Cuối tháng 12 , tôi lại gặp Thu Hiền ở Sài Gòn để cùng đến gặp nhạc sĩ Phạm Duy theo lời hẹn của anh Nguyễn Hòa điều hành website Văn nghệ Sông Cửu Long ( bây giờ là Văn Chương Việt ) với nhạc sĩ Phạm Duy . Tháp tùng còn có nhà thơ Chinh Văn và nhà thơ Vũ Trọng Quang . Chúng tôi hẹn gặp nhau tại “Động Hoa Vàng “ của nhà thơ Phạm Thiên Thư . Ngồi quanh bàn trà tại nhà anh Phạm Thiên Thư, chờ nhà văn Thu Hiền. Tôi cảm thấy mừng vì anh Phạm Thiên Thư khoẻ hơn lúc gặp tôi và nhà thơ Chinh Văn cách đây một năm trước. Lúc mà anh nhớ nhớ quên quên , tặng tôi tập thơ “ Đoạn Trường Vô Thanh “ anh viết hàng chữ đề tặng cũng không xong, anh Chinh Văn phải đánh vần cho anh từng chữ một .Chúng tôi đến tư gia của nhạc sĩ Phạm Duy vào buổi trưa, chuyện vãn với ông về ký ức một thời của “ Kỷ Vật Cho Em “. Nhưng hình như ông cố lãng tránh cái quá khứ đó , khi ông trở về thực thụ sống ở Việt Nam . Ông rất ngại nhắc lại những gì đã qua , những gì ông sáng tác trong cuộc chiến tranh Việt Nam .Thậm chí nếu chối bỏ được thì ông cũng không từ nan, bởi đó là sự tất yếu của chính ông để bảo vệ một cái gì đó trong cuộc sống và phần đời còn lại của mình . Ôi ! Sao lại như thế nhỉ ? Ông say sưa nói về những đoạn phổ nhạc về Kiều, cho chúng tôi nghe giọng hát của ca sĩ Mỹ Linh . Tôi cảm thấy thất vọng về một nhạc sĩ Phạm Duy của ngày nào với một nhạc sĩ Phạm Duy hôm nay . Từ giây phút gặp lại nhau sau cái đêm tại phòng trà “Đêm Màu Hồng “ cách đây 35 năm , bao nhiêu hồ hởi của một Linh Phương trẻ trung và một Phạm Duy sôi nổi ở tuổi trung niên đã không còn nữa . Trong tâm hồn tôi vừa bồi hồi, vừa nuối tiếc như mình vừa đánh mất một cái gì thật mơ hồ . Cũng từ giây phút này, ở tôi có hai nhạc sĩ Phạm Duy cùng lúc : một nhạc sĩ Phạm Duy tồn tại và một nhạc sĩ Phạm Duy đã chết . Âu đó cũng là cuộc bể dâu đời người qua bao nhiêu thăng trầm của quê hương đất nước , mỗi người đều chọn cho một cách riêng , không ai trách ai được.
Nhớ lại về chuyện viết bài về tôi , sao nhiêu khê thế, vẫn là vấn đề tế nhị, nhạy cảm chưa cho phép. Như tờ Văn Hoá Đà Nẳng có phỏng vấn tôi những câu dưới đây :
1- Anh có thể nói rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “ ? Lúc đó anh có phải là thương binh chế độ Sài Gòn không ? (đọc những tư liệu trên trang web có cảm giác anh rất lành lặn ).
2- Vụ tranh chấp bản quyền của anh và Pham Duy lúc ấy có căng thẳng lắm không ? Hiện anh có thường gặp lại nhạc sĩ Phạm Duy không ?
3- Từ sau 1975 cuộc sống anh ra sao ? Anh có sợ rằng dòng thơ của mình bị lạc điệu so với dòng thơ hiện đại bây giờ không ?
4- Nếu chung quanh bài thơ KVCE có nhiều giaI thoại ly kỳ như thế, sao anh không viết một quyển hồi ký như anh nói ?
5- Xem chừng anh vẫn còn làm thơ nhiều lắm, anh có dự định sáng tác nào mới trong thời gian đến ?
Tôi đã trả lời tất cả những câu hỏi, nhưng cuối cùng cũng không thê vượt qua số phận bởi vẫn còn tồn tại sự định kiến nhất định mà chúng ta phài chấp nhận, vì đó là hoàn cảnh của lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Đúng như Thu Hiền nói, vào năm 2004 tôi lên Sài Gòn chơi, được những người ái mộ đón tôi, tổ chức buổi tiệc thân mật ngồi bên nhau, và hát cho tôi nghe bản nhạc “ Kỷ Vật Cho Em “ .. Kỷ niệm tôi không quên là đêm trên sân thượng nhà của Trác Phương Mai, Công Ty tranh thư pháp, thủy mạc và hướng dẫn học . Đêm đó có họa sĩ Phượng Hồng, họa sĩ Mặc Trí, Vũ Thụy Đăng Lan, Loan và Huỳnh Súy bạn tôi , những người bạn này tuy mới quen nhưng họ rất thực tình . Đăng Lan hát Kỷ Vật Cho Em cũng khá hay, chúng tôi ôn lại những gì đã trôi qua trong ký ức của mình đến khuya mới chia tay nhau . Từ đó, Đăng Lan và tôi rất thân nhau, vì Đăng Lan là người viết văn , viết sách . Trong bản thảo “Độc thoại “Đăng Lan đã viết :”… Dáng điệu tác giả Kỷ Vật Cho Em, vành kiếng trắng lồng vào gương mặt của một người đã trải qua chiến tranh, tất cả đã dẫn tôi nghĩ đến một sự lên đường.
