mới biết mình hạnh phúc sống thêm một ngày mới, người ta cảm nhận cái sống và cái chết có gì đó pha lộn lẫn nhau,nên hỏa mù cứ việc tung hô. Hôm nay, tin đồn anh ngã xuống , ngày mai lại đính chính anh vừa uống cà phê tại La Pagode. Linh Phương cũng không thoát khỏi sự khắc nghiệt đó, có phải vì anh quá nổi tiếng nên phiêu bạt trên sự chú mục của mọi người. Người ta loan tin đồn Linh Phương vừa ngã gục ở chiến trận Hạ Lào. Tôi không hiểu cái ông Trần Tường Trình lấy tin ở đâu mà loan báo loạn xạ như vậy, gây nên một trận cáo phó cho Linh Phương ở các báo lúc đó. Trong lúc đó, Linh Phương vẫn còn sờ sờ cách nhà tôi khoảng hơn một cây số.

Thật ra, thời buổi nhiễu nhương đó người ta cũng có nhiều cách để lăng xê, hoặc thăm dò ý kiến quan tâm về mình, ở những người làm văn nghệ và yêu văn nghệ. Giả chết và đăng cáo phó, như trường hợp nhà thơ Trần Liên Lê Văn Tất (An Giang) và sự tự sát của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa ở Tây Ninh (1990). Nhưng cũng có những bằng hữu văn nghệ sĩ của chúng ta, giã từ anh em giữa lúc tài hoa đang phát triển như Tô Đình Sự tại xa lộ Biên Hòa (tháng 10/1970), Giang Tịch Nhiên ở Vũng Tàu (tháng 09/1970), Thụy Niên tại Sóc Trăng (tháng 07/1972), Thùy Linh Thụy Vũ (Mùa hè đỏ lửa 1972) … Và vẫn còn nhiều bằng hữu khác đã ngả xuống .

Sau những thập niên 80 – 90, có nhiều lúc họa sĩ biếm Nguyễn Hữu Đức, lúc đó đã là giảng viên trương đạI học y dược Tp.HCM, ghé ngang tệ xá rủ tôi xuống nhà Linh Phương, hiện nay là phường 9, đường Hưng Phú, quận 8, thù tạc vài ly rượu nhạt. Cuối năm 1995, Linh Phương đem tặng tôi tập thơ còn thơm mùi giấy” LờI Tự Tình Phương Đông “, mà nhà xuất bản Đồng Nai vừa ấn hành. Hiện nay dù đã về trang trại Kiên Giang nhưng thỉnh thoảng Linh Phương cũng ghé thành phố thăm lại anh em thân tình, hoặc lâu lâu tôi cũng nhờ Trương Quang Vinh (là thành viên của Khai Phá) hiện thường trú tại thị xã Rạch Giá ghé tạt xem sức khỏe của Linh Phương. Và gần nhất, cận tết, cách đây gần 2 tháng, sau khi Linh Phương từ Sài Gòn trở về trại Kiên Giang, tôi có chuyển cho Phương 2 tập thơ Linh Phương được bằng hữu ấn hành và trò chuyện bằng điện thoại di động, để có dịp trách cứ Linh Phương vài điều, dĩ nhiên qua máy cầm tay tôi lạI được nghe giọng cười hào sảng của Linh Phương vang lên từ góc xứ biển miền Tây Nam Bộ.

PhảI chăng, tôi nên khép lại ở đây, gói ghém lạI những gì ký ức tôi đã cho phép tất cả chắc chắn là lờI thông tin xác thật nhất của Ngô Nguyên Nghiễm về nhà thơ nhiều sóng gió và đáng yêu Linh Phương, một tài hoa lớn của Đồng Bằng Sông Nước Cửu Long
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------


(*)Đã chết tại Hoa Kỳ.

( còn nữa )

Wednesday, September 8, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 19 -

