Thursday, July 29, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 3


- Kỳ 3 -


Linh Phương tác giả bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “. Và cũng chính vì nguyên nhân đó mà tôi trở nên một con người nhiều huyền thoại như báo Đuốc Nhà Nam đã viết khi phỏng vấn .Trong những người “ thích đùa “ có một nhân vật tên Bửu Đức, mặc quân phục Nhảy Dù, mang cấp bậc Thiếu Tá cụt một chân . Ông thường đến phòng trà Ritz nhận mình là Linh Phương tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em , và ông hát bản nhạc này. Ông hát rất hay khiến không ai không rơi lệ, bởi vì họ cũng có chồng, có người yêu, người thân đang chiến đấu ngoài mặt trận ..Những người bạn tôi tức giận muốn cho ông ta một bài học. Tôi phải năn nỉ họ đừng nên làm điều đó. Vì tôi nghĩ, chuyện ông Bửu Đức nhận Linh Phương đối với tôi không có gì quan trọng , và ông ta lại là chiến hữu, đã dâng hiến cho Tố quốc Việt Nam một phần thân thể của mình. Xương máu đó, sự hy sinh cao cả đó so với một chút danh vọng hảo huyền này có thấm vào đâu .




Cách đây hơn một năm, có một cô bé trên một website nước ngoài ,đã gửi tôi một lá thư như sau :
“ Kính chào chú Linh Phương, Thật bất ngờ và cảm động khi cháu được may mắn gặp và đọc được bài thơ "Kỉ Vật Cho Em" của chú. Cháu mừng quá nên đã mạng phép chú copy xuống đặng trình cho ba cháu cùng chia sẻ vì cháu trộm nghĩ, tác phẩm thơ này của chú qua dòng nhạc của bác Phạm Duy hiện diện khi cháu còn chưa ra đời, niềm tận hưởng và đồng cảm chắc chắn không thể chan chứa cảm xúc bằng như đối với ba cháu, một trong những người lính một thời thăng trầm binh lửa. Quả thật, ba cháu cũng rất xúc động và mừng rỡ khi được tận mắt đọc từng câu trong bài thơ của chú (bật mí chú nghe nha, ba cháu rất yêu thích bài hát "Kỉ Vật Cho Em" mà phải là Thái Thanh ca mới được :)) Riêng cháu, đây cũng là một cơ duyên để có dịp đối chiếu và so sánh tình thơ ý nhạc từ "Kỉ Vật cho Em" in both Vietnamese and English. Vì (không biết chú có biết không), bài thơ "Kỉ Vật Cho Em" của chú đã được một nhà văn Mỹ (Neil L. Jamieson) đề cập đến trong cuốn sách của ông ta (Understanding Vietnam) qua lời nhạc phổ Phạm Duy. Cháu xin post lại đây hòng chia sẻ cùng chú và các bạn đọc nha chú?


".....The words were originally written by Linh Phuong, a young ARVN combat officer, and then set to music by Pham Duy. A popular recording of this song featured a muted trumpet in the background and was sung to a slow, majestic beat. It was called" A Souvenir for You" :
You ask me, you ask me when will I return?
Let me reply, let me reply, that I will soon return.
.......................................................................
I will return, perhaps as a wreath of flowers
I will return to songs of welcome upon a helicopter painted white.
You ask me, you ask me when will I return?
Let me reply, let me reply, that I will soon return.
I will return on a radiant afternoon, avoiding the sun,
Wrapped tightly in a poncho which covers all my life.
...........................................................................
I will return, I will return upon a pair of wooden crutches
I will return, I will return as one with a leg blown off
And one fine spring afternoon you shall go down the street
To sip a cold drink beside your crippled lover.

You ask me, you ask me when will I return?
Let me reply, let me reply that I will soon return.
I will return and exchange a moving look with you
I will return to shatter your life
We shall look at each other as strangers.
Try to forget the days of darkness, my dear.
You ask me, you ask me when will I return?
Let me reply, let me reply that I will soon return.

This was still a hit song in South Vietnam in 1971.................."

Cuối cùng, kính chúc chú được vui, mạnh khỏe, và yêu đời nha chú.
Cháu: Phỉ Thúy

Lá thư khiến tôi vô cùng xúc động, vì thời gian trôi qua mấy mươi năm rồi, vẫn có người nhớ đến tác giả bài thơ phổ nhạc gây nhiều tranh cãi của thập niên 70.









