Friday, November 26, 2010

Hồi Ký Linh Phương - Kỳ 37 -

- Kỳ 37 -


Tôi đã đi qua những vùng đất đầy lửa đạn của cuộc chiến như Bình Dương, Tây Ninh, Bình Long, Long Khánh ở miền đông đất đỏ. Hay miền tây đầy sông rạch Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau…hoặc Krek ( Kampuchea ) bằng một tâm hồn thơ đầy mơ mộng của tuổi thanh xuân về một tình yêu , về một mai đất nước hòa bình .. Sự tàn bạo của đao binh , khốc liệt của mặt trận ngày một gia tăng theo cường độ chiến tranh.Tôi là một chứng nhân, biết anh em chúng tôi chết như thế nào ở những ruộng đồng, góc núi, dòng sông, cánh rừng là do đâu ? Anh em chúng tôi thương tich , tật nguyền , mất cả cuộc đời hoa mộng như thế nào là do đâu ? Những anh em Lao Công Đào Binh- những anh em ở đơn vị trừng giới bị đày ải , đau khổ như thế nào là do đâu ?. Anh em chúng tôi chỉ biết cắn răng thầm nói với nhau rằng : Chiến tranh mà . Ừ ! Chiến tranh là thế..


“…Từ giã bọn mày mai tao lên núi
Mặc áo lao công đập đá xây thành
Làm bạn vắt mòng chung vui với muỗi
Đắp lũy thông hào chờ cuộc giao tranh

Từ giã bọn mày tao đi nhặt nốt
Võ đạn đồng rơi rớt giữa quê hương
Từ giã bọn mày tao đi nhặt nốt
Dưới ruộng-dưới đồng-những máu-những xương

Từ giã bọn mày rong chơi ngày tháng
Cùng vợ- cùng con -cùng mấy con đào.
Tao lỡ sinh ra một đời lận đận
Thế cũng đành -cũng chịu biết làm sao ?

Nếu như thương tao bọn mày ở lại
Vui với giảng đường đại học ngày thi.
Nếu như sau này bọn mày có dạy
Nhớ kể học trò về những người đi.

Và hãy nói họ chết rồi lâu lắm,
Từ nhiều năm qua trong cuộc chiến tranh
Từ nhiều năm qua vành khăn sô trắng
Lớp lớp hàng hàng trang điểm tóc xanh.

Từ giã bọn mày xin đừng đưa tiễn
Dù một lần tao làm gã tội nhân
Từ giã bọn mày mai tao xuống biển
Tay ngoằn ngoèo vẽ trọn chữ Việt Nam

1971
( TỪ GIÃ BỌN MÀY - Tuần báo Khởi Hành 1971 )


Chiến tranh kết thúc đã 35 năm. Chiến tranh kết thúc không phải ở nơi chiến trường , không phải do người cầm súng giữa hai bên . Mà chiến tranh kết thúc ở sự mặc cả trên một cái bàn tròn nào đó không phải là Việt Nam.Ba mươi lăm năm vết thương vẫn còn rỉ máu. Chương trình “ Như chưa hề có cuộc chia ly “ trên VTV vẫn còn biết bao hồ sơ gia đình ly tán chưa tìm được nhau, dù đó chỉ là một phần nhỏ trong cuộc ly tán lớn lao của cả một dân tộc . Nhất là cuộc tháo chạy bi thảm của mấy trăm ngàn đồng bào miền Trung và binh sĩ miền nam Việt Nam từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng về Sài Gòn .






Cuộc tháo chạy phơi mình cho đạn bom tàn sát, biết bao sinh mạng con người nằm dài theo con đường được mệnh danh là “đại lộ kinh hoàng “. Biết bao gia đình phải thất lạc mỗi người một ngã . Rồi tiếp tục cuộc tháo chạy ra nước ngoài , thêm một nhát dao cứa đứt trái tim của người Việt Nam còn lương tri, còn biết thương đồng bào của mình .Hình ảnh đau thương ấy đã khắc sâu vào tâm khảm của chúng ta không bao giờ quên.







Có những gia đình may mắn hội ngộ , có những người yêu sau mấy mươi năm tìm gặp nhau. Đó chính là duyên phận. Vì với mấy mươi năm dài như thế sẽ không dễ gì gặp lại nếu không có duyên phận . Tôi cũng là trong số ít trường hợp ly tán mà trùng phùng như đã nêu trên. Bây giờ , nhiều người đã tìm được tôi , có người cách xa nửa vòng trái đất , có người còn ở Việt Nam. Thật bất ngờ khi nhận một cú điện thoại, thật sửng sốt khi đọc những dòng email của những người mấy mươi năm trước. Buồn vui lẫn lộn không sao tả xiết.Gặp lại nhau, những kỷ niệm tốt đẹp vẫn không phai mờ trong ký ức, nhưng nụ cười, khuôn mặt, quê hương đã không còn như xưa. Tất cả đều biến dạng sau lần chia ly ngày ấy.Thân phận của tuổi trẻ ngày ấy là cái chết, là hiến dâng cho mảnh đất đau thương này một phần thân thể. Sinh và tử không thể tách rời nhau .




Xin chào! Tổ quốc thương đau
Ngàn năm mây trắng ngang đầu còn bay
Gió rì rào thổi đêm nay
Rượu chưa uống cạn đã say ngất trời

Xin chào! Đôi chút buồn vui
Khăn tang đội suốt một thời thanh niên
Tôi cầm súng bắn chỉ thiên
Vì yêu đất nước-và em vô cùng

Xin chào! Dòng máu anh hùng
Nở hoa từ mấy mươi năm đỏ hồng
Chiến tranh cốt nhục tương tàn
Sao tự hào nói: -Cha rồng-mẹ tiên?

