Friday, September 3, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 17 -


- Kỳ 17 -



Cứ ngỡ cuộc chiến rồi đây sẽ kết thúc, để những người tuổi trẻ như chúng tôi sẽ sớm giã từ vũ khí trở về một cuộc sống bình thường. Nhưng không, ước mơ nhỏ nhoi của chúng tôi, của cả một dân tộc này cũng chỉ là ước mơ. Tuổi trẻ anh em chúng tôi đã bỏ mất thời thanh xuân của mình, dở dang chuyện học hành để xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận . Chúng tôi lớn lên , yêu mà cũng chẳng kịp yêu- nếu yêu rồi cũng vội vàng yêu, chỉ sợ không còn thời gian để yêu.Và tuổi trẻ chúng tôi đã đem tình yêu ấy đi vào cuộc chiến để rồi chấp nhận mang thương tích tật nguyền, chấp nhận nằm xuống vĩnh viễn trên mảnh đất Việt Nam . Tình yêu của thế hệ chúng tôi là như thế ấy, đau khổ là như thế ấy Như trong bài thơ “ Tưởng như còn người yêu “của Lê Thị Ý mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc đã viết và nói lên tâm sự của những người yêu nhau, những người vợ có chồng đi vào quân ngũ:


“ Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi góa phụ nhạt mờ vết son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu …

…Em không nhìn được xác chàng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chàng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu !”



Đó là những mối tình nghiệt ngã , buồn thương , bi hùng nhưng không là bi lụy như một số người đứng bên lề cuộc chiến tranh, có cái nhìn lệch lạc về những bài thơ, bản nhạc nói về thân phận của người lính mà tiêu biểu là “ Kỷ Vật Cho Em “.Tôi là con người, không phải là đất đá ,cỏ cây , nên trước cảnh đó tôi không thể im lặng, không thể không lên tiếng những gì tuổi trẻ chúng tôi sẵn sàng chấp nhận., và coi đó như một định mệnh. Định mệnh mà lớp lớp hàng hàng thanh niên thời đại chúng tôi ra đi, từ giã bạn bè còn ở lại thành phố rằng :


“ … Từ giã bọn mày mai tao xuống biển
Tay ngoằn ngoèo vẽ trọn chữ Việt Nam “

( Từ giã bọn mày (*) )

Chúng tôi ra đi mang trong lòng những hoài vọng cháy bỏng sẽ vẽ trọn chữ Việt Nam, một Việt Nam thương yêu đầy nhân ái , một Việt Nam không hận thù , không bắn giết lẫn nhau giữa người và người.; giữa bên này và bên kia.


“…Thôi ngủ đi Thuyên
Thôi ngủ đi Thuyên
Ngủ đi để anh vẫn còn hy vọng ngày mai đất nước hòa bình
Ngày mai than trắng phát diện Trường Sơn dân hai miền cùng gia tăng sản xuất
Ngày mai lúa gạo Cửu Long thơm như mạch đất chứa lưu lượng phù sa
Em oi em !
Ngày mai đất nước hoà bình ….”

(Trái đại bác nổ khi loài thú giao hoan )


Bị tước đi mầm sống
Khi con còn sinh linh
Bởi vì cuộc chiến tranh
Con không được làm người

Mẹ thương của con ơi !
Tại sao phải như thế ?
Con thèm nghe ru hời
Khi nằm trong bụng mẹ

Xin ba hãy thắp nến
Sưởi ấm hương hồn con
Hoa mimosa nở vàng
Giữa tiếng gầm bom đạn

( Hồn con đã nói như thế )

Nhưng điều hoài vọng của chúng tôi vẫn xa vời vợi, trong lúc cuộc chiến tranh càng ngày càng leo thang đến mức không ai tưởng tượng nỗi sự tàn khốc của nó. Sự tàn khốc của chiến tranh lên tới cao độ thì những mối tình thời khói lửa cũng càng thấm đẫm nước mắt chia ly .





Trong một bài mới nhất của tác giả Xuân Đổ trên Việt Báo ngày 06/03/2008 đã hoài niệm về “Kỷ Vật Cho Em” có kể lại một mối tình thời chiến tranh như sau :