- Kỳ 19 -


Một hôm Vũ Trọng Quang chở tôi bằng xe Suzuki qua cầu Chữ Y , khi đến chỗ giao nhau của ba ngã : ngã ra Sài Gòn , ngả qua cầu Rạch Ông và ngã về đại lộ Hưng Phú, chúng tôi bị đám cảnh sát thổi còi , kêu Vũ Trọng Quang lại xét giấy tờ . Tôi mặc quân phục TQLC , áo giáp, bên ngực đeo súng Colt 45 , nên đám cảnh sát không dám hỏi. Tôi ngồi chờ Quang trên chiếc xe Suzuki của hắn ,thì từ phía ngã ra Sài Gòn có tốp Quân Cảnh đi lên. Ba ngã đều có đám tuần tiểu hỗn hợp, lúc ấy tôi biết Quang có đầy đủ giấy tờ, vì hắn vừa đi khóa Quân sự học đường dành cho sinh viên còn đang ở các trường đại học .
Như tôi đã nói, tôi dù có giây phép hay không giấy phép , nguyên tắc của tôi là không để bât cứ ai xét hỏi giấy tờ của mình hết, trừ trường hợp chẳng đặng đừng . Đợi đám Quân cảnh đi gần tới, tôi đạp số quay xe chạy về ngã Hưng Phú , nhưng toán cảnh sát ngã này đã nhảy ra chận đầu xe. Tôi bẻ tay lái chạy qua ngã cầu Rạch Ông , tên cảnh sát cầm súng M16 nhảy ra chận đường , tôi gạt tay cầm súng của tên cảnh sát qua một bên và chạy luôn. Phía sau tôi là tiếng súng bắn chỉ thiên nổ , chạy khoảng 100 m tôi dừng lại vào nhà của người bạn là Trần Thanh Liêm ở Bộ Tư Lệnh TQLC con của nhà thầu khoán Trần Văn Chiểu. Ngồi chơi khoảng mười lăm phút tôi chạy xe qua Tân Thuận về nhà Vũ Trọng Quang .
Một lúc sau, Vũ Trọng Quang về, Quang cằn nhằn : “ Tụi nó hòi tao mày là ai ? Tao trả lời không quen, chỉ cho quá giang xe thôi . Nó bảo anh cho quá giang sao người ta lấy xe chạy anh không la lên ?” . Lòng vòng một hồi, tao đưa giấy đi học khóa quân sự học đường, tụi nó mới cho tao về .Tôi cười hề hề rồi thôi.
Lần khác, tôi chạy xe honda , chở phía sau là cô bé Bạch Tuyết ở Phú Văn- Bình Dương lên Sài Gòn thăm tôi. Đến một ngã tư đường , khi tôi quẹo thì có tiếng còi của tốp Quân Cảnh thổi để xe tôi dừng lại . Tôi nhìn phía trước , một đám Quân cảnh dàn dọc theo con đường từ chỗ thổi còi đến người quân cảnh đứng cuối cùng trên 50 m. Tôi giả vờ thằng xe không ăn chạy từ từ đến người Quân cảnh cuối cùng thì tôi dừng xe hẳn và sang số tiếp tục chạy tà tà . Gã Quân cảnh tưởng tôi dừng xe nên không kịp phản ứng, cứ đứng sững người ra nhìn tôi chạy đi. Bạch Tuyết đấm vào lưng tôi nói : “ Chắc đám Quân cảnh bất ngờ và tức anh lắm “. Tôi cười .
Bạn bè ai cũng biết tính tôi lầm lì, ít nói nhưng làm những chuyện động trời không ai biết được. Ngày xưa, tôi rất ngang tàng, cái ngang tàng của thời tuổi trẻ bị guồng máy chiến tranh cuốn trôi bao ước vọng của thời mới lớn đầy mộng đầy mơ .

Cuộc chiến tranh và những biến động của lịch sử của thập niên 60-70 đã cho ra đời một dòng văn học hiện chiến, nó bao gồm cả những thơ phản chiến của một số tác giả trẻ sống và lớn lên ờ các đô thị miền nam Việt Nam. Thực ra, có nhiều bài thơ chỉ nói lên sự thật đàng sau những tấm huy chương, những chiến công là máu , là nước mắt, là sự dã man mà bất cứ cuộc chiến nào cũng không thể tránh khỏi .


“Đeo nhẩn đính hôn
Nhưng không bao giờ làm đám cưới
Chưa lần để tang
Rồi cũng đội khăn sô
Chưa biết khóc
Rồi em sẽ khóc
Chưa biết buồn
Rồi sẽ buồn qua má- qua môi…

Làm vợ người cầm súng
Suốt đời chịu đắng cay
Mai rừng gìa-núi đá
Mốt Cồn Tiên- Gio Linh
Bồng Sơn- Đổ Xá
Ngăn bước anh về…

Bởi người lính nào không chết một lần
Không cao nguyên- đồng bằng
Thì cũng rừng xanh- núi đá
Không vết đạn đồng- trái phá
Thì cũng hầm chông- bãi mìn…”

( Làm Vợ Người Cầm Súng- trong tập KVCE )

“ Mẹ cho con viên đạn AK còn ngời sáng
Mẹ cho con quả lựu đạn M26 còn thơm mùi thép mới tinh
Mẹ cho con mảnh mìn Claymore nằm trong lồng ngực bố con vừa chết trận U Minh
Con ơi con !
Đừng khóc khi ngày sinh nhật mẹ không tiền may cho con áo mới
Không tiền mua quà tặng cho con
Không tiền mua đồ chơi trẻ nít
Con hãy tập tành chịu đựng
Hãy tập tành căm thù- giận ghét- yêu thương…”

( Cho đứa con trai đầu lòng – trong tập KVCE )


Tuổi trẻ chúng tôi lớn lên trong một quê hương ngập tràn khói lửa, đất nước phân chia, như câu thơ ;


“ Ngày xưa quận nhỏ mất an ninh
Cho nên chia cắt chuyện chúng mình
Trai trẻ lớn lên đi hai phía
Đàng Quốc Gia đàng theo Việt Minh …”


