Tuesday, August 24, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 12 -



- Kỳ 12 -

Năm 1967, Lâm Quốc Trung ( Trúc Quân ) Chủ bút ; tôi làm Thư ký toà soạn tuần san Tinh Hoa Nữ Sinh do nhà văn Nguyễn Thạch Kiên làm Chủ nhiệm . Trong tờ tuần san này , tôi viết hai truyện dài là : “ Vòng Tay Nước Mắt “ ký tên Linh Phương ;“Mười Tám Tuổi Buồn “ ký tên Đoan Hà . Toà Soạn báo được đặt tại nhà in Thanh Long đường Võ Tánh Quận 1 Sài Gòn . Thời gian làm báo , tôi và Thương Mặc Uyên ( Lâm Thị Việt Nữ) nhóm Cung Thương Miền Nam ( trong đó có Mây Viễn Xứ- Nguyễn Lệ Tuân ) quen nhau rồi thân nhau, coi nhau như tri kỷ .
Tôi vừa là Thư Ký toà soạn, vừa sửa morasse ( còn gọi là thầy cò ) cho tuần báo Tinh Hoa Nữ Sinh, cũng vừa sửa morasse cho nhật báo Tiếng Việt ( thỉnh thoảng tôi viết một vài bài về nghệ sĩ sân khấu ) tại đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn .Thời đó, chưa có máy vi tính. Thay vào đó là vô số chữ nhỏ li ti bằng chì , đựng trong những hộc nhỏ bằng gỗ theo thứ từ a,b,c,d… Người thợ sắp chữ cầm trên tay một khung gỗ nhỏ , nhanh nhẹn bóc từng con chữ bỏ vào khung , mắt liếc vào mầu giấy bài viết để phía trên hộc Sau khi dàn trang xong, người ta mi ra từng bản in để cho người sửa morasse sửa lỗi chính tả trước khi đưa lên máy in thực thụ .
Điều tôi nhớ nhất là tính tỉ mẩn của Kim Nhị, đã lưu giữ những hình ảnh, bản vỗ sửa bài vở lúc chưa in thành báo, cũng như Nhị đã giữ được mẩu giới thiệu nhóm Văn nghệ Hoa Đông Phương do tôi làm trưởng nhóm , cắt ra từ tờ nhật báo vào năm 1965 và tặng lại tôi vào năm 2006 khi tôi và Kim Nhị gặp lại nhau sau 32 năm.Trong thư gửi tôi Kim Nhị viết :

“…Vẫn nhớ đến anh, nhưng công việc và sinh kế cuốn hút em tạm thời quên tất cả, mãi đến khi em thấy ảnh nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Linh Phương trên báo Thanh Niên ra ngày 06.02.2006 , em mới gọi phone cho Uyên Thanh Thảo báo tin.
Em nhớ rất rõ, em và nhóm Văn nghệ Sóng Trùng Dương đi hát giúp vui và em bàng hoàng khi một vị Thiếu Tá gặp em đã nói : “Có người hỏi cô có phải là Lương Kim Nhị không ? “. Lần gặp anh lúc đó vui mừng, cảm động không xiết, Linh Phương tặng cho Kim Nhị 2 quyển đặc san do Linh Phương Chủ trương biên tập. Rất tiếc, em không còn giữ- xin lỗi anh, vì cho bạn mượn, sau 1975 em không liên lạc được. Ở nơi này không tiện nói nhiều, em theo bạn bè văn nghệ ra về, trong đầu em vẫn còn hình ảnh của anh.
Ngay ngày hôm sau, em mua một số vật dụng cá nhân, một mình chạy xe PC qua con đường đất đỏ bụi mù với đoàn xe GMC chuyển bánh. Đến nơi thì anh đã lên đường, bàng hoàng rưng nước mắt quay về nơi làm việc mà tâm trạng âu lo đủ thứ…






