Wednesday, September 8, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 19 -

- Kỳ 19 -


Một hôm Vũ Trọng Quang chở tôi bằng xe Suzuki qua cầu Chữ Y , khi đến chỗ giao nhau của ba ngã : ngã ra Sài Gòn , ngả qua cầu Rạch Ông và ngã về đại lộ Hưng Phú, chúng tôi bị đám cảnh sát thổi còi , kêu Vũ Trọng Quang lại xét giấy tờ . Tôi mặc quân phục TQLC , áo giáp, bên ngực đeo súng Colt 45 , nên đám cảnh sát không dám hỏi. Tôi ngồi chờ Quang trên chiếc xe Suzuki của hắn ,thì từ phía ngã ra Sài Gòn có tốp Quân Cảnh đi lên. Ba ngã đều có đám tuần tiểu hỗn hợp, lúc ấy tôi biết Quang có đầy đủ giấy tờ, vì hắn vừa đi khóa Quân sự học đường dành cho sinh viên còn đang ở các trường đại học .
Như tôi đã nói, tôi dù có giây phép hay không giấy phép , nguyên tắc của tôi là không để bât cứ ai xét hỏi giấy tờ của mình hết, trừ trường hợp chẳng đặng đừng . Đợi đám Quân cảnh đi gần tới, tôi đạp số quay xe chạy về ngã Hưng Phú , nhưng toán cảnh sát ngã này đã nhảy ra chận đầu xe. Tôi bẻ tay lái chạy qua ngã cầu Rạch Ông , tên cảnh sát cầm súng M16 nhảy ra chận đường , tôi gạt tay cầm súng của tên cảnh sát qua một bên và chạy luôn. Phía sau tôi là tiếng súng bắn chỉ thiên nổ , chạy khoảng 100 m tôi dừng lại vào nhà của người bạn là Trần Thanh Liêm ở Bộ Tư Lệnh TQLC con của nhà thầu khoán Trần Văn Chiểu. Ngồi chơi khoảng mười lăm phút tôi chạy xe qua Tân Thuận về nhà Vũ Trọng Quang .
Một lúc sau, Vũ Trọng Quang về, Quang cằn nhằn : “ Tụi nó hòi tao mày là ai ? Tao trả lời không quen, chỉ cho quá giang xe thôi . Nó bảo anh cho quá giang sao người ta lấy xe chạy anh không la lên ?” . Lòng vòng một hồi, tao đưa giấy đi học khóa quân sự học đường, tụi nó mới cho tao về .Tôi cười hề hề rồi thôi.
Lần khác, tôi chạy xe honda , chở phía sau là cô bé Bạch Tuyết ở Phú Văn- Bình Dương lên Sài Gòn thăm tôi. Đến một ngã tư đường , khi tôi quẹo thì có tiếng còi của tốp Quân Cảnh thổi để xe tôi dừng lại . Tôi nhìn phía trước , một đám Quân cảnh dàn dọc theo con đường từ chỗ thổi còi đến người quân cảnh đứng cuối cùng trên 50 m. Tôi giả vờ thằng xe không ăn chạy từ từ đến người Quân cảnh cuối cùng thì tôi dừng xe hẳn và sang số tiếp tục chạy tà tà . Gã Quân cảnh tưởng tôi dừng xe nên không kịp phản ứng, cứ đứng sững người ra nhìn tôi chạy đi. Bạch Tuyết đấm vào lưng tôi nói : “ Chắc đám Quân cảnh bất ngờ và tức anh lắm “. Tôi cười .
Bạn bè ai cũng biết tính tôi lầm lì, ít nói nhưng làm những chuyện động trời không ai biết được. Ngày xưa, tôi rất ngang tàng, cái ngang tàng của thời tuổi trẻ bị guồng máy chiến tranh cuốn trôi bao ước vọng của thời mới lớn đầy mộng đầy mơ .

Cuộc chiến tranh và những biến động của lịch sử của thập niên 60-70 đã cho ra đời một dòng văn học hiện chiến, nó bao gồm cả những thơ phản chiến của một số tác giả trẻ sống và lớn lên ờ các đô thị miền nam Việt Nam. Thực ra, có nhiều bài thơ chỉ nói lên sự thật đàng sau những tấm huy chương, những chiến công là máu , là nước mắt, là sự dã man mà bất cứ cuộc chiến nào cũng không thể tránh khỏi .