Quay về năm 1971 ,có rất nhiều tin đồn về tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em, như ký giả Thiện Mộc Lan báo Đuốc Nhà Nam trong bài phỏng vấn tôi đã viết :”...Nghe nhiều anh em thuật lại những mẫu chuyện ngồ ngộ về Linh Phương như : Người ta đồn nào là Linh Phương Trung úy một chân, nào là Linh Phương tử trận ở chiến trường Hạ Lào, nào là Linh Phương Thiếu tá cụt tay TQLC, nào là Linh Phương hạ sĩ...Riêng kẽ viết bài này có dịp nghe độc giả Đuốc Nhà Nam kể qua tiểu sử của Linh Phương, chàng ta là Thiếu úy TQLC có tên thật là Vũ Đình T. nhà riêng ở đường Lê Quang Định –Gò Vấp ( Gia Định ). Ngày xưa Linh Phương thường làm thơ gởi đăng trên một trang “ búp bê” đê tặng cho người yêu học ở trường Gia Long. Trên những bài thơ dành cho cô nữ sinh trường áo tím đều có ghi “ Cho khung trời Gia Long “...”
Nói đến trang “ búp bê” tôi nhớ lại thời mới lớn của mình.khoảng năm 1966 , lúc ấy tôi là trưởng nhóm Văn nghệ Hoa Đông Phương. Tôi là người viết rất nhanh, và là người hoạt động năng nổ nhất trong nhóm văn nghệ. Tôi vừa làm thơ người lớn, vừa làm thơ cho tuổi mới lớn .Trên nhật báo Tiền Tuyến có trang “ Tuổi Xanh “ do chị Tần Vy phụ trách ; trang thơ người lớn thì nhà văn Viên Linh tuyển chọn. Tôi đăng thơ cả hai nơi,không hiểu sao thời gian đó tôi viết nhiều đến thế. Trang “ Tuổi Xanh “ thường ưu tiên đăng nguyên chùm thơ, 5-7 hoặc trên 10 bài một lúc cho những cây viết hàng đầu của tờ báo này . Ở trường nữ trung học Gia Long thì có Uyên Mai – Hoàng Oanh ( nhóm Áo Trắng ) ; nữ trung học Trưng Vương có An Khanh- Uyên Ly ( nhóm Hoa Phương ) ; nữ trung học Lê Văn Duyệt có Hoàng Trần Đổ Quyên( Sài Gòn lúc bấy giờ có 3 trường nữ trung học nổi tiếng là Gia Long – Trưng Vương và Lê Văn Duyệt ) ; còn Văn nghệ Hoa Đông Phương thì có tôi . Tờ Dân Chủ của nhà văn Nguyễn Thạch Kiên thì có trang “ Họa Mi “ hay “ búp bê “ gì đó, mấy mươi năm rồi, tôi không biết trí nhớ của mình còn chính xác chăng ?
Chi tiết tôi thường làm thơ đề tặng môt cô nữ sinh trường áo tím ghi “ cho khung trời Gia Long “ thì đúng.Mối tình mới lớn theo thời gian chẳng lớn hơn chút xíu nào cả,bởi vì yêu một người mà người đó không yêu mình. Thất tình là cái chắc . Mà thất tình dĩ nhiên là khổ, cái khổ của thất tình giống như căn bệnh đờ đờ đẩn đẩn vậy .”Ai chưa qua chưa phải là người “ mượn lời nhạc “ Thói Đời “ của nhạc sĩ Trúc Phương để ví von chuyện thất tình thời nhát gái còn bày đặt yêu đương của tôi.

( còn nữa )

Hồi ký Linh Phương - Kỳ 2


- Kỳ 2 -


Lúc bản Kỷ Vật Cho Em được phổ biến, là lúc cuộc chiến Việt Nam dữ dội hơn bao giờ hết. Vì thế, đã gây những chấn động lớn lao vào tâm hồn những quân nhân Sài Gòn cũng như trong mọi tầng lớp dân chúng. Kỷ Vật Cho Em lúc đầu được hát nguyên văn bài thơ đã gây ra những hiện tượng xáo trộn , khiến chính quyền Sài Gòn cho rằng “ đã làm băng hoại hàng ngũ quân đội “. Nên sau đó, đã sửa đổi lời bài hát làm nhẹ đi tính khốc liệt, bi thảm của chiến tranh trong nguyên văn bài thơ.


• Nguyên văn bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “ của Linh Phương


