Monday, March 21, 2011

Hồi Ký Linh Phương - kỳ 45 -

-Kỳ 45-

Gần nửa thế kỷ trôi qua, bài thơ phổ nhạc Kỷ Vật Cho Em và tác giả không đi vào quên lãng như các tác phẩm khác trong lòng công chúng. Những người yêu thơ, yêu nhạc trước 1975 và cả những thế hệ sau này vẫn tìm hiểu về bài thơ , về số phận của tác giả Linh Phương sau năm 1975. Trên website ://kekhopk.com đã có bài viết :

“ Linh Phương là ai và đã làm gì?

Hai tuần trước trên trang báo này có đăng bài “Rắc rối quanh bài thơ được phổ nhạc Kỷ Vật Cho Em,” thì có rất nhiều độc giả và thính giả của đài Tiếng Nước Tôi gọi về yêu cầu chúng tôi đăng trọn bài thơ “Kỷ Vật Cho Em”. Cũng như có thêm bài thơ nào nữa của nhà thơ Linh Phương thì xin đăng phổ biến. Hoặc những gì có liên quan đến nhà thơ này, như vấn đề tình cảm, cuộc sống, v.v...
Và hôm nay chúng tôi xin đăng vài hàng về tiểu sử của nhà thơ Linh Phương và trọn nguyên văn bài thơ của anh.

. Nhà thơ Linh Phương họ Ðoàn, 25 tuổi, gốc người miền Nam, là một sĩ quan quá nhiều binh chủng như Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Kích, Biệt Ðộng Quân. Anh bỏ gia đình lang bạt xứ người gần 10 năm, viết văn, làm thơ từ năm 1962, anh đã chủ trương
-Văn nghệ Hoa Ðông Phương (1964).
- Chủ tịch Hội Những Người Viết Trẻ (1966).
- Biên tập viên Tuần Báo Tinh Hoa (1967).
- Anh cùng Vũ Trọng Quang coi sóc cơ sở văn nghệ báo chí, xuất bản phát hành Ðộng Ðất (1968).
Sáng tác đã xuất bản:
- Áo Tím Mùa Thu (1964).
- Còn Gì Cho Em (1965).
- Trên Ngọn Sầu Ðông (1966).
- Kỷ Vật Cho Em (1971).

Nhà thơ quân đội họ Ðoàn đã dự hầu hết các mặt trận khủng khiếp trong và ngoài nước như: Dakto, Khe Sanh, A Shau, A Lưới, Cồn Tiên, Tây Ninh, U Minh (nội địa Việt Nam), Prey Veng, Kompongcham, Tonlé, Bassac (ngoại biên Cambodia), Tchepone, Ðồi 30-31 (Hạ Lào), v.v...

Là một con người nhiều tình cảm, anh đã một thời yêu say đắm người con gái mang tên Hữu Phượng, nhưng rồi không thành. Khi vào quân đội, một Hoàng Ðắc Thị Cẩm Thuyên đã yêu thơ, yêu tác giả cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt vì cuộc chiến.

Từ sau ngày cái chết của Cẩm Thuyên, hoa khôi vùng Ðịnh Quán bụi mù đất đỏ, nhiều người con gái bước chân vào cuộc đời lãng mạn của nhà thơ như: Tố Huyền Trân (sinh viên Văn Khoa), Nguyễn Thị Linh Phương (sinh viên Dược Khoa), và anh đã sống trong nồng nàn yêu thương của cô giáo Trần Uyên Trâm, ca sĩ kiêm xướng ngôn viên đài phát thanh Nha Trang.

( Nguyên văn bài thơ phổ nhạc Kỷ Vật Cho Em ) “.

Tôi không biết tác giả là ai ? Tư liệu về tôi tìm ở nơi nào ? ( theo như bài viết là sưu tầm ) trong bài tương đối chính xác. Vào những năm tháng đó, tôi viết nhiều bài thơ cho cái chết của Cẩm Thuyên, cho đứa con chưa mở mắt chào đời đã biến thành đất, thành đá vì sự nhẫn tâm của cuộc chiến Việt Nam. Sự đau đớn tận cùng đó, đối với tôi không là sắt máu mà vẫn nhẹ nhàng để tôi ru con tồi ngủ , giấc ngủ không bao giờ thức để chứng kiến những gì mà người cha và thế hệ cha phải gánh chịu.Tôi nghĩ rằng yêu thương, nhẹ nhàng yêu thương sẽ đủ sức lay động lòng người .Lời ru không hận thù bởi tôi là người làm thơ, tâm hồn của người làm thơ chứ không phải là sát nhân.


Ngủ ngoan đi búp bê ơi !
Chiều xưa nắng tắt buồn rơi xuống đồi
Quạnh hiu ba đứng giữa trời
Lòng đau như cánh hoa khô cuối mùa
Nến tàn. Gió lạnh hơi mưa
Vầng trăng phố núi nửa đời treo nghiêng
Búp bê ơi ! Hãy ngủ yên
Cho lời ru mãi ngọt mềm môi ba

( Lời Ru Cho Búp Bê )


Ru con ngủ, rồi lại gọi con thức để hiểu tấm lòng ba đối với con, để thấy những bông hoa ba hái về trước mộ cho con. Dù bây giờ , mấy mươi năm xương tàn cốt rụi, mộ cũng không còn dấu vết. Dù ba mẹ không có một đám cưới thì con vẫn là con của ba, mẹ vẫn là người vợ đau khổ trong những cái khổ của người vợ lính ngày xưa.


