Friday, October 29, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 32


-Kỳ 32 -


Có người nói trong thơ tôi luôn có điều gì đó buồn bã như tiếc nuối dĩ vãng đã trôi qua .Điều ấy không sai dù biết rằng không thể níu lại được những gì đã mất . Khi về Sài Gòn vui chơi với bè bạn, tôi rất sung sướng mà quên đi tất cả . Tôi yêu Sài Gòn nơi tôi sinh ra , lớn lên đối diện với cuộc chiến tranh khốc liệt. Tôi nhớ Sài Gòn đầy kỷ niệm của tuổi thơ, tuổi thơ của tôi lớn lên bằng dòng nước đục ngầu – bằng hơi thở con Kinh Tàu Hủ bên kia cầu Chữ Y. Giống như tuổi thơ người bạn thân tôi là Vũ Trọng Quang đã tắm dòng nước đen ngòm dưới dạ cầu Muối , đã lớn lên trong tiếng rao của những đứa trẻ bán báo ở Khu Dân Sinh . Lớn lên , con đường vào đời của tôi không được suông sẻ và có hậu như bạn . Tôi có một số phận gian nan mà ước mơ nhỏ nhoi cũng chỉ là những mơ ước không bao giờ trở thành hiện thực .

Tóc đã pha sương , gần hết cuộc đời tôi vẫn sống chẳng khác loài chùm gởi . Đôi khi cảm thấy tủi thân, đau đến tận cùng vì một lời nói vu vơ nào đó vô tình chạm vào vết thương của mình . Ở ngoài đời, nếu nhìn vào cuộc sống của tôi, ai cũng cho rằng tôi là một người hạnh phúc hay ít ra cũng được hạnh phúc. Nhưng có nhiều điều tôi không thể viết ra, cũng như có những mối tình tôi không thể viết ra, vì nó không xứng đáng để mà đem vào một phần đời của Linh Phương .Ờ ! Dẫu sao tôi cũng được hạnh phúc , đau đớn hay ngọt ngào gì cũng là hạnh phúc của mỗi một con người . Tôi còn được làm thơ trải lòng mình trong những bài thơ tình yêu. Sau cuộc bão giông, tôi trở thành một con chi chi mềm nhũn để an phận sống nốt phần đời còn lại của mình .Bởi vì , chung quanh tôi, những người thân thiết, bạn bè, người thương yêu, hồng nhan tri kỷ đều lo lắng trước chuyện xảy ra vào năm 2008 kéo dài qua 2009 của tôi.

Trong đám bạn bè thân thiết ở Sài Gòn, chỉ có mình tôi trôi giạt xuống Cà Mau rồi Kiên Giang . Nhiều lúc thèm được trở về Sài Gòn , thèm được đi lang thang những con đường ngày xưa còn đi học . Rồi lớn lên , mới biết yêu nhưng chưa lần hẹn hò hay cầm tay người con gái nào, tôi đã bước vào đời quân ngũ .Tôi ra đi, bỏ lại sau lưng con bướm phượng của tuổi học trò, bỏ lại trang lưu bút ngày xanh đầy mộng mơ thời mới lớn . Tuổi trẻ của tôi, cũng như thế hệ chúng tôi sinh ra , bên này hay bên kia chiến tuyến ,lớn lên để cầm súng. Vâng ! Không thể nào khác hơn vì một Việt Nam chiến tranh và tù đày .