Xin chào! Bè bạn-anh em
Cho tôi được chết bình yên phút này
Thèm. Chao ôi! Một bàn tay
Dỗ dành giấc ngủ những ngày trẻ thơ

Xin chào! Tôi kẻ mồ côi
Không cha mẹ sống bơ vơ giữa đời
Chỉ mong qua kiếp con người
Về thiên cổ -chính là nơi đợi chờ

Xin chào! Tôi với câu thơ
Viết khi còn sống thay lời trối trăn
Mai tôi nằm dưới mộ phần
Bao oan khiên trả lại trần gian thôi

Xin chào! Đôi mắt khép hờ
Tiễn đưa đừng khóc-ngậm ngùi hồn tôi

( XIN CHÀO )


Tất cả đều biến dạng , tình người đối với nhau cũng biến dạng giữa bao điều oan trái, hệ lụy và hận thù. Duy điều tôi tin rằng cho dù bao nhiêu năm nữa, có những mối tình sẽ không bao giờ biến dạng .Dù hiện tại có đau đớn cách mấy khi gặp lại nhau, mỗi người có một cuộc đời riêng thì tình yêu vẫn vĩnh cửu trong trái tim .
Tôi nhớ lần đầu tiên khi trở về Sài Gòn sau gần 20 năm xa cách vì chiến tranh , tù đày và nổi trôi nơi xứ lạ quê người . Tôi thấy Sài Gòn bây giờ không còn là Sài Gòn ngày xưa nữa.Một Sài Gòn với những con đường vắng lặng , hai hàng me xanh bên đường rụng lá vương trên những tà áo trắng học trò của thời hoa bướm mộng mơ. Sài Gòn một thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông đã trôi vào quá khứ .Hiện tại Sài Gòn là những ngôi nhà cao tầng, là những con đường đông nghịt xe cộ và người, là sự sống tất bật của guồng máy thế kỷ 21, đôi khi khiến người ta trở thành vô cảm với một cảnh đời nào đó xảy ra trước mắt mình.

.Tôi bắt đầu làm thơ trở lai, và gửi đăng báo kiếm tiền nhuận bút đắp đổi qua ngày ,có lẽ là năm 1986,1987 gì đó.Tôi bỏ làm thơ kể từ 1975, sau hơn 10 năm mới viết những bài thơ tình , chủ yếu làm thơ là chuyện mưu sinh.



Ta cố quên mảnh đời phiêu bạt
Quên đắng cay u uất trong lòng
Bạn bè thương ta thằng lưu lạc
Thương còn hơn ruột thịt ta thương

Bạn bè thương ta thằng lỡ vận
Chung góp nhau đôi chút đỡ đần
Tuổi bốn mươi rồi hai tay trắng
Nhìn tương lai bỗng chốc tối sầm

Phải chi sống được như Hàn Tín
Chịu khoanh tay làm kẻ thấp hèn
Thì đâu có ngày ta mất việc
Mười năm lận đận biết bao phen

Thôi nhé ! Tim ơi đừng bật máu
Cho niềm đau âm ỉ một thời
Ta cứ ngỡ đất trời giông bão
Từng giọt hồng thắm đỏ thơ xưa

( CHÚT ĐỜI TA PHIÊU BẠT – 1989 )


Tưởng hơn 10 năm bỏ thơ tôi không còn viết được nữa , cũng may áo cơm của cuộc sống và cuộc đời lận đận đã giúp tôi có những cảm xúc trong sáng tác của mình.Những nỗi đau dồn nén từ bao năm được giải tỏa trong thơ.Những oán hận cũng nhờ thơ bay đi không còn chất chứa trong lòng , khiến tâm hồn tôi trở nên thanh thản, nhe tênh.Tôi ngộ ra một điều : thơ mang đến cho chúng ta sự nhân ái, bao dung của con người với con người.Đôi lúc , có những chuyện buồn trong cuộc đời ,tôi hay nghĩ về tuổi thơ của mình .Hồi đó, mỗi lúc tôi buồn, má chỉ cần cho tôi một cái bánh hay một viên kẹo thì tôi vui ngay.Bây giờ , buồn cũng chỉ buồn một mình, tự bản thân giải quyết nỗi buồn , gánh chịu hay trút bỏ cho nhẹ nhõm đôi vai cũng do mình quyết định.


( còn nữa )

Monday, November 22, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 36 -


- Kỳ 36 -


Những ngày tháng trôi như một giấc mơ. Một giấc mơ dài trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời cũng như trong cuộc sống của hai chúng tôi. Gặp lại nhau hơn 30 năm nhớ nhung xa cách, chúng tôi vẫn không thăc mắc về nhau ngần ấy thời gian. Hơn 30 năm trước, chúng tôi đã không thắc mắc về nhau rồi , hà tất là 30 năm sau. Điều cần nói chúng tôi sẽ nói, đôi khi không nói, nhưng chúng tôi hiểu trong lòng chúng tôi nghĩ gì , trái tim chúng tôi nói gì. Hơn nửa đời người chia cắt là hơn nửa đời người thất tình nhau.
Nhắc lại kỷ niệm ngày xưa, đọc lại nhật ký và những lá thư tôi gửi em thời trai trẻ mới yêu nhau , xa nhau . Chúng tôi đều bồi hồi xúc động và em đã khóc.Gần nhau bao nhiêu lâu mà biền biệt mấy chục năm dài đăng đẵng .Yêu nhau bao lâu, em đã tự đeo cho mình chiếc nhẫn vào ngón tay áp út thiêng liêng, vì em nghĩ cuộc đời em đã thuộc anh,về người mình thương yêu hết lòng hết dạ.Năm tháng đợi chờ không một lá thư, không tin tức để hy vọng. Vậy mà em vẫn chờ đợi trong nỗi nhớ , trong nước mắt với người vô tâm như tôi.Tôi đã không níu em đến gần bên tôi, níu muôn trùng về bên tôi, nên đành “ Một đời lạc lối em về nhà ai “. Bảy năm chờ đợi, cuối cùng vì bao nhiêu sự ràng buộc của gia đình, em chấp nhận một cuộc hôn nhân.
Ôn quãng đời mấy mươi năm, em kể lại thư tôi viết : “ Anh sẽ câu cá phơi khô bán lấy tiền dành dụm để ngày trở về cưới em “. Kể lại chuyện khi tôi ở Nông trường Quốc Doanh trong thời gian tôi học tập cải tạo.Kể lại Trần Công Thành em trai của em xuống Cà Mau tìm tôi hai lần vào năm 1990 , 1992 nhưng không gặp.Tôi thích nhất là khi em đọc những bài thơ trong tập thơ tôi viết tay tặng em ở phòng Chiến Tranh Chính Trị năm 1973 . Những bài thơ theo em rất hay khác xa với những bài thơ bây giờ. Những bài thơ đã làm em “ chết cả đời “ .Em bảo ngày đó em thất tình tôi; còn tôi thì nói tôi thất tinh em. Thì ra , tôi và em thất tình nhau mà không biết.
Hoài niệm về quá khứ,chúng tôi cảm nhận được hạnh phúc vô cùng dù là thứ hạnh phúc khổ đau.,ly tán trong thời kỳ chiến tranh.Chấp nhận yêu tôi, em đã chấp nhận cuộc tình đầy nước mắt. Đi ngoài đường cũng khóc, ở giảng đường cũng khóc, đến nơi tôi lưu đày không gặp mặt cũng khóc. Đến và yêu như một sự run rủi của định mệnh, thất lạc nhau qua cuộc bể dâu và gặp lai nhau sau ba mươi mấy năm cũng là định mệnh. Định mệnh xui khiến một tiểu thư đài các trong một gia đình quyền quý lại yêu tôi.
Gặp lại nhau lúc đầu tôi lốm đốm bạc, em thì đã qua thời xuân sắc. Biết tin nhau mừng quá, nước mắt rưng rưng.Mới đó đã gần 40 năm, sắp hết đời người.Bồi hồi với bao kỷ niệm tràn về ký ức-ký ức vẫn hồng, kỷ niệm vẫn xanh và suốt một đời chúng tôi biết rằng đã mắc nợ nhau.


