Thursday, July 29, 2010

Hồi Ký Linh Phương - Kỳ 1



- Kỳ 1 -


•LỜI TÁC GIẢ:

Tập Hồi Ký này, tôi chỉ trích đăng những phần có thể công khai đuợc, riêng những phần nhạy cảm, không phù hợp với thời điểm hiện nay, tôi gác lại. Tôi xin cũng minh định rằng : Tôi rất trân trọng một nhạc sĩ Phạm Duy tài năng của ngày xa xưa còn sống mãi và một nhạc sĩ Phạm Duy đã chết trong lòng tôi .


- Linh Phương -


Vào đầu thập niên 70, tôi cộng tác hầu hết các nhật báo phát hành tại Sài Gòn. Tôi viết “ Xa dấu ngựa hồng “ truyện đăng nhiều kỳ trên tờ Nhân Dân miền Nam với tên Linh Phương. Riêng phóng sự “ Những bông hồng cho Lữ đoàn 147 TQLC ( An Dương Vương ) “ thì ký bút hiệu Phạm Thị Âu Cơ cũng đăng trên tờ này. Ngoài ra, tôi còn đăng thơ thường xuyên ở nhật báo Da Vàng do Vũ Tiêu Giang phụ trách; tờ Báo Đen do thi sĩ Nguyên Sa giữ trang thơ với các tên : Linh Phương, Phạm Nguyễn Hà Đông và Đoàn Đình Tây Phố...
Nhưng nhiều nhất là trang thơ văn của tờ Độc Lập do Ấu Lăng ( tức thi sĩ Trần Dạ Từ phu quân của nữ sĩ Nhã Ca ) phụ trách. Có thể nói, tờ báo Độc Lập một tháng 30 ngày thì trên 20 ngày đăng thơ, truyện của tôi qua các tên : Linh Phương ,Phạm Thị Âu Cơ , Vương Thị Ái Khanh ...Đầu tháng 2 năm 1970, tờ Độc Lập đăng đầu tiên bài thơ “ Để trả lời một câu hỏi “ ( sau đó là các báo khác ), bài thơ này tôi đề tặng một cô tên Hương, người mà tôi cùng bạn bè thân hay đến nhà cô ở bến Nguyễn Duy quận 7 Sài Gòn chơi.
Thời trẻ, tôi rất ít nói và nhát gái số một. Đêm nằm suy nghĩ nhất định ngày mai sẽ bày tỏ những điều mình ấp ủ từ lâu với người mình thương. Nhưng khi gặp , đứng trước cô ấy tôi lại ấp a, ấp úng , trái tim đánh thình thịch ,quên tuốt luốt và không dám nói gì cả. Bởi vậy, suốt những năm học trung học đệ nhị cấp, tôi vẫn luôn luôn đứng dước gốc cây trước cổng trường giờ tan học đón cô ấy, rồi đi theo sau cho đến lúc cô đi vào nhà, khiến nhiều bạn học trong trường ai cũng biết .
Sau này vào quân đội, rày đây mai đó trên khắp miền đất nước, tôi không còn gặp người cũ cho đến hơn 30 năm sau mới hội ngộ. Khi lên xe về Sài Gòn, cô chìa tay cho tôi bắt, nắm tay cô tôi vẫn thấy một chút gì đó cảm xúc của ngày xưa . Tôi kể lại cho người bạn thân là Vũ Trọng Quang nghe. Hắn vừa cười, vừa nói : Trời ! Ba mươi mấy năm mới nắm được tay nàng. Tôi chỉ biết cười thôi. Tình yêu mới lớn của tôi như một tiết tấu chậm, không như tuổi trẻ thời @ bây giờ, nhanh như tia chớp.