Em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời mai mốt anh về

Không bằng chiến thắng trận Pleime

Hay Đức Cơ- Đồng Xoài- Bình Giả


Anh trở về hàng cây nghiêng ngã

Anh trở về hòm gỗ cài hoa

Anh trở về bằng chiếc băng ca

Trên trực thăng sơn màu tang trắng


Mai trở về chiều hoang trốn nắng

Poncho buồn liệm kín hồn anh

Mai trở về bờ tóc em xanh

Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt


Mai anh về em sầu thê thiết

Kỷ vật đây viên đạn màu đồng

Cho em làm kỷ niệm sang sông

Đời con gái một lần dang dở


Mai anh về trên đôi nạng gỗ

Bại tướng về làm gã cụt chân

Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân

Bên người yêu tật nguyền chai đá


Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ

Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen

Anh nhìn em- anh cố sẽ quên

Tình nghĩa cũ một lần trăng trối


20/02/1970


• Nguyên văn bài hát “ Kỷ Vật Cho Em “-nhạc Phạm Duy, thơ Linh Phương


Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime

Hay Đức Cơ - Đồng Xoài – Bình Giả

Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngã

Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa

Anh trở về trên chiếc băng ca

Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

Anh trở về chiều hoang trốn nắng

Poncho buồn liệm kín hồn anh

Anh trở về bờ tóc em xanh

Chít khăn sô lên đầu vội vã...em ơi ...

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

Anh trở về đây kỷ vật viên đạn đồng đen

Em sang sông cho làm kỷ niệm

Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ

Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân

Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân

Bên người yêu tật nguyền chai đá

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

Anh trở về nhìn nhau xa lạ

Anh trở về dang dở đời em

Ta nhìn nhau ánh mắt không quen

Cố quên đi một lần trăn trối ...em ơi...

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về







• Lời bài hát “ Kỷ Vật Cho Em” đã bị thay đổi :


Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime

Hay Đức Cơ- Đồng Xoài- Bình Giả

Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngã

Anh trở về có khi là một chiếc vòng hoa

Anh trở về bằng khúc hoan ca

Trên trực thăng vang trời thanh vắng

Em hòi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

Anh trở về chiều hoang trốn nắng

Poncho từng phủ kín đời anh

Anh trở về bờ tóc em xanh

Chiếc khăn tay ngăn dòng lệ ứa...em ơi...

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

Anh trở lại đây kỷ vật viên đạn đồng đen

Em sang sông cho làm kỷ niệm

Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ

Anh trở về, anh trở về người đã bị thương

Em một chiều dạo phố mùa xuân

Bên người yêu tật nguyền chai đá

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

Anh trở về nhìn nhau rung động

Anh trở về chia sẻ đời em

Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen

Cố quên đi những ngày đen tối...em ơi...

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về


Chiến tranh nào không có những hình ảnh như vậy , chiến tranh nào không có cảnh :” ... Cha xưa cầm súng ra đánh trận. Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm. Lần đi đưa tiễn tay chưa nắm. Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm...’ hay :” ... Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống. Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về. Mộ bia hiu quạnh ngày dâu bể Phách lạc đâu còn chỗ dung thân...”. . Như trong hồi ký nhạc sĩ Phạm Duy có đoạn nói về bản “ Kỷ Vật Cho Em:”... Bài này trước tiên ở phòng trà Ritz của Jo Marcel với ban nhạc Dreamers , rồi hầu hết các ca sĩ từ Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan và Nhật Trường đều thu thanh vào băng nhạc. Bài hát trở thành một hiện tượng thời đó. Ở phòng trà, khi ca sĩ hát bài đó lên bao giờ cũng có sự náo động nơi khán thính giả. nếu là thường dân thì phản ứng cũng vừa phải. Nhưng vì hồi đó dân nhà binh ở bốn vùng chiến thuật về Sài Gòn là đi phòng trà, và khi trong đám thính giả có một sĩ quan đi nghỉ phép hay một thương phế binh là có sự phản ứng ghê hồn nơi người nghe. Có thể nói bài này gây một không khí phản chiến, nhưng có một cái gì cao hơn chính trị. Nó nói đến định mạng của con người Việt Nam, nhất là cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua bên kia Hạ Lào ...”.






( còn nữa )

Hồi Ký Linh Phương - Kỳ 1



- Kỳ 1 -


•LỜI TÁC GIẢ:

Tập Hồi Ký này, tôi chỉ trích đăng những phần có thể công khai đuợc, riêng những phần nhạy cảm, không phù hợp với thời điểm hiện nay, tôi gác lại. Tôi xin cũng minh định rằng : Tôi rất trân trọng một nhạc sĩ Phạm Duy tài năng của ngày xa xưa còn sống mãi và một nhạc sĩ Phạm Duy đã chết trong lòng tôi .