Thể nào ta quên được em
Dù đã dặn lòng đừng nhớ
Trời ơi ! Ngực gầy đau nhói
Như ai cắt trái tim người

Bao ngày qua-bao đêm rồi
Rượu buồn uống hoài chưa cạn
Cứ tưởng -ta hình-em bóng
Trăm năm bóng vẫn bên hình

Ngờ đâu tan vỡ cuộc tình
Ta-em-suốt đời chia cắt
Suốt đời bóng là ảo giác
Để hình thương mãi khôn nguôi

( Bóng và hình )


Tôi nghĩ tôi là hình- em là bóng, hình bóng không thể nào cắt rời được-nhưng có đôi lúc, tôi lại nghĩ bóng chỉ là ảo giác. Nhưng không, khi đọc bài thơ này trên VNTQ, em đã khẳng định rằng bóng và hình mãi mãi là một thực thể duy nhất bằng những câu thơ của em :


Anh đừng tưởng anh là hình – em là bóng
Ví dụ trăm năm bóng vẫn ở bên hình
Dù thời gian có làm dang dở cuộc tình
Để em -anh suốt đời ngăn cách
Để anh biết :
Suốt đời bóng em không là ảo giác
Và để hình anh thương nhớ mãi khôn nguôi


Trong thời gian gần đây, tôi gặp lại nhiều “ người muôn năm cũ “, người tôi mang ơn cũng có , người mang ơn tôi cũng có .Tôi nhờ “ may mắn “ có một chút “ tiếng tăm” nên chỉ cần lên những công cụ tìm kiếm gõ tên là sẽ có câu trả lời. Chính vì thế mà họ gặp lại tôi .Nếu không, e rằng “ bóng chim tăm cá “ với thời gian đã xa lắc xa lơ, người góc biển kẻ chân trời khó lòng hội ngộ sau mấy chục năm ly tán.

Có những lúc tôi cảm thấy hết sức cô độc trước cuộc đời và cuộc sống.Lúc bệnh hoạn, tôi tự dưng sợ chết, sợ tâm niệm của mình chưa kịp hoàn thành- sợ ước mơ đi hết một vòng đất nước mà ngày xưa binh đao khói lửa không thể nào thực hiện sẽ không bao giờ trở thành hiện thực- sợ người xưa không gặp lại người xưa. Phải chăng có nhiều tuổi rồi, quỹ thời gian còn lại càng ngắn càng sợ chết chăng ? Chính vì những ám ảnh đó mà tôi có bài thơ dự báo về cái ngày mình ra đi.


Thế rồi trái tim anh ngừng đập
Thân thể dần dần lạnh tanh
Ý niệm về không gian - thời gian không tồn tại
Anh biết mình đã chết
Khi mơ hồ thấy mọi người vây quanh khóc than thống thiết
Mọi người thay phiên nhau kể lể về ngày xưa…ngày xưa anh còn sống
Ngày xưa dĩ nhiên luôn luôn là tốt đẹp – luôn luôn vô cùng cảm động
Dù thương hay ghét - không ai không ca ngợi
( Bởi chẳng ai nỡ nói xấu người chết bao giờ !)

Thế rồi em cũng đến - thắp nén hương giã từ
Và đặt lên ngực trái chỗ trái tim anh – một bông cúc vàng với lời vĩnh biệt
( Hãy thanh thản mà đi - hãy để lại thế gian những đau khổ triền miên – bao mối tình oan nghiệt
Một đời anh đã trót đa mang )

Mưa sẽ đầy trời lúc di chuyển áo quan
Rất nhiều … rất nhiều bàn tay vẫy-rất nhiều đôi mắt ướt
Có tiếng kèn- tiếng trống- tiếng đọc kinh -tiếng khóc
Tiễn đưa linh hồn anh đi vào cõi vĩnh hằng
Xe tang sẽ chạy ngang con đường
Nơi quán cóc anh thường uống cà phê buổi sáng
Nơi quán nhậu anh thường ngồi tới khuya nghe còi hụ giới nghiêm – nghe vu vơ tiếng súng
Nơi anh em thường tụm năm - tụm bảy ở Ngã tư quốc tế bàn chuyện chiến tranh –mơ ước hòa bình
Hoặc tấp qua trước cửa rạp Nguyễn Văn Hảo vừa ăn tô mì bình dân – vừa xem pano quảng cáo nữ nghệ sĩ Thanh Nga diễn vai chính trong vở tuồng cải lương “ Sơn nữ Phà Ca “

Xe tang sẽ dừng lại Thư viện Quốc gia
Cho anh nhìn lần cuối cùng chỗ mình hò hẹn
Hàng cây bên tường biệt thự nhà ai vẫn nở hoa màu tím
Màu tím hơn ba mươi năm anh da diết nhớ thương
Da diết chờ đợi một người
Da diết chờ đợi một mối tình
Da diết chờ đợi một cái nắm tay
Da diết chờ đợi một nụ hôn nóng hổi nồng nàn

Xe tang sẽ dừng lại cổng nghĩa trang
Người ta khiêng anh bỏ dưới chiếc hố sâu đào sẵn ngày hôm trước
Người ta sẽ rải hoa – sẽ lấp đất
Anh không còn thấy em- không còn thấy mặt trời- không còn thấy cỏ cây – không còn thấy những gì anh muốn thấy

Vĩnh biệt em
Vĩnh biệt Sài Gòn

( Vĩnh biệt Sài Gòn ngày anh chết )



Sự ra đi là lẽ thường hằng của con người, không ai ngoại lệ. Trong chiến tranh tôi đã không chết và không sợ chết. Nhưng đến lúc cuộc đời bước vào ngưỡng cửa mùa thu, bỗng dưng đôi lúc tôi sợ chết lạ lùng . Đôi lúc tôi lại muốn chết, ví chết là một giải thoát mọi hệ lụy , đa mang của kiếp nhân sinh.Không còn thương yêu, giận hờn, buồn vui trước những gì xảy ra trong cuộc sống, cuộc đời không được vui của mình.

