Friday, September 10, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 20 -



- Kỳ 20 -


Tôi đã có một phần đời thật vất vả mà tôi không thể nào quên-nhớ thì muốn chảy nước mắt. Nhớ để coi như sự nhắc nhở với lòng mình rằng: Con người đôi lúc không sống tử tế được với nhau , vì lẽ gì đó của quá khứ, của hoàn cảnh lịch sử, của đất nước chiến tranh dài lâu.Nhớ không phải để hận, mà để răn mình phải sống tốt hơn, "người" phải được làm người - người vượt qua cái ngưỡng cửa khắc nghiệt nửa "con" , nửa "người" .
Làm được "người" đúng là "người" thật khó . Thường thì người ta vẫn tưởng mình là "người", nhưng thực ra có những người chưa thực sự là" người"- bởi trong họ vẫn tồn tại nửa "con", nửa" người" - nửa ác, nửa thiện . Nhiều khi, tôi thèm da diết được mất trí nhớ hoặc lúc nhớ, lúc quên như nhà thơ Phạm Thiên Thư của Ngày Xưa Hoàng Thị .Phạm Thiên Thư trải qua một thời gian trí nhớ anh không được bình thường . Tôi nghĩ biết đâu đó là khoảng thời gian anh hạnh phúc nhất, thoát khỏi những lụy phiền giữa chốn nhân gian. Tôi đến nhà anh lúc anh chưa mở quán cà phê Hoa Vàng, lúc anh mang căn bệnh nhớ nhớ quên quên. Thấy anh khó khăn khi viết những chữ tặng tôi trong tập thơ Đoạn Trường Vô Thanh mà thương anh vô cùng . Tôi cũng mong mình sẽ nhớ nhớ quên quên tất cả những gì của quá khứ và hiện tại. Đời người thật phiền phức, nhất là đối với những người hay đa mang tình cảm như tôi.
Tôi không bắt kịp nhịp sống của thời đại hôm nay, không thở cùng hơi thở của thế hệ hiện tại .Phải chăng tôi là người của muôn năm trước ? Đặt câu hỏi như thế , tôi lại nhớ đến má tôi lúc bà còn sống . Như tôi đã nói trong đoạn trước , nhà tôi nghèo lắm . Má tôi bán hàng bông , còn ba tôi lúc này làm thợ mộc. Hồi đó, tôi không hiểu vì sao ba không bao giờ làm thuê gần trường tôi đi học, dù người ta có thuê ông thật nhiều tiền đi nữa .Lớn lên, tôi mới biết ông sợ bạn học cùng trường của tôi thấy ông , như thế tôi sẽ mắc cở với bạn học của mình .Tôi đã khóc khi hiểu được những gì ba dành cho tôi .


Tôi nhớ những tháng nghỉ hè, tôi thường theo phụ má , sáng bán chợ An Đông, chiều thì bán ở chợ chòm hỏm Bà Hạt . Hai chợ thuộc quận 5 cách nhà tôi khoảng mười mấy cây số, nhà tôi thuộc quận 8 . Khuya , hai má con tôi thức dậy lội bộ từ nhà đến chợ An Đông; chiều tối lại lội bộ từ chợ Bà Hạt trở về nhà .
Có hôm trời mưa , má và tôi lặng lẽ choàng tấm nilong đi trong mưa , gió thổi tạt vào người vừa ướt vừa lạnh . Hai má con tất tả đi như đua với bóng đêm nhạt nhoà, đua với dãy phố đèn sáng trưng, lộng lẫy những con người giàu có, ăn sang mặc đẹp .Vừa đi , tôi vừa ao ước , nữa lớn lên tôi cố gắng kiếm thật nhiều tiền, thật nhiều tiền để má tôi không phải cực như ngày hôm nay
.

