Saturday, September 10, 2011

Hồi Ký Linh Phương - Kỳ 47 -


- Kỳ 47 -




Sau đợt tổng tấn công đợt 2 của người anh em bên kia chiến tuyến, tiểu đoàn 6 TQLC ( Thần Ưng Cảm Tử ) chúng tôi đóng quân dài theo cầu Bình Lợi ( Sài Gòn ).Tiểu đoàn Thần Ưng Cảm Tử, nhưng anh em các tiểu đoàn khác trong binh chủng TQLC thường gọi đùa “ Thần Ưng Cảm Tử” thành “ Thần Ưng thủ cẳng “( sau này bỏ chữ “ Cảm Tử “ chỉ còn “ Thần Ưng “ ).Trong trung đội của Thiếu úy Đáng có hạ sĩ nhất Thạch Phương người Miên , cao lớn dềnh dàng sử dụng đại liên M.60 thiện nghệ.Hắn hay xin thuốc lá, biết tôi thích hút Pallmall hắn nói : Thẫm quyền cho em xin một điếu “ Phải anh là lính mời anh lên lầu “. ( Lính ưa đặt tên mẫu tự đầu của một từ ghép lại cho vui, như thuốc lá Capstan thì gọi “ Cho anh phát súng tim anh nát” hoặc “Cởi áo phong sương tặng áo nàng” hay “ Cho anh phủi sạch tình ân nghĩa “ …còn nhiều nữa “. Thuốc Salem“ Sao anh làm em mệt “.. ) Tay này là tay chọc trời khuấy nước, bên cánh tay trái xăm chữ “ T.Q.L.C –SC ,chữ “ SC “ ( tôi xin viết tắt, thực ra hai chữ này viết nguyên). Cánh tay mặt, Thạch Phương xăm bốn chữ “ Hận kẻ bạc tình “.Mỗi lần uống rượu vào, Thạch Phương xách cây đại liên M.60 chỉa lên trời bắn một tràng, dù biết rằng sau đó bị kỷ luật.
Thạch Phương làm tôi nhớ mấy câu thơ Đường :” Bồ đào mỹ tửu dạng quang bôi.Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu.Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi” ( Chiếc ly dạ quang tinh xảo được đổ đầy rượu nho ngon tuyệt.Vừa muốn say sưa một phen, thì đột nhiên tiếng đàn tì bà tưng bừng vang từ trên lưng ngựa xuống như thôi thúc tướng sĩ cùng can ly..Dù có say nằm lăn trên sa trường, mong các vị đừng chê cười,Trước giờ người đi chinh chiến mấy ai còn sống trở về).

Tiểu đoàn chúng tôi lại di chuyển về ven đô, đóng quân dọc theo cầu Sài Gòn nối dài ra xa lộ Biên Hòa ( nay là xa lộ Hà Nội ).Đêm tôi thường với Trung sĩ nhất Nhiều trung đội phó cùng hai người lính lên ca nô chạy dọc theo bờ sông.Thời gian ở đây thật là yên tĩnh, mặt trận Sài Gòn thật yên tĩnh sau những ngày chiến tranh vào thành phố.Hai trận tổng tấn công đã cho người dân Sài Gòn có cái nhìn khác hơn về những người lính ngày đêm kề bên cái chết.Người dân Sài Gòn hiểu thế nào là sự tàn bạo và nhẫn tâm của chiến tranh.Đêm đi tuần tra ven hai bờ sông, nghe tiếng Chế Linh hát trong máy Cassette ở một ngôi nhà nào đó vang lên buồn đứt ruột “…Thương , thương em nhiều lắm nhưng tình ta cách đôi bờ khi núi sông còn điêu linh…”, nhớ đến Thương Mặc Uyên, nhớ đến những ngày ở tòa soạn tuần san Tinh Hoa Nữ Sinh.Tình ta cách đôi bờ khi núi sông còn điêu linh là vậy. Qua cầu Sài Gòn, tôi cảm tác mấy câu thơ :



Qua cầu cố vẫy bàn tay
Nhớ nhau chiều ấy áo bay rộn ràng
Như em phơi nắng lụa vàng
Trăm năm một thuở thiếp chàng chung vui
Rượu thương xin cạn tình người
Rượu yêu xin nhắp chén ngùi mắt trông

