Sunday, August 29, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 15 -


- Kỳ 15 -


Đầu thập niên 70, Kỷ Vật Cho Em đã như một hiện tượng văn học nghệ thuật nổi bật thời bấy giờ. Trong sinh hoạt ca nhạc cũng như thi ca, thì Kỷ Vật Cho Em đã nói lên những bi thảm của cuộc chiến tranh Việt Nam, cái bi thảm mà tuổi trẻ thế hệ chúng tôi phải chấp nhận. Có nhiều ý kiến không đồng nhất xoay quanh Kỷ Vật Cho Em, tiêu biểu là 2 luồng dư luận khác nhau như : 1 - Kỷ Vật Cho Em mang nội dung chủ bại, gây hoang mang trong hàng ngũ quân lực VNCH.
2- Kỷ Vật Cho Em tích cực , đã nói lên sự thật mà những người cầm súng phải đối diện với sự thật đó Chấp nhận nó như là định mệnh, để chiến đấu vì quê hương , vì Tổ Quốc Việt Nam thương yêu.
Tôi nghĩ chủ bại hay tích cực ở mặt nào đó thì cũng đã nói lên được tư tưởng của mỗi con ngườiở Miền Nam Việt Nam . Và tuổi trẻ chúng tôi ra mặt trận cũng vì những tư tưởng thiêng liêng, cao cả ấy. Thiết nghĩ hãy để cho mọi người phán xét, chấp nhận hay loại bỏ KVCE ra khỏi sinh hoạt ca nhạc, sinh hoạt văn học và sự yêu mến của công chúng từ đầu thập niên 70 cho đến bây giờ .

Lúc ấy, Miền Nam Việt Nam có hai đài phát thanh : Đài phát thanh Sài Gòn và đài phát thanh Quân đội song hành với nhau. Đài phát thanh Quân đội có “ Chương trình Dạ Lan” dành riêng cho anh em quân nhân trên bốn vùng chiến thuật .Em gái hậu phương Dạ Lan chuyên trách đọc thư, trả lời thư , chọn những bài hát ,động viên, an ủi tinh thần chiến sĩ trên khắp nẻo đường đất nước .” Chương trình Dạ Lan “ mà nhân vật chính không phải là một người., chương trình bắt đầu từ năm 1963 đến ngày 29 tháng 4 năm 1975 thì chấm dứt.. Dạ Lan là tên chung của chương trình , sau trở thành tên riêng của hai người đều mang tên Lan, đều có giọng nói giống nhau, không ai phân biệt được . : 1- Hoàng Xuân Lan( Dạ Lan 1 ) làm việc từ 1963 đến 1966 thì chuyển về làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh Đà Lạt., hiện còn ở Việt Nam. 2- Hồng Phương Lan ( Dạ Lan 2 ) làm việc từ 1963 đến ngày 29/04/1975, hiện ở Mỹ ( South Carolina ), còn có tên Mỹ Linh trong các chương trình nhạc trẻ, nhạc yêu cầu, nhạc thời trang trên đài phát thanh Quân đội ..Ngày xưa, mỗi lần nghe Dạ Lan nói hay kể chuyện, giọng của Dạ Lan dịu dàng, ấm cúng khiến cho anh em quân nhân vơi bớt phần nào những vất vả, nhọc nhằn của đời lính mà cái chết đến với họ không biết lúc nào.
Kỷ Vật Cho Em lúc ban đầu cấm, nhưng sau đó thì được cho hát bởi anh em quân nhân rất thích nghe ca sĩ hát bản này trên đài phát thanh cũng như nơi tiền đồn . Phải nói chương trình Dạ Lan và Kỷ Vật Cho Em đối lập với nhau khi nói về hình tượng của người lính, nhưng cả hai đều được công chúng yêu thích .