Bài thơ “ Để trả lời một câu hỏi “ của tôi, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc với cái tên “ Kỷ Vật Cho Em “, ông chỉ để duy nhất tên của ông . Ngay trong tập nhạc “ Kỷ Vật Chúng Ta “ do nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc phát hành, bài “Kỷ Vật Cho Em” vẫn không có tên Linh Phương. Lúc đó,” Kỷ Vật Cho Em” nổi tiếng đến nỗi đoàn cải lương Tiếng Chuông vàng Kim Chung cũng ăn ké cái tên “ Kỷ Vật Cho Em” cho vở cải lương hát tại rạp Quốc Thanh .Trên Truyền hình thì có nhạc kịch về thương phế binh cũng mang tên “Kỷ Vật Cho Em “.
Mặc dù nhạc sĩ Phạm Duy không để tên mình, tôi vẫn không phản ứng. Nhưng một người bạn của tôi là Thiên Hải phóng viên hãng tin THT đã đưa lên trang nhất của một tờ nhật báo, đại ý tác giả bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” ở binh chủng TQLC sẽ kiện Phạm Duy ra Tòa. Tiếp theo là tờ tuần báo Sân Khấu Truyền Hình cho in một bài viết đề cập đến tiền tác quyền, và tên Linh Phương phải là đồng tác giả bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em”.






BỐ GIÀ HIPPY PHẠM DUY CHƠI TRÒ MA GIÁO
LẤY THƠ LINH PHƯƠNG PHỔ NHẠC RỒI TỈNH BƠ



Lên tiếng về trường hợp Linh Phương và Phạm Duy qua bài nhạc Kỷ Vật Cho Em .

Trong một hoàn cảnh khốn đốn, thi sĩ có nhiều huyền thoại nhất hiện nay là anh Linh Phương, tác giả Kỷ Vật Cho Em- người mà thiên hạ cho rằng đã chết ở Huế. Người mà thiên hạ xầm xì hắn là một vị thiếu tá cụt tay của binh chủng TQLC, trung úy một chân của BĐQ…đã sống sót từ mặt trận hiểm địa Hạ Lào vừa trở về quê hương cho ra mắt tập thơ thứ tư của anh. Đó là tập Kỷ Vật Cho Em với bài thơ chính mang cùng tựa đã và đang làm rúng động giới yêu nhạc, yêu thơ…

Tình cờ gặp lại Linh Phương trong một quán cà phê văn nghệ, chúng tôi được nhà thơ quân đội này gửi tặng thi phẩm Kỷ Vật Cho Em do chính anh tự xuất bản lấy.
Bài thơ đầu tiên đập vào mắt chúng tôi, đó là bài “ Kỷ Vật Cho Em “ với những câu :



Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến thắng trận Pleime
Hay Đức Cơ- Đồng Xoài- Bình Giả

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng…


Cũng bằng những dòng thơ đó, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành bài nhạc “ Kỷ Vật Cho Em “, một nhạc phẩm đang tạo nhiều tiếng vang sâu rộng trong lòng giới yêu chuộng nhạc.
Chúng tôi hỏi Linh Phương về trường hợp bài thơ KVCE được phổ nhạc ? Nở một nụ cười chua chát, tác giả Kỷ Vật Cho Em chậm rải tiết lộ một chuyện hơi khó tin : Phạm Duy đã “ cầm nhầm “ bài thơ Kỷ Vật Cho Em để phổ nhạc mà không cần biết tới anh là ai…



CÓ THẬT PHẠM DUY ĐỊNH CHƠI TRÒ MA GIÁO ?



Qua câu chuyện, chúng tôi được biết thêm bài thơ Kỷ Vật Cho Em đã được Linh Phương gửi đăng trên nhật báo ĐL. hồi anh còn bận hành quân trên lãnh thổ Kampuchea. Và có lẽ tình cờ nhạc sĩ Phạm Duy được đọc bài thơ trên đây nên đã nảy ra ý định phổ thành nhạc.
Linh Phương không hay biết gì về việc tác phẩm của mình đã được đàn anh Phạm Duy chiếu cố. Mãi đến khi về Sài Gòn, trong thời gian nghỉ phép, anh mới có dịp thưởng thức bài nhạc Kỷ Vật Cho Qua câu Em :



… Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá…



Vở lẽ ra đó chính là tác phẩm tim óc của mình. Linh Phương vẫn hoàn toàn giữ thái độ im lặng . Bởi vì trên những bản nhạc bày bán ngoài hè phố Lê Lợi, nhạc sĩ Phạm Duy đã cẩn thận kèm theo tên anh với lời chú thích : thơ Linh Phương - nhạc Phạm Duy. Điều này ít ra cũng xoa dịu phần nào tự ái của nhà thơ quân đội vốn đã mang sẵn cố tật… hơi ngông .
Nhưng rồi một thời gian sau, Linh Phương khám phá được trò ma giáo của Phạm Duy. Đàn anh đã cố tình xóa tên đàn em trong tập nhạc đặc biệt mang chủ đề “ Kỷ Vật Cho Chúng Ta “, mà trong đó có trích đăng bài nhạc Kỷ Vật Cho Em. Trong tập nhạc đặc biệt này, bài nhạc Kỷ Vật Cho Em chỉ còn độc nhất tên tác giả là nhạc sĩ Phạm Duy nằm lù lù một đống, chả thấy tên Linh Phương đâu cả .
Ấy thế là nhà thơ Linh Phương bèn lấy làm một sự tạc dăng nổi giận. Thế này thì đích thị ông anh Phạm Duy định chơi trò ma giáo với mình rồi…



PHẠM DUY NGHĨ SAO VỀ TRƯỜNG HỢP NÀY ?



Nếu trường hợp phổ nhạc bài thơ Kỷ Vật Cho Em đúng như những dòng tâm sự của thi sĩ Linh Phương, thì thái độ vô tình của nhạc sĩ Phạm Duy rất là đáng trách.
Chúng tôi không thể ngờ được một nhạc sĩ cỡ lớn như Phạm Duy mà lại đi “ cầm nhầm “ một bài thơ của người khác để phổ nhạc- để rồi “ăn cướp “ cả công trình tim óc của một người làm thơ đói rách. Thú thật, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe anh Linh Phương phàn nàn, khi nghĩ về thái độ không được đẹp mấy của nhạc sĩ tài danh Phạm Duy, người mà gần đây đã được giới trẻ gán cho danh từ “ Bố già Hippy “.
Anh Linh Phương khẳng định rằng, sở dĩ anh chưa thực sự lên tiếng trên báo chí về trường hợp Kỷ Vật Cho Em là vì anh muốn chờ ở Phạm Duy một cư xử văn nghệ . Vả lại, anh không muốn hạ một kẻ đã ngã ngựa như Phạm Duy, một nhạc sĩ tài hoa với “ Bà Mẹ Gio Linh “, với những bài dân ca ngày xưa, nay đã bán linh hồn cho quỷ dữ sa tăng, dâm ô đồi trụy …


SẼ CÓ CUỘC NÓI CHUYỆN CÔNG KHAI VỀ KỶ VẬT CHO EM



Vấn đề được đặt ra ở đây là có phải Phạm Duy đã thực sự không ngó ngàng gì tới tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em hay chăng ? Để làm sáng tỏ vấn đề, thiết tưởng giữa Linh Phương và Phạm Duy nên dàn xếp một cuộc gặp gỡ trong không khí văn nghệ để mà… thông cảm nhau.
Đề cập tới vấn đề này, anh Linh Phương cho biết đã đến lúc anh không thể tiếp tục im hơi lặng tiếng để Phạm Duy mặc nhiên làm trò khỉ với Kỷ Vật Cho Em của anh. Bởi thế anh đang dự định tổ chức đêm thơ nhạc “ Kỷ Vật Cho Em - Từ Vùng Đất Chết “ trong một quán văn nghệ tại Sài Gòn. Và anh sẽ mời Phạm Duy cùng một số anh em ký giả, văn nghệ sĩ chứng kiến cuộc nói chuyện công khai cùng nhạc sĩ Phạm Duy về bài nhạc Kỷ Vật Cho Em.

Từ lâu, chúng tôi thực tình hết sức quý mến nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng trước việc làm “ phi văn nghệ “ này, chúng tôi cũng đã hết sức buồn, hết sức tội nghiệp cho Phạm Duy, một con người tài hoa đã tự khai tử tên tuổi mình để sống bằng tim, bằng óc của một văn nghệ sĩ khốn khó như nhà thơ Linh Phương . Tệ hại hơn nữa, nạn nhân của Phạm Duy lại là một người lính đang cầm súng giữ quê hương Việt Nam.
Đưa bài nhạc Kỷ Vật Cho Em lên bàn mỗ, chúng tôi không chủ tâm hạ bệ thần tượng Phạm Duy mà chỉ mong mỏi được nói lên một sự thật. Bài viết hôm nay chỉ mới là tiếng nói một chiều của thi sĩ Linh Phương . Chúng tôi đang chờ đợi tiếng chuông thứ hai của nhạc sĩ Phạm Duy để vấn đề được sáng tỏ hơn.