Cuôc đời của bà khổ lắm, bà đã sống cùng lúc hai thế giới : thế giới cổ tích và thế giới hiện tại để một mình nuôi con cái đến ngày lớn khôn.Tôi ân hận đã không được sống gần má, bởi tôi chẳng khác cánh chim giang hồ , bay hoài…bay hoài…không mỏi cánh thiên di. Tới lúc biết mình mình mồ côi cha mẹ rồi, tôi mới chợt nhận ra mình chỉ là "con" chứ chưa được làm "người".
Trong một bài viết của nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm ngày 19/03/2006 khi nói về tôi trên một website ở Việt Nam , ông đã mô tả :

Tôi nhớ thật rõ ràng, khoảng 70-75 của thế kỷ XX, văn học miền nam bây giờ có những hiện tượng sáng chói, khiến người làm văn nghệ thật lưu tâm. Như hiện tượng thơ tình Nguyễn Tất Nhiên (ngòai tập Thiên Tai) bật sóng rực rỡ ở miền đông nam bộ, Trịnh Bửu Hoài với 2 tập thơ tình ở miền tây nam bộ, Phạm Thiên Thư với Kinh ngọc – Kinh hiền và 10 bài thơ đạo ca phổ nhạc , Nguyễn Bắc Sơn với những bài thơ ngang tàng, phóng dật, .. .

Thì hiện tượng Linh Phương cũng gây ra nhiều sóng gió trên văn đàn miền nam lúc bấy giờ. Điển hình là bài thơ Kỷ Vật Cho Em được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và tức khắc hình thức phản chiến trong thơ được nhân rộng.

Bên trong quần chúng hâm mộ,đến nổi đi đến đâu ngoài nhạc Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tất Nhiên, thì Kỷ Vật Cho Em của Linh Phương được phổ biến rầm rộ trong các phòng trà quán càfê văn nghệ

Khoảng năm 1970, lúc tôi và anh em Đồng Bằng Sông Cửu Long tập hợp làm tạp chí Khai Phá và nhà xuất bản Khai Phá nên sự liên lạc với các bằng hữu văn nghệ sĩ miền nam, thật mật thiết và cập nhật hàng ngày. Nhà thơ Vũ Ngọc Đức (tức ký giả kịch trường Phan Bảo Quân) đến báo tin vừa làm một bài viết trên sân khấu kịch trường về việc tác quyền của bài thơ Kỷ Vật Cho Em. Vũ Ngọc Đức cho hay, với nhiệt tình của nhạc sĩ Phạm Duy, mọi việc được ông giải quyết lịch lãm và phóng khoáng, Linh Phương nhận được 40.000 đồng. (sau này đọc bản thông tin chính thức của Linh Phương, thì tác quyền nhận được chỉ là 50.000 đồng, gồm một séc pháp Á ngân hàng và 20.000 đồng tiền mặt).Lúc bấy giờ, nhà xuất bản Khai Phá đã xuất bản và giới thiệu được nhiều tác phẩm của những anh em văn nghệ sĩ trẻ nổi tiếng như Lưu Nhữ Thụy, Nguyễn Thanh Xuân, Lâm Chương, Hà Thúc Sinh, Phạm Trích Tiên,Trịnh Bưủ Hoài, Lâm Châu, Lâm Hảo Dũng, Thụy Miên…

Nên tôi nhờ Vũ Ngọc Đức sắp xếp gặp mặt Linh Phương để bàn bạc in cho Linh Phương một thi phẩm, cùng lúc với Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Trần Kiêu Bạ (*)t, Minh Nguyễn, Trần Mộng Hoàng …Tuy nhiên , vì bản chất quá nghệ sĩ , Linh Phương cứ lăng ba vi bộ rày đây mai đó, nên đến 1975 , Khai Phá vẫn chưa in được tập thơ cho anh như dự kiến.

Trở lại vị trí địa dư : Linh Phương, họa sĩ biếm Nguyễn Hữu Đức (hiện là giảng viên khoa dược, SG , với học vị tiến sĩ dược khoa) và tôi, ở trên hai nhánh sông của cây cầu Chữ Y duyên nghiệp. Nguyễn Hữu Đức ở bên nhánh dạ nam, lúc đó là phường Rạch Ông, Quận 8. Tôi và Linh Phương lại cư ngụ bên nầy nhánh Hưng Phú, thuộc phường Chánh Hưng , cách đầu cầu Chữ Y nơi tôi ở khoảng hơn một cây số là nhà của gia đình Linh Phương . Tuy mang tiếng hàng xóm , nhưng tính Linh Phương trầm lắng, phiêu bạt như cánh mây, lúc mờ lúc tỏ , nên chúng tôi càng rất ít hàn huyên gặp gỡ .