Ngày xưa, lúc còn là chàng lính thơ hào hoa phong nhã, Linh Phương đã nhiều lần “ hoá thân” thành những con tằm : Vương Thị Ái Khanh, Phạm Thị Âu Cơ, Đăng Lan… để nhả ra những sợi tơ :
Em ở Sài Gòn em bỏ học
Anh nhớ con đường nhớ lá me
rồi :
Rơi mất bao giờ sợi tóc tơ
Không duyên không nợ thì người ơ !
Thư anh có gửi hàng trăm lá
Cũng tỉ như mưa rớt giữa trời…
Giờ đây, vẫn còn thấp thoáng trong những lá thư anh gởi cho tôi , thấp thoáng một vài gợn tâm tư trên tảng trán mà hai nét xói thái dương như xói mãi tới cõi siêu hình. Những lúc đó, tôi giữ yên lặng. Tôi biết anh đang cố giữ lại, gởi cho tôi những gì anh giữ lại, và ghi lại những thoáng gợn đó mà cả anh lẫn tôi, không nói với nhau, đều biết rằng những kỷ niệm với cuộc đời đều không thể xóa nhoà, mà có lẽ chỉ có thơ, mà chắc chắn chỉ còn văn nghệ là những con đường giải thoát.Những lúc đó, anh thường nói:- Anh vừa mới in “ Lời ru của gió “. Và thường tiếp :- Mai anh về Sài Gòn !Hai lời nói, hai ý nghĩ tưởng tượng như thiếu liên lạc mà lại rất liên lạc bởi bắt gặp nhau ở cùng tâm trạng. Đối với anh, về Sài Gòn, trở về ngày xưa, về với dĩ vãng “Áo tím mùa thu “ là một sự liền mạch với thơ, là một thời gian rút về suy gẫm , rút về im lặng, rút về sáng tạo, rút về vô ký. Và lại xuống Sài Gòn nhộn nhịp với người và việc , quay cuồng với dòng đời… để rồi, lại thấy :
Em sẽ đi trên con đường ổ gà
Không có anh.
Chỉ có lời ru thì thầm của gió
Gió ru em.
Gió bạt ngàn từ câu chuyện cổ
Tình yêu là tiếng cười, là tiếng khóc trong veo
Tờ thư như chiếc lá bay vèo
Mang kỷ niệm vào ký ức
Ký ức thì xanh.
Kỷ niệm thì hồng
Và tình yêu thì ngượng ngập
Ngượng ngập lần đầu tay hoa mười ngón nhỏ
Em ve vuốt ngực anh.
Lồng ngực già nua ốm yếu
Rồi em chợt hiểu
Suốt cả đời người mắc nợ cùng anh
Suốt cả đời người mắc nợ cùng anh , không phải muốn mắc nợ với nhau là dễ đâu , nếu không có duyên phận . Đăng Lan và tôi có kỷ niệm không quên là đêm chúng tôi đi nghe nhạc ở phòng trà Ân Nam . Nghe nhạc xong ra về trên 11 giờ đêm, tôi định điện thoại cho bạn tôi đến rước, nhưng Đăng Lan không chịu . Đăng Lan đưa chiếc xe gắn máy cho tôi chở cô ấy về nhà của người bạn tôi ở .Xa Sài Gòn lâu quá, lại là ban đêm tầm nhìn của đôi mắt cận của tôi mất phương hướng, thay vì chạy về phía trung tâm Sài Gòn, tôi lại chạy ra phía ngoại ô thành phố . Chạy lòng vòng tới hơn 12 giờ mà vẫn còn lạc đường, Đăng Lan bảo tôi ngồi ở sau cho cô chở tôi .Gần 1 giờ sáng, tôi với Đăng Lan mới tới nhà , Vũ Trọng Quang đang ngồi đợi cửa chờ tôi .Bây giờ thì Đăng Lan mở một shop lớn bán hàng lưu niệm ở quận nhất Sài Gòn.Cứ như dòng thời gian trôi đi, trôi đi mãi mãi, không dừng lại nơi nào. Tôi là người sống có nguyên tắc, trong tình yêu tôi không bao giờ biết quay lưng với một ai . Chỉ hết dạ hết lòng vì một tình yêu dù phải khổ đau như thế nào , trừ khi người ta quay lưng với mình .. Tôi không bao giờ biết quay lưng , nên một khi rời khỏi mối tình nào đó, tôi cũng sẽ không bao giờ biết quay lưng trở lại, vĩnh viễn là như thế . Và tất cả chỉ còn là chuyện ngày xửa, ngày xưa…có một mối tình đã chết.
( còn nữa )
No comments:
Post a Comment