Những câu chuyện tình thời chiến luôn luôn là nỗi ám ảnh, bi thương khiến cho tuổi trẻ chúng tôi luôn day dứt, dù cuộc chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm. Nhưng những hệ lụy của cuộc chiến tranh vẫn còn đó, những câu chuyện tình dang dở vẫn còn đó .Như câu chuyện tình mà T.T Nguyễn Văn Vinh -Nha Kỹ Thuật đã kể : “Tôi nhớ lại năm xưa, có lần trước ngày lên đường công tác, tôi lái xe đưa một nhân viên của tôi đến thăm lần cuối người bạn gái, hay nói đúng hơn, một người yêu, có nhà ở hẻm xứ Bùi Phát, trên đường Trương Minh Giảng, nay đổi tên là Lê Văn Sỹ. Ðến nơi, người thanh niên ấy vội vã bước xuống xe như muốn tận dụng những giây phút ngắn ngủi và quý báu còn lại... Khoảng 10 phút sau, anh trở ra với người bạn gái đi theo tiễn chân, trên tay anh còn mang một gói quà nhỏ mà tôi đoán chắc đó là quà kỷ niệm của người yêu. Họ nhìn nhau, mắt đẫm lệ, và tôi chỉ biết im lặng cảm thông nỗi buồn chan chứa đang xâm chiếm 2 tâm hồn... Xe chạy được một quãng đường, người thanh niên ấy quay nhìn tôi, vừa nói vừa mở món quà : “Ðây, anh xem, quà cô ấy tặng em”. Tôi liếc nhìn, thấy một nắm tóc thề được gói trong một chiếc áo lót. Cả hai chúng tôi đều im lặng trên đường về trại.
Lần khác, một nhân viên của tôi cũng sắp lên đường, anh đến gặp tôi và trao cho tôi một chồng thơ khá dày đã đề bì sẵn và nói : “Anh Dũng, anh biết em là con một, em đi nhưng em đã không dám nói thật với mẹ em. Vì vậy, em nhờ anh mỗi tháng đến thăm mẹ em và trao cho mẹ em một bức thơ này, nói là em đang đi học ở ngoại quốc gửi về để mẹ em yên tâm”.
Tôi xúc động nhìn người thanh niên ấy với tất cả lòng yêu thương và mến phục. Tôi đã nhận thơ anh giao và hàng tháng, tôi đã đến thăm mẹ anh và trao cho bà quả phụ ấy bức thư của con bà... Nhưng đau đớn thay, lá thơ cuối cùng của anh đã được trao mà “khóa học” của anh vẫn chưa mãn.
Hai nhân viên mà tôi vừa kể trên đây, cả 2 đều trở về từ cõi chết, một anh hiện đang sống ở Cali, đó là anh Lâm, em ruột của anh Nguyễn Ngọc Trâm, còn người kia, trước ngày tôi rời Saigon, anh ấy đang vất vả hành nghề thợ mộc ngoài Vũng Tàu…”

Nỗi buồn của cuộc chiến tranh sẽ không bao giờ quên trong ký ức của những người sinh ra và lớn lên trong thế hệ này. Tuổi trẻ thế hệ chúng tôi có người phải vĩnh viễn mất đi một phần thân thể của mình, có người ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại với gia đình, với những người thương yêu của mình . Sự thật như thế nên khi tôi viết bài thơ “Để trả lời một câu hỏi “ sau đổi thành “ Kỷ Vật Cho Em “ là viết lên sự thật mà tuổi trẻ chúng tôi phải đối diện và chấp nhận . “ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu .Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi “. Viết lên sự thật phải chăng là chủ bại, là hèn nhát, là có tội với Tổ quốc , với cuộc chiến tranh mà tuổi thanh niên chúng tôi tham dự chăng ?


Xe ngang Xuân Lộc càng thêm nhớ
Năm xưa ta bỏ lại một người
Khép mắt ngủ yên ngày thất thủ
Thị trấn buồn phủ kín khăn sô

Giặc giết em khi ta được lệnh
Theo đoàn quân về giữ Sài Gòn
Gạt lệ lên đường vào cuộc chiến
Thương xác bạn tình không ai chôn

Trời đất quay cuồng trong căm giận
Mất em ta mất cả quê nhà
Thủ đô ai cắm cờ tang trắng
Để hồn ta đau mãi chưa nhòa

Xe ngang Xuân Lộc càng thêm nhớ
Em chết lâu rồi không mộ bia
Xương tàn cốt rụi còn đâu nữa
Ta khóc đời ta cứ cắt chia

( Xuân Lộc – thơ Linh Phương )


- ( còn nữa ) -

1 comment:

  1. Bài thơ tôi yêu mến.Hôm được tha năm 1980, trên đường về SG ,ngang qua XL vẩn thấy dấu đạn bom dạo nào. Tình người chan hòa với tôi và các bạn tù vừa ra trại mà thấy bùi ngùi ,có lỗi với Quê Hương....

    ReplyDelete