( Thơ Tình Thời Chiến )



Rất gần, rất gần nhưng không cách chi rời khỏi đơn vị đi tìm cô bé thi sĩ nhỏ nhắn ngày nào.Chiến tranh là vậy, đôi khi rất gần nhau mà cứ xa nhau ngàn trùng.Nếu ở thời điểm ấy mà có điện thoại di động ,máy vi tính nối mạng “ chat chít “, gửi thư điện tử như ngày nay thì tình yêu của tôi sẽ không bao giờ bị “ ngăn sông cấm chợ “ . Không bao giờ biền biệt mấy mươi năm để ngày nay trở thành người xưa, người xưa nằm dưới mộ sâu, người xưa còn sống một đời vĩnh viễn cắt chia.Bao nhiêu mối tình phải tức tưởi phân ly thời loạn lạc vẫn còn cho đến ngày sau.



Mùa thu chín nụ hoa vàng
Anh ngang qua cổng em ngần ngại trông
Cuối đường hút mắt ngó mong
Muốn đem những sợ tơ hồng này cho
Se duyên thắm buổi hẹn hò
Mai ra mặt trận dặn dò em thôi
( Sợi Tơ Hồng Se Duyên )

Rồi xuôi quân về Chương Thiện, một tỉnh lỵ miền tây nam bộ. Đồng ruộng mênh mông, kinh rạch - sông ngòi chằng chịt. Tôi chứng kiến những cái chết , những người mang thương tích tật nguyền , không dành riêng cho bên này hay bên kia. Cho đến bây giờ, hơn 40 năm tôi vẫn không quên ánh mắt cô bé giao liên tên Nguyệt xinh đẹp như con gái Sài Gòn.Ánh mắt biết ơn của người con gái bên kia chiến tuyến khi tôi lặng lẽ thả cô trở về với bưng biền. Dù có đánh nhau ở trận mạc, dù không chung lý tưởng- nhưng chúng tôi là người Việt Nam.Tuổi trẻ hai miền chúng tôi cầm súng lên đường cũng vì hoàn cảnh lịch sử.Chém giết nhau ở chiến trường, hết đánh rồi chúng tôi là anh em. Người Việt Nam nhân bản, nhân văn là thế ấy .Vì vậy, trong bài thơ “ Hành Quân “mới có những câu mà cách đây không lâu trên một website nước ngoài đề cập đến đã viết tôi sém ra Tòa án binh vì chuyện này.




“ …Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng
Xinh đẹp như con gái Sài Gòn
Ta nổi máu giang hồ hảo hán
Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân

Mai mốt này đây nơi trận tuyến
Gặp ta em bắn chớ ngại ngùng
Cuộc chiến đâu dành cho nhân nghĩa
Đời nào đạo lý với bao dung “.



Thực ra, tôi không muốn kể lại những chuyện này, không khéo người ta cho rằng tôi kể công với người chiến thắng. Nhưng đã là Hồi Ký thì tôi phải trung thực về những chặng đường tôi trải qua trong cuộc đời làm thơ của mình.Cuộc đời tuổi trẻ mà không có tuổi trẻ của thế hệ hai miền Nam-Bắc cam chịu.Tuổi trẻ miền Bắc hay miền Nam đều như nhau, lớn lên đi học rồi cầm súng ra chiến trường. Tuổi trẻ hai miền đều nhân danh một cái gì đó biết mà không sao nói được.Đau đớn thay, vinh hạnh thay chúng tôi sinh ra, lớn lên trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Năm 1975 , tôi đi học tập cải tạo từ ngày 1 tháng 5 cho đến tháng 8 năm 1978 . Và 8 năm sau, lần đầu tiên tôi trở lại Sài Gòn, tôi gặp Ngọc Đường người bạn văn nghệ trước 1975, bây giờ trở thành một cán bộ chức sắc ngành Văn hóa thông tin. Ngồi uống cà phê , Ngọc Đường nói : Tao nhớ mày nhất là bài thơ “ Nuôi tóc dài trước ngày lấy chồng “. Tao thuộc lòng bài thơ này, mày là tác giả nhưng chưa chắc gì thuộc hết bài thơ như tao. Ngọc Đường đã đọc bài thơ hơi dài được in trong tập thơ “ Kỷ Vật Cho Em “ bản in năm 1971.do Văn Nghệ Động Đất ấn hành.