Hoàn cảnh lịch sử đã khiến cho anh em phải cốt nhục tương tàn, dai dẳng mấy mươi năm đánh nhau. Là người Việt Nam chưa đánh mất trái tim của mình, thử hỏi ai không đau lòng trước những bi thảm ấy.Và những người còn sống sót sau cuộc chiến này,kẻ thắng người thua chúng ta cứ nhìn nhau để căm thù, để quy tội cho nhau ư ? Không ai có thể đi đến một ước mơ lớn lao, một việc làm vĩ đại mà tâm hồn lại què quặt yêu thương, vô cảm trong tự tình dân tộc như vậy.
“ Những đau đớn , ân oán của chiến tranh sẽ không còn tồn tại “ , tôi thường nghĩ như vậy khi nhìn về phía trước . Như nhà thơ Cộng Sản Nguyễn Trọng Tạo đã viết :

“ Nhà thơ Linh Phương nổi tiếng khi ông còn làm lính của Quân lực VNCH với bài thơ ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát KỶ VẬT CHO EM. Nhưng Phạm Duy đã không ghi tên Linh Phương. Nhiều tờ báo Sài Gòn trước 1975 đã viết về chuyện này, và cuối cùng, Phạm Duy và Linh Phương đã gặp nhau... Và tiền tác quyền bài thơ Linh Phương nhận được là 50.000đồng (trị giá 5 lượng vàng hồi đó), nghĩa là ngang giá trị Giải thưởng Nhà nước hiện nay. Nhân 32 năm kết thúc chiến tranh, với tinh thần Hòa Hợp Một Nhà, tôi trân trọng giới thiệu dưới đây hồi ức về chuyện này của người lính cộng hòa – nhà thơ Linh Phương” .
( Trích lời giới thiệu của nhà thơ bộ đội Nguyễn Trọng Tạo trên “Hội Ngộ Văn Chương “ -2007 ).

Có thể là tôi ngây thơ, có thể nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ngây thơ , có thể chúng tôi có một trái tim ướt át đầy nhân bản ,có thể tâm hồn của hai người làm thơ như tôi và Nguyễn Trọng Tạo vốn nhạy cảm với những điều tốt đẹp mà thực tế không như mình mơ ước. Có thể là tôi, là Nguyễn Trọng Tạo ,chúng tôi không có một cái đầu lạnh lùng, khô cứng , đầy thủ đoạn của một nhà chính khách khi nghĩ đến điều này, nhưng chúng tôi có một trái tim thơ để yêu thương con người, yêu thương quê hương Việt Nam sau bao lần chia ly rồi hội ngộ.
Tôi cố gắng sống để làm một con người tử tế, không nhỏ nhen, ích kỷ , hận thù dù cuộc đời tôi trải qua bao lần bị tù đày, bao lần bị đánh đập, bao lần chịu đựng những định kiến trong cư xử khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc.Làm một người tử tế rất khó, nhưng tôi sẽ cố gắng làm người tử tế cho hết phần đời còn lại của mình . Đau đớn và vinh hạnh thay khi tuổi trẻ chúng tôi sinh ra ,lớn lên trong thế hệ này .Thế hệ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong nhạc phẩm của mình đã viết :

“ …20 năm đàn con đi lính, đi rồi không về …”;
“ …20 năm đàn con khôn lớn ra ngoài chiến trường…”
( Ngủ đi con – TCS ).

( còn nữa )