Tôi thường hay tủi thân vì mình như một loài chùm gởi sống nhờ thân cây nào đó.Buồn nhiều hơn vui. Lớn tuổi rồi, không làm được gì, mà có muốn làm cũng” lực bất tòng tâm “, có một nơi an ủi tâm hồn thì lại bị cô lập, hất hủi .
Nhớ những ngày đập đá đôi bàn tay chai sần tóe máu, đôi kiếng cận bị mảnh vụn của đá nhăm nhăm như một vùng bị bom B.52 rải thảm. Nhớ những bữa cơm ăn với muối mà không đủ no. Nhớ những trận đòn thù cắn răng không một tiếng rên. Nhớ mối tình dang dở vì chiến tranh , vì con người vùi dập. Tất cả là ký ức, là quá khứ xa xăm, là hiện tại, là vết thương tôi không thể quên dù tôi không oán hận
.


( còn nữa )

Saturday, November 13, 2010

Hồi Ký Linh Phương - kỳ 35 -


- Kỳ 35 -


Tôi đã đi giữa chiến tranh khốc liệt , qua nhiều cánh rừng, nhiều con sông , nhiều cụm núi., nhưng luôn nhớ đến một người con gái ngày đêm đang đợi chờ tôi ở kinh kỳ phồn hoa. Khói lửa, đạn bom, tù đày đã ngăn bước tôi về với em, về với người tôi thương yêu nhất trên đời. Chiến tranh có lý do để lướt qua những cảnh đau thắt lòng, những nhớ thương dằn vặt khi chia ly. Tôi cũng ngỡ chiến tranh sẽ không kéo dài, chỉ một vài năm nữa thôi, cũng như Thu Hồng cũng ngỡ vài năm nữa thôi .


Lúc tiễn anh cầm súng lên đường
Em ngỡ chỉ vài năm xa cách
Chỉ vài năm thôi mà muốn khóc
Giấu khát khao-hy vọng-vào lòng


Một vài năm nữa thôi, vậy mà :


Mới đó đã gần mấy mươi năm
Chưa một lần chúng mình gặp mặt
Hòa bình anh vẫn còn thất lạc
Trái tim em hóa đá đợi chờ


Mấy mươi năm trôi qua, vết thương chiến tranh chưa thể nào lành miệng, cuộc chia ly vẫn chưa kết thúc trong lòng dân tộc Việt Nam. Trong những tháng năm tôi băng mình trong lửa đạn, những năm tháng lưu đày . Nhật ký của em đầy ấp nhớ thương, em viết :

Ngày 20/03/1974

Buổi trưa ở đây oi nồng hơn tất cả mọi nơi. Nắng bốc khói trên mái tôn đỏ chót, có những ống khói đen ngòm như xưởng máy. Em ngồi đây. Phòng kiểm soát. Nghe tim mình đau nhói từng hồi, xót xa đôi mắt theo làn vôi đỏ . Bức tường cao ngất như không bao giờ có nơi tận cùng. Anh Phương mịt mù quá, có thể anh chỉ cách em một bức tường này, có thể anh ở cuối những căn phòng kia ? Lá thư anh viết cho em từ dãy hành lang đen tối , không đủ cho em có thể hình dung ra chốn anh ở ra sao ? Và em không hiểu tại sao em lại đến đây ngày hôm nay ? Bởi một lý do nào xui khiến ? Tình yêu của anh ? Vì lời lẽ những lá thư anh viết cho em chăng ? Tình cảm đã im lìm chết trong tim tự lúc nào, nhưng em biết chắc em vẫn còn rung động, sợ hãi, lo lắng cho anh khi cuộc đời anh bị giam hãm trong thành lũy kiên cố của chiến tranh, thu hẹp giữa khoảng trời u uất này . Anh có thể không thấy được ngày mai , ngày mai đất nước hòa bình, ngày mai anh về với em . Đôi khi em tự hỏi với lòng là tại sao người ta có thể cư xử với anh như thế. Em bỗng muốn biến thành thiên thần chắp đôi cánh cho anh Phương của em niềm vui , dù là giây phút ngắn ngủi trong đời người cầm súng. Như bây giờ- hôm nay, em đã đến , nhưng không cách nào gặp được anh, gặp được Phượng Hoàng thương yêu của em.


Anh ơi ! Anh nào biết em đang ở đây , thật gần anh trong gang tấc mà cũng xa anh vời vợi nghìn trùng. Định mệnh đã xui khiến em gặp anh trong hoàn cảnh đau lòng. Vì anh là một quân nhân. Em quan niệm thi sĩ là lãng mạn, mà em không phải là Mộng Cầm của Hàn Mặc Tử. Em là một Mai Đình u ẩn kề cận người yêu khi chàng bị mọi người xa lánh vì chứng bệnh nan y. Em sẽ cố gắng cho anh niềm tin trong suốt những tháng năm lưu đày trên chính quê hương của mình. Rồi ngày anh trở về, em quay lưng cho anh yên tâm lập lại cuộc đời , tương lai sự nghiệp. Tất cả rồi sẽ dần lắng đọng như một ngày vừa dứt, như một cơn mưa vừa tạnh . Rồi anh tỏa sáng trên con đường văn học nghệ thuật. Em sẽ thật vui mừng, dù có sống âm thầm trước hào quang của anh , trước mái ấm của anh . Buồn lắm, nhưng biết làm sao hơn ? Nhiều khi em muốn đem đời mình nương nhờ cửa chùa, làm ni cô quét lá vàng rơi mà âm thầm thương, âm thầm nhớ anh.. Nhưng khổ thay , em còn nhiều thứ ràng buộc. Và còn một điều mơ hồ, mong manh mà em chưa rõ cứ ràng buộc lấy em. Em chỉ biết nhếch môi chua chát mỉm cười khi chợt nhớ tử vi bảo rằng :Em sẽ sung sướng một đời, chồng con hiển đạt. Ôi ! Trớ trêu thay !

Ngày 14/06/1974

Nhà số 9. Xuất hiện một người mang dáng dấp và khuộn mặt của Linh Phương. Mình xao động quá chừng, nhớ Phương tới nỗi nhào lên xe chạy bay ra nhà thờ Đức Bà mà đứng khóc một mình. Đứng hàng giờ mà tưởng tượng Phương đang ở đâu ? Làm gì ? Có nhớ em không ? Ừ ! Thì ra là quá khổ.

