Wednesday, December 15, 2010

Hồi Ký Linh Phương - kỳ 40 -

-Kỳ 40 -


Bài thơ “Để trả lời một câu hỏi “ phổ thành ca khúc “ Kỷ vật cho em “đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Cuộc chiến tranh lùi dần vào quá khứ , người Việt Nam ở hải ngoại hay quê nhà vẫn không quên một bản nhạc nổi tiếng trong năm tháng đạn bom .Tuổi trẻ ngày xưa không còn nữa, những người cầm súng tóc đều lấm tấm điểm hoa sương, hoặc đã nằm xuống ở hải ngoại hay quê nhà. Nhưng họ vẫn nhớ như in “ Kỷ vật cho em “ ,vì đó là hình ảnh một thời điêu linh mà họ chen vai gánh chịu. Những người may mắn ra đi trót lọt xứ lạ quê người có cuộc sống phồn vinh; những người ở lại nuốt lệ vào lòng với những nhọc nhằn nơi quê hương của mình .Những người còn nguyên vẹn hình hài dù sao cũng đỡ hơn những anh em mang thương tích tật nguyền.Một phần thân thể gửi cho mảnh đất đầy xương máu, một phần thân thể còn lại lê lết tấm thân tàn kiếm sống. Bao oan khiên đau đớn sau cuộc chiến tranh bao giờ mới không còn nữa ? Tại sao vậy ? Tôi thường hỏi tôi, nhưng tôi không biết trả lời câu hỏi nhức nhối này.

Trong chương trình đại nhạc hội do Trung tâm Asia tổ chức vừa qua tại Long Beach Convention Center, trực tiếp thu hình trong bộ đĩa Asia 66 “ Cánh hoa thời loạn “, trong phần nói về tác giả bài thơ “Để trả lời một câu hỏi “ nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “ Kỷ vật cho em “ MC.Nam Lộc đã giới thiệu :

” Một trong những bài thơ rất nổi tiếng gây nhiều xúc đông vì diễn tả thật gần tâm trạng của người vào sinh ra tử trong giai đoạn khốc liệt nhất cuộc chiến tranh Việt Nam, đó là bài” Để trả lời một câu hỏi “ của thi sĩ Linh Phương. Linh Phương cũng là một quân nhân QLVNCH. Ông đã nhờ nhà báo Trần Dạ Từ phổ biến bài thơ này trên tờ báo Độc Lập năm 1970, để tặng người con gái tên Hương.
Sau đó, có nhiều lời đồn đại rằng tác giả đã tử trận ở Hạ Lào, rồi Kampuchea. Có người thì bảo tác giả hiện vẫn còn sống, khiến cho lý lịch của ông trở thành bí ẩn. Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với tác giả đôi ba lần, nhưng vẫn chưa tìm ra được tông tích của người được mệnh danh là kẻ làm thơ nhưng không mang danh thi sĩ “.

Như lời anh Nam Lộc giới thiệu, chỉ sau này qua trung gian hồng nhan tri kỷ Dạ Hương bên Canada , tôi và anh Nam Lộc mới liên lạc được với nhau . Dạ Hương-người phụ nữ đã cùng tôi chia sẻ lúc tôi bị hoạn nạn vì mấy mươi bài thơ. Người phụ nữ thương yêu tôi cũng như tôi thương yêu người phụ nữ này, dù vì một nguyên nhân nào đó có một ngày chúng tôi không còn là của nhau, tôi cũng không bao giờ quên Dạ Hương , một món nợ ân tình mà tôi chưa trả được .
Anh Nam Lộc đã gửi cho tôi email mà trước đây Trung tâm Asia tìm cách liên lạc với tác giả nhưng không gặp .Email như sau :
Anh Linh Phương thân mến,
Có lẽ anh không biết tôi là ai vì cái địa chỉ email không quen với anh. Tôi xin được phép giới thiệu với anh tôi tên là Đinh Bá Cầu hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ. Tôi hân hạnh được một người bạn thân cho tôi địa chỉ điện thư của anh và hôm nay tôi viết thư thăm và chúc anh nhiều sức khỏe tại quê nhà và tôi cũng nhân dịp này xin thỉnh ý anh một việc.
Thưa anh Linh Phương, tôi bên này cũng đã lên mạng đọc nhiều bài thơ của anh viết trước và sau 75 và có in thành tuyển tập. Thơ anh đã cho tôi một cảm nhận thật sâu sắc vì anh đã trải lòng mình với những tâm thức thời đại, cùng cất cánh bay vào xã hội hiện thực để nói lên những cảm nhận và tâm tình của mình qua thi tứ và thi từ rất mực của Anh. Nhưng bài Kỷ Vật Cho Em của anh hình như đã đi vào lòng người VN chúng ta như một vết hằn mà không bao giờ có thể xóa được vì đây là bài thơ của thế hệ, bài thơ của một giai đoạn lịch sử, chẳng khác nào bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan.
Cảm nhận được giá trị lịch sử của nó, hôm nay tôi xin phép anh cho tôi lấy bài thơ của anh mà ông Phạm Duy đã phổ nhạc có mặt trong cuốn CD mà tôi đang sắp phát hành tại Hoa Kỳ …( xin bỏ một đoạn ngắn )
Nếu anh không ngại xin anh viết cho tôi vài dòng về tiểu sử của anh nhất là binh chủng nào anh đã phục vụ trước 75 để được chính xác hơn, vì chúng tôi không dám võ đoán về thân thế và sự nghiệp của anh.
Khi phát hành xong cuốn CD này chúng tôi chắc chắn sẽ gửi anh một số tiền để nói lên ý thức tôn trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ của Anh…( bỏ một đoạn )
.
Đinh Bá Cầu