Tuổi trẻ chúng tôi không có những mối tình hồn nhiên như bây giờ- hồn nhiên yêu – hồn nhiên bệnh hoạn , hồn nhiên thụ hưởng mà không đánh đổi bằng bao xương máu như thế hệ của chúng tôi .Ngày ấy , mỗi một người chúng tôi, sống thật hối hả , yêu thật hối hả và nhiều người chúng tôi đã không có tình yêu thực sự .Bởi chúng tôi không có thời gian để yêu, để hẹn hò , thề thốt .Nói như thề, không hẳn tuổi trẻ ngày ấy không có những mối tình đẹp- tuổi trẻ ngày ấy chẳng những có những mối tình đẹp, mà còn có những thiên tình sử vừa đẹp, vừa đau khổ lẫn hạnh phúc cho đến mấy chục năm sau cuộc chiến tranh- vẫn còn đó. Như câu chuyện Trung Tá N. ( binh chủng TQLC ) cùng người con gái sông Hương-cô sinh viên văn khoa xứ Huế Lan Hương. Gia đình cô là một gia đình lễ giáo., bảo thủ - cha mẹ cô chống đối chuyện cô yêu một anh chàng đi một thứ lính dữ dằn , chết nhiều hơn sống . L. Hương đã bỏ tất cả để theo N. xuôi ngược theo những nẻo đường hành quân. Sau đó, L.Hương trở về với đứa con trong bụng, gia đình đành phải chấp nhận . Năm 1972 đứa con trai đầu lòng ra đời , ngày 30 tháng 4 năm 1975 ,L.Hương xuống tàu cùng bào thai trong bụng , còn N. thì bặt tin. Ở Mỹ, một mình nuôi hai đứa con thật nhiêu khê . Tháng 7-1980 là ngày cưới của L.Hương, 3 hôm trước ngày cưới , L.Hương nhận được thư nhà từ Huế nhắn với L.Hương rằng N. còn sống và đang cải tạo ở một nơi nào đó chưa xác định được .Sau 13 năm cải tạo , N. ra tù biết tin vợ con mình đang hạnh phúc ở Mỹ .Câu chuyện còn dài, nhưng đó là một trong những thiên tình sử vừa đẹp , vừa đau khổ khôn nguôi. Tôi đã nhiều lần chảy nước mắt vì chuyện của N. khi nghĩ đến chuyện của chính tôi.

Tôi khai sinh ở Sài Gòn, lớn lên ở Sài Gòn, nên dù cho sống chết nơi nào trên quê hương của mình tôi cũng nhớ da diết nơi chôn nhau cắt rốn. Thơ tôi vì thế có nhiều bài viết về Sài Gòn, dù hiện tại hay quá khứ.


“…Tay trắng – trắng tay về với biển
Lâu lâu nhớ quá khóc một mình
Cuộc sống chẳng dung đời kẽ sĩ
Thôi đành tóc bạc tiễn tóc xanh “


Tôi rất thực sự cô đơn khi sống một nơi không phải chính của tôi. Như câu thơ tôi viết , đôi lúc nhớ Sài Gòn quá, tôi đã yếu đuối khóc một mình . Tôi càng yếu đuối hơn sau ngày tôi bị nạn, nhiều người bạn văn nghệ không còn muốn dính líu gì với tôi, vì họ sợ liên lụy , ảnh hưởng đến họ. Thậm chí, ngay cả thời điểm bây giờ cũng còn có người muốn cô lập , nếu không nói là thù hằn tôi .Tôi đã sống những tháng năm như thế, sống mà không hề mặc cảm, không hề oán hận điều gì với cuộc đời , với con người.

Viết Hồi Ký về cuộc đời mình, là tôi muốn ghi lại một chặng đường dài từ trẻ thơ cho đến ngày từ giã cõi đời này.Trong đó, có những kỷ niệm buồn vui và có cái Tôi đáng ghét của mình – tôi sợ cái Tôi đáng ghét sẽ cường điệu ,thiếu khiêm tốn hay thiếu trung thực khi nói về mình . Nhưng tôi cũng yêu chính cái Tôi của tôi . Tôi yêu vì tôi yêu cuộc đời, yêu con người – dù cuộc đời , dù con người thiện hay ác, yêu tôi hay ghét tôi. Tôi yêu và tôi nghĩ rằng một khi mình thực sự yêu cuộc đời , yêu con người thì cuộc đời , con người cũng sẽ yêu mình . Viết Hồi Ký tôi cố gắng viết hết sức trung thực, còn những gì chưa được trung thực vì một lý do tế nhị nào đó, tôi sẽ không viết, hoặc viết tránh đi để người trong cuộc không phải phiền hà vì cái quá thực của tôi .

