Hồi nhỏ, trước nhà tôi có một cây me tây cạnh con kênh chảy ngoằn ngoèo ra tận đầm sen . Đầm sen rất lớn , nhìn mút mắt cũng chưa thấy bờ .Phía bên trái nhà là một đồng cỏ, nơi đó tôi một mình ra bắt cào cào, châu chấu, hay những con cánh cam, chuồn chuồn . Vào những buổi trưa , tôi với má ngồi chẻ hạt sen phơi khô, phơi nắng, đem ra ngoài chợ bán . Má hay kể chuyện cổ tích một người đàn bà bỏ vùng quê Cần Thơ theo chồng lên Sài Gòn bươn chải kiếm sống - người đàn bà đó chính là má . Sài Gòn lúc đó còn hoang vu, sông nước chằng chịt, như cái vùng đất nơi tôi mở mắt khóc cười sau này thuộc quận 8 Sài Gòn .Thường thường, má hay kể chuyện về tôi, tôi cười trêu má : ” Má ơi ! Má kể chuyện cổ tích hả ? “ . Má tôi chửi : “ Thằng cha mày, má nói thiệt đó con”.Trêu má cho vui, chứ tôi luôn luôn tin má không bao giờ nói dối. Hình như trong cuộc đời má tôi có hai thế giới cùng song song để sống : Một thế giới đời thường, có buồn vui, cơm áo và hy vọng. Còn một thế giới kia thuộc về cổ tích- cổ tích chỉ có tôi, tuyệt nhiên chẳng bao giờ có bóng dáng ông bụt, bà tiên. Tôi thích sống giữa thế giới cổ tích tuổi thơ đầy màu hồng, đầy hoa bướm, cào cào, châu chấu, đồng ruộng, bờ cỏ và dòng kênh trước nhà. Má bảo , tôi ví như những giọt nước – còn má là dòng sông, sông không bao giờ thiếu được nước, nhưng nước thì có thể mơ đến biển rộng bao la , mà bỏ sông để hòa vào đại dương mênh mông .Tôi không nghĩ là tôi bỏ má, nhưng cuối cùng thì tôi cũng bỏ má ra đi cho đến ngày má nhắm mắt .
Năm 1971 ,có rất nhiều nguồn tin Linh Phương đã chết ở Hạ Lào, rồi Kampuchea ,mặc dù báo chí loan tin rất dè dặt. Rồi những phân ưu, cáo phó trên mặt báo liên tục, khiến cho ký giả Thiện Mộc Lan báo Đuốc Nhà Nam đã cất công đi tìm sự thật về nguồn tin Linh Phương tử trận ở chiến trường Kampuchea . Sau nhiều ngày tìm nơi này, nơi khác qua nhiều người nhưng không biết đích xác Linh Phương nơi nào. Cuối cùng, ký giả Thiện Mộc Lan đã đến tư gia của nhạc sĩ Phạm Duy- như tác giả bài báo kể :”... Chúng tôi chợt nhớ, nghĩ đến nhạc sĩ Phạm Duy, hy vọng rằng giữa nhạc sĩ và nhà thơ có nhiều liên hệ từ “ Kỷ Vật Cho Em “ ra đời, thế nào nhạc sĩ Phạm Duy cũng biết rõ về Linh Phương. Khi nghe chúng tôi báo tin Linh Phương chết, nhạc sĩ Phạm Duy sửng sốt :- Linh Phương mới thăm tôi cách đây nửa tháng mà...lẽ nào...như vậy được. Ối ! Dzồi, tôi nghĩ anh ta chưa chết đâu...Như bán tin, bán nghi, Phạm Duy hỏi tiếp :- Tin có chính xác không ?- Chỉ nghe anh em loan tin như vậy.