Tôi rất cảm kích việc làm đứng đắn của Trung tâm Asia, tôn trọng những sáng tác của anh em văn nghệ sĩ. Khác hẳn với một số cá nhân ,trung tâm ca nhạc trong và ngoài nước thường hay “quên” những tác giả bài thơ phổ nhạc, thậm chí họ “ quên” luôn việc giới thiệu tác giả bài thơ .Tôi đã trả lời thư cho Trung tâm và riêng với anh Nam Lộc, một người tôi trân trọng. Trong một email, anh Nam Lộc viết:

“ Anh Linh Phương kính mến,
Tôi xúc động đến rơi lệ khi nhận được thư anh trả lời. Thương anh quá đỗi đi thôi. Biết làm gì để giúp nhau bây giờ! Thôi thì hãy an ủi nhau với tất cả tấm lòng, và sống tử tế với nhau những ngày còn lại trong cuộc đời. Dù muộn nhưng tôi đã cảm thấy thật là may mắn được quen biết anh. Xin hãy xem nhau là tri kỷ. Nếu cần bất cứ chuyện gì ở bên này bờ đại dương xin anh cứ email cho tôi, tôi xin hứa sẽ hết sức kín đáo và thận trọng để không xẩy ra chuyện làm phiền nhiễu đến cuộc sống vốn đã khó khăn của anh.

Chúng tôi và TT Asia sẽ dựa vào các tin tức anh gởi để "giao quà"! Và sẽ báo tin cho anh biết trước khi đến.
Chúc anh luôn bình an và vui khoẻ.
Thân quý,
Nam Lộc “.

Anh Dang Lũy cũng gửi cho tôi những câu thơ của anh khi biết tôi vẫn còn sống : Trong cuộc đời tôi biết có một thứ mà người ta sẻ chia với nhau cho hết những tận cùng của cảm xúc. Đó là tấm lòng của nghệ sĩ. Xin góp một chén rượu mừng vui cho cuộc gặp gỡ của các anh.


Nhận tin anh còn sống
Giọt nước mắt ngỡ ngàng
long lanh chén rượu mừng vui
Bên trời hồn tri kỷ
Người năm xưa lại về.
Lũy



Những tình cảm của các anh em trong trung tâm Asia khiến tôi vô cùng xúc động, xúc động trước tâm tình của người muôn năm cũ còn tràn đầy trong từng lời, từng ngôn ngữ cho nhau. Những người cùng thế hệ đã có một thời tuổi trẻ yêu không dám yêu, và đã lỡ yêu thì yêu vội vàng, sợ không kịp cho nhau tình yêu khi mà cuộc chiến tranh vẫn hiện diện trong từng ngóc ngách quê hương. Cũng như tình yêu của tôi và người xưa hơn 30 năm thất lạc giữa cuộc đao binh , biết được tin tức nhau thì gần hết cuộc đời. Biết được tin tức nhau khi một bên là ngày, một bên là đêm.

