Monday, September 13, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 21 -


- Kỳ 21 -



Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông , Sài Gòn trong tôi là những kỷ niệm êm đềm của thời thanh niên cho đến khi cầm súng ra chiến trường . Sài Gòn trải qua bao phong ba bão táp, bao nhiêu cuộc biến động và có đổi thay vì lẽ gì đó , nhưng Sài Gòn vẫn mãi mãi đọng lại ký ức của tôi là một Sài Gòn đẹp và thơ mộng vô cùng . Một Sài Gòn không bao giờ quên được trong tôi, trong mọi người rằng :


Đặt khẽ lên môi anh nụ hôn
Em có nghe hơi thở Sài Gòn
Vương chút bụi khi ngồi Thanh Thế (*)
Và nắng Bến Thành thơm rất thơm

Nếu chán . Chúng ta vô rạp Rex
Chờ xem phim lãng mạn ái tình
Chiến tranh – súng đạn ! Thôi bỏ hết
Cơm – áo-gạo- tiền . Gác một bên

Hãy tạt qua ngang thương xá Tax
Loanh quanh đi cho trọn buổi chiều
Anh sẽ đưa em về Bà Chiểu
Ăn gỏi khô bò trước Lăng Ông

Đêm xuống. Ra công viên đứng ngắm
Phà Thủ Thiêm và Bến Bạch Đằng
Đợi khuya ghé phòng trà ca nhạc
Ngồi Queen-Bee hay Đêm Màu Hồng

Ta sẽ đi cùng khắp ngả đường
Vỉa hè - góc phố – của quê hương
Tìm trong ký ức thời thơ dại
Áo lụa em bay trắng giảng đường

Dẫu cách xa vời vợi muôn trùng
Bên trời Âu Mỹ– em buồn không ?
Sài Gòn vẫy gọi người xưa cũ
Sống nửa đời làm kiếp lưu vong

Anh ở Việt Nam ngày thương nhớ
Tóc bạc lâu rồi trong trại giam
Ngửa mặt khóc cười theo vận nước
Trời ơi ! Đã mấy chục năm ròng

( MỘT GÓC SÀI GÒN NGÀY CHƯA THẤT THỦ )





Nhớ những ngày ờ Sài Gòn , vào Thảo Cầm Viên đi chơi, chụp hình với H. với Nguyệt Minh, những cô bạn gái ở trường Lê Văn Duyệt. Trương Ngọc Sương làm cơ quan Mỹ , cô giáo Huỳnh Thanh Tú dạy học ở Long Khánh, Bạch Tuyết Bình Dương .Đó là những ngày vui nhất trong khoảnh khắc của cuộc đời, những khoảnh khắc thanh thản của tâm hồn hiếm hoi có được. Sau này, khoảng thập niên 90 khi tôi trở lại Sài Gòn mới biết H. bây giờ là vợ một người bạn. Còn Sương , còn Huỳnh Thanh Tú, còn Bạch Tuyết không biết trôi giạt nơi nào ? Còn sống hay đã chết, ở nước ngoài hay vẫn còn ở Việt Nam.?
Muốn tìm lại những người năm cũ , những vui buồn của thời chiến tranh loạn lạc , thời thanh niên của tôi, của tất cả thanh niên lúc bấy giờ chưa bao giờ được bình yên , trừ những người là “con ông cháu cha” của một tầng lớp ngồi trên. Muốn tìm , cũng không cách chi tìm được cái ngày hôm qua.Ngày mà thơ không vướng chút nào không khí của cuộc chiến triền miên. Ngày mà thơ là mộng là mơ .



Em ở Sài Gòn em bỏ học
Anh nhớ con đường – nhớ lá me
Cát sỏi nào bám chân ngà ngọc
Gió thổi tóc dài vạt áo che

( Phượng Sài Gòn )



Ngày ấy đối với thế hệ chúng tôi đã xa quá rồi, sau mấy mươi năm chiến tranh, lòng người phân hóa, dân tộc ly tan .Không ai đủ bình tĩnh để ngồi lại nói với nhau như anh em một nhà ,không ai đủ can đảm nhìn thấy sự thật để nhận ra những lỗi lầm trong quá khứ đau thương của một dân tộc .
Tôi rất ghét loại người chối bỏ quá khứ của mình, để tô son trét phấn một cách vụng về cho hiện tại .Tôi không chối bỏ mà còn hãnh diện với quá khứ của mình – dù quá khứ không cao sang trưởng giả, ngược lại là những năm tháng nhọc nhằn chuyện áo cơm .Tôi hãnh diện tôi có một người cha giang hồ bỏ miền Trung khô cằn nứt nẻ , bỏ nhà ra đi từ lúc lên chín, lên mười trôi dạt qua nhiều vùng đất của quê hương để kiếm sống . Một mình vui, một mình buồn, một mình mưu sinh cho đến ngày ông dừng chân giang hồ khi có một người phụ nữ cùng ông sống quãng đời hạnh phúc . Người phụ nữ đó là má tôi , người của chín dòng sông hiền hòa miền Tây Nam bộ .

Trong những người chối bỏ quá khứ đó -tôi đã gặp, đã hội ngộ sau hơn 30 năm xa cách kể từ ngày bài thơ Kỷ Vật Cho Em trở thành một ca khúc nổi tiếng lúc bấy giờ và còn sống mãi cho tới ngày nay. Gặp lại nhạc sĩ Phạm Duy cuối tháng 12 năm 2005 trong tư gia ông tại Sài Gòn, nói chuyện với ông, tôi chợt hiểu Phạm Duy ngày xưa đã chết . Phạm Duy bây giờ không phải là một Phạm Duy ngày nào : " Tôi yêu đất nước tôi từ khi mới ra đời…".Ông đã cố tình chối bỏ quá khứ của ông để bấu víu cái ân huệ mà người ta ban phát .Phạm Duy còn sống không là Phạm Duy tôi yêu mến, Phạm Duy của ngày tôi ngồi ăn cơm tại nhà ông, cư xá Chi Lăng nghe Julie hát. Tôi không dám trách ông , bởi mỗi người có một cách sống, có một sự chọn lựa cho riêng mình . Âu cũng là một thứ hạnh phúc ông tìm được lúc tuổi về già trong cuộc đời ông vậy . Tôi gánh chịu gần hết một đời dâu bể, tôi thường coi đó là định mệnh Bởi như thế tôi mới tự an ủi , vỗ về chính mình ,xoa dịu tâm hồn vốn nhiều đổ vỡ-một trái tim đa cảm vốn nhiều thương tích và những hình bóng đi qua cuộc đời tôi. Những hình bóng đi qua cuộc đời tôi là những bông hoa-là hương vị tình yêu tôi nếm trải . Đau khổ-đắng cay- buồn-vui-hạnh phúc - thất vọng…Tôi đã vượt qua tất cả , vượt qua chính mình như tôi đã vượt qua lửa đạn cuộc chiến tranh tàn khốc trên quê hương Việt Nam ,mà một thời tuổi trẻ của tôi tham dự.Tôi chứng kiến những biến động lớn lao của đất nước và tôi còn sống sót trở về ,không mang thương tích tật nguyền như bài thơ Kỷ Vật Cho Em tôi đã viết vào năm 1970.Nhưng trở về không có nghĩa là không trả giá cho sự trở về , tôi đã trả giá cho sự trở về của mình .



( còn nữa )

No comments:

Post a Comment