Sunday, November 7, 2010

Hồi Ký Linh Phương - kỳ 34


- Kỳ 34 -


Nhờ internet mà có những người xa nhau , mất liên lạc với nhau hằng mấy mươi năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã tìm lại được nhau. Thật là kỳ diệu, dù cách xa hơn nửa vòng trái đất, nhưng cuối cùng rồi cũng hội ngộ qua những công cụ tìm kiếm của Google hay Yahoo. Trường hợp tôi và Thu Hồng biết tin tức nhau vào ngày 9 tháng 10 năm 2009 cũng nhờ công cụ Google .Nhạc sĩ Nhật Linh điện thoại tìm được tôi ngày 07/06/2010 cũng nhờ vào các trang web. Hay tôi với Dạ Hương cũng vậy .Tôi nói đó là điều kỳ diệu, thay thượng đế sắp đặt cho những người muốn tìm nhau sẽ gặp nhau, cũng không gì quá đáng .
Mới đây, ngày 08/06/2010 tôi nhận được email với tên Trần Xa Xứ, nội dung :” Linh Phương khỏe không ? Tình cờ đọc thấy Linh Phương trên trang web ,nên gởi bạn bản photo này. Linh Phương có nhớ ra không ? Thân mến. Trần Xa Xứ “. Cái tên Trần Xa Xứ lạ hoắc tôi không biết là ai, nhưng nhìn vào tấm ảnh Trần Xa Xứ gửi , tôi không thể nào quên.Tấm ảnh tôi chụp với Phong Linh Trần Nguyệt ( Nha Quân Pháp ) trước cửa Phòng Chiến Tranh Chính Trị năm 1971.Tôi trả lời email cho PL.Trân Nguyệt là tôi nhớ chứ, đã 37 năm rồi . PL.Trần Nguyệt gởi tiếp cho tôi emai nôi dung :“Không ngờ Linh Phương nhớ dai như vậy. 39 năm rồi, không phải là 37 năm, vẫn còn nhớ y nguyên. Thỉnh thoảng dọn dẹp những tấm hình cũ, nhìn hình tôi cứ nghĩ không biết bây giờ Linh Phương ở nơi nào ?... Hồi đó, tôi thích 2 câu thơ của Linh Phương cho đến bây giờ vẫn nhớ :


“… Con đường buổi chiều anh đứng đợi
Người có mùi da thơm lá cây…”


Cầu mong Linh Phương được nhiều sức khỏe và niềm vui. Hy vọng có dịp mình sẽ gặp nhau…”.

Nếu không có internet thì làm sao chúng tôi có ngày gặp lại và nói với nhau những lời mừng vui như thế này. Tôi nhớ PL.Trần Nguyệt cao lêu khêu, nhớ Kỳ , nhớ Công Thành, nhớ Thiếu Tá Danh-những người anh, người em ,người bạn tốt của tôi. Tôi vẫn thường nghĩ, như PL.Trần Nguyệt đã nghĩ : không biết bây giờ những người anh, người bạn tốt ấy giờ ở nơi nào ? Cuộc sống ra sao ? Còn sống hay đã chết ?




Những biến cố trong cuộc đời khiến nhiều khi tôi tự hỏi tôi là ai ? Mấy mươi năm con đường tôi đi đúng hay sai ? Trước năm 1975, tôi được cho là phản chiến với “ Kỷ Vật Cho Em “ .Sau 1975 , tôi lại được “để ý “ vì những bài thơ bày tỏ chính kiến và những trăn trở trong lòng mình .
Chiến tranh rồi hòa bình ,tôi không biết tôi là ai với lý lịch đen ngòm. Tôi đã hồn nhiên làm một kế toán trưởng thương nghiệp, bị đuổi thất nghiệp chạy vào một huyện làm kế toán xây dựng cơ bản . Không sống nỗi đi làm kế toán Cửa Hàng thu mua cá xuất khẩu cho Singapore. Cửa Hàng đóng cửa lại ra đi tìm đất mưu sinh.Làm thơ gởi báo lấy tiền nhuận bút .Cuộc đời bị dập vùi biết bao lần, người ta xúm lại “đánh hội đồng “ bao lần ,tôi không hề mảy may oán hờn , không hận ai dù là những người nhẫn tâm hại tôi. Không hề than trách mà vẫn sống hồn nhiên và vẫn tha thiết yêu cuộc đời này, yêu con người dù tinh khôn hay dại khờ ; dù trung thực hay xảo trá, thủ đoạn. Và tôi đã viết bài thơ nói lên tâm trạng thật hồn nhiên của mình trước thói đời, trước những nhiểu nhương của xã hội kim tiền.



Em cứ trách- ta- tên- nhu nhược
Chịu đớn hèn để được an thân
Nhưng đừng khóc vì ta lận đận
Ba mươi năm phiêu bạt giang hồ

Ba mươi năm cuối đất cùng trời
Ta chìm nổi giữa hai lằn đạn
Thương em –thương bao mùa ly loạn
Mắt buồn chờ chim mõi cánh bay

Em cứ trách – ta- tên- khờ dại
Chẳng bon chen- chẳng biết lọc lừa
Chẳng hận thù –chẳng biết hơn thua
Hồn nhiên sống - bao dung- độ lượng

Ta vẫn nghĩ - nhân gian cõi tạm
Hà tất gì một chút hư danh
Bắt chước chi Tần Cối nịnh thần
Bày mưu hại Nhạc Phi trung liệt

Em cứ trách- ta- tên- ngờ nghệch
Trước thói đời thay trắng đổi đen
Rượu “ dỏm “ đánh đồng cùng rượu “ xịn “
Quân bất lương ngang bậc thánh hiền