“ Một trong những bài hát được lính và người yêu của lính yêu chuộng nhất vào đầu thập niên 70 phải nói là bài “Kỷ Vật Cho Em”. Tuy được yêu thích, nhưng bài hát cũng gây nhiều tranh cãi. Tranh cãi về nội dung, xôn xao về tác giả và nếu không có cách nhìn cởi mở của một ông tướng đầu ngành một thời là xếp của tôi thì bài hát đã nằm chung trong danh sách những bài hát bị cấm phổ biến trong quân đội.Xét về nội dung, có dư luận bênh vực thì cho nó là “câu trả lời” trung thực cho một thời mà những số phận phải mang màu áo lính hoặc trở thành “xanh cỏ” vĩnh viễn đi vào huyền thọai của những ‘anh hùng không tên’, hoặc “đỏ ngực” mang theo thương tật ngậm ngùi trở về rồi đi dần vào quên lãng.Tuy nhiên trong thời chiến, nếu nhìn theo từ góc độ của những người làm công tác tâm lý chiến hoặc binh vận để nâng cao tinh thần binh sĩ thì bài hát cứ hiểu theo lời ca phần nào có làm ‘nản lòng chiến sĩ’, từ đó nó được đề nghị xếp vào loại nhạc “phản chiến”.
Với tư cách một người lính và có dịp trực tiếp làm công tác văn nghệ trong quân đội, tôi có vài kỷ niệm về bài hát này mà chẳng cần dấu diếm đó là bài hát tôi rất yêu thích. Sau này khi tàn cuộc chiến nó lại là bài hát ‘tủ’ của tôi khi hát cho nhau nghe từ trong các trại tù cải tạo, kể cả đôi khi nhảy dù vào “biệt khu tướng lãnh” để cùng hát với ngón đàn guitar của tướng Đảo ở trại Nam Hà.Bài hát này đối với những người yêu nhạc thì chỉ biết tác giả của nó là ông Phạm Duy vì về mặt in ấn, phổ biến công khai đều ghi: Nhạc và Lời của Phạm Duy. Nhưng gần đây dư luận có xôn xao hình như bài hát chẳng đơn thuần là của PD mà nó có đồng một tác giả là nhà thơ Linh Phương, một thi sĩ trẻ, nhiều tâm huyết nhưng khá lận đận. Không hiểu có sự đồng thuận nào giữa hai người, chỉ biết nhiều thập niên qua PD ‘cứ ngoảnh mặt làm ngơ’ không để tên Linh Phương vào tư cách đồng tác giả của bài hát.Ở đây ta không bàn về mặt đạo đức sáng tác hay lợi nhuận phát hành, xin để dành cho các nhà phê bình nhạc và văn học, nhưng ta phải công nhận một điều Phạm Duy là “phù thủy” về chọn thơ, chuyển chữ để đưa vào âm nhạc và ông cần được nhắc nhớ như là ‘một nhà phổ nhạc’ bậc thầy của nền nhạc Việt nam trong thế kỷ 20.Chẳng vậy vào lúc cuối đời, ông trở về Việt nam để tìm lại thính giả xưa cùng dẫn dụ người nghe mới, tôi nhớ trong chương trình nhạc chủ đề, ‘Phạm Duy-Ngày trở về’ tại rạp Hòa Bình, ông đã công khai hóa nhiều tên tác giả của những bài thơ mà ông đã vay mượn. Tỷ lệ số bài trình diễn đêm đó có phần “Lời lấy từ Thơ” đã chiếm khoảng...70%.
Trở lại bài “Kỷ vật cho Em” thì nghe nói xuất xứ của nó không có tên này. Tựa bài thơ chính gốc của nó là “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” được Trần Dạ Từ khám phá và cho đăng trên trang Văn&Thơ của Nhật báo Độc Lập vào đầu 70 (tôi xin có lời cám ơn ông Dạ Từ).Nói về bối cảnh thì bài hát được ra đời giữa lúc chiến trường vô cùng sôi động. Chiến tranh không chỉ trải dài từ Quảng Trị tới Cà Mâu mà đã lan qua tới Hạ Lào, Kam puchia để rồi con số những người lính đã nằm xuống, được tải thương, mang thương tật làm cho những kẻ ở hậu phương phải xót xa chóng mặt. Đó cũng là lý do nhà thơ đưa ra câu hỏi, được nhắc đi nhắc lại trong bài thơ chỉ vỏn vẹn 24 câu,”Em hỏi anh bao giờ trở lại/Xin trả lời mai mốt anh về”. Mai mốt là bao giờ, mai mốt có thể là thiên thu, cũng có thể là khi tàn cuộc chiến, mà cuộc chiến thì biết bao giờ tàn. Chính vì chưa tìm ra ẩn số cho câu hỏi của bài thơ, nên nội dung bản nhạc mang nhiều âm vang ray rứt. Cứ theo tôi nghĩ thì người phổ nhạc đã phải chọn tên “Kỷ Vật Cho Em” để thả nổi phần giải đáp cho các số phận xoay quanh những nghiệt ngã một thời.Bài hát cũng tài tình ở chỗ các câu thơ đựợc phổ vẫn giữ nguyên vẹn lời thơ và thể thơ, không thêm không bớt, trừ một câu bị gạt bỏ (‘mai anh về em sầu thê thiết’) để chuyển ý cho điệp khúc. Bài hát cũng độc đáo dù lặp đi lặp lại 36 lần các nhóm từ, (em