Tôi đã đi qua nhiều ngọn núi, khu rừng, con suối, cánh đồng, dòng sông bất kể ngày đêm, mưa nắng.Lúc ở Bình Long, khi Tây Ninh, Chương Thiện, Cần Thơ, mật khu Mây Tào hay Krek ( Kampuchea ). Nơi nào, ở đâu những tờ thư của Thương Mặc Uyên cũng đều theo tôi với bao nhớ nhung dài theo thời gian, dài theo con đường đất nước mà buớc chân tôi đặt đến.Như cánh chim giang hồ bay mịt mờ trong sương gió , khói lửa, đạn bom . Thời gian cứ kéo dài theo cuộc chiến triền miên, thư Thương Mặc Uyên cũng thưa dần rồi biến mất. Tôi không hiểu lý do tại sao và cũng chẳng muốn tìm hiểu làm gì khi cái sống và cái chết cách nhau một lằn ranh mỏng manh như sọi chỉ .Vả lại , chúng tôi chỉ là tri kỷ, tâm đầu ý hợp trong thơ văn chứ không hẳn là tình yêu trai gái. Tôi có nguyên tắc sống để làm người, bất di bất dịch. Không thể níu kéo được gì một khi quay lưng thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại . Trong tình bạn tri kỷ hay trong tình yêu cũng không ngoại lệ. Những gì tha thứ được thì tha thứ , người đàn ông luôn luôn đứng trên phụ nữ . Người đàn ông phải bao dung tha thứ mọi lỗi lầm cho người phụ nữ, bởi vì họ luôn luôn nhỏ bé trước một người đàn ông . Và một khi tôi đã bước đi rồi , thì chẳng hề có ngày trở lại nữa . Tình yêu với tôi là một điều thiêng liêng, yêu người nào đó tôi luôn luôn yêu hết lòng , hết dạ, dù họ cư xử với tôi có được “ tử tế “ hay không, tôi vẫn tôn trọng cái tình yêu đó. Nhưng đã dứt khoát rồi, dù cho có đau lòng cách mấy thì cũng đành hẹn kiếp sau thôi.
Cuộc chiến tranh càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn, biết bao mối tình bi thương trong đạn bom khói lửa. Ngày trở về của người quân nhân phải chăng là những phế nhân tật nguyền một phần thân thể , là hòm gỗ cài hoa, là trên những chiếc trực thăng sơn màu tang trắng, là những chiếc băng ca, là những tấm poncho gói xác những người thanh niên thế hệ của chúng tôi ra đi khi ước mơ đầy ắp trong tâm hồn còn xanh, chưa biết hận thù, bàn tay học trò chưa hề vấy máu. Tuổi trẻ chúng tôi thường tự hỏi tại sao phải như thế, tại sao anh em mình lại phải đánh nhau, phải giết nhau vì yêu quê hương, Tổ quốc Việt Nam. ?
Không hẳn những người cầm súng chiến đấu mới bi thương mà những người ở phía sau mặt trận vẫn chịu cảnh ly tan, cách biệt bao mối tình trai gái, vợ chồng, cha mẹ anh em.
Tôi cũng không thoát được thảm cảnh ấy, một mối tình đau thương mà tôi không thể nào quên trong ký ức của mình. Mối tình với một người con gái tên Thuyên, bao năm trời trôi qua vẫn sống , dù xương đã tàn, cốt đã rụi . Trong một bài về tôi đăng trên nguyệt san Phản Kháng , V.KH . đã viết : “Trong nỗi đau ngọt ngào quặn thắt, có phải Cẩm Thuyên đã trở về trong căn nhà sàn rung rinh gió thổi. Có phải Cẩm Thuyên trở về từ ngôi mộ, từ thế giới không còn hận thù, không còn chiến tranh, với đêm B.52 không còn rung chuyển bầu trời, với đêm đại bác không còn vượt trùng trùng núi non rừng thẳm làm giật mình, tỉnh giấc con Cẩm Thuyên. Đứa con vừa tượng hình đã biết thành đất, thành đá…Bụi đỏ, rừng xanh, cỏ cây, mặt trời, núi non, suối chảy đã chứng kiến ngày Thuyên trút hơi thở cuối cùng trên quê hương khốn khó của nàng. Từ đó Cẩm Thuyên đã đi vào thế giới thi ca Linh Phương. Như buổi mai nào, khi tiếng kèn đồng sang sảng thúc giục những bài chiến ca khổ nhục…Chàng sống trong đau thương để làm thơ, sống trong kỷ niệm buồn để làm thơ. Thơ là nước mắt, là hạt lệ khô, là máu tim chàng kết tinh vì tình yêu và hạnh phúc không bao giờ đạt được….( 1972 )”.
Trong chùm thơ 23 bài trước 1975 đăng trên website Gió –O , tôi có những bài thơ viết cho Cẩm Thuyên như :
Ở đó
Căn nhà sàn rung rinh gió thổi
Căn nhà rung rinh như buổi sáng mùa đông
Thuyên ngồi co ro nướng bánh cho lũ em ăn đi học
Ở đó
Con chó già lờ đờ đôi mắt chờ ngày sương mù buốt giá rồi lặng lẽ nằm chết
Ở đó
Cục xà phòng anh mua tặng vẫn còn y nguyên
Bởi Thuyên thật lười biếng giặt đồ
Bởi Thuyên thật lười biếng phơi áo quần trước cửa
Và nhiều thứ khác
Những thứ gì anh đâu nhớ hết
Phải không Thuyên?
Phải không Thuyên?
“ Ghé thăm người dưới mộ “
Về ghé thăm em thật tình cờ
Vẫn khoanh tay ngồi dáng buồn so
Ứa nước mắt nói rằng anh nhớ
Chắc chết như vầy quá đi thôi !
Em cúi đầu vội hái cành khô
Buổi sáng còn đong chút sương mù
Tặng anh chiếc lá thơm mùi tóc
Chiếc lá rừng xưa ngủ giấc chờ
Cũng ví đời em anh áo xanh
Năm ba bảy lượt tỏ ngọn ngành
Mai sớm xuống đồi anh lượm củi
Đốt cháy dùm em ngọn lửa tình
Cũng ví đời anh rất muộn màng
Chắp tay quỳ gối khóc ăn năn
Rồi em xa hẳn- em xa hẳn
Một thế kỷ dài-một trăm năm
Về ghé thăm em dưới mộ buồn
Giận trời anh giận thấu tủy xương
Thấy trực thăng bay lòng muốn bắn
Nhưng ngại miệng người anh sát nhân.
( còn nữa )
No comments:
Post a Comment