Tuesday, September 7, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 18 -


- Kỳ 18 -


Tôi với Vũ Trọng Quang chơi thân với nhau qua văn nghệ từ thời còn hoc trung học trường Nguyễn Văn Khuê - sau 1963 đổi thành trường trung học Bồ Đề do Thượng Tọa Thích Quảng Liên làm Hiệu trưởng , Thầy Thích Thái Dương làm Tổng giám thị , Giáo sư Xuân Sơn là Trưởng ban báo chí của trường ..Vũ Trọng Quang ở thi văn đoàn Vùng Lên, còn tôi ở Văn nghệ Hoa Đông Phương. Tôi học đệ tam C ( ban văn chương ) còn Quang học ban B chung với Nguyễn Hữu Đức ( Bây giờ là P.Giáo sư Tiến Sĩ Trường Đai học Y được – Sài Gòn ). Năm này tôi và Lâm Quốc Trung làm tờ đặc san quay ronéo là Vùng Biển Động, rồi đặc san Hoa Đông Phương. Cũng cần nói thêm trong thời gian này, phong trào thi văn đoàn như trăm hoa đua nở . Ở Gò Công thì Nhóm Thơ 20 Gò Công với Trần Anh Tài, Trần Ngọc Hưởng; Tỉnh An Xuyên( Cà Mau bây giờ , tỉnh lỵ là Quản Long ) nhóm Chân Trời Tím với Chu Thiên… , Ba Xuyên ( do Bạc Liêu và Sóc Trăng hợp nhất lại thành Tỉnh Ba Xuyên. Tỉnh lỵ là Khánh Hưng ) có nhóm Hồn Trẻ Hai Mươi gồm nhiều tên tuổi như : Linh Trân Phượng ( Vũ Ngọc Đức )- Hà Thúc Sinh- Phù Sa Lộc-Trầm Mặc Nghệ Thế- Trần Kiêu Bạt- Thương Tử Tâm- Trần Thanh Tâm- Trương Thanh Thùy- Võ Minh Đường ( Chồng của nhà thơ Trúc Linh Lan )… Ở Cần Thơ nhóm văn nghệ Về Nguồn với Trúc Khanh - Huyền Vân Thanh- Kiều Diễm Phượng…Riêng Sài Gòn rất nhiều thi văn đoàn, vì Sài Gòn là trung tâm văn hóa của miền nam.Ngoài Văn nghệ Hoa đông Phương của tôi … thi văn đoàn Vùng Lên của Vũ Trọng Quang...còn nhiều nhóm khác như : Cung Thương Miền Nam với Nguyễn Lệ Tuân – Mây Viễn Xứ- Thương Mặc Uyên…; nhóm Mây Chiều với Nguyễn Việt- Võ Hồng Nhữ Vân- Nguyễn Uyển Thượng ( Nguyễn Minh Nữu ); Hoa Quê Hương của Lê Hoa Niên- Kiều Linh Giang ( Trần Thanh Liêm )…Nhóm Áo Trắng( trường nữ trung học Gia Long ) với Uyên Mai- Hoàng Oanh ; nhóm Hoa Phượng ( trường nữ trung học Trưng Vương ) với Uyên Ly- An Khanh …, riêng nhóm văn nghệ của trường nữ trung học Lê Văn Duyệt tôi không còn nhớ tên , chỉ nhớ một người duy nhất là Hoàng Trần Đỗ Quyên.
Khi học đệ tam C , ngoài hai tờ quay ronéo , tôi còn chủ trương biên tập tờ bích báo Động Đất ( báo dán tường ), một tờ báo tường không qua sự kiểm duyệt của giáo sư Xuân Sơn ( tác giả tập thơ Nắng Khuya). Tờ Động Đất là một tờ bích báo lậu , nên tôi chỉ để chủ trương biên tập là nhóm học sinh đệ tam C , không để đích danh ai . Tờ Động Đất chuyên chỉ trích Ban Giám Hiệu nhà trường như thầy Tổng Giám thị Thích Thái Dương hay giáo sư Xuân Sơn , nên chúng tôi phải lén lút dán lên tấm bảng của trường dành riêng cho các tờ bích báo có kiểm duyệt .
Tôi thường xuyên ăn ngủ ở nhà Vũ Trọng Quang trong Khu Dân Sinh ( thời Bình Xuyên gọi là Kim Chung ).Hồi đó chúng tôi hay ăn cơm tấm đường Hồ Văn Ngà ( trước quận nhì , bây giờ là quận một ), đi chơi ở đâu cũng đi một cặp nên cô Sáu ( mẹ Vũ Trọng Quang ) đã nói trong lần tôi thăm cô cách đây mấy năm ; “ Hồi đó tao tưởng mày với thằng Ngọc ( tên ở nhà của VTQ ) là PD( pédé ) “.Tình bạn hữu của chúng tôi cho đến bây giờ đã 40 năm trôi qua vẫn thân thiết như hồi nào, dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống .Nhiều lúc , Quang biết tôi không có tiền xài, hắn lại gửi tiền qua một người bạn nói là tiền nhuận bút trao cho tôi xài . Tôi nhận được tiền cảm động lắm, nhưng chỉ phone cho bạn biết là tôi đã nhận được tiền, chỉ thế thôi là bạn cũng ngầm hiểu, vì chúng tôi không cần dùng chữ “ cám ơn “ với nhau. như những người khác. Trong 40 năm làm bạn , hai chúng tôi chưa một lần nào giận hờn, chưa lần nào cãi nhau hay làm cho nhau đau lòng .
Sống trong Khu Dân Sinh , tôi còn có những người bạn như : Nguyễn Mộng Hòa Bình bút hiệu làm thơ , nhưng chúng tôi thường gọi là Long Ghiền ( vì hắn ghiền thuốc lá ). Vũ Trọng Tuấn ( em của Vũ Trọng Quang ) Ba Phong ( sau 1975 trong Ủy Ban Quân Quản và Chủ tịch UBND Phường ở Quận 1 Sài Gòn ) , Huỳnh Súy, Vũ Giáo Trường , Lắm thiết Giáp, Khoa Nhảy Dù…Hồi đó , chúng tôi không có tiền nên thường thường mua rượu đế về pha với xá xị , bỏ đá cục vào nhậu cho đến chừng nào say xỉn thì thôi .Vũ Trọng Quang lúc ấy ốm ròm ( không như bây giờ ) nên chúng tôi gọi hắn là Sáu Ròm .Hắn có một bức tranh khắc trên một tấm ván ép nhỏ hình một người và một vật gì tròn tròn , tôi đặt tên cho bức tranh của hắn là “Đá banh bể “, hắn cười hề hề .
Lúc trong quân đội, về Sài Gòn chơi dù có phép hay không phép thì tôi cũng không bao giờ dừng lại khi Quân cảnh chận xét giấy tờ . Tôi nhớ lần đi chơi với mấy người bạn Thương phế binh và ở các binh chủng khác. Tất cả bảy người trên ba chiếc xe Honda chạy lòng vòng Sài Gòn đến gần 22 giờ , chúng tôi đến đường Tự Do. Ở đây có rất nhiều Bar dành riêng cho người Mỹ, cấm người Việt Nam đến đây . Chúng tôi dừng xe Bar Họa Mi, và bước vào .Trong bóng đèn mờ, có vài quân nhân Mỹ đang khiêu vũ cùng những tiếp viên Việt Nam .Thấy chúng tôi mặc quân phục rằn ri, những quân nhân Mỹ lần lượt biến mất. Chúng tôi gọi bia uống, nhưng họ không tiếp, bà chủ Bar điện thoại cho xe tuần tiễu hổn hợp đến bắt chúng tôi . Đang ngồi đợi họ đem bia ra thì một Quân cảnh cầm súng M.16 từ ngoài cửa ló đầu vô nhìn . Lúc đó , chúng tôi đã dự tính sẽ đấu với toán tuần cảnh hỗn hợp bằng lựu đạn và súng ngắn . Tên quân cảnh thấy chúng tôi cũng ớn , nên nói với bà chủ bar : “ Mấy anh này đâu có làm gì đâu mà bà nói là phá bar của bà “. Nói xong gã bước ra lên jeep cùng đồng đội của mình chạy đi .
Đám tuần tiễu hỗn hợp rời khỏi bar, chúng tôi kêu bà chủ bar lại : “ Hồi nãy chúng tôi không phá bar, nhưng bà gọi tuần tiễu hỗn hợp đến . Bây giờ thì chúng tôi phá bar của bà “ .Bà ta xuống nước năn nỉ , và chiêu đãi chúng tôi uống bia hoặc rượu thả dàn không tính tiền.Uống xong hơn một giờ sáng, chúng tôi kêu bà ta tính tiền, mặc dù bà ta không tính .Chúng tôi ép bà ta phải tính tiền , tôi cỡi tấm plaque đeo tay một lượng vàng , đưa cho bà ta và nói : “ Bà giữ cái này , mai tôi đem tiền lại thanh toán cho bà “ .