- Linh Phương -


Vào đầu thập niên 70, tôi cộng tác hầu hết các nhật báo phát hành tại Sài Gòn. Tôi viết “ Xa dấu ngựa hồng “ truyện đăng nhiều kỳ trên tờ Nhân Dân miền Nam với tên Linh Phương. Riêng phóng sự “ Những bông hồng cho Lữ đoàn 147 TQLC ( An Dương Vương ) “ thì ký bút hiệu Phạm Thị Âu Cơ cũng đăng trên tờ này. Ngoài ra, tôi còn đăng thơ thường xuyên ở nhật báo Da Vàng do Vũ Tiêu Giang phụ trách; tờ Báo Đen do thi sĩ Nguyên Sa giữ trang thơ với các tên : Linh Phương, Phạm Nguyễn Hà Đông và Đoàn Đình Tây Phố...
Nhưng nhiều nhất là trang thơ văn của tờ Độc Lập do Ấu Lăng ( tức thi sĩ Trần Dạ Từ phu quân của nữ sĩ Nhã Ca ) phụ trách. Có thể nói, tờ báo Độc Lập một tháng 30 ngày thì trên 20 ngày đăng thơ, truyện của tôi qua các tên : Linh Phương ,Phạm Thị Âu Cơ , Vương Thị Ái Khanh ...Đầu tháng 2 năm 1970, tờ Độc Lập đăng đầu tiên bài thơ “ Để trả lời một câu hỏi “ ( sau đó là các báo khác ), bài thơ này tôi đề tặng một cô tên Hương, người mà tôi cùng bạn bè thân hay đến nhà cô ở bến Nguyễn Duy quận 7 Sài Gòn chơi.
Thời trẻ, tôi rất ít nói và nhát gái số một. Đêm nằm suy nghĩ nhất định ngày mai sẽ bày tỏ những điều mình ấp ủ từ lâu với người mình thương. Nhưng khi gặp , đứng trước cô ấy tôi lại ấp a, ấp úng , trái tim đánh thình thịch ,quên tuốt luốt và không dám nói gì cả. Bởi vậy, suốt những năm học trung học đệ nhị cấp, tôi vẫn luôn luôn đứng dước gốc cây trước cổng trường giờ tan học đón cô ấy, rồi đi theo sau cho đến lúc cô đi vào nhà, khiến nhiều bạn học trong trường ai cũng biết .
Sau này vào quân đội, rày đây mai đó trên khắp miền đất nước, tôi không còn gặp người cũ cho đến hơn 30 năm sau mới hội ngộ. Khi lên xe về Sài Gòn, cô chìa tay cho tôi bắt, nắm tay cô tôi vẫn thấy một chút gì đó cảm xúc của ngày xưa . Tôi kể lại cho người bạn thân là Vũ Trọng Quang nghe. Hắn vừa cười, vừa nói : Trời ! Ba mươi mấy năm mới nắm được tay nàng. Tôi chỉ biết cười thôi. Tình yêu mới lớn của tôi như một tiết tấu chậm, không như tuổi trẻ thời @ bây giờ, nhanh như tia chớp.





Bài thơ “ Để trả lời một câu hỏi “ của tôi, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc với cái tên “ Kỷ Vật Cho Em “, ông chỉ để duy nhất tên của ông . Ngay trong tập nhạc “ Kỷ Vật Chúng Ta “ do nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc phát hành, bài “Kỷ Vật Cho Em” vẫn không có tên Linh Phương. Lúc đó,” Kỷ Vật Cho Em” nổi tiếng đến nỗi đoàn cải lương Tiếng Chuông vàng Kim Chung cũng ăn ké cái tên “ Kỷ Vật Cho Em” cho vở cải lương hát tại rạp Quốc Thanh .Trên Truyền hình thì có nhạc kịch về thương phế binh cũng mang tên “Kỷ Vật Cho Em “.
Mặc dù nhạc sĩ Phạm Duy không để tên mình, tôi vẫn không phản ứng. Nhưng một người bạn của tôi là Thiên Hải phóng viên hãng tin THT đã đưa lên trang nhất của một tờ nhật báo, đại ý tác giả bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” ở binh chủng TQLC sẽ kiện Phạm Duy ra Tòa. Tiếp theo là tờ tuần báo Sân Khấu Truyền Hình cho in một bài viết đề cập đến tiền tác quyền, và tên Linh Phương phải là đồng tác giả bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em”.






BỐ GIÀ HIPPY PHẠM DUY CHƠI TRÒ MA GIÁO
LẤY THƠ LINH PHƯƠNG PHỔ NHẠC RỒI TỈNH BƠ



Lên tiếng về trường hợp Linh Phương và Phạm Duy qua bài nhạc Kỷ Vật Cho Em .