“ Ta lạy ta ăn năn
Yêu anh ta quá khổ
Trọn một kiếp nhọc nhằn…”

Lạy trời cho tôi quên được “ hắn “, quên được anh .

Ngày 18/06/1974

Nghe tin anh đi vào nơi gió cát, mình nghe chút gì lành lạnh sống lưng. Quả thật rồi, anh đã biền biệt xa em , chỉ gặp nhau một lần là đủ sao anh ? Bao giờ cũng như bao giờ, anh lúc nào cũng bi quan. Và bây giờ đúng như em nghĩ , tât cả rồi sẽ như đám phù vân….
…..
Ngày 17/07/1974


Nhà số 9. Người mang hình bóng của Linh Phương đã trở lại ngôi nhà số 9. Buổi chiều ra đứng ở Balcon nhìn xuống xóm, mình đã thấy hắn đứng ở khung cửa bao giờ. Hắn ra dấu và tới nhà ngỏ ý muốn mượn cây đàn, còn cả gan bảo mình xuống hát một bài nữa chứ . Hắn nhìn lên, gọi khẽ :” Xuống đây hát một bài đi, tóc thề ơi ! “. Vô duyên quá đi, nhưng lỗi tại mình cứ nhìn người ta chằm chằm, dáng dấp của Phương. Cái bọt nước thứ nhì của cái bọt nước thứ nhất. Rộn rã, tưởng như mới ngày nào gặp Phương. Nhưng tức tối, bởi vì hắn chứ không phải là Phương của em, dù hắn có muôn ngàn lần giống Linh Phương. Hãy xem hắn như một người lạ, cầu trời cho mình đừng thấy giống Linh Phương, để phải sững sờ nhìn hắn mà mơ- một giấc mơ tai hại…
….
Ngày 02/09/1974

Hôm nay không có tiết học. Mọi người trong giảng đường ra về gần hết. Chỉ còn lại một mình. Mình đã từ chối lời rủ đi ăn kem của Thảo, của Triết , để ngồi một mình suy nghĩ đến anh . Tại sao em không nhận được thư anh ? Phương ơi ! Em đã viết cho anh 6 lá thư rồi kể từ ngày biết tin anh đi vào nơi gió cát. Em thật nóng lòng muốn biết tại sao ? Tại sao ? Anh ơi ! Nước mắt đã rơi xuống ướt cả một bên má, ướt cả tóc. Tội nghiệp em chưa anh ? Em muốn biết tại sao em luôn bất hạnh trong tình yêu. Em chưa hề biết cảm giác hạnh phúc khi yêu. Khi anh đã rời xa em biền biệt thì em mới biết rằng em yêu anh tha thiết. Những dòng chữ, những vần thơ luôn ám ảnh em- em đã đọc đi đọc lại nhiều lần, lúc nào cũng ở cùng em. Hãy viết thư cho em đi Linh Phương . Em chờ anh .

Ngày 07/12/1974

Vừa đi học về , nhìn thấy trên bàn tờ thư nhỏ, nhỏ hơn lá thư bình thường .Mình run rầy lạ lùng. Ôi trời ! Thư của anh . Nước mắt cứ chực trào ra, tim đập rộn ràng . Anh vẫn còn đây, vẫn còn nhớ đường Lê dấu ái như anh vẫn thường gọi, nhớ tới chim di tội nghiệp của anh. Thư anh không dài, nhưng gói ghém tất cả những yêu đương mà em mong mỏi., đợi chờ . Có một điều anh nói là anh không nhận được thư em, anh còn nói lúc này anh mập lên được một tí, nhờ có tài văn thơ mà đỡ tấm thân.. Em mừng quá , nước mắt cứ tuôn trào không giấu diếm được ai.
Buổi tối mình cứ đọc đi, đọc lại những dòng thư mà tưởng tượng Phương đang ở đâu đó trên quê hương của mình. Và Phương có thể hiểu được mình đã nghĩ về anh nhiều như thế nào. Còn 2 ngày nữa là đúng một năm kỷ niệm ngày mình đến Phòng Chiến Tranh Chính Trị gặp Linh Phương . Anh ơi ! Em sẽ viết thư cho anh ngay khi em học bài. Em yêu anh .

Năm tháng đao binh, tử - sinh là trò chơi của tuổi trẻ sinh ra và lớn lên trong thế hệ chúng tôi. Thế hệ đầy đau thương mất mác mà chúng tôi bắt buộc phải tham dự , không thể nào khác hơn. Trong thời điểm ấy, sự bi quan về cái chết, về những thương tích tật nguyền ,là điều tất yếu , là hệ lụy của chiến tranh dai dẳng hơn 20 năm trên quê hương giàu xác chết, nghèo tình người. Nên bài thơ “Để trả lời một câu hỏi “ hay “ Kỷ Vật Cho Em “ của tôi , nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc đã nói lên thảm cảnh bi đát mà tuổi trẻ chúng tôi phải chấp nhận nó như trái tim cần hơi thở, như con người sống phải cần ăn uống và tình yêu. Tâm trạng buồn bã ảnh hưởng không ít trong thơ văn của những nhà thơ, nhà văn trực diện với chiến tranh Việt Nam. Và bài thơ “ Cho đau lòng lẫn khuất “ của tôi viết từ mặt trận miền Tây gửi Thu Hồng với lời : “Tặng Thu Hồng qua ngôn ngữ nam bộ của quê hương mẹ thân thiết nhất đời Linh Phương “ đã chứng minh điều tôi nói.