Thời đó , sống chết không biết lúc nào, nên lính tráng trong lực lượng tổng trừ bị thường trở nên ngang tàng nếu không muốn gọi là kiêu binh . Vì chuyện tử sinh đối với họ là đương nhiên khi tham dự trò chơi chiến tranh :


Dăm thằng đánh trận dăm thằng chết
Chỉ sót mình ta cứ sống nhăn
Đù má nhiều khi buồn hết biết
Lo mãi sau này cụt mất chân

Mấy tháng hành quân chưa ngơi nghỉ
Tóc tai dài thượt giống người rừng
Kinh Kha vác súng qua Dịch Thủy
Thề chẳng trở về với tay không

Chiến hữu ta toàn dân thứ dữ
Uống rượu say chửi đổng dài dài
Bồ bỏ. Tức mình xâm bốn chữ
“ Hận kẻ bạc tình “ trên cánh tay

Chiều qua sém chết vì viên đạn
Du kích bên sông bắn tỉa hù
Cũng may gặp phải thằng cà chớn
Thấy mặt ta ngầu bắn đéo vô

Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng
Xinh đẹp như con gái Sài Gòn
Ta nổi máu giang hồ hảo hán
Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân

Mai mốt này đây nơi trận tuyến
Gặp ta em bắn chớ ngại ngùng
Cuộc chiến đâu dành cho nhân nghĩa
Đời nào đạo lý với bao dung

( Hành quân-trong tập KVCE )

Trò chơi chiến tranh dài quá, mất mát đau thương nhiều quá, bao chuyện tình bi thảm cứ nhân lên mãi. Có những người lính cứ phải đi năm này đến năm khác, những người yêu , người vợ của họ mõi mòn trông đợi . Rồi những cạm bẫy cuộc đời , những phồn hoa đô thị đã cuốn hút một số ít người sa ngã, quên đi người thân yêu của mình nơi mặt trận .

Ngược lại, cũng có những người con gái , những người vợ thủy chung, dù biết người lính ấy ra đi không trở lại, vẫn chờ- vẫn đợi.