Trong một hoàn cảnh khốn đốn, thi sĩ có nhiều huyền thoại nhất hiện nay là anh Linh Phương, tác giả Kỷ Vật Cho Em- người mà thiên hạ cho rằng đã chết ở Huế. Người mà thiên hạ xầm xì hắn là một vị thiếu tá cụt tay của binh chủng TQLC, trung úy một chân của BĐQ…đã sống sót từ mặt trận hiểm địa Hạ Lào vừa trở về quê hương cho ra mắt tập thơ thứ tư của anh. Đó là tập Kỷ Vật Cho Em với bài thơ chính mang cùng tựa đã và đang làm rúng động giới yêu nhạc, yêu thơ…

Tình cờ gặp lại Linh Phương trong một quán cà phê văn nghệ, chúng tôi được nhà thơ quân đội này gửi tặng thi phẩm Kỷ Vật Cho Em do chính anh tự xuất bản lấy.
Bài thơ đầu tiên đập vào mắt chúng tôi, đó là bài “ Kỷ Vật Cho Em “ với những câu :



Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến thắng trận Pleime
Hay Đức Cơ- Đồng Xoài- Bình Giả

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng…


Cũng bằng những dòng thơ đó, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành bài nhạc “ Kỷ Vật Cho Em “, một nhạc phẩm đang tạo nhiều tiếng vang sâu rộng trong lòng giới yêu chuộng nhạc.
Chúng tôi hỏi Linh Phương về trường hợp bài thơ KVCE được phổ nhạc ? Nở một nụ cười chua chát, tác giả Kỷ Vật Cho Em chậm rải tiết lộ một chuyện hơi khó tin : Phạm Duy đã “ cầm nhầm “ bài thơ Kỷ Vật Cho Em để phổ nhạc mà không cần biết tới anh là ai…



CÓ THẬT PHẠM DUY ĐỊNH CHƠI TRÒ MA GIÁO ?



Qua câu chuyện, chúng tôi được biết thêm bài thơ Kỷ Vật Cho Em đã được Linh Phương gửi đăng trên nhật báo ĐL. hồi anh còn bận hành quân trên lãnh thổ Kampuchea. Và có lẽ tình cờ nhạc sĩ Phạm Duy được đọc bài thơ trên đây nên đã nảy ra ý định phổ thành nhạc.
Linh Phương không hay biết gì về việc tác phẩm của mình đã được đàn anh Phạm Duy chiếu cố. Mãi đến khi về Sài Gòn, trong thời gian nghỉ phép, anh mới có dịp thưởng thức bài nhạc Kỷ Vật Cho Qua câu Em :



… Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá…



Vở lẽ ra đó chính là tác phẩm tim óc của mình. Linh Phương vẫn hoàn toàn giữ thái độ im lặng . Bởi vì trên những bản nhạc bày bán ngoài hè phố Lê Lợi, nhạc sĩ Phạm Duy đã cẩn thận kèm theo tên anh với lời chú thích : thơ Linh Phương - nhạc Phạm Duy. Điều này ít ra cũng xoa dịu phần nào tự ái của nhà thơ quân đội vốn đã mang sẵn cố tật… hơi ngông .
Nhưng rồi một thời gian sau, Linh Phương khám phá được trò ma giáo của Phạm Duy. Đàn anh đã cố tình xóa tên đàn em trong tập nhạc đặc biệt mang chủ đề “ Kỷ Vật Cho Chúng Ta “, mà trong đó có trích đăng bài nhạc Kỷ Vật Cho Em. Trong tập nhạc đặc biệt này, bài nhạc Kỷ Vật Cho Em chỉ còn độc nhất tên tác giả là nhạc sĩ Phạm Duy nằm lù lù một đống, chả thấy tên Linh Phương đâu cả .
Ấy thế là nhà thơ Linh Phương bèn lấy làm một sự tạc dăng nổi giận. Thế này thì đích thị ông anh Phạm Duy định chơi trò ma giáo với mình rồi…



PHẠM DUY NGHĨ SAO VỀ TRƯỜNG HỢP NÀY ?



Nếu trường hợp phổ nhạc bài thơ Kỷ Vật Cho Em đúng như những dòng tâm sự của thi sĩ Linh Phương, thì thái độ vô tình của nhạc sĩ Phạm Duy rất là đáng trách.
Chúng tôi không thể ngờ được một nhạc sĩ cỡ lớn như Phạm Duy mà lại đi “ cầm nhầm “ một bài thơ của người khác để phổ nhạc- để rồi “ăn cướp “ cả công trình tim óc của một người làm thơ đói rách. Thú thật, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe anh Linh Phương phàn nàn, khi nghĩ về thái độ không được đẹp mấy của nhạc sĩ tài danh Phạm Duy, người mà gần đây đã được giới trẻ gán cho danh từ “ Bố già Hippy “.
Anh Linh Phương khẳng định rằng, sở dĩ anh chưa thực sự lên tiếng trên báo chí về trường hợp Kỷ Vật Cho Em là vì anh muốn chờ ở Phạm Duy một cư xử văn nghệ . Vả lại, anh không muốn hạ một kẻ đã ngã ngựa như Phạm Duy, một nhạc sĩ tài hoa với “ Bà Mẹ Gio Linh “, với những bài dân ca ngày xưa, nay đã bán linh hồn cho quỷ dữ sa tăng, dâm ô đồi trụy …


