Thursday, December 9, 2010

Hồi Ký Linh Phương - Kỳ 39 -

- Kỳ 39 -


Năm 2002, tôi lại thất nghiệp . Tất nhiên kinh tế eo hẹp hơn mặc dù tôi vẫn làm thơ gửi báo lấy tiền nhuận bút. Nhưng tiền nhuận bút cũng chẳng là bao, bởi ít có ai sống nhờ vào nhuận bút thơ cả.Hình như vào khoảng năm 2003, 2004 gì đó , tôi được kết nạp ( sau vài lần đắn đo không ý kiến khi người ta mời tôi ) vào Hội văn học nghệ thuật Tỉnh. Vài tuần sau, tôi được phân công biên tập thơ cho tạp chí C.A.C của Hội.Và cũng chỉ biên tập một vài số tạp chí thì tôi bị “ nạn “ vì một câu thơ trong bài thơ của tôi.. Nội dung bài thơ nói về người lính khi trở về cụt hết một cánh tay.


Bỏ lại chiến trường một cánh tay
Cha mang ba lô về nhà
Ngực đeo huy chương đủ loại

Giã biệt bao cánh rừng rực cháy
Bao cánh rừng đạn bom
Cha nghiêng người xuống bế con
Bằng cánh tay còn lại

Trời lúc đó nhiều mây
Gió phất phơ vạt áo trống không như lá cờ Tố quốc
Đang bay… đang bay
Mẹ mừng vui ôm cha
Bật khóc

Con lớn lên từ hơi thở nồng nàn của đất
Từ dòng sữa ngọt ngào của mẹ
Và lời ru êm đềm của sông
Từ mùi khói đốt đồng
Từ mồ hôi cha hòa cùng hạt thóc
Từ giấc ngủ nhọc nhằn cha còn vung tay gặt
Lúa chín vàng
Trong giấc mơ xanh

Cảm ơn cha người chiến binh
Đã dạy con thương yêu cuộc đời-thương yêu đất nước
Để mai này nối bước
Con vào lính như cha

( Khi người lính trở về )


Người thương binh bế đứa con bằng một cánh tay còn nguyên vẹn, còn cánh tay kia chỉ có ống tay áo trống không bay phất phơ trước gió. Đại ý câu thơ là vậy , nhưng có người suy diễn rằng : lá cờ Tổ quốc là cờ đỏ sao vàng, chứ sao trống không được. Thế là tôi phải tự kiểm điểm trước Ban chấp hành Hội và tự rút khỏi ban biên tập tạp chí ,làm một hội viên bình thường.





Năm 2005, tôi tham dự trại sáng tác văn học tại Vũng Tàu ( thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) , cũng trong năm này tôi dự trại sáng tác văn học do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật trung ương tổ chức tại Bình An – Kiên Lương thuộc tỉnh Kiên Giang. Ở trại sáng tác tôi gặp nhà văn Trần Thôi – nhà văn Hồ Tĩnh Tâm Hội VHNT Vĩnh Long ; nhà văn Nguyễn Thị Thu Hiền – Hà Nội , nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô - Cần Thơ ( con của nhạc sĩ Hoàng Trọng )…Tính tôi ít nói, không thích ồn ào nên thường không tham dự rượu chè với anh em văn nghệ sĩ. Vì thế, khi “ Hội Ngộ Văn Chương “ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đề cập đến tôi chuyện Kỷ Vật Cho Em thì nhà văn Hồ Tĩnh Tâm đã viết cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo : “Anh kiếm đâu ra bài viết của Linh Phương vậy? Lại còn cả hình nữa. Hồi đó trông Linh Phương khác với bây giờ quá. Hôm gặp nhau ở Kiên Lương Kiên Giang, em thấy Linh Phương như cư sĩ ở ẩn; lặng lẽ, cô độc, lúc nào cũng cứ như đang chìm trong suy tưởng gì đấy. Đến bữa cơm, tụi em thường ồn ào bia rượu, còn Linh Phương thì vẫn cứ trầm mặc đắm chìm trong thế giới nào.
Một lần em với cái Hiền, cái Nga tha thẩn ra bãi biển ngắm trăng, con dế của em nó gáy báo có tin nhắn, mở ra thì nhận đươc 4 câu thơ của Linh Phương. Thơ tình. Hai đứa chúng nó đọc xong thì a cả lên: Ông anh có người tình làm thơ hay quá. Em liền bịa ra Linh Phương là Linh Phượng. Thế là hai đứa nó cứ khảo Linh Phượng là ai. Chừng tụi nó biết Linh Phương, tụi nó ngạc nhiên: Cái ông còm nhom tóc tai dài thòn này mà thơ hay thế à?”