“ Xin cho em thắp một nén hương
Xin cho em một nụ hôn nồng
Để biết rằng người ta đã chết
Để biết rằng em buồn trong lòng…

Xin cho em làm chim núi non
Chắp cánh bay cao ấp ủ hồn
Ôi ! Người tình bây giờ khuất mặt
Em sống hoài hoài với đứa con

Xin cho bài dân ca phương đông
Xác chết trên đê dưới ruộng đồng
Để biết rằng anh em mặt lạ
Ở bên này-bên kia dòng sông…”

( Lời cho người khuất mặt- trong tập KVCE )


( còn nữa )

Friday, September 3, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 17 -


- Kỳ 17 -



Cứ ngỡ cuộc chiến rồi đây sẽ kết thúc, để những người tuổi trẻ như chúng tôi sẽ sớm giã từ vũ khí trở về một cuộc sống bình thường. Nhưng không, ước mơ nhỏ nhoi của chúng tôi, của cả một dân tộc này cũng chỉ là ước mơ. Tuổi trẻ anh em chúng tôi đã bỏ mất thời thanh xuân của mình, dở dang chuyện học hành để xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận . Chúng tôi lớn lên , yêu mà cũng chẳng kịp yêu- nếu yêu rồi cũng vội vàng yêu, chỉ sợ không còn thời gian để yêu.Và tuổi trẻ chúng tôi đã đem tình yêu ấy đi vào cuộc chiến để rồi chấp nhận mang thương tích tật nguyền, chấp nhận nằm xuống vĩnh viễn trên mảnh đất Việt Nam . Tình yêu của thế hệ chúng tôi là như thế ấy, đau khổ là như thế ấy Như trong bài thơ “ Tưởng như còn người yêu “của Lê Thị Ý mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc đã viết và nói lên tâm sự của những người yêu nhau, những người vợ có chồng đi vào quân ngũ:


“ Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi góa phụ nhạt mờ vết son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu …

…Em không nhìn được xác chàng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chàng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu !”



Đó là những mối tình nghiệt ngã , buồn thương , bi hùng nhưng không là bi lụy như một số người đứng bên lề cuộc chiến tranh, có cái nhìn lệch lạc về những bài thơ, bản nhạc nói về thân phận của người lính mà tiêu biểu là “ Kỷ Vật Cho Em “.Tôi là con người, không phải là đất đá ,cỏ cây , nên trước cảnh đó tôi không thể im lặng, không thể không lên tiếng những gì tuổi trẻ chúng tôi sẵn sàng chấp nhận., và coi đó như một định mệnh. Định mệnh mà lớp lớp hàng hàng thanh niên thời đại chúng tôi ra đi, từ giã bạn bè còn ở lại thành phố rằng :


“ … Từ giã bọn mày mai tao xuống biển
Tay ngoằn ngoèo vẽ trọn chữ Việt Nam “

( Từ giã bọn mày (*) )

Chúng tôi ra đi mang trong lòng những hoài vọng cháy bỏng sẽ vẽ trọn chữ Việt Nam, một Việt Nam thương yêu đầy nhân ái , một Việt Nam không hận thù , không bắn giết lẫn nhau giữa người và người.; giữa bên này và bên kia.


“…Thôi ngủ đi Thuyên
Thôi ngủ đi Thuyên
Ngủ đi để anh vẫn còn hy vọng ngày mai đất nước hòa bình
Ngày mai than trắng phát diện Trường Sơn dân hai miền cùng gia tăng sản xuất
Ngày mai lúa gạo Cửu Long thơm như mạch đất chứa lưu lượng phù sa
Em oi em !
Ngày mai đất nước hoà bình ….”

(Trái đại bác nổ khi loài thú giao hoan )


Bị tước đi mầm sống
Khi con còn sinh linh
Bởi vì cuộc chiến tranh
Con không được làm người

Mẹ thương của con ơi !
Tại sao phải như thế ?
Con thèm nghe ru hời
Khi nằm trong bụng mẹ

Xin ba hãy thắp nến
Sưởi ấm hương hồn con
Hoa mimosa nở vàng
Giữa tiếng gầm bom đạn

( Hồn con đã nói như thế )

Nhưng điều hoài vọng của chúng tôi vẫn xa vời vợi, trong lúc cuộc chiến tranh càng ngày càng leo thang đến mức không ai tưởng tượng nỗi sự tàn khốc của nó. Sự tàn khốc của chiến tranh lên tới cao độ thì những mối tình thời khói lửa cũng càng thấm đẫm nước mắt chia ly .





Trong một bài mới nhất của tác giả Xuân Đổ trên Việt Báo ngày 06/03/2008 đã hoài niệm về “Kỷ Vật Cho Em” có kể lại một mối tình thời chiến tranh như sau :

