Friday, August 20, 2010

Hồi kỳ Linh Phương - kỳ 10 -




- Kỳ 10 -








Tại Trung Tâm Cải Huấn Quận 8 , những người giám thị dồn tất cả thường phạm đủ thứ tội sang phòng khác. Họ nhốt chúng tôi một phòng rộng thênh thang , thường để chứa khoảng vài chục người. Sở dĩ chúng tôi được ưu đãi ở một phòng như thế vì họ tách rời những thường phạm với chúng tôi là tù chính trị .Chúng tôi được họ cư xử thật tử tế trong mọi vấn đề sinh hoạt trong phòng giam.
Đêm trong tù, Đinh Trọng Cường kể cho tôi nghe về gia đình anh ta, một gia đình có nhiều người trong đảng Đại Việt. Anh chị của Cường bị giết chết thời chống chế độ Tổng thống Ngô đình Diệm đàn áp Phật Giáo năm 1963 . Ngồi bên nhau tới khuya, chúng tôi cảm thấy sợ trước không gian thanh vắng và rộng mênh mông của phòng giam. Chính giữa phòng là một vòng tròn được kẻ bằng nước sơn màu đỏ .Chúng tôi nghe đồn trong phòng có ma, mặc dù đèn sáng nhưng vẫn thấy rơn người . Cường dạy tôi đọc kinh Phật để xua đuổi ma, và để bớt sợ hơn .
Được vài ngày thì tôi quen với Bích Trâm con của một giám thị trại giam thường đi ngang phòng chúng tôi .Bích Trâm gởi thư tỏ tình với tôi, thư qua thư lại vài lá thì Đinh Trọng Cường phát hiện. Anh ta giảng cho tôi một bài chính trị, một khi đã dấn thân vào cuộc đấu tranh phải dẹp bỏ tất cả tình cảm riêng tư trai gái. Cường còn cảnh cáo tôi nếu không chấm dứt thì anh ta sẽ báo cáo lên giám thị. Mặc dù thế, nhưng tôi và Bích Trâm vẫn tìm cách lén lút trao đổi thư từ với nhau.
Một hôm, chúng tôi được kêu lên phòng giám thị gặp Quận trưởng Quận 8. Ông ta hỏi tại sao chúng tôi chống Chính phủ,. Chúng tôi trả lời chúng tôi không chống Chính phủ , chúng tôi chỉ chống độc tài, chống đàn áp Phật Giáo miền Trung khi ông Nguyễn Cao Kỳ đưa tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đàn áp tín đồ Phật Giáo ngoài đó . .Cuộc tranh luận được kết thúc khi vị Quận Trưởng bảo ngày mai các anh sẽ được đưa lên Văn phòng Quận tiếp tục tranh luận về vấn đề này .
Tôi và Cường ngủ không được, chúng tôi miên man nghĩ đến ngày mai lên Văn phòng Quận trưởng, chúng tôi sẽ bị một trận đòn tra tấn không biết tơi tả thế nào nữa. Đến khuya mệt mỏi Cường thiếp đi, riêng tôi thì cứ thao thức. Chợt nghe tiềng gọi khe khẽ, tôi đứng lên đi đến bên cửa sổ. Bích Trâm nắm lấy tay tôi vừa khóc, vừa nói : “ Em thương anh, em sợ ngày mai anh lên đó người ta sẽ đánh đập anh. Nghĩ tới em sợ lắm anh ơi ! Lên đó anh đừng cãi với họ nha anh “. Tôi gật đầu cho Bích Trâm an lòng. Thực tình, nếu nghĩ rằng giữa tôi -Bích Trâm đó là tình yêu thì không đúng , tôi hãy còn quá trẻ để xác định đứng đắn đúng nghĩa tình yêu . Tôi chỉ thinh thích Bích Trâm đơn giản vì cô ấy xinh đẹp, dễ thương, thường mặc áo màu tím, cái màu da diết , lãng mạn mà tôi rất thích .Bích Trâm cũng là nguồn nghị lực động viên tôi vượt qua cái hiện tại khó khăn . Ngược lại , Bích Trâm cũng thế , tình cảm của người con gái mới lớn đầy mộng mơ, khao khát thì yêu chỉ để mà yêu, để có một chút nhớ nhung, rung động đầu đời trong một tâm hồn đa cảm của cô ấy .Vì yêu cái màu tím da diết ấy mà tôi yêu ( ? ) Bích Trâm và tôi đã làm bài thơ “Áo Tím Mùa Thu “ như sau :







“ Xa em rồi chắc nhớ thương
Tóc thơ còn xỏa vai buồn nữa không
Dòng đời một chuyến sang sông
Hôn em lần cuối bềnh bồng gió lay
Nghiêng nghiêng bóng nhỏ đường dài
Mình thương nước mắt rụng đầy trên tay
Mùa này thành phố mưa bay
Hồn anh tím đọng phương này đó em
Xa rồi mình chắc sẽ quên
Trời ơi ! Đau nhói con tim nghẹn lời
Đừng yêu anh nữa em ơi !
Số người thơ phải suốt đời dở dang…”







Vào thập niên 60, loại thơ với ngôn ngữ như bài này thường được đa số đọc giả ưa chuộng . Báo chí thời đó phần nhiều theo chiều hướng thơ trên, ngoại trừ một số rất ít là loại thơ hơi mới. Tiêu biểu phải kể đến Lệ Khánh nổi tiếng với tập thơ “ Em là gái trời bắt xấu “ , cô ở Đà Lạt có người yêu là nhạc sĩ Thục Vũ.Mối tình của cô gái làm thơ trời bắt xấu được nhiều người trong giới văn nghệ biết đến như là một mối tình đẹp





















Tiếp theo là Lý Thụy Ý nổi tiếng với những bài thơ viết về người lính đang chiến đấu ngoài mặt trận . Và một người nữa là MH .Hoài Linh Phương , có in một tập thơ nếu tôi nhớ không lầm thì tập thơ này do hoạ sĩ Trịnh Cung vẽ bìa







Hai tác giả Lệ Khánh và Lý Thụy Ý đều có thơ đăng thường xuyên trên tờ tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong , một tờ báo trong những tờ báo dành cho phụ nữ lúc bấy giờ như Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai. Riêng Mh.Hoài Linh Phương thường viết bài cho nhật báo .Chính Luận, Tiền Tuyến, các nguyệt san Quân Đội VNCH như: Chiến Sĩ Cộng Hòa, Tiền Phong, Lướt Sóng... v.v.…




- ( còn nữa ) -







No comments:

Post a Comment