Em nhớ những ngày cùng nhau đến trường Bồ Đề sôi sục đấu tranh, nhớ những buổi trưa hè nắng đổ lửa trường đai học Văn Khoa thăm các anh chị em thương tích đầy người , nằm dưới đất mà nghe lòng mình chua xót, nhớ vòng tay nối liền trong đêm lửa trại. Những tà áo trắng, những ánh mắt hờn căm trong đêm đã nung chí chúng mình và những bài thơ đăng báo bị đục bỏ vì kêu gào chiến tranh…Những lúc tháp tùng xuống đường khi thầy Thích Quảng Đức tự thiêu, mắt cay sè vì lựu đạn cay, tụi mình đã chảy nước mắt của thời áo trắng mộng mơ.
Anh, trong nhóm Văn nghệ Hoa Đông Phương của tụi mình, đếm trên đầu ngón tay còn được ai ? Mỗi đứa một phương trời trôi giạt , tính từ thời điểm lập nhóm tháng 10/1965 đến nay em còn giữ được kỷ niệm này là 41 năm ( Giới thiệu Văn nghệ Hoa Đông Phương ). Và khi anh làm Thư ký Toà soạn Tuần san Tinh Hoa Nữ Sinh năm 1967 thì Kim Nhị còn giữ được hình ảnh, bản sửa bài khi chưa lên khuôn.
Biết được tin tức của anh, em mừng quá nên nói lung tung , không đầu đuôi, đừng chấp em nhé, văn chương chữ nghĩa bay mất rồi. Tóc đã muối tiêu, con cái em đã trưởng thành. Như Kim Sính, Phượng đã có dâu rể, cháu nội, ngoại. Còn em thì được hai con; một gái sinh năm 1979, một trai sinh năm 1982 – con trai em hiện du học ở Thụy Sĩ, chưa lập gia đình, em còn phải lo cho chúng nó. Làm cha cũng là em, làm mẹ cũng là em, làm bạn cùng con cũng là em, tất cả lo toan đã làm em oằn vai, buơn chải nuôi hai con đến ngày nay, hai con là điểm tựa của em đó
…( 29/05/2006 )”.
Chúng tôi , mỗi người đều có một cuộc đời riêng, dù khổ đau hay hạnh phúc cũng là cuộc đời , sau mấy mươi năm cách biệt vì chiến tranh, tù đày trên chính quê huơng của mình . Hội ngộ , ngồi bên nhau , ôn lại cuộc chia ly không ai biết trước nó dài đăng đẳng 32 năm trời . Bồi hồi, xúc động không sao tả xiết , nhưng qua cuộc bể dâu , có còn chăng là những câu thơ bật máu từ môt trái tim cho một trái tim mà thôi .

KIM NHỊ 1

Không nhìn thấy anh- mặt trời chưa khép bóng- em lẻ loi đứng khóc một mình.
Cầm trên tay một bông hoa nở giữa vòng thép gai chiến tranh- chiến tranh xô giãt đời anh rời khỏi em- rời khỏi nụ hôn buồn ướt đẫm đôi môi- đỏ rực màu hoàng hôn- xanh xao đợi chờ khoảnh kắc chia ly.
Trời ơi ! Cái khoảnh khắc chia ly- ai ngờ đâu dài đăng đẵng ba mươi hai năm không một lần hội ngộ- không một lần kịp gọi tiếng nhị thương yêu.


KIM NHỊ 2

Tháng sáu Sài Gòn-mưa- hàng cây bên đường bây giờ già hơn năm 1974.
Nhị không còn trẻ khi gặp lại anh- dấu chân chim úa sầu cuối đuôi con mắt người phụ nữ hai con- bươn chải giữa chợ đời trăm cay nghìn đắng.
Thênh thang tuổi xế chiều- anh như con chó già chờ chết bên ngưỡng cửa cuộc sống- vẫn còn say đắm yêu em – yêu em sợ không kịp yêu trước ngày nằm xuống cùng đất đá- cỏ cây- hoa lá- mặt trời
.

VÀ SÀI GÒN

Anh muồn hôn đôi bàn tay mềm mại của em- đôi bàn tay Sài Gòn- sáng mai lên xe trở về tỉnh lỵ.
Đêm cuối cùng- nhị không đến- nỗi buồn theo anh mọc rễ trong trái tim mang mầm mống bệnh ung thư.
Anh muốn hôn đôi bàn chân của em-đôi bàn chân cùng anh đi khắp đoạn đường khói lửa- gian nan- chừng đó tháng năm áo trận bạc màu sương gió.
Đêm cuối cùng- nhị không đến- anh đau đáu đợi chờ.

( còn nữa )

No comments:

Post a Comment