Tôi nhớ một kỷ niệm vui trong chuyến hành hương các tỉnh miền tây do Xuân Hương điều hành một website bên Mỹ nhân chuyến về Việt Nam chơi đã tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ Sài Gòn và anh em văn nghệ sĩ các tỉnh đồng bằng sông Cửu long đi chơi. Đến thành phố Long Xuyên ( thuộc tỉnh An Giang ) sau một buổi tiệc tại nhà hàng với anh em Hội văn học nghệ thuật An Giang gồm : nhà thơ Trịnh Bửu Hoài – nhà thơ Hồ Thanh Điền … Đoàn văn nghệ sĩ ngủ đêm ở khách sạn An Long.Tôi , nhà thơ Vũ Trọng Quang – nhà văn Vũ Hồng ( Bến Tre ) – nhà văn Ngô Khắc Tài ( An Giang ) vẫn tiếp tục ngồi trước khách sạn lai rai cho tới gần 1 giờ sáng mới vào ngủ .Phòng tôi ngủ gồm 4 người là: các nhà thơ Vũ Trọng Quang- Phù Sa Lộc- Mặc Tuyền và tôi.
Có lẽ do uống rượu nhiều, nên ai ngủ say như chết. Mới 5 giờ sáng, chúng tôi giật mình thức giấc khi nhà thơ Phù Sa Lộc la toáng lên : “ Chết rồi , bị trộm mấy ông ơi , cái quần tôi mất rồi “ .Tôi , Vũ Trọng Quang, Mặc Tuyền nhìn lên chỗ móc quần của mình. Tất cả quần của chúng tôi đều được “ diệu thủ “ nào đó mượn tạm không chừa một ai. Nhà thơ Hồ Thanh Điền Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật An Giang là thổ địa nơi đây đã phát giác đống quần của chúng tôi được nhét dưới hốc cầu thanh lên xuống. Tất cả tiền bạc, điện thoại đi động của các nhà thơ đều không còn, chỉ duy nhất có tôi là điện thoại còn nằm trong túi quần. Nhà thơ Ngô Thị Hạnh nói vui : “Điện thoại của anh Phương như có linh hồn , lúc ở Sài Gòn làm rớt xuống đường không hay vẫn có người chạy theo trả lại. Bây giờ bị trộm, điện thoại vẫn không mất “.Đúng như Ngô Thị Hạnh nói, điện thoại của tôi nhiều lần rớt nhưng không mất, không hư. Mặc dù điện thoại đã hơn 6 năm rồi , không còn ai xài đời điện thoại này nữa ,nhưng nó chính là người bạn thủy chung để tôi liên lạc với bạn bè, người thân khắp mọi miền đất nước.
Chuyện bị trộm đã trở thành giai thoại vui “ Bốn nhà thơ mất quần “đăng trên “ Shop văn nghệ “ của báo Thanh Niên cũng như một vài website trong và ngoài nước.Mới đây, nhà thơ Phù Sa Lộc trong chuyến đi cùng nhà thơ nữ Trúc Linh Lan ( phu nhân nhà thơ quá cố Võ Minh Đường ) - nhà văn Ngọc Tuyết và anh Tôn Thất Lang - Nhật Hồng trong Hội văn học dân gian Cần Thơ đến Châu Đốc, qua Hà Tiên ghé Rạch Giá thăm tôi, Phù Sa Lộc còn nhắc đến “ tai nạn “ bốn nhà thơ mất quần ngày xưa, không nín cười được.
Tháng 11 năm 2008, tôi bị “ tai nạn “ mấy chục bài thơ viết về những trăn trở của một con người chế độ cũ .Người ta cho rằng mấy chục bài thơ này mang nội dung phản động,. Trong mấy tháng trời, tôi bị kiểm điểm trong Hội VHNT , rồi làm bản tự kiểm nêu những sai trái của mình nộp lên lãnh đạo. Cuối cùng, tôi đã ký biên bản xác nhận mấy chục bài thơ của tôi cho Phòng PA.25 .Tôi được khoan hồng không phải bị giam giữ cải tạo. Bạn bè xa lánh vì ai cũng sợ liên lụy khi tiếp xúc , có những người quen biết lại nhìn tôi bằng những ánh mắt ghẻ lạnh.Tôi cũng không oán trách một ai, âu đó là lẽ thường tình trong cuộc sống và cuộc đời vậy.


( còn nữa )

No comments:

Post a Comment