Gác kiếm lâu rồi ta gác kiếm
Mặc cho giòi bọ hóa thành người
Mặc cho thiên hạ mưu cầu lợi
Ta ngồi tưng tửng uống rượu suông

Em cứ trách – ta – tên – cà chớn
Ba mươi năm bỏ biệt Sài Gòn
Nhưng đừng khóc ngày ta khuất bóng
Cho hồn thơ đau mãi khôn nguôi

Xin tạ lỗi- muôn vàn- tạ lỗi
Lần ra đi không hẹn buổi về
Ba mươi năm để em lặng lẽ
Soi bóng mình bên ngọn đèn khuya

( Ba mươi năm đời ta-đời em )


Ngoái nhìn lại mấy mươi năm dài trôi qua, con đường tôi đi có buồn vui , đau khổ và hạnh phúc. Tuổi thơ không được sung sướng như những người khácLớn lên chưa được một lần hò hẹn đã vội vàng cầm súng ra chiến trường, nổi trôi theo vận nước . Ra đi không biết hận thù là gì, tâm hồn mang đầy yêu thương .Lúc đó, tôi rất thích bản nhạc “ Bà mẹ phù sa” của Phạm Duy qua tiếng hát của ca sĩ Hoàng Oanh .Nội dung bài hát kể về một bà mẹ phù sa ở giữa vùng xôi đậu , lúc Quốc Gia , lúc Giải Phóng Miền Nam.

“ Tôi nghe người ta kể chuyện. Nên hát bà con cô bác nghe. Xin hát bà con cô bác nghe, cô bác nghe.Mẹ người, mẹ người ở đất phù sa. Mới 50 mươi tuổi đã già như 80.
Mẹ ngồi, mẹ ngồi bấm đốt ngón tay. Xóm tuy mà tuy xóm nhỏ,đổi thay, đổi thay bao lần.
Ù là ù.u . ơ . ơ. ù.. ơ. Không ai chê Việt Nam ,dân tộc ta thiếu sức hùng. Mà người thì quanh năm ,phải ôm lấy hãi hùng.Năm mươi năm làm dân ,chưa được mấy lúc mừng.
Vậy mà mẹ không than, chỉ sống với lòng thương…”


Rồi một ngày ,có anh cán bộ Xây Dựng Nông Thôn , tên là anh Ba về thăm mẹ. Đang khi vui cười thì có tiếng súng nổ dưới vườn . Bà mẹ phù sa mới lùa anh xuống trốn dưới gầm giường .



“…Mẹ già, mẹ già ở túp lều tranh. Đói no ai biết, rách lành ai có hay. Một ngày, một ngày tháng 8 năm 62. Có anh, là anh Ba cán bộ . Về đây, về đây tuyên truyền. Hò là hò ơi..ơi.. Hò ơi..Anh thưa, anh học xong, chiến lược giữ xóm làng. Mẹ gật gù nghe anh và xin rất cám ơn. Đang khi anh cười vang, ai nổ súng dưới vườn. Mẹ vội lùa anh Ba vào trốn dưới gầm giường…”


Xong, mẹ ra đón khách. Khách của mẹ không ai khác hơn là anh Tư đi Giải Phòng Miền Nam cũng về ghé thăm mẹ .. Đang nói chuyện, mẹ trông ra đường mương thấy Quân đội VNCH tới gần . Mẹ vội lùa anh Tư cũng trốn dưới gầm giường .



“…Mẹ cười, mẹ cười trong lúc thiệt vui. Bước ra đón khách, thấy người cũng rất quen.
Mẹ mời, mẹ mời ăn miếng bánh men. Hỏi thăm là thăm sức khỏe và khen, và khen anh hiền lành. Đồ là đồ mi fa đố đồ mí fa… Anh xưng tên là Tư đi giải phóng xóm làng.
Mẹ gật gù nghe anh, và xin rất cám ơn. Trông ra trên đường mương, quân đội đã tới gần.

Tới đây là xong nửa chuyện, không biết rồi ai sẽ cứu ai . Không biết rồi ai sẽ cứu ai ?
Sẽ cứu ai ? “



Bà mẹ phù sa tiêu biểu cho bà mẹ Việt Nam hồn hậu , lúc nào cũng thương yêu con cái như biển Đông. Mẹ che chở , bảo vệ cho con cái dù là đứa con bên này hay đứa con bên kia cũng là con của mẹ. Bà mẹ Việt Nam không bao giờ vì đứa con này mà bỏ đứa con kia. Và anh Ba hay anh Tư trong cuộc chiến tranh này là những anh Ba, anh Tư người Việt Nam chất phát , hiền lành , vì hoàn cảnh lịch sử phải cầm súng đánh nhau. Đánh nhau không một chút thù hằn, không một chút oán hận . Tôi tin điều ấy, tôi khát khao điều ấy , cho nên tôi đã không ra đi trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.


Nhưng than ôi ! Tôi cũng không biết khóc hay cười cho những gì tôi đã chọn lựa khi ngoái lại nhìn mấy mươi năm cuộc đời mình..Sắp hết đời người, nhưng tôi cứ ân hận , cứ dằn vặt khôn nguôi với bao điều đã nghĩ , bao điều đã tin , bao điều tôi khát khao , bao điều tôi đã trải qua trong cuộc sống .
Và , tôi ân hận , dằn vật khôn nguôi với một người tôi thương yêu suốt thời trai trẻ cho đến bây giờ ., gặp lại nhau hơn mấy mươi năm , tất cả đều dở dang. Hẹn kiếp sau ư ? Kiếp này không trọn vẹn cho nhau thì làm sao có kiếp sau ?




( còn nữa )

No comments:

Post a Comment