Qua những email của anh em ở Trung Tâm Asia làm tôi thật hạnh phúc vô cùng khi tình cảm của những người năm xưa vẫn còn dành cho tác giả bài thơ phổ nhạc Kỷ Vật Cho Em . Điều làm tôi xúc động nhất là email của anh Nam Lộc và ca sĩ Thanh Lan. Email “ Thanh Lan gửi lời thăm anh Linh Phương “Thanh Lan đã viết : “ Vừa thu hình bài Kỷ Vật Cho Em với Vũ Khanh. Cảm xúc theo từng lời thơ của anh đã viết. Xin cám ơn anh đã để lại cho khán giả những lời chân thành từ đáy tim, để Thanh Lan có được dịp may hát một bài hát tuyệt vời. Xin chúc anh được bình an.”.Tôi cảm động vô cùng với những gì anh Nam Lộc , ca sĩ Thanh Lan và Trung tâm Asia dành cho tôi. Tôi không bao giờ quên câu của Thanh Lan : “ Sẽ luôn luôn cầu nguyện cho anh Linh Phương được an vui “.
Không hiểu tôi nghĩ về bài thơ “Để trả lời một câu hỏi “ phổ nhạc thành “ Kỷ vật cho em “ của tôi có sai chăng ?
Thứ nhất. Tiền tác quyền một bài thơ phổ nhạc “ Kỷ Vật Cho Em “ mà nhạc sĩ Phạm Duy trả cho tôi vào đầu thập niên 70 là 50.000 đồng ( bằng 5 lượng vàng vào thời điểm đó ) , chỉ kém bài thơ phổ nhạc ‘ Màu tím hoa sim “ hay “Áo anh sứt chỉ đường tà “ của thi sĩ Hữu Loan , cuối năm 2004 công ty Viek VTB đã mua với giá 100 triệu ( trừ tiền thuế 10% ông còn 90 triệu ). Có lẽ ở Việt Nam duy nhất chỉ có 2 tác giả là thi sĩ Hữu Loan và tôi, có tiền tác quyền bài thơ cao hơn hết ( ? ).
Thứ hai.Tiền tác quyền trả cho tác giả bài thơ phổ nhạc “Để trả lời một câu hỏi “ tức “ Kỷ Vật Cho Em “ khi sử dụng của Trung tâm Asia là 4 triệu đồng ( tôi lấy con số chẳn ). Có lẽ tôi là tác giả duy nhất được trả tiến tác quyền cao nhất tại Việt Nam ( ? )

Nhưng điều ấy không quan trọng, nghĩ vui thôi . Cũng như tôi nghĩ mình may mắn có một bài thơ nổi tiếng, trả được một chút nợ cho cuộc đời cũng là điều sung sướng lắm rồi ., hạnh phúc lắm rồi. Và không phải riêng lĩnh vực ca nhạc còn hoài niệm “ Kỷ vật cho em “ ; trong lĩnh vực văn học vẫn không quên được “ Kỷ vật cho em “. Như bài viết trong cuốn sách “Trang sách và những giấc mơ bay - tập 1 “ do Thư Ấn Quán phát hành mới đây tại Hoa Kỳ . Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên đã “Đọc lại Kỷ Vật Cho Em “ ;