Ơi mùa xuân rồi ta hoài ốm yếu
Tợ cây khô nằm lã ngọn đợi chờ
Tay xanh xao thư viết gởi tên người
Em yêu dấu như tình ta tươi mát
Em yêu dấu bỗng gần trong gang tấc
Kẻ nghìn trùng người biền biệt mù xa
Em cứ đi về ngang ngõ phồn hoa
Gọi ngàn tiếng khi đời nhau trắc trở

Gọi ngàn tiếng từ trong ngôi mộ cổ
Rất thật thà ta mặc chiếc áo quan
Ôi hồn ma bóng quế tự trăm năm
Ta hiển hiện cho đau lòng lẫn khuất
Ta vời vợi cho nụ cười chợt tắt
Người quên chi người tội lắm người ơi
Người áo vàng người trông thật là thơ
Ta tưởng tượng em đồng bằng châu thổ
Ta tưởng tượng em miền Tây nam bộ
Tình tứ làm sao em nói em dìa
Tình tứ làm sao giọt lệ đầm đìa
Dáng thanh thoát với môi hồng mắt biếc

Người đã khóc khi liệm ta dưới huyệt
Đất cũng buồn ôm trọn nắm xương khô
Bia đá cũng đau ai dựng trước mồ
Người còn sống thương người mới chết
Người đứng đó cho đau lòng lẫn khuất


Tình yêu của Thu Hồng và tôi đi trong lửa đạn mịt mù, đi qua ngần ấy chiến tranh- tù đày -ngần ấy khổ đau- ngần ấy biền biệt cách xa vời vợi hơn ba mươi năm mới có ngày biết tin tức nhau. Ngần ấy thời gian vẫn không nguôi hy vọng dù tưởng chừng như vô vọng sau khi kết thúc chiến tranh. Tình yêu chúng tôi với ngần ấy thời gian cách xa đau khổ nhưng ở tận cùng trái tim chúng tôi không hề có cuộc chia ly. Mãi mãi chúng tôi không hề lìa tan , bất cứ hoàn cảnh nào, tình yêu vẫn tồn tại cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt .


( còn nữa )

Sunday, November 7, 2010

Hồi Ký Linh Phương - kỳ 34


- Kỳ 34 -


Nhờ internet mà có những người xa nhau , mất liên lạc với nhau hằng mấy mươi năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã tìm lại được nhau. Thật là kỳ diệu, dù cách xa hơn nửa vòng trái đất, nhưng cuối cùng rồi cũng hội ngộ qua những công cụ tìm kiếm của Google hay Yahoo. Trường hợp tôi và Thu Hồng biết tin tức nhau vào ngày 9 tháng 10 năm 2009 cũng nhờ công cụ Google .Nhạc sĩ Nhật Linh điện thoại tìm được tôi ngày 07/06/2010 cũng nhờ vào các trang web. Hay tôi với Dạ Hương cũng vậy .Tôi nói đó là điều kỳ diệu, thay thượng đế sắp đặt cho những người muốn tìm nhau sẽ gặp nhau, cũng không gì quá đáng .
Mới đây, ngày 08/06/2010 tôi nhận được email với tên Trần Xa Xứ, nội dung :” Linh Phương khỏe không ? Tình cờ đọc thấy Linh Phương trên trang web ,nên gởi bạn bản photo này. Linh Phương có nhớ ra không ? Thân mến. Trần Xa Xứ “. Cái tên Trần Xa Xứ lạ hoắc tôi không biết là ai, nhưng nhìn vào tấm ảnh Trần Xa Xứ gửi , tôi không thể nào quên.Tấm ảnh tôi chụp với Phong Linh Trần Nguyệt ( Nha Quân Pháp ) trước cửa Phòng Chiến Tranh Chính Trị năm 1971.Tôi trả lời email cho PL.Trân Nguyệt là tôi nhớ chứ, đã 37 năm rồi . PL.Trần Nguyệt gởi tiếp cho tôi emai nôi dung :“Không ngờ Linh Phương nhớ dai như vậy. 39 năm rồi, không phải là 37 năm, vẫn còn nhớ y nguyên. Thỉnh thoảng dọn dẹp những tấm hình cũ, nhìn hình tôi cứ nghĩ không biết bây giờ Linh Phương ở nơi nào ?... Hồi đó, tôi thích 2 câu thơ của Linh Phương cho đến bây giờ vẫn nhớ :


“… Con đường buổi chiều anh đứng đợi
Người có mùi da thơm lá cây…”


Cầu mong Linh Phương được nhiều sức khỏe và niềm vui. Hy vọng có dịp mình sẽ gặp nhau…”.

Nếu không có internet thì làm sao chúng tôi có ngày gặp lại và nói với nhau những lời mừng vui như thế này. Tôi nhớ PL.Trần Nguyệt cao lêu khêu, nhớ Kỳ , nhớ Công Thành, nhớ Thiếu Tá Danh-những người anh, người em ,người bạn tốt của tôi. Tôi vẫn thường nghĩ, như PL.Trần Nguyệt đã nghĩ : không biết bây giờ những người anh, người bạn tốt ấy giờ ở nơi nào ? Cuộc sống ra sao ? Còn sống hay đã chết ?




Những biến cố trong cuộc đời khiến nhiều khi tôi tự hỏi tôi là ai ? Mấy mươi năm con đường tôi đi đúng hay sai ? Trước năm 1975, tôi được cho là phản chiến với “ Kỷ Vật Cho Em “ .Sau 1975 , tôi lại được “để ý “ vì những bài thơ bày tỏ chính kiến và những trăn trở trong lòng mình .
Chiến tranh rồi hòa bình ,tôi không biết tôi là ai với lý lịch đen ngòm. Tôi đã hồn nhiên làm một kế toán trưởng thương nghiệp, bị đuổi thất nghiệp chạy vào một huyện làm kế toán xây dựng cơ bản . Không sống nỗi đi làm kế toán Cửa Hàng thu mua cá xuất khẩu cho Singapore. Cửa Hàng đóng cửa lại ra đi tìm đất mưu sinh.Làm thơ gởi báo lấy tiền nhuận bút .Cuộc đời bị dập vùi biết bao lần, người ta xúm lại “đánh hội đồng “ bao lần ,tôi không hề mảy may oán hờn , không hận ai dù là những người nhẫn tâm hại tôi. Không hề than trách mà vẫn sống hồn nhiên và vẫn tha thiết yêu cuộc đời này, yêu con người dù tinh khôn hay dại khờ ; dù trung thực hay xảo trá, thủ đoạn. Và tôi đã viết bài thơ nói lên tâm trạng thật hồn nhiên của mình trước thói đời, trước những nhiểu nhương của xã hội kim tiền.