1*
Em nuôi sợi tóc thêm dài
Để anh thương tóc thương hoài ngàn năm
Dù người còn mãi xa xăm
Dù em còn mãi ăn năn một đời
Em nuôi sợi tóc đầu đời
Buộc chân người ngủ bụi bờ ngược xuôi
2*
Đã yêu đã biết ngọt bùi
Đã xa đã biết ngậm ngùi nhớ nhau
Từ bây giờ đến mai sau
Xin anh giữ trọn tình đầu tiên yêu
Rồi mùa thu lá trăm chiều
Lá rơi rụng lá cho nhiều xót xa
3*
Em nuôi sợi tóc ngọc ngà
Tóc se sợi tóc ngọc ngà tóc mây
Người buồn ngậm đắng-ngậm cay
Em buồn chải tóc sầu bay đầy hồn
Nợ duyên-duyên nợ chưa tròn
Về nuôi sợi tóc em còn sợi thương
4*
Mai anh cầm súng lên đường
Mai em sách vở về trường học xưa
Này văn khoa buổi nắng trưa
Em đem phơi tóc cũng vừa tóc khô
Nơi anh đồn trú mịt mờ
Tóc phơi em gửi tặng người chiến binh
5*
Và như hạt sỏi vô tình
Và như hạt sỏi vô tình cách ngăn
Em xin quỳ xuống ngại ngần
Lạy cha lạy mẹ một lần oen mi
Áo nàng dâu-áo vu quy
Áo em mặc áo người đi lấy chồng
6*
Trả anh những sợi tơ hồng
Trả anh những nụ hôn nồng thắm môi
Em nuôi tóc-em làm thơ
Em nuôi tóc-em quay tơ nuôi chồng
Với anh thì cũng đành lòng
Với anh thì cũng đành lòng quên anh
7*
Trả người ta thuở xuân xanh
Trả người ta thuở xuân xanh mà buồn
Để em giữ vẹn cang thường
Để em giữ vẹn cang thường phương đông


Bài thơ này tôi viết cho Tố Huyền Trân, mối tình thoáng qua trong thời chiến. Bài thơ theo tôi không hay, chẳng hiểu sao người bạn văn nghệ lại rất thích . Đúng là mỗi người thụ hưởng tác phẩm khác nhau, không ai giống ai.
Tôi là một người bình thường như mọi người bình thường khác. Đi học, lớn lên cởi áo thư sinh mặc vào bộ đồ quân nhân và cầm súng ra mặt trận.Nhưng tôi lại không được bình thường như mọi người bình thường.Bao nhiêu hệ lụy , bao nhiêu chuyện chẳng khác nào là một huyền thoại-mà huyền thoại thì có thật bao giờ (?).Phải chăng tôi là người có chút tiếng tăm nên đột nhiên trở thành người của huyền thoại ?
Sau tháng 04/1975 , Uyên Trâm ( tôi đề cập trong những kỳ trước ) đang dạy học thì Ủy Ban Quân Quản gọi những giáo viên có người thân liên hệ chế độ cũ lên văn phòng trường họp. Khi đọc danh sách sa thải toàn bộ giáo viên , có nhiều người bật khóc. Uyên Trâm không rơi một giọt nước mắt ,mặt đanh lại hỏi : Vì sao cho tôi nghỉ dạy học ? Họ trả lời : Chồng cô là sĩ quan Biệt kích.Uyên Trâm cười nhạt bỏ ra về. Uyên Trâm là một con người quyết đoán đến sắt đá , ngược lại với tính tình của tôi nên chúng tôi đã không sống với nhau.
Còn bao nhiêu chuyện tôi không nói ra, nói làm gì, dẫu sao thì dấu chấm hết đã được đặt lên trang sữ Việt Nam, trang sử đầy xương máu của tuổi trẻ Việt Nam.


( còn nữa )









3 comments:

  1. Cảm ơn anh đã chia sẻ, các bài đăng của anh rất hay và ý nghĩa ^^

    ReplyDelete
  2. Đọc và nhớ ... Quá khứ , buồn quá ...!

    ReplyDelete
  3. Đọc và nhớ ... Quá khứ , buồn quá ...!

    ReplyDelete