hỏi anh, xin trả lời, anh trở về , anh trở lại..) nhưng bài hát không thành đơn điệu mà vẫn chuyển tải, thăng hoa đựơc toàn bộ ý thơ. Thậm chí trong chừng mực nào đó dù người phổ nhạc có đổi câu ‘em nhìn anh ánh mắt chưa quen’ thành ‘ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen’ cũng chỉ vì dụng ý muốn cho người thương binh bớt phần cay đắng. Về âm điệu, bản nhạc được PD soạn theo điệu slow rock, cung Ré trưởng rất hạp với cảm quan của một thời. Laị được tiếng hát của Thái Thanh chắp cánh khiến cả phần thơ lẫn nhạc làm cho người nghe đủ giới phải xúc động xót thương cho những thân phận mang màu áo rừng.Tôi còn nhớ sau khi bài hát được phát hành thì nó đựợc hâm mộ quá sức, yêu cầu được thính giả gửi tới tấp về các đài, chiến sĩ thì yêu cầu ‘bis’ đi ‘bis’ lại mỗi lần đi hát tiền đồn, phòng trà thì khách mộ điệu đòi hỏi đến độ ca sĩ nào cũng thuôc bài này. Càng về sau TT không còn độc quyền mà Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu, Nhật Trường cũng trở thành các ca sĩ ăn khách với Kỷ Vật Cho Em.Trong số thính giả ái mộ có một người em kết nghĩa của tôi, một sĩ quan xuất thân từ trường Đại học chiến tranh chính trị, lúc đó chiến đấu tại một đơn vị BĐQ trên cao nguyên. Chuyện ái mộ thì chẳng có gì đáng nói, nhưng trong trường hợp này, bài hát lại “quẩn” vào số phận của hai kẻ yêu nhau. Quốc Bảo và Chi Lan là biểu tượng của một mối tình đẹp trong thời chiến, họ yêu nhau, lấy nhau rồi xa nhau. Tôi nhớ trong tiệc cưới tại CLB không quân Huỳnh Hữu Bạc, tôi làm chủ hôn kiêm MC. Tiệc cưới có phần phụ diễn văn nghệ và nếu ai thích có thêm cả khiêu vũ. Thời chiến cưới nhau giản dị chủ yếu là vui, nhiều người còn mặc cả đồ tác chiến vì đang cắm trại.Trong lúc tôi đang loay hoay tiếp khách ở ngoài cửa thì tự nhiên văng vẳng có tiếng hát... Kỷ Vật Cho Em. Tôi không tin vào tai mình bèn chạy thẳng vào hậu trường sân khấu, trách ngay ông thượng sĩ trưởng ban nhạc, sao lại cho chơi bản này, anh ta trả lời ,tại Trung úy Bảo năn nỉ, ông bảo em cứ cho hát kẻo chút nữa ông thầy (là tôi) sẽ cản. Lúc này người hát là ca sĩ PHQ tôi có phần nể nên không dám cắt ngang, rút cục bài hát đã chấm dứt nhưng chẳng ai có lòng nào để vỗ tay. Khỏi cần đoán cũng hiểu tiệc cưới bữa đó phần nào mất vui và tôi nghĩ đây là lần duy nhất bài hát này không được nồng nhiệt tán thưởng.Chưa đầy một năm sau, mùa hè đỏ lửa trên chiến trường Tây nguyên. Sau một cuộc chạm trán ác liệt với quân chính qui Bắc Việt, Đaị đội phó CTCT Hoàng quốc Bảo đã anh dũng bỏ mình tại mặt trận Chu P’rong. Cánh quân của Bảo chỉ kịp rút, không mang được xác của Bảo ra. Ba ngày sau, quá thương đồng đội, cấp chỉ huy mở tiếp hành quân cướp xác. Hỏa lực địch quá mạnh, đơn vị của Bảo chịu bỏ cuộc. Quốc Bảo không trở về bằng ‘hòm gỗ cài hoa”, cũng chẳng được tải thương “trên trực thăng sơn màu tang trắng” như bài hát anh hằng ưa thích. Chị Chi Lan dù không nhận được xác chồng nhưng vẫn ‘chít khăn tang trên đầu vôi vã’ rồi cố quên đi kỷ niệm chăn gối một thời.“Kỷ Vật Cho Em” đã đi vào huyền thoại. Cuộc chiến chấm dứt, nhưng bài hát vẫn còn được yêu cầu trong các trại tù cải tạo và mỗi khi có các cuộc họp mặt hội đoàn tại hải ngoại. Nét hào hùng bi tráng của những người lính một thời đất nước điêu linh như vẫn còn vang vọng theo tiếng hát. Bất giác tôi lại nghĩ không hiểu Linh Phương hiện trôi dạt nơi nào, nếu được xin anh cho một sáng tác mới “Kỷ Vật Cho Em II” như một lời ai điếu cho những số phận bỏ mình trong các trại tù nơi thâm sâu cùng cốc (dù kỷ vật không còn là ’những viên đạn đồng đen’ mà là những chiếc lựơc nhôm, những chiếc trâm cài trên tóc) để riêng tặng những người vợ, người yêu của những người tù cải tạo. Họ cũng muốn đặt câu hỏi ‘em hỏi anh bao giờ trở lại’ nhưng câu trả lời chả biết hỏi ai. “


-----------------------------------------------------------
( * ) Tuần báo Khởi Hành .


( còn nữa )

No comments:

Post a Comment