Em cứ trách- ta- tên- nhu nhược
Chịu đớn hèn để được an thân
Nhưng đừng khóc vì ta lận đận
Ba mươi năm phiêu bạt giang hồ

Ba mươi năm cuối đất cùng trời
Ta chìm nổi giữa hai lằn đạn
Thương em –thương bao mùa ly loạn
Mắt buồn chờ chim mõi cánh bay

Em cứ trách – ta- tên- khờ dại
Chẳng bon chen- chẳng biết lọc lừa
Chẳng hận thù –chẳng biết hơn thua
Hồn nhiên sống - bao dung- độ lượng

Ta vẫn nghĩ - nhân gian cõi tạm
Hà tất gì một chút hư danh
Bắt chước chi Tần Cối nịnh thần
Bày mưu hại Nhạc Phi trung liệt

Em cứ trách- ta- tên- ngờ nghệch
Trước thói đời thay trắng đổi đen
Rượu “ dỏm “ đánh đồng cùng rượu “ xịn “
Quân bất lương ngang bậc thánh hiền

Gác kiếm lâu rồi ta gác kiếm
Mặc cho giòi bọ hóa thành người
Mặc cho thiên hạ mưu cầu lợi
Ta ngồi tưng tửng uống rượu suông

Em cứ trách – ta – tên – cà chớn
Ba mươi năm bỏ biệt Sài Gòn
Nhưng đừng khóc ngày ta khuất bóng
Cho hồn thơ đau mãi khôn nguôi

Xin tạ lỗi- muôn vàn- tạ lỗi
Lần ra đi không hẹn buổi về
Ba mươi năm để em lặng lẽ
Soi bóng mình bên ngọn đèn khuya

( Ba mươi năm đời ta-đời em )


Ngoái nhìn lại mấy mươi năm dài trôi qua, con đường tôi đi có buồn vui , đau khổ và hạnh phúc. Tuổi thơ không được sung sướng như những người khácLớn lên chưa được một lần hò hẹn đã vội vàng cầm súng ra chiến trường, nổi trôi theo vận nước . Ra đi không biết hận thù là gì, tâm hồn mang đầy yêu thương .Lúc đó, tôi rất thích bản nhạc “ Bà mẹ phù sa” của Phạm Duy qua tiếng hát của ca sĩ Hoàng Oanh .Nội dung bài hát kể về một bà mẹ phù sa ở giữa vùng xôi đậu , lúc Quốc Gia , lúc Giải Phóng Miền Nam.

“ Tôi nghe người ta kể chuyện. Nên hát bà con cô bác nghe. Xin hát bà con cô bác nghe, cô bác nghe.Mẹ người, mẹ người ở đất phù sa. Mới 50 mươi tuổi đã già như 80.
Mẹ ngồi, mẹ ngồi bấm đốt ngón tay. Xóm tuy mà tuy xóm nhỏ,đổi thay, đổi thay bao lần.
Ù là ù.u . ơ . ơ. ù.. ơ. Không ai chê Việt Nam ,dân tộc ta thiếu sức hùng. Mà người thì quanh năm ,phải ôm lấy hãi hùng.Năm mươi năm làm dân ,chưa được mấy lúc mừng.
Vậy mà mẹ không than, chỉ sống với lòng thương…”


Rồi một ngày ,có anh cán bộ Xây Dựng Nông Thôn , tên là anh Ba về thăm mẹ. Đang khi vui cười thì có tiếng súng nổ dưới vườn . Bà mẹ phù sa mới lùa anh xuống trốn dưới gầm giường .



“…Mẹ già, mẹ già ở túp lều tranh. Đói no ai biết, rách lành ai có hay. Một ngày, một ngày tháng 8 năm 62. Có anh, là anh Ba cán bộ . Về đây, về đây tuyên truyền. Hò là hò ơi..ơi.. Hò ơi..Anh thưa, anh học xong, chiến lược giữ xóm làng. Mẹ gật gù nghe anh và xin rất cám ơn. Đang khi anh cười vang, ai nổ súng dưới vườn. Mẹ vội lùa anh Ba vào trốn dưới gầm giường…”


Xong, mẹ ra đón khách. Khách của mẹ không ai khác hơn là anh Tư đi Giải Phòng Miền Nam cũng về ghé thăm mẹ .. Đang nói chuyện, mẹ trông ra đường mương thấy Quân đội VNCH tới gần . Mẹ vội lùa anh Tư cũng trốn dưới gầm giường .



“…Mẹ cười, mẹ cười trong lúc thiệt vui. Bước ra đón khách, thấy người cũng rất quen.
Mẹ mời, mẹ mời ăn miếng bánh men. Hỏi thăm là thăm sức khỏe và khen, và khen anh hiền lành. Đồ là đồ mi fa đố đồ mí fa… Anh xưng tên là Tư đi giải phóng xóm làng.
Mẹ gật gù nghe anh, và xin rất cám ơn. Trông ra trên đường mương, quân đội đã tới gần.

Tới đây là xong nửa chuyện, không biết rồi ai sẽ cứu ai . Không biết rồi ai sẽ cứu ai ?
Sẽ cứu ai ? “



Bà mẹ phù sa tiêu biểu cho bà mẹ Việt Nam hồn hậu , lúc nào cũng thương yêu con cái như biển Đông. Mẹ che chở , bảo vệ cho con cái dù là đứa con bên này hay đứa con bên kia cũng là con của mẹ. Bà mẹ Việt Nam không bao giờ vì đứa con này mà bỏ đứa con kia. Và anh Ba hay anh Tư trong cuộc chiến tranh này là những anh Ba, anh Tư người Việt Nam chất phát , hiền lành , vì hoàn cảnh lịch sử phải cầm súng đánh nhau. Đánh nhau không một chút thù hằn, không một chút oán hận . Tôi tin điều ấy, tôi khát khao điều ấy , cho nên tôi đã không ra đi trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.


Nhưng than ôi ! Tôi cũng không biết khóc hay cười cho những gì tôi đã chọn lựa khi ngoái lại nhìn mấy mươi năm cuộc đời mình..Sắp hết đời người, nhưng tôi cứ ân hận , cứ dằn vặt khôn nguôi với bao điều đã nghĩ , bao điều đã tin , bao điều tôi khát khao , bao điều tôi đã trải qua trong cuộc sống .
Và , tôi ân hận , dằn vật khôn nguôi với một người tôi thương yêu suốt thời trai trẻ cho đến bây giờ ., gặp lại nhau hơn mấy mươi năm , tất cả đều dở dang. Hẹn kiếp sau ư ? Kiếp này không trọn vẹn cho nhau thì làm sao có kiếp sau ?




( còn nữa )

Wednesday, November 3, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 33


- Kỳ 33 -


Đôi lúc hồi tưởng con đường mình đã đi qua, có niềm vui nỗi buồn- tôi ví đời mình như một khúc phim quay chậm đầy hỉ, nộ, ái, ố.. Bao bể dâu, khóc cười cùng nhân thế khiến tôi có cái nhìn tận tường về cuộc sống, về con người và tình yêu. Trong ký ức nửa nhớ, nửa quên của mình, tôi biết còn bỏ sót nhiều chuyện hoặc nhiều điều không muốn đề cập tới.
Tôi cám ơn số phận đã ban phát cho tôi những lận đận trong cuộc sống, cũng như cuộc đời .Vì có như thế, tôi mới viết được nhiều bài thơ bằng cảm xúc thật máu thịt của chính mình. Vì có như thế, tôi mới viết được nhiều bài thơ tình ca ngợi tình yêu, và tình yêu bước ra từ nỗi đau- hạnh phúc chưa níu được.