“ Một trong những bài hát được lính và người yêu của lính yêu chuộng nhất vào đầu thập niên 70 phải nói là bài “Kỷ Vật Cho Em”. Tuy được yêu thích, nhưng bài hát cũng gây nhiều tranh cãi. Tranh cãi về nội dung, xôn xao về tác giả và nếu không có cách nhìn cởi mở của một ông tướng đầu ngành một thời là xếp của tôi thì bài hát đã nằm chung trong danh sách những bài hát bị cấm phổ biến trong quân đội.Xét về nội dung, có dư luận bênh vực thì cho nó là “câu trả lời” trung thực cho một thời mà những số phận phải mang màu áo lính hoặc trở thành “xanh cỏ” vĩnh viễn đi vào huyền thọai của những ‘anh hùng không tên’, hoặc “đỏ ngực” mang theo thương tật ngậm ngùi trở về rồi đi dần vào quên lãng.Tuy nhiên trong thời chiến, nếu nhìn theo từ góc độ của những người làm công tác tâm lý chiến hoặc binh vận để nâng cao tinh thần binh sĩ thì bài hát cứ hiểu theo lời ca phần nào có làm ‘nản lòng chiến sĩ’, từ đó nó được đề nghị xếp vào loại nhạc “phản chiến”.
Với tư cách một người lính và có dịp trực tiếp làm công tác văn nghệ trong quân đội, tôi có vài kỷ niệm về bài hát này mà chẳng cần dấu diếm đó là bài hát tôi rất yêu thích. Sau này khi tàn cuộc chiến nó lại là bài hát ‘tủ’ của tôi khi hát cho nhau nghe từ trong các trại tù cải tạo, kể cả đôi khi nhảy dù vào “biệt khu tướng lãnh” để cùng hát với ngón đàn guitar của tướng Đảo ở trại Nam Hà.Bài hát này đối với những người yêu nhạc thì chỉ biết tác giả của nó là ông Phạm Duy vì về mặt in ấn, phổ biến công khai đều ghi: Nhạc và Lời của Phạm Duy. Nhưng gần đây dư luận có xôn xao hình như bài hát chẳng đơn thuần là của PD mà nó có đồng một tác giả là nhà thơ Linh Phương, một thi sĩ trẻ, nhiều tâm huyết nhưng khá lận đận. Không hiểu có sự đồng thuận nào giữa hai người, chỉ biết nhiều thập niên qua PD ‘cứ ngoảnh mặt làm ngơ’ không để tên Linh Phương vào tư cách đồng tác giả của bài hát.Ở đây ta không bàn về mặt đạo đức sáng tác hay lợi nhuận phát hành, xin để dành cho các nhà phê bình nhạc và văn học, nhưng ta phải công nhận một điều Phạm Duy là “phù thủy” về chọn thơ, chuyển chữ để đưa vào âm nhạc và ông cần được nhắc nhớ như là ‘một nhà phổ nhạc’ bậc thầy của nền nhạc Việt nam trong thế kỷ 20.Chẳng vậy vào lúc cuối đời, ông trở về Việt nam để tìm lại thính giả xưa cùng dẫn dụ người nghe mới, tôi nhớ trong chương trình nhạc chủ đề, ‘Phạm Duy-Ngày trở về’ tại rạp Hòa Bình, ông đã công khai hóa nhiều tên tác giả của những bài thơ mà ông đã vay mượn. Tỷ lệ số bài trình diễn đêm đó có phần “Lời lấy từ Thơ” đã chiếm khoảng...70%.
Trở lại bài “Kỷ vật cho Em” thì nghe nói xuất xứ của nó không có tên này. Tựa bài thơ chính gốc của nó là “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” được Trần Dạ Từ khám phá và cho đăng trên trang Văn&Thơ của Nhật báo Độc Lập vào đầu 70 (tôi xin có lời cám ơn ông Dạ Từ).Nói về bối cảnh thì bài hát được ra đời giữa lúc chiến trường vô cùng sôi động. Chiến tranh không chỉ trải dài từ Quảng Trị tới Cà Mâu mà đã lan qua tới Hạ Lào, Kam puchia để rồi con số những người lính đã nằm xuống, được tải thương, mang thương tật làm cho những kẻ ở hậu phương phải xót xa chóng mặt. Đó cũng là lý do nhà thơ đưa ra câu hỏi, được nhắc đi nhắc lại trong bài thơ chỉ vỏn vẹn 24 câu,”Em hỏi anh bao giờ trở lại/Xin trả lời mai mốt anh về”. Mai mốt là bao giờ, mai mốt có thể là thiên thu, cũng có thể là khi tàn cuộc chiến, mà cuộc chiến thì biết bao giờ tàn. Chính vì chưa tìm ra ẩn số cho câu hỏi của bài thơ, nên nội dung bản nhạc mang nhiều âm vang ray rứt. Cứ theo tôi nghĩ thì người phổ nhạc đã phải chọn tên “Kỷ Vật Cho Em” để thả nổi phần giải đáp cho các số phận xoay quanh những nghiệt ngã một thời.Bài hát cũng tài tình ở chỗ các câu thơ đựợc phổ vẫn giữ nguyên vẹn lời thơ và thể thơ, không thêm không bớt, trừ một câu bị gạt bỏ (‘mai anh về em sầu thê thiết’) để chuyển ý cho điệp khúc. Bài hát cũng độc đáo dù lặp đi lặp lại 36 lần