Cũng như những mối tình đi qua trong cuộc đời hay vẫn tồn tại trong cuộc đời của tôi- tồn tại vì mối tình đó sẽ mãi mãi không bao giờ đi qua – mối tình đó là máu, là thịt xương, là hơi thở của trái tim. Mối tình tôi cùng người xưa, có nhiều điều tôi không viết bởi nguyên do là như vậy .Cuộc sống hiện tại còn nhiều mối liên hệ ràng buộc chung quanh, còn một cuộc đời riêng mà tôi và người xưa không thể tách bạch hết những gì chúng tôi đã nói cho nhau nghe , sau hơn 30 năm cách xa. Cũng có thể khi đọc Hồi Ký của tôi nói về Thu Hồng -người xưa , ,bạn sẽ thắc mắc : sao không viết hẳn một vài kỳ , mà thỉnh thoảng lại chen vô ở nhiều kỳ khác ? Thưa, Hồi Ký là viết những gì đã trôi qua của cả gần hết một đời người- nên bất chợt nhớ gì tôi viết , nên không thể chỉ có một vài kỳ là chấm dứt với người cùng tôi hơn 30 năm , đúng hơn vào thời điểm này thì đã gần 40 rồi .Hoặc nói về Dạ Hương , tuy chỉ gần 4 năm thôi , nhưng ngần ấy thời gian cũng là những kỷ niệm ngọt ngào ,đôi lúc lăn tăn gợn sóng. Dù tình yêu còn hay mất, thoáng qua hay vĩnh viễn, tôi đều muốn thả tay ra thật nhẹ nhàng như cách đã đến với người tôi thương yêu và người yêu thương tôi.

Mối tình với người xưa thật sâu nặng, thật thiêng liêng mà tôi và Thu Hồng luôn luôn giữ trong lòng bằng tất cả sự tôn trọng thương yêu. Thiêng liêng không ai có thể nhẫn tâm chạm vào đó – và có muốn chạm vào đó cũng không chạm được.Mối tình tôi và người xưa đôi lúc có những điều nhỏ nhặt trong khi yêu nhau , nhưng đã trở thành bất tử . .Ngày xưa…Thu Hồng kể :” Những tờ giấy nháp anh làm thơ anh bỏ, Công Thành ( em trai Thu Hồng ) thường nhặt về cho em. Chữ viết anh thật đẹp, những bài thơ trên giấy nháp đôi khi chỉ có vài câu thôi, vậy mà em trân trọng, em gìn giữ coi như bảo vật trong cuộc đời mình “ Những cái rất nhỏ nhặt của em như thế,lại là biểu hiện cho một tình yêu lớn của chúng tôi. Tình yêu đó, không ai chạm vào được – dù họ là ai trong cuộc đời của tôi và Thu Hồng.Có nhiều điều mà hơn 30 năm trước tôi và Thu Hồng chưa nói hay chưa kịp nói, bây giờ sẽ nói hết những gì của ngày đó cho nhau nghe để ôn lại phần đời chúng tôi đã lạc mất trong cuộc đao binh.

Từ khi mới bắt đầu làm thơ , tôi không bao giờ có tham vọng rằng tôi sẽ nổi tiếng , sẽ là người của công chúng, buồn vui vì công chúng .Nhưng tôi lại có chút may mắn , có một bài thơ nổi tiếng khi phổ thành nhạc khúc Kỷ Vật Cho Em ( ? ). Tôi dùng từ “ có chút may mắn “ chắc không có gì quá đáng .Tôi nói “ có chút may mắn “ vì không phải nổi tiếng đơn thuần vì có một bài thơ phổ nhạc . Mà là dư luận có công nhận hay không?- Đó mới là yếu tố quan trọng cho sụ nổi tiếng của một tác phẩm. Cuộc đời đã ban tặng cho tôi chút tiếng tăm , bù lại cũng ban phát cho tôi những gian truân trong cuộc sống mà tôi phải gánh chịu. Theo thi hào Nguyễn Du thì chữ “ tài “ , chữ “ mệnh “ khéo là ghét nhau . Âu đó là lẽ thường tình , trời cho ta cái này sẽ lấy mất cái khác của ta mà thôi.
( còn nữa )

No comments:

Post a Comment