Em về đây ngủ giấc nồng
Cho anh nhặt lại từng bông hoa buồn
Thưa em tình rất tầm thường
Như trăm đau đớn về nương náu ngày
Mỗi năm mỗi thấy thật dài
Mỗi năm mỗi thấy em hoài cách xa


( Từng bông hoa buồn )


Bài thơ được làm vào những năm đầu thập niên 70, khi cuộc chiến tranh vào thời điểm này đã trở nên khốc liệt.Bom đạn, khói lửa ,chết chóc, thương tích tật nguyền, sự tàn bạo của chiến tranh không làm cho thơ tôi mất đi tình yêu trong thi ca. Vì tình yêu là vĩnh hằng, là bản tình ca vượt lên mọi bi hài của cõi nhân gian vốn chưa bao giờ độ lượng.
Tôi thường nghĩ rằng, nếu có kiếp sau thì tôi cũng vẫn làm thơ- bởi vì thơ làm cho tình yêu con người giàu thêm lên – tâm hồn con người hoàn toàn hơn. Con người mà nghèo đi tình yêu, khuyết tật tâm hồn thì con người ấy sẽ trở nên vô cảm, độc ác vô cùng . Tôi làm thơ để thấy tôi rất hạnh phúc trong thơ, dù hạnh phúc ấy nhỏ nhoi và kết tinh bằng nỗi buồn hay niềm vui tôi đã trải qua.

Sáng ngày 07/06/2010, tôi nhận được điện thoại của một nhà sư hỏi tôi : “ Anh Linh Phương có nhớ Mộng Long , nhạc sĩ bài “ Lá thư cuối cùng “ không ? Anh từ Canada về muốn liên lạc với anh “ Tôi vô cùng ngạc nhiên, cố lục lại hồi ức của mình . Ai nhỉ ? Đành chịu . Tôi chưa thể nhớ được . Tôi trả lời :” Tôi không nhớ “. “ Cùng ở với anh, anh là người đả cứu, đã bảo vệ cho Mộng Long . Tôi cho số điện thoại của anh cho Mộng Long , để anh ấy điện thoại cho anh nhé “ . Tôi đồng ý và cúp máy. Không thể nhớ một chút gì về cái tên đó . Thôi thì , chờ vậy .
Thỉnh thoảng tôi vẫn hay nhận được những cú điện thoại của vài người không quen biết. Họ nói , họ rất ái mộbài thơ “ Ky Vật Cho Em “, mấy chục năm trôi qua nhưng không thể nào quên được ray rức, đau đớn tận cùng của những người cầm súng ra chiến trường thời đó. Đôi lúc, họ lại hát cho tôi nghe hết bản “ Kỷ Vật Cho Em “ xong mới tắt máy điện thoại. Tôi rất xúc động vì những tình cảm ấy , tưởng đã nằm im trong quá khứ xa xăm rồi. Không ngờ vẫn như mới hôm qua- hôm qua cuộc chiến tranh vẫn còn đó.

Trưa ngày 07/06/2010 Mộng Long gọi điện thoại cho tôi., nhắc lại năm 1973 khi tôi ở Phòng Chiến Tranh Chính Trị. Thì ra, là nhạc sĩ Nhật Linh. Những ân nghĩa cũ tôi không còn nhớ vì đã 37 năm rồi . Tôi chỉ nhớ lần tôi gởi hắn nhờ Ba Nghinh ở Tiểu đoàn 2 Trâu Điên TQLC giúp đỡ . Chuyện nhỏ thôi , vậy mà Nhật Linh không quên .. Nhật Linh nói bây giờ về Việt Nam mở hãng phim TS , mời tôi hôm nào về Sai Gòn ghé Nhật Linh chơi.Nhật Linh nói tôi gởi cho hắn bài thơ “Đeo nhẫn đính hôn, nhưng không bao giờ làm đám cưới…” trong tập thơ Kỷ Vật Cho Em để hắn làm gì đó, tôi cũng không để ý tìm hiểu. Nhật Linh còn hỏi tôi nhớ Tuấn Khanh không ? Tuấn Khanh đang làm ở báo TT, Tuấn Khanh nhờ tôi xin số điện thoại của anh, để hắn viết một bài về anh trên báo . Tôi đồng ý .Nhưng tôi biết rằng , những bài báo viết về tôi sẽ khó được ra mắt đọc giả . Vì trước đó , đã có 2 người ở hai tờ báo phỏng vấn tôi, cuối cùng không đăng được vì lý do nhạy cảm trong thời điểm hiện nay .Tôi nghĩ, lần này cũng chịu chung số phận như những lần trước thôi.

Nhật Linh nhắc đến phòng C.T.C.T. làm tôi bồi hồi xúc động . Nơi đây,tôi có nhiều kỷ niệm cùng nhà văn Nguyễn Đình Thiều , cùng đứa em Trần Công Thành .Nơi đây, tôi có tình yêu Thu Hồng- người con gái áo dài vàng của 37 năm về trước đã đến cùng tôi như là một định mệnh .


Cảm tạ người
Khi mặc áo vàng
Khi uống ly sữa rồi em đứng hát
Ở một chỗ nào
Ở một chỗ nào
Để đời em hạnh phúc

( Chỗ nào để đời em hạnh phúc )


Định mệnh đã cắt rời tình yêu chúng tôi và cũng chính định mệnh kéo chúng tôi người góc biển- kẻ chân mây sau mấy mươi năm thất lạc tìm lại được nhau .Ngày trước, chúng tôi yêu nhau - biểu lộ tình yêu cho nhau chỉ có hai chúng tôi mới hiểu được ngôn ngữ tình yêu riêng của mình. Đôi khi , sự lãng mạn trong tình yêu chính là những gì không nói ra bằng lời .
Giấc mộng “ người xưa gặp lại người xưa “ không còn xa vời vợi nữa.Chúng tôi đã không mất nhau với ngần ấy thời gian dài đăng đẵng hơn nửa đời người.- thì bây giờ - sau này sẽ vĩnh viễn không thể mất nhau.Trong trái tim mỗi người chúng tôi đều có hình bóng của nhau, có khoảng trời riêng màu hồng, hồng như ngày chúng tôi gặp nhau và yêu nhau của năm 1973.


( còn nữa )