Trong thời chiến bao nhiêu sự thế nổi trôi là bao nhiêu hình bóng được khắc họa. Đúng thì không nói làm gì, nhưng có lúc cũng lẫn lộn giữa thực ẩn có cái hư. Giai đọan đó, mặc sức ai muốn thêu dệt, đồn đại thì cứ tung tin , đen trắng rối mù trên các trang nhật báo là cái để câu khách bình dân quá dễ dãi. Ở một thời mà sáng sớm khi bình minh bừng dậy, soi gương mới biết mình hạnh phúc sống thêm một ngày mới, người ta cảm nhận cái sống và cái chết có gì đó pha lộn lẫn nhau,nên hỏa mù cứ việc tung hô. Hôm nay, tin đồn anh ngã xuống , ngày mai lại đính chính anh vừa uống cà phê tại La Pagode. Linh Phương cũng không thoát khỏi sự khắc nghiệt đó, có phải vì anh quá nổi tiếng nên phiêu bạt trên sự chú mục của mọi người. Người ta loan tin đồn Linh Phương vừa ngã gục ở chiến trận Hạ Lào. Tôi không hiểu cái ông Trần Tường Trình lấy tin ở đâu mà loan báo loạn xạ như vậy, gây nên một trận cáo phó cho Linh Phương ở các báo lúc đó. Trong lúc đó, Linh Phương vẫn còn sờ sờ cách nhà tôi khoảng hơn một cây số.

Thật ra, thời buổi nhiễu nhương đó người ta cũng có nhiều cách để lăng xê, hoặc thăm dò ý kiến quan tâm về mình, ở những người làm văn nghệ và yêu văn nghệ. Giả chết và đăng cáo phó, như trường hợp nhà thơ Trần Liên Lê Văn Tất (An Giang) và sự tự sát của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa ở Tây Ninh (1990). Nhưng cũng có những bằng hữu văn nghệ sĩ của chúng ta, giã từ anh em giữa lúc tài hoa đang phát triển như Tô Đình Sự tại xa lộ Biên Hòa (tháng 10/1970), Giang Tịch Nhiên ở Vũng Tàu (tháng 09/1970), Thụy Niên tại Sóc Trăng (tháng 07/1972), Thùy Linh Thụy Vũ (Mùa hè đỏ lửa 1972) … Và vẫn còn nhiều bằng hữu khác đã ngả xuống .

Sau những thập niên 80 – 90, có nhiều lúc họa sĩ biếm Nguyễn Hữu Đức, lúc đó đã là giảng viên trương đạI học y dược Tp.HCM, ghé ngang tệ xá rủ tôi xuống nhà Linh Phương, hiện nay là phường 9, đường Hưng Phú, quận 8, thù tạc vài ly rượu nhạt. Cuối năm 1995, Linh Phương đem tặng tôi tập thơ còn thơm mùi giấy” LờI Tự Tình Phương Đông “, mà nhà xuất bản Đồng Nai vừa ấn hành. Hiện nay dù đã về trang trại Kiên Giang nhưng thỉnh thoảng Linh Phương cũng ghé thành phố thăm lại anh em thân tình, hoặc lâu lâu tôi cũng nhờ Trương Quang Vinh (là thành viên của Khai Phá) hiện thường trú tại thị xã Rạch Giá ghé tạt xem sức khỏe của Linh Phương. Và gần nhất, cận tết, cách đây gần 2 tháng, sau khi Linh Phương từ Sài Gòn trở về trại Kiên Giang, tôi có chuyển cho Phương 2 tập thơ Linh Phương được bằng hữu ấn hành và trò chuyện bằng điện thoại di động, để có dịp trách cứ Linh Phương vài điều, dĩ nhiên qua máy cầm tay tôi lạI được nghe giọng cười hào sảng của Linh Phương vang lên từ góc xứ biển miền Tây Nam Bộ.

PhảI chăng, tôi nên khép lại ở đây, gói ghém lạI những gì ký ức tôi đã cho phép tất cả chắc chắn là lờI thông tin xác thật nhất của Ngô Nguyên Nghiễm về nhà thơ nhiều sóng gió và đáng yêu Linh Phương, một tài hoa lớn của Đồng Bằng Sông Nước Cửu Long
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------


(*)Đã chết tại Hoa Kỳ.

( còn nữa )

No comments:

Post a Comment