Sunday, August 22, 2010

Hồi ký Linh Phương - kỳ 11 -


- Kỳ 11 -




Sáng hôm đó, chúng tôi bị còng tay đưa lên một chiếc xe jeep cảnh sát, chạy đến Văn phòng Quận Trưởng . Lần này , ngoài vị Quận Trưởng còn có một người mà tôi không biết ông ta là ai . Chúng tôi lại bắt đầu tranh luận xoay quanh vấn đề chống chính phủ với người đàn ông lạ này. Sau hai tiếng đồng hồ tranh luận, vị Quận trưởng ra lệnh cho những người cảnh sát chìm đưa chúng tôi trở về Trung tâm Cải huấn. Trước khi lên xe , ông ra lệnh cho cảnh sát không được còng chúng tôi và trên đường về ghé một quán nào đó cho chúng tôi ăn uống đàng hoàng . Điều này khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, nhưng cũng không có ý kiến gì . Chúng tôi về tới Trung tâm gần 11 giờ trưa, lúc này chúng tôi mới chắc chắn là mình thoát nạn .
Tuần lễ tiếp theo , tôi được trả tự do nhờ sự can thiệp của Thượng Tọa Thích Quảng Liên, một trong những vị Thượng Tọa ở chùa Ấn Quang và thuộc thành phần tranh đấu cùng với Thượng Tọa Thích Trí Quang ngoài miền Trung .Đinh Trọng Cường còn lại một mình, trông Cường lúc này thật buồn. Hai ngày sau, tôi và một số bạn gái từng tranh đấu bên nhau vào Trung tâm Cải Huấn thăm Cường .Sau đó, Cường cũng được phóng thích, từ đó chúng tôi không còn gặp nhau lần nào nữa. Nhưng qua bạn bè kể thì có lần đi trên đường bị Cảnh Sát hỏi giấy tờ , Cường chìa ra một thẻ do Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo cấp rồi thản nhiên bỏ đi .Cũng có người kể sau 1975, gặp Cường hoá thân là một cán bộ Việt Cộng . Và cho đến bây giờ , trong đám bạn bè ngày xưa không còn ai gặp Đinh Trọng Cường lần nào nữa . Qua những sự kiện trên, cho đến giờ tôi vẫn không hiểu thực sự Cường là ai ? Nhưng dù cho có là ai , thì đó cũng là chuyện quá khứ của ngày hôm qua , khi tất cả đều thay đổi . Mỗi lần nhớ thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình, xuống đường đấu tranh vì lý tưởng dân tộc , đạo pháp tôi cảm thấy ân hận khi biết mình đã sai lầm. Sự bồng bột khiến cho tôi và một số sinh viên học sinh vào thời gian đó nh ư một bầy cừu non chỉ biết nhắm mắt đi theo con cừu đầu đàn.Tôi rất đau đớn nghĩ về những ngày xuống đường , những ngày bị đánh đập , những ngày đi trong lựu đạn cay, phi tiễn, lưỡi lê khi biết mình đã ngây thơ bị người ta lợi dụng .
Sau ngày ra tù, tôi thực sự trở thành một con ng ười khác, chiến tranh như cuốn hút tôi vào guồng máy khổng lồ không thể nào thoát ra. Mặc dù Sài Gòn ngày ấy vẫn thấy những trái sáng thắp đỏ góc trời quê hương, vẫn nghe tiếng đại bác hàng đêm vọng v ề , nhưng Sài Gòn vẫn nghĩ rằng chiến tranh hãy ở rất xa…rất xa…Còn tuổi trẻ chúng tôi thời đó đâu được bình yên khi anh em chúng tôi ra đi mỗi ngày một nhiều, mà trở l ại thì mỗi ngày một ít . Suy nghĩ đó, tôi đã viết :





“ Những sợi lông măng rất mịn màng
Như sương mù buổi sáng
Bay dật dờ giữa dòng sông Sài Gòn
Dòng sông hẹn hò- em nhớ không?
Lúc em ngồi khóc bên anh
Mỗi lần nhìn thấy hoa lửa hàng đêm thắp sáng bầu trời
Mỗi lần nghe tiếng đại bác vọng về thành phố thân yêu
Nơi em cắp sách đến trường
Nơi anh sống đầy âu lo- cảnh giác
Nơi cuối cùng của sự bình yên
Nơi em vẫn thường cầu nguyện
Rằng chiến tranh hãy còn xa lắc- xa lơ
Trong trí tưởng tượng của anh
Trong trí tưởng tượng của em… “




Rồi chúng tôi cũng phải lên đường vào cuộc chiến triền miên theo vận mệnh của đất nước ,mà trong lòng mơ ước rồi chiến tranh sẽ chấm dứt, mọi hận thù sẽ không còn, để được thương yêu nhau hơn, một mai đất nước hòa bình.





“…Những sợi lông măng dễ thương và rất mềm
Mềm và dễ thương như bờ vai trần trụi của em
Bờ vai theo anh qua bao cánh đồng khói lửa
Qua bao dòng sông đạn bom
Qua bao cánh rừng khô cằn cháy xém
Ôi chiến tranh!
Chiến tranh mang niềm tin hy vọng của anh
Một mai đất nước hòa bình
Trên chuyến tàu thống nhất Bắc- Nam
Anh còn sống trở về
Được yêu em bằng cả tấm lòng
Được làm thơ bằng cả tấm lòng
Dù tấm lòng chưa đủ
Trước cuộc dời phù phiếm xa hoa

Ôi! Cuộc chiến tranh mấy mươi năm qua
Dài bằng thời gian chờ đợi
Dài bằng nỗi đau và nỗi nhớ
Của anh
Của em

Ôi! Anh vẫn mong ngày tháng còn lại sẽ êm đềm
Êm đềm như dòng sông Sài Gòn ngày nào
Nơi chúng mình hò hẹn
Về tương lai của anh
Của em
Một mai đất nước hòa bình “





Nhưng hỡi ơi ! Trái tim tôi đã bật máu khóc trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.




( còn nữa )

No comments:

Post a Comment