SẼ CÓ CUỘC NÓI CHUYỆN CÔNG KHAI VỀ KỶ VẬT CHO EM



Vấn đề được đặt ra ở đây là có phải Phạm Duy đã thực sự không ngó ngàng gì tới tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em hay chăng ? Để làm sáng tỏ vấn đề, thiết tưởng giữa Linh Phương và Phạm Duy nên dàn xếp một cuộc gặp gỡ trong không khí văn nghệ để mà… thông cảm nhau.
Đề cập tới vấn đề này, anh Linh Phương cho biết đã đến lúc anh không thể tiếp tục im hơi lặng tiếng để Phạm Duy mặc nhiên làm trò khỉ với Kỷ Vật Cho Em của anh. Bởi thế anh đang dự định tổ chức đêm thơ nhạc “ Kỷ Vật Cho Em - Từ Vùng Đất Chết “ trong một quán văn nghệ tại Sài Gòn. Và anh sẽ mời Phạm Duy cùng một số anh em ký giả, văn nghệ sĩ chứng kiến cuộc nói chuyện công khai cùng nhạc sĩ Phạm Duy về bài nhạc Kỷ Vật Cho Em.

Từ lâu, chúng tôi thực tình hết sức quý mến nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng trước việc làm “ phi văn nghệ “ này, chúng tôi cũng đã hết sức buồn, hết sức tội nghiệp cho Phạm Duy, một con người tài hoa đã tự khai tử tên tuổi mình để sống bằng tim, bằng óc của một văn nghệ sĩ khốn khó như nhà thơ Linh Phương . Tệ hại hơn nữa, nạn nhân của Phạm Duy lại là một người lính đang cầm súng giữ quê hương Việt Nam.
Đưa bài nhạc Kỷ Vật Cho Em lên bàn mỗ, chúng tôi không chủ tâm hạ bệ thần tượng Phạm Duy mà chỉ mong mỏi được nói lên một sự thật. Bài viết hôm nay chỉ mới là tiếng nói một chiều của thi sĩ Linh Phương . Chúng tôi đang chờ đợi tiếng chuông thứ hai của nhạc sĩ Phạm Duy để vấn đề được sáng tỏ hơn.


( Phan Linh – Sân Khấu Truyền Hình số 1 - bộ mới – 1971 )


Thời điểm bấy giờ, ở Sài Gòn là thủ đô của miền Nam Việt Nam, có trên 20 tờ nhật báo và 30 tờ tuần báo, bán nguyệt san và nguyệt san. Chuyện tác quyền giữa tôi và nhạc sĩ Phạm Duy hầu hết các tờ báo đều có đăng thư Phạm Duy gởi tôi ( biện minh vì sao ông không xin phép tác giả trước khi phổ thành ca khúc.Ông cho rằng không biết tôi ở đâu, nên có hỏi thi sĩ Trần Dạ Từ vì bài thơ hay , phù hợp với không khí chiến tranh khốc liệt đang xảy ra ...nên ông lấy phổ nhạc) , thư tôi trả lời nhạc sĩ Phạm Duy. Một số tờ báo phỏng vấn tôi, tờ Lập Trường của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trong phong trào Cấp Tiến thì đăng hình và tiểu sử ( tôi nhớ không lầm thì người viết là ký giả Huy Trường ).Sau gần một tháng ầm ỉ, người cháu nhạc sĩ Phạm Duy là Phạm Duy Nghĩa sĩ quan Phòng Tâm Lý Chiến , Bộ tư lệnh Sư đoàn TQLC lên phòng Tổng Quản Trị Sư đoàn tìm hồ sơ của tôi . Một người bạn tôi ở phòng này hỏi anh ta tìm hồ sơ ai, anh ta cho biết tìm hồ sơ Linh Phương, người bạn tôi chỉ anh ta nơi tôi thường xuyên có mặt. Cuối cùng thì anh ta gặp tôi tại 104/23 đường Yersin, quận 2 ( quận 1 bây giờ ) Sài Gòn. ( nhà của bạn tôi là nhà thơ Vũ Trọng Quang ).
Sau đó, Phạm Duy Nghĩa đưa tôi đến phòng trà Đêm Màu Hồng nơi ban Thăng Long thường xuyên trình diễn. Ở đây, tôi và nhạc sĩ Phạm Duy đã có sự thông cảm trong vấn đề bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “. Nhạc sĩ Phạm Duy chở tôi trên chiếc Citroen Traction đến phòng trà Queen Bee do nhạc sĩ Ngọc Chánh ban Shotguns quản lý. Ở phòng trà Queen Bee, nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu tôi trước công chúng về tác giả bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “. Sau cái bắt tay giữa tôi và nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Ngọc Chánh, quái kiệt Trần Văn Trạch, nữ ca sĩ Thái Thanh đã trình bày bài thơ phổ nhạc này.
Sáng hôm sau, như lời hẹn tôi đến tư gia nhạc sĩ Phạm Duy ở số 215 E/2 đường Chi Lăng- Gia Định- Phú Nhuận. Nhà Phạm Duy phía bên trái khi bước vào cổng cư xá Chi Lăng. Tại đây, tôi gặp ca sĩ Thái Hằng - vợ nhạc sĩ Phạm Duy, Duy Quang –con trai và ca sĩ Julie vợ Duy Quang và Thái Hiền lúc đó hãy còn nhỏ. Tôi ăn cơm trưa với nhạc sĩ Phạm Duy, xong chúng tôi ký hợp đồng tiền tác quyền bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “. Trong hợp đồng tiền tác quyền là 30.000 đồng ( thời điểm đó giá vàng , nếu tôi nhớ không lầm là khoảng 10.000 đồng- 12.000 đông / một lượng , nhưng thực tế nhạc sĩ Phạm Duy trả tôi là 50.000 đồng ( 30.000 đồng bằng chèque nhận ở Pháp Á Ngân hàng – 20.000 đồng tiền mặt ). Về số tiền 20.000 đồng tiền mặt, nhạc sĩ Phạm Duy bảo tôi đừng tiết lộ khoản tiền ngoài hợp đồng này. Tôi không hiểu vì sao, nhưng cũng không thắc mắc.


