Tình bạn giữa tôi và Vũ Trọng Quang , thể hiện qua bài thơ “ Bạn tôi “ tôi đã viết :
Bạn tôi trên đó làm chủ quán ( * )
Có rất nhiều bia bán khách hàng
Chiến hữu bốn phương về đánh trận
Chập vừa xẩm tối đến nửa khuya
Bạn tôi trên đó ưa nói phịa
Kể chuyện tiếu lâm lẫn tấu hài
Mua vui khoảnh khắc.Ờ! Cũng phải
Giữa cuộc đời cơm áo bon chen
Thỉnh thoảng từ quê tôi ghé lên
Thăm bạn đôi khi nghĩ buồn cười
Chỉ ngại đàng sau câu chào hỏi
Là đôi con mắt khó đăm đăm
Rất may vợ bạn người hào phóng
( Có lẽ do nhiễm bệnh của chồng )
Tri kỷ giàu nghèo đâu vướng bận
Chuyện bạc tiền thua chuyện nghĩa nhân
Bạn tôi trên đó làm chủ quán
Thương thằng nối khố mấy mươi năm
Bỏ biệt Sài Gòn đi kiếm sống
Trôi giạt nơi cuối đất – cùng trời
Sợ tôi “đứt bóng” thường nhắn gọi
“ Mày nhín vài hôm lên đây chơi
Tụi tao ngứa miệng nên hay chửi
Đm ! Mày – xa lắc- xa lơ
Bạn tôi trên đó- thằng nhà thơ ( ** )
Thằng họa sĩ – giảng viên đại học ( *** )
Thằng mang giày dép- thằng chân đất
Gặp nhau mừng -rượu uống ngã nghiêng
Tay trắng – trắng tay về với biển
Lâu lâu nhớ quá khóc một mình
Cuộc sống chẳng dung đời kẽ sĩ
Thôi đành tóc bạc tiễn tóc xanh
Ngoài Vũ Trọng Quang, tôi còn nhưng người bạn thân khác như : Nguyễn Văn Long cũng làm thơ, nhưng bỏ thơ đi kiếm tiền trang trải cho cuộc sống- Huỳnh Súy làm kinh tế nay trở thành đại gia- Nguyễn Hữu Đức Phó Giáo sư Tiến Sĩ trường Đại học Y Dược Sài Gòn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất giữa tôi và Đức mà thỉnh thoảng Nguyễn Hữu Đức gặp tôi lại nhắc là chiếc ba lô mà tôi để lại trước khi ra chiến trường. Đức thường dùng chiếc ba lô này đựng sách vở suốt những năm Đức học đại học y khoa.
Đời tôi có nhiều người bạn tốt, ngược lại cũng có những người bạn không được tử tế với nhau trong cái tình và cái đạo làm người. Lúc tôi sa cơ lỡ vận, nhớ bạn mấy mươi năm không gặp tìm tới thăm. Bạn lại tưởng tôi đến nhờ vả tiền bạc, nên lãng tránh; gặp thì cực chẳng đã nói chuyện qua loa nhạt như nước ốc. Mặc dù ngày trước tôi đã từng cưu mang bạn lúc bạn nghèo túng, bữa đói, bữa no. Có bạn chén rượu, chén trà , miệng mồm lúc nào cũng anh em mình vui buồn hoạn nạn chia sẻ với nhau , nhưng đó lại là những Nhạc Bất Quần - những tên ngụy quân tử , tráo trở “đâm sau lưng chiến sĩ “ nói theo từ ngày xưa thường dùng ám chỉ những tên phản bội trong hàng ngũ anh em . Loại bạn như thế sẵn sàng đưa tôi vào Quỷ Môn Quan không thương tiếc .Tất nhiên là tôi đã nếm qua mùi vị cái tình bạn rất “ khó chịu” này.
Nhưng người bạn khó hiểu nhất, bí ẩn nhất trong cuộc đời tôi mà mấy mươi năm trôi qua đến giờ tôi không thể nào quên là Đinh Trọng Cường,. Đó là khoảng năm 1966 ,phong trào Phật Giáo miền Trung được sự ủng hộ của Trung tướng Nguyễn Chánh Thi ( Tư lệnh Quân đoàn 1, Tư lệnh vùng 1 Chiến thuật ) Đại tá Đàm Quang Yêu và Thị trưởng Đà Nẳng bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn chống chính quyền của ông Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ lan rộng vào Sài Gòn .Những cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp trong thành phố. Lúc đó, Đinh Trọng Cường là Chủ tịch Lực lượng Thanh niên- Sinh viên- Học sinh Cứu nguy Phật Giáo. Tôi tham gia vào Lực lượng này, nhưng người tôi biết duy nhất là Đinh Trọng Cường mà thôi .
Sau khi tôi và Cường tổ chức thành công cuộc xuống đuờng chống chính phủ tại trường trung học Bồ Đề ( trường Nguyễn Văn Khuê ngày xưa, sau 1975 đổi là trường trung học Đồng Khởi. thuộc Quận 1 Sài Gòn ). Ba ngày sau, tôi và Cường tổ chức cuộc biểu tình khác cũng tại trường này . Cuộc biểu tình thất bại, các cô bạn gái cuốn biểu ngữ giao cho Cường, tôi đến lấy xe gắn máy gửi bên hông Khu Dân Sinh gần trường. Tôi chạy vòng lại đón Cường, Cường vừa ngồi lên yên xe sau thì hai tên Cảnh sát chìm nắm lấy cổ áo tôi và Cường , dí súng vào lưng. Tôi bảo : “ Anh cất súng đi, tôi không chạy đâu, người ta thấy coi kỳ lắm “ . Gã cảnh sát chìm nghe lời tôi cất súng, áp tải tôi và Cường vào Chi cảnh sát Quận Nhì ( sau 1975 là Quận 1 ) thẩm vấn. Hôm sau, chúng tôi bị giải giao qua Nha Cảnh sát Đô thành . Ở Nha Cảnh Sát lấy cung , tôi bị một trận đòn bán sống bán chết ,lúc nửa tỉnh , nửa mê tôi nghe tiếng những gã cảnh sát nói với nhau: “ Tụi nó không phải là Cộng Sản“ . Được một tuần, chúng tôi được đưa đến Trung tâm cải huấn Quận 8 bên kia dạ nam dốc cầu Chữ Y
---------------------------------------------------------
- ( * ) ( ** ) Nhà thơ Vũ Trọng Quang khi ấy là chủ quán Trồng Đồng ở số 5 đường Lê Qúy Đôn. quận 1 Sài Gòn .
- ( *** ) Phó giáo sư tiến sĩ trường Y Dược Sài Gòn cũng là hoạ sĩ vẽ tranh biếm ký tên Đức.
.
( còn nữa )
No comments:
Post a Comment