( Phan Linh – Sân Khấu Truyền Hình số 1 - bộ mới – 1971 )


Thời điểm bấy giờ, ở Sài Gòn là thủ đô của miền Nam Việt Nam, có trên 20 tờ nhật báo và 30 tờ tuần báo, bán nguyệt san và nguyệt san. Chuyện tác quyền giữa tôi và nhạc sĩ Phạm Duy hầu hết các tờ báo đều có đăng thư Phạm Duy gởi tôi ( biện minh vì sao ông không xin phép tác giả trước khi phổ thành ca khúc.Ông cho rằng không biết tôi ở đâu, nên có hỏi thi sĩ Trần Dạ Từ vì bài thơ hay , phù hợp với không khí chiến tranh khốc liệt đang xảy ra ...nên ông lấy phổ nhạc) , thư tôi trả lời nhạc sĩ Phạm Duy. Một số tờ báo phỏng vấn tôi, tờ Lập Trường của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trong phong trào Cấp Tiến thì đăng hình và tiểu sử ( tôi nhớ không lầm thì người viết là ký giả Huy Trường ).Sau gần một tháng ầm ỉ, người cháu nhạc sĩ Phạm Duy là Phạm Duy Nghĩa sĩ quan Phòng Tâm Lý Chiến , Bộ tư lệnh Sư đoàn TQLC lên phòng Tổng Quản Trị Sư đoàn tìm hồ sơ của tôi . Một người bạn tôi ở phòng này hỏi anh ta tìm hồ sơ ai, anh ta cho biết tìm hồ sơ Linh Phương, người bạn tôi chỉ anh ta nơi tôi thường xuyên có mặt. Cuối cùng thì anh ta gặp tôi tại 104/23 đường Yersin, quận 2 ( quận 1 bây giờ ) Sài Gòn. ( nhà của bạn tôi là nhà thơ Vũ Trọng Quang ).
Sau đó, Phạm Duy Nghĩa đưa tôi đến phòng trà Đêm Màu Hồng nơi ban Thăng Long thường xuyên trình diễn. Ở đây, tôi và nhạc sĩ Phạm Duy đã có sự thông cảm trong vấn đề bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “. Nhạc sĩ Phạm Duy chở tôi trên chiếc Citroen Traction đến phòng trà Queen Bee do nhạc sĩ Ngọc Chánh ban Shotguns quản lý. Ở phòng trà Queen Bee, nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu tôi trước công chúng về tác giả bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “. Sau cái bắt tay giữa tôi và nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Ngọc Chánh, quái kiệt Trần Văn Trạch, nữ ca sĩ Thái Thanh đã trình bày bài thơ phổ nhạc này.
Sáng hôm sau, như lời hẹn tôi đến tư gia nhạc sĩ Phạm Duy ở số 215 E/2 đường Chi Lăng- Gia Định- Phú Nhuận. Nhà Phạm Duy phía bên trái khi bước vào cổng cư xá Chi Lăng. Tại đây, tôi gặp ca sĩ Thái Hằng - vợ nhạc sĩ Phạm Duy, Duy Quang –con trai và ca sĩ Julie vợ Duy Quang và Thái Hiền lúc đó hãy còn nhỏ. Tôi ăn cơm trưa với nhạc sĩ Phạm Duy, xong chúng tôi ký hợp đồng tiền tác quyền bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “. Trong hợp đồng tiền tác quyền là 30.000 đồng ( thời điểm đó giá vàng , nếu tôi nhớ không lầm là khoảng 10.000 đồng- 12.000 đông / một lượng , nhưng thực tế nhạc sĩ Phạm Duy trả tôi là 50.000 đồng ( 30.000 đồng bằng chèque nhận ở Pháp Á Ngân hàng – 20.000 đồng tiền mặt ). Về số tiền 20.000 đồng tiền mặt, nhạc sĩ Phạm Duy bảo tôi đừng tiết lộ khoản tiền ngoài hợp đồng này. Tôi không hiểu vì sao, nhưng cũng không thắc mắc.


( còn nữa )

No comments:

Post a Comment