“Đeo nhẩn đính hôn
Nhưng không bao giờ làm đám cưới
Chưa lần để tang
Rồi cũng đội khăn sô
Chưa biết khóc
Rồi em sẽ khóc
Chưa biết buồn
Rồi sẽ buồn qua má- qua môi…

Làm vợ người cầm súng
Suốt đời chịu đắng cay
Mai rừng gìa-núi đá
Mốt Cồn Tiên- Gio Linh
Bồng Sơn- Đổ Xá
Ngăn bước anh về…

Bởi người lính nào không chết một lần
Không cao nguyên- đồng bằng
Thì cũng rừng xanh- núi đá
Không vết đạn đồng- trái phá
Thì cũng hầm chông- bãi mìn…”

( Làm Vợ Người Cầm Súng- trong tập KVCE )

“ Mẹ cho con viên đạn AK còn ngời sáng
Mẹ cho con quả lựu đạn M26 còn thơm mùi thép mới tinh
Mẹ cho con mảnh mìn Claymore nằm trong lồng ngực bố con vừa chết trận U Minh
Con ơi con !
Đừng khóc khi ngày sinh nhật mẹ không tiền may cho con áo mới
Không tiền mua quà tặng cho con
Không tiền mua đồ chơi trẻ nít
Con hãy tập tành chịu đựng
Hãy tập tành căm thù- giận ghét- yêu thương…”

( Cho đứa con trai đầu lòng – trong tập KVCE )


Tuổi trẻ chúng tôi lớn lên trong một quê hương ngập tràn khói lửa, đất nước phân chia, như câu thơ ;


“ Ngày xưa quận nhỏ mất an ninh
Cho nên chia cắt chuyện chúng mình
Trai trẻ lớn lên đi hai phía
Đàng Quốc Gia đàng theo Việt Minh …”


Hoàn cảnh lịch sử đã khiến cho anh em phải cốt nhục tương tàn, dai dẳng mấy mươi năm đánh nhau. Là người Việt Nam chưa đánh mất trái tim của mình, thử hỏi ai không đau lòng trước những bi thảm ấy.Và những người còn sống sót sau cuộc chiến này,kẻ thắng người thua chúng ta cứ nhìn nhau để căm thù, để quy tội cho nhau ư ? Không ai có thể đi đến một ước mơ lớn lao, một việc làm vĩ đại mà tâm hồn lại què quặt yêu thương, vô cảm trong tự tình dân tộc như vậy.
“ Những đau đớn , ân oán của chiến tranh sẽ không còn tồn tại “ , tôi thường nghĩ như vậy khi nhìn về phía trước . Như nhà thơ Cộng Sản Nguyễn Trọng Tạo đã viết :

“ Nhà thơ Linh Phương nổi tiếng khi ông còn làm lính của Quân lực VNCH với bài thơ ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát KỶ VẬT CHO EM. Nhưng Phạm Duy đã không ghi tên Linh Phương. Nhiều tờ báo Sài Gòn trước 1975 đã viết về chuyện này, và cuối cùng, Phạm Duy và Linh Phương đã gặp nhau... Và tiền tác quyền bài thơ Linh Phương nhận được là 50.000đồng (trị giá 5 lượng vàng hồi đó), nghĩa là ngang giá trị Giải thưởng Nhà nước hiện nay. Nhân 32 năm kết thúc chiến tranh, với tinh thần Hòa Hợp Một Nhà, tôi trân trọng giới thiệu dưới đây hồi ức về chuyện này của người lính cộng hòa – nhà thơ Linh Phương” .
( Trích lời giới thiệu của nhà thơ bộ đội Nguyễn Trọng Tạo trên “Hội Ngộ Văn Chương “ -2007 ).

Có thể là tôi ngây thơ, có thể nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ngây thơ , có thể chúng tôi có một trái tim ướt át đầy nhân bản ,có thể tâm hồn của hai người làm thơ như tôi và Nguyễn Trọng Tạo vốn nhạy cảm với những điều tốt đẹp mà thực tế không như mình mơ ước. Có thể là tôi, là Nguyễn Trọng Tạo ,chúng tôi không có một cái đầu lạnh lùng, khô cứng , đầy thủ đoạn của một nhà chính khách khi nghĩ đến điều này, nhưng chúng tôi có một trái tim thơ để yêu thương con người, yêu thương quê hương Việt Nam sau bao lần chia ly rồi hội ngộ.
Tôi cố gắng sống để làm một con người tử tế, không nhỏ nhen, ích kỷ , hận thù dù cuộc đời tôi trải qua bao lần bị tù đày, bao lần bị đánh đập, bao lần chịu đựng những định kiến trong cư xử khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc.Làm một người tử tế rất khó, nhưng tôi sẽ cố gắng làm người tử tế cho hết phần đời còn lại của mình . Đau đớn và vinh hạnh thay khi tuổi trẻ chúng tôi sinh ra ,lớn lên trong thế hệ này .Thế hệ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong nhạc phẩm của mình đã viết :

“ …20 năm đàn con đi lính, đi rồi không về …”;
“ …20 năm đàn con khôn lớn ra ngoài chiến trường…”
( Ngủ đi con – TCS ).

( còn nữa )

No comments:

Post a Comment