“ …Những tâm tình bùi ngùi như thế lại được âm nhạc tiếp sức, đẩy lên một bậc khiến giới công chúng càng yêu thích luồng gió mới kia nhiều hơn.
Rồi theo trào lưu thơ phổ nhạc ngày càng thịnh hành, bất ngờ công chúng lại được nghe trên đài phát thanh Sài Gòn, trong các phòng trà đô thành, các quán cà phê: “em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại...xin trả lời mai mốt anh về... anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa...” khiến mọi người ngơ ngác hỏi: Linh Phương, tác giả bài thơ, là ai vậy? Hắn trong bưng làm thơ địch vận hay trong nhóm phản chiến? Thần hồn và tứ trong bài thơ cứ bình-thản-nức-nở, bình-thản-nghẹn-ngào, coi như không có gì ghê gớm. Rồi khi cái tứ đó đi qua những cung bậc cao thấp của nhạc sĩ Phạm Duy, cộng với chất giọng của Thái Thanh lại càng run rẩy, thê thiết hơn. Những năm tháng ấy, kẻ viết bài này chỉ mới là anh sinh viên trong giảng đường, tình cờ đọc trên tờ nhật báo Độc Lập đã thoáng giật mình! Càng giật mình hơn khi được biết Linh Phương viết bài Kỷ vật cho em trong lúc đang hành quân ở Chương Thiện khoảng đầu năm 1970! Trong khi đó, những người bạn tôi đang có mặt trên khắp bốn vùng chiến thuật lại cười ha hả từ những kbc có con tem anh chiến binh bồng súng xông tới, phong bì lấm lem bùn đất, sờn rách: “... mình chắc mẩm hắn cũng là lính. Hắn mô tả tâm trạng, hoàn cảnh sao đúng hoàn cảnh tụi mình quá trời. Mai mốt tụi mình có về trên đôi nạng gỗ có về hòm gỗ cài hoa hay trên trực thăng sơn màu tang trắng... thì các cậu chớ có ngạc nhiên, chớ có buồn! Đời trai chinh chiến mấy thằng sống sót trở về?”. Mấy câu ngắn ngủn kia mãi ám ảnh tôi. Ám ảnh bởi vẻ lạc quan, coi sống chết như chuyện có không của người bạn. Mà hắn đâu để mắt tới Ngũ uẩn giai không, hắn đâu biết gì về tâm kinh đâu ảnh hưởng gì về triết học Phật giáo? Chẳng qua khi đối mặt quá nhiều với cái chết, luôn rình rập bên cạnh, không báo trước thì con người ta chẳng còn buồn để ý đến nó? Cứ chờ đón nó một cách thản nhiên như trong bài thơ Kỷ vật cho em của Linh Phương.
Vào độ tuổi ra trận mạc ấy, hẳn ai cũng có người yêu, chí ít cũng em gái hậu phương, thản hoặc một Dạ Lan từ trời cao thầm thì, chia sẻ với các anh mỗi đêm. Ấy vậy nhưng khi em của Linh Phương hỏi: Em hỏi anh bao giờ trở lại thì nhà thơ cứ thẳng đuột trả lời mai mốt anh về, có thể bằng nhiều cách về khác nhau:



...Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca...
...Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt...
...Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân...


Về bằng con đường nào thì thân thể thế hệ các anh không còn nguyên vẹn như lúc ra đi. Họ đã chắc chắn như vậy, nên chi cứ tạo một tâm thế trong những tình huống khắc nghiệt để em chuẩn bị đón nhận những bất toại trong cuộc sống chỉ có khói lửa trước mặt!...”

Sau khi xem xong DVD – Asia 66, có nhiều cô gọi điện thoại cho tôi nói : “ Em đã coi nhiều lần, lần nào cũng chảy nước mắt vì Kỷ Vật Cho Em, nhất là hình ảnh những người lính chào chiếc hòm gỗ phủ cờ và lúc ca sĩ Thanh Lan ôm quan tài nức nở “ ; “ Coi Asia 66 , em rất hãnh diện vì anh “; “ Trong Cánh Hoa Thời Loạn có 2 bản nhạc phải khóc là Áo anh sứt chỉ đường tà và Kỷ vật cho em “.Và Lữ Anh Thư cũng đã viết trên website cothommagazine.com :


"… Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
…Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền, chai đá …”


Đó là đôi lời trong bài hát Kỷ Vật Cho Em, rất phổ biến trong những năm đầu thập niên 1970 tại miền Nam Việt Nam. Ngày đó, ở tuổi mới lớn, tôi cũng như mọi cô nữ sinh ở Sài Gòn thường hát bài này với bao nỗi xót xa cho những người lính. Những xót xa ngày đó chỉ là những xót xa của một đứa trẻ cho một người bị mất đi một phần thân thể vì bom đạn của chiến tranh, hay xót xa lãng mạn cho một cuộc tình thời chinh chiến.

Tôi hạnh phúc thật hạnh phúc, còn điều hạnh phúc nữa là thỉnh thoảng có người ái mộ , tôi không quen biết,gọi điện thoại và hát cho tôi nghe Kỷ Vật Cho Em. Cách đây ba tuần, một cô tên Thùy Trang ở Sài Gòn đã hát cho tôi nghe hết bản “ Kỷ vật cho em “ trên điện thoại di động.Tôi thường có những bất ngờ như thế, và tôi vô cùng xúc động trước tấm lòng người còn yêu mến “ Kỷ vật cho em “, dù đã 40 năm trôi qua.




( còn nữa )

No comments:

Post a Comment