( còn nữa )

Wednesday, July 28, 2010

Hồi ký Linh Phương





Sinh ngày 06/02/1949 tại Sài Gòn. Cha người Phong Điền (Thừa Thiên – Huế). Mẹ người Cần Thơ. Trưởng nhóm văn nghệ HOA ĐÔNG PHƯƠNG (Sài Gòn). Nguyên thư ký tòa soạn tuần báo Tinh Hoa Nữ Sinh phát hành tại Sài Gòn năm 1967.
• Điện thoại: 0918.065949
• E-mail: linhphuong49@yahoo.com.vn
• Tác phẩm in riêng: - THƠ TÌNH LINH PHƯƠNG (Thơ- nxb. Ngựa Hồng- Sài Gòn- 1967) - KỶ VẬT CHO EM (Thơ - nxb. Động Đất- Sài Gòn – 1970) - LỜI TỰ TÌNH PHƯƠNG ĐÔNG (Thơ - nxb. Đồng Nai – 1995) - LỜI RU CỦA GIÓ (Thơ - nxb. Thanh Niên – 2000) - KỶ VẬT CHO EM (Thơ - Thư Ấn Quán tái bản tại Hoa Kỳ năm 2006) - TUYỂN TẬP LINH PHƯƠNG ( Thơ –nxb. Phương Nam – 2006 )• Tác phẩm in chung : - THƠ LỤC BÁT (Thơ - nxb. Thanh Niên – 2000) 14 tác giả - NGUYÊN ĐÁN TÌNH YÊU (Thơ - nxb. Đồng Nai- 2004) 13 tác giả - THƠ MIỀN NAM TRONG THỜI CHIẾN (Thơ - nxb. Thư Ấn Quán Hoa Kỳ 2006) - MỘT THỜI LỤC BÁT VIỆT NAM (Thơ - Nxb. Thư Ấn Quán Hoa Kỳ 2008)) . - 1000 NHÀ THƠ HUẾ ĐƯƠNG THỜI ( Tập 2-nxb.Thuận Hóa-2008 )
• Tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc trước năm 1975.