Đặt búp bê xuống giường
Búp bê biết nhắm mắt
Hãy ngủ cho yên giấc
Ba lên đồi hái hoa

Những cánh mimosa
Nở vàng màu áo mẹ
Ba trân trọng tặng bé
Búp bê ngoan nhất nhà

Vậy mà con đi xa
Cõi vĩnh hằng sâu thẳm
Ngây thơ nằm bất động
Ngủ giữa trời đầy hoa

Những cánh mimosa
Ba hái về để đó
Thức dậy búp bê ơi !
Ba gọi con. Ba khóc

( Thức dậy búp bê ơi )


Thực ra , mối tình giữa tôi - Tố Huyền Trân và Nguyễn Thị Linh Phương ( Nguyễn Thị Linh Phương- người mà trong bài phỏng vấn tôi của ký giả Thiện Mộc Lan báo Đuốc Nhà Nam có đề cập đến ngày xưa Linh Phương thường làm thơ cho người yêu ở trường Áo Tím thường viết “ Cho khung trời Gia Long “ ) chỉ là một thoáng qua của thời trai trẻ sau khi bặt tin thư của Thương Mặc Uyên .Tình yêu đối với tôi lúc nào cũng đẹp, dù là bội bạc nhưng lúc quay lưng vẫn có cái gì đó thật đẹp trong trái tim thơ.
Những mối tình tôi chưa hề công bố sau năm 1975, và cũng không có gì là dấu ấn trong cuộc đời của tôi.Nhưng tác giả bài viết, có lẽ là người am tường về tôi khoảng một, hai năm đầu thập niên 70, nên đã đề cập đến mối tình “ lửng lơ con cá vàng” này ( Trước năm 1969 và từ năm 1972 đến 1975 , có lẽ không được biết gì về tôi nữa nên tác giả bài viết đã không nói đến những mối tình sau đó ).

Riêng về Trần Uyên Trâm , Uyên Trâm không phải là xướng ngôn viên đài phát thanh Nha Trang, mà Uyên Trâm xướng ngôn viên chương trình tiếp vận 5 của đài phát thanh Nha Trang. Uyên Trâm là em út một gia đình nhiều anh chị em, anh hai là sĩ quan cấp Tá Bộ Tồng Tham Mưu . Tôi và Uyên Trâm chia tay nhau khi có ba con: Con gái lớn là Thiên Hương, con trai kế tiếp là Kiên Cường- Thạc sĩ và Anh Dũng con trai út -Cử nhân kinh tế.Tôi không muốn đề cập sâu về chuyện tôi và Uyên Trâm vì sao phải chia tay.Tôi nghĩ hãy để cho vết thương được lành miệng theo thời gian. Tất cả những gì của chúng tôi đều là những gì của sự tốt đẹp trong cuộc sống và cuộc đời.

Một số người thường trách cứ , quy trách nhiệm cho Kỷ Vật Cho Em là khóc than, là bi thảm hóa cuộc chiến, khiến cho QLVNCH mất hết động lực chiến đấu.Điều đó không đúng. Kỷ Vật Cho Em không bi lụy, không rên rì mà nó là chứng nhân lịch sử của một thời đại, một cuộc chiến tranh khốc liệt, chúng ta phải chấp nhận những hậu quả tất yếu của cuộc chiến đó. Thành- bại là một ván cờ trên bàn tròn, bàn vuông, bàn chủ nhật chứ không phải do những người cầm súng tham dự.Như bài thơ “ Nỗi buồn tháng tư “ của tác giả Mai Kiều Vy trên vantuyen.net có chú thích câu : “…Anh còn nhớ bài tình ca rên rỉ …” là Kỷ Vật Cho Em.Nguyên văn bài thơ đó như sau :

(Viết riêng tặng nhà thơ Linh Phương)

Tháng tư về, em tóc rối chờ anh,
Mấy mươi năm, chưa một lần trở lại,
Ngày tháng phôi pha,mong chờ khắc khoải,
Đời trôi nổi lênh đênh theo vận nước.

Nơi em về, đường trần khuya lạc bước, ....
Vắng anh rồi, mây gió cũng buồn lây,
Nơi đó bây chừ phố vẫn mưa bay?
Trời tháng tư chao ôi, buồn quá nhỉ!

Anh còn nhớ bài tình ca rên rỉ? (1)
Ru hồn anh ngủ mấy chục năm dài,
Nơi anh nằm heo hut hút những vòng đai,
Chốn anh về mù mịt chẳng tương lai,

Em ở lại với nỗi đau quằn quại,
Ngậm khối sầu, em nặng gánh hai vai,
Nơi xứ lạ, ôm cuộc đời vất vưởng,
Tháng năm dài, đêm nằm em mộng tưởng…

Anh bên em đi nốt quãng đường dài!
Đêm rơi xuống mình mặn nồng ân ái…
Rồi đêm tàn, thấy anh không trở lại,
Em hụt hẫng trong đêm dài sợ hãi...

Cả bầu trời u ám một màu đen,
Thế gian này choáng ngợp cả hơi men,(2)
Tháng tư về, em mang sầu lữ thứ,(3)
Và tháng tám, mịt mù mây che phủ…(4)

Em nhớ lắm, ôi! Những mùa thu cũ,
Gió thu về, em nặng trĩu ưu tư,
Anh bây chừ đã yên giấc ngàn thu,
Em ở lại gục đầu trong lệ đắng!...

( 04/04/08 )
------------------------------------
( 1 ) – Kỷ Vật Cho Em.

Kỷ Vật Cho Em không phải là bài tình ca, cũng không rên rỉ theo ý nghĩ của Mai Kiều Vy hay một số người nhận định về lời thơ . Đó là sự thật của tuổi trẻ thời đại chúng tôi phải chấp nhận như thế, không ai có thể phủ nhận được.


( còn nữa )

No comments:

Post a Comment