các nhóm từ, (em hỏi anh, xin trả lời, anh trở về , anh trở lại..) nhưng bài hát không thành đơn điệu mà vẫn chuyển tải, thăng hoa đựơc toàn bộ ý thơ. Thậm chí trong chừng mực nào đó dù người phổ nhạc có đổi câu ‘em nhìn anh ánh mắt chưa quen’ thành ‘ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen’ cũng chỉ vì dụng ý muốn cho người thương binh bớt phần cay đắng. Về âm điệu, bản nhạc được PD soạn theo điệu slow rock, cung Ré trưởng rất hạp với cảm quan của một thời. Laị được tiếng hát của Thái Thanh chắp cánh khiến cả phần thơ lẫn nhạc làm cho người nghe đủ giới phải xúc động xót thương cho những thân phận mang màu áo rừng.Tôi còn nhớ sau khi bài hát được phát hành thì nó đựợc hâm mộ quá sức, yêu cầu được thính giả gửi tới tấp về các đài, chiến sĩ thì yêu cầu ‘bis’ đi ‘bis’ lại mỗi lần đi hát tiền đồn, phòng trà thì khách mộ điệu đòi hỏi đến độ ca sĩ nào cũng thuôc bài này. Càng về sau TT không còn độc quyền mà Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu, Nhật Trường cũng trở thành các ca sĩ ăn khách với Kỷ Vật Cho Em.Trong số thính giả ái mộ có một người em kết nghĩa của tôi, một sĩ quan xuất thân từ trường Đại học chiến tranh chính trị, lúc đó chiến đấu tại một đơn vị BĐQ trên cao nguyên. Chuyện ái mộ thì chẳng có gì đáng nói, nhưng trong trường hợp này, bài hát lại “quẩn” vào số phận của hai kẻ yêu nhau. Quốc Bảo và Chi Lan là biểu tượng của một mối tình đẹp trong thời chiến, họ yêu nhau, lấy nhau rồi xa nhau. Tôi nhớ trong tiệc cưới tại CLB không quân Huỳnh Hữu Bạc, tôi làm chủ hôn kiêm MC. Tiệc cưới có phần phụ diễn văn nghệ và nếu ai thích có thêm cả khiêu vũ. Thời chiến cưới nhau giản dị chủ yếu là vui, nhiều người còn mặc cả đồ tác chiến vì đang cắm trại.Trong lúc tôi đang loay hoay tiếp khách ở ngoài cửa thì tự nhiên văng vẳng có tiếng hát... Kỷ Vật Cho Em. Tôi không tin vào tai mình bèn chạy thẳng vào hậu trường sân khấu, trách ngay ông thượng sĩ trưởng ban nhạc, sao lại cho chơi bản này, anh ta trả lời ,tại Trung úy Bảo năn nỉ, ông bảo em cứ cho hát kẻo chút nữa ông thầy (là tôi) sẽ cản. Lúc này người hát là ca sĩ PHQ tôi có phần nể nên không dám cắt ngang, rút cục bài hát đã chấm dứt nhưng chẳng ai có lòng nào để vỗ tay. Khỏi cần đoán cũng hiểu tiệc cưới bữa đó phần nào mất vui và tôi nghĩ đây là lần duy nhất bài hát này không được nồng nhiệt tán thưởng.Chưa đầy một năm sau, mùa hè đỏ lửa trên chiến trường Tây nguyên. Sau một cuộc chạm trán ác liệt với quân chính qui Bắc Việt, Đaị đội phó CTCT Hoàng quốc Bảo đã anh dũng bỏ mình tại mặt trận Chu P’rong. Cánh quân của Bảo chỉ kịp rút, không mang được xác của Bảo ra. Ba ngày sau, quá thương đồng đội, cấp chỉ huy mở tiếp hành quân cướp xác. Hỏa lực địch quá mạnh, đơn vị của Bảo chịu bỏ cuộc. Quốc Bảo không trở về bằng ‘hòm gỗ cài hoa”, cũng chẳng được tải thương “trên trực thăng sơn màu tang trắng” như bài hát anh hằng ưa thích. Chị Chi Lan dù không nhận được xác chồng nhưng vẫn ‘chít khăn tang trên đầu vôi vã’ rồi cố quên đi kỷ niệm chăn gối một thời.“Kỷ Vật Cho Em” đã đi vào huyền thoại. Cuộc chiến chấm dứt, nhưng bài hát vẫn còn được yêu cầu trong các trại tù cải tạo và mỗi khi có các cuộc họp mặt hội đoàn tại hải ngoại. Nét hào hùng bi tráng của những người lính một thời đất nước điêu linh như vẫn còn vang vọng theo tiếng hát. Bất giác tôi lại nghĩ không hiểu Linh Phương hiện trôi dạt nơi nào, nếu được xin anh cho một sáng tác mới “Kỷ Vật Cho Em II” như một lời ai điếu cho những số phận bỏ mình trong các trại tù nơi thâm sâu cùng cốc (dù kỷ vật không còn là ’những viên đạn đồng đen’ mà là những chiếc lựơc nhôm, những chiếc trâm cài trên tóc) để riêng tặng những người vợ, người yêu của những người tù cải tạo. Họ cũng muốn đặt câu hỏi ‘em hỏi anh bao giờ trở lại’ nhưng câu trả lời chả biết hỏi ai. “


-----------------------------------------------------------
( * ) Tuần báo Khởi Hành .


( còn nữa )