LỜI MỞ ĐẦU


“ Không phải cuộc đời này ai cũng tử tế với mình hết” .Tôi nghiệm ra cái câu nói này sau cơn giông bão của cuộc đời, và coi như là một triết lý trong cuộc sống của mình suốt quãng đời còn lại .Trước kia, tôi vẫn luôn tin những điều tốt đẹp ở những người chung quanh , ở bạn bè, ở tình yêu. Tôi sống hết mình vì lòng tin , tôi sống hồn nhiên như trẻ thơ, tôi luôn luôn biết tha thứ lầm lỗi cho bất cứ ai, dù người đó vì một lẽ gì đó cố tình mưu hại tôi để bước lên một nấc thang danh vọng theo như ý nghĩ của họ.Cuộc sống , cuộc đời vốn dĩ gian nan dành cho những người không được may mắn. Tôi cũng nằm trong số những người đó, ngay từ thời ấu thơ , tôi cũng không được sung sướng như những đứa trẻ khác.Ba tôi, người Phong Điền - Thừa Thiên-Huế ( nhưng mới năm 2007 tôi tìm hỏi về tông tích của ông qua gia đình người bạn, một thời cùng ông bỏ quê đi lúc 9 tuổi , thì không phải như giấy tờ đã ghi.Gia đình người này cho biết ông ở huyện Hương Thủy, xã Hương Vân ( Thừa Thiên-Huế). Tôi cố dò hỏi tông tích để khi nào có tiền , tôi sẽ đi tìm họ hàng bên ba tôi .Thời giặc giã, ông có về quê , nhưng không về được, vì cuộc chiến tranh ,cho đến ngày ông nhắm mắt ). Má tôi, người Cái Răng- Cần Thơ trôi giạt lên Sài Gòn cùng ba tôi nên nghĩa vợ chồng .Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, má tôi đi bán hàng bông, ba tôi là thợ xây cất nhà cửa.Tôi có bảy đứa em gái và một đứa em trai, nhưng rất tiếc em trai tôi không còn sống. Tôi nhớ như in lúc em trai tôi 3 tuổi, bị nóng sốt thèm một cái bánh tiêu của ông Tàu già đi bán ngang nhà. Em tôi khóc đòi , nhưng trong nhà không có tiền mua cho em tôi ăn, má tôi ngồi lặng lẽ khóc. Ngày hôm sau thì em tôi chết, chết mà không đạt được cái hết sức nhỏ nhoi của một con người.Tôi lớn lên như hạt thóc, củ khoai, ít nói ,sống thu mình cô lập chính mình. Hồi tôi đi học, mỗi lần bạn bè mời sinh nhật, tôi lại lúng túng vì tiền mua quà. Đến dự sinh nhật, thấy nhà người ta đầy đủ phương tiện, tổ chức sinh nhật mỗi năm, nghĩ tới mình tôi lại càng tủi thân. Lớn lên, tôi cũng không bao giờ có sinh nhật của mình, nhưng không còn cái cảm giác tủi thân như hồi niên thiếu nữa.Đi hết cuộc chiến tranh của đất nước, qua bao thăng trầm của cuộc đời và cuộc sống. Tôi coi sống và viết là một định mệnh .Cuộc đời cũng là một định mệnh, trong đó tình yêu không thể tách rời , bởi tình yêu cũng khắc nghiệt chẳng khác định mệnh mà trong tập “ Hồi Ký Linh Phương tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em “ chắc chắn tôi sẽ viết một phần của tình yêu, một phần của những đau đớn trải qua, một phần của cuộc chiến ,cũng như những năm tháng tù tội. Tôi có những bạn bè thân thiết hơn ruột thịt như Vũ Trọng Quang ( nhà thơ ). ( Tôi nói hơn là vì trong gia đình , anh em tôi không biết thương nhau, nên tôi chọn cách sống xa gia đình để giữ một tình cảm ruột thịt. Trừ năm tháng trẻ thơ, lớn lên tôi ít khi được sống trong không khí đầm ấm gia đình, cái không khí tôi thèm muốn lắm , như bài thơ tôi viết năm 1988 :


“… từ cửa miệng những đứa em ruột rà
chẳng khác người dưng kẻ lạ
thì !con kính thưa hương hồn ba
chết 17 năm xương tàn cốt rụi
đâu hay máu chảy mà ruột không mềm…”


Hoặc những anh em văn nghệ có nhiều kỷ niệm trước 1975 với tôi như nhà văn Nguyễn Đình Thiều- anh Nguyễn Vương Thân hãng thông STA –anh Phi Bằng ban thoại kịch Kim Cương ( chồng cũ của nữ ca sĩ nổi tiếng LT )…Sống và viết là một định mệnh, cuộc đời cũng là một định mệnh. Phiêu bạt nơi này đến nơi khác, tìm được sự tử tế đôi khi lại quá hiếm hoi, nhưng không hẳn là không có.Cảnh khổ nào tôi cũng đều vượt qua, lên núi lăn đá xuống đập thành những viên đá 4x6 ; người ta lấy cây đập vào đầu mình như một con cá, ăn cơm với muối không đủ no qua năm này tới năm khác…những cư xử không được tử tế giữa con người với con người, tôi đều coi đó là định mệnh, nên không hế oán trách, không hề hận thù. Tất cả là định mệnh, định mệnh tốt với người này, xấu với người kia, vậy thôi.Đây là những lời mở đầu trong hồi ký mà tôi viết, không biết còn đủ quỹ thời gian để tôi hoàn thành cuốn hồi ký này chăng ? Tôi hiểu sức khoẻ mình càng ngày càng yếu dần, sức khoẻ thời thanh niên đã chết dần mòn trong tôi , vì chiến tranh, vì tù đày, vì bị đánh đập, vì cuộc sống khắc nghiệt. Tôi hy vọng mình sẽ sống cho đến ngày kết thúc cuốn hồi ký này. Vâng , tôi sẽ sống với những gì đáng sống và chết với những gì cần chết .


Việt Nam, ngày 19/04/2008.