- Mong sao anh ấy vẫn còn sống với chúng mình.Chúng tôi hỏi nhạc sĩ Phạm Duy :- Linh Phương đến thăm anh, có ghi lại KBC, hoặc điện thoại hay địa chỉ nhà riêng không ?Vừa nói chuyện với tôi, vừa lục soạn hồ sơ “ Kỷ Vật Cho Em “, một hồi lâu Phạm Duy mới tìm được địa chi của Linh Phương. Đây là nhà của người bạn thân mà Linh Phương mượn để liên lạc với bạn bè.Với địa chỉ của Phạm Duy trao, chúng tôi tin là “ xua” lắm, hy vọng 90 phần trăm thế nào đến đó mình cũng hiểu rõ về Linh Phương sống hay chết.Số nhà ghi thật đơn giản: 104/23 đường Yersin, tưởng đâu dễ tìm, nhưng ở đây gặp nhằm vị trí đặc biệt ở một khu gần Cầu Ông Lãnh nên phải “ hụt hơi “ mới tìm được nhà...” Ký giả Thiện Mộc Lan đã gặp tôi nơi đây- tư gia của nhà thơ Vũ Trọng Quang, và sau đó nhật báo Đuốc Nhà Nam đã đăng loạt phỏng vấn 4 kỳ báo qua những tít :1. Nhà thơ có nhiều huyền thoại, tác giả “ Kỷ Vật Cho Em “ Linh Phương còn sống hay đã vĩnh viễn ra đi.2. Liên lạc khắp nơi ĐNN- VN mới tìm ra tông tích tác giả “ Kỷ Vật Cho Em “.3. Linh Phương đã nói gì với ĐNN- VN ?4. Linh Phương thích làm thơ nhưng không mang danh thi sĩ.
Thực ra, không chỉ bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “ tốn nhiều giấy mực báo chí, mà còn có 2 bài thơ đăng cùng một số báo trên tờ tuần báo Khởi Hành của Hội Văn nghệ Sĩ quân đội do Đại tá nhạc sĩ Anh Việt-Trần Văn Trọng làm Chủ nhiệm và nhà văn Viên Linh làm Thư ký toà soạn. Đó là bài thơ năm chữ “ Bài Cho Chiến Trường Đông Dương “ và bài thơ tám chữ “ Từ Giã Bọn Mày “ .
Sau khi báo phát hành được khoảng một tiếng đồng hồ thì cảnh sát được lệnh tịch thu. Qua số báo sau, nhà văn Viên Linh đã có vài hàng đại ý như …Linh Phương chỉ nói lên sự thật của cuộc chiến, nhưng rất tiếc BTT/PHNT đã ra lệnh tịch thu vì cho rằng thơ Linh Phương đã làm giảm ý chí chiến đấu của quân đội . Chúng tôi xin cáo lỗi cùng độc giả .
Năm 1972, tôi chủ trưong biên tập tờ đặc san Thắp Đuốc với ban biên tập gồm Đại Tá Tuệ ( Cục phó Cục Công Binh ) bút hiệu ông là Bạch Mai Tiên Sinh – Trung Tá Nguyễn Phu ( Chi huy trưởng Trung tâm 3 nhập ngũ ) bút hiệu Người Gio Linh và Thiếu Úy Tuấn .Lúc này, tôi nhận được thư của nhà văn Mường Mán , sĩ quan Sư Đoàn 1 Bộ binh. Trong thư anh nói với tôi có một người mạo tên Muờng Mán của anh . Tôi và Mường Mán quen nhau trong trường hợp như vậy, anh hẹn một ngày nào đó anh em sẽ gặp nhau hàn huyên nhiều hơn. Nhưng cuộc đời của người quân nhân xuôi ngược đó đây, làm sao có dịp hội ngộ như đã dự định .Và lần đầu tiên tôi và Mường Mán ngồi bên nhau uống rượu là năm 2002 , tức là 30 năm sau với nhà thơ Vũ Trọng Quang, nhà thơ Bùi Đức Long và một người bạn là hoạ sĩ chuyên vẽ biềm họa là Đức ( Nguyễn Hữu Đức - Phó giáo sư Tiến sĩ , giảng viên trường Đại học Y Dược Sài Gòn ) nhân dịp họp mặt ra mắt công ty Vietcom.
Lúc này, mùa hè đỏ lửa bắt đầu vào ngày 30 tháng 3 năm 1972 ( người Mỹ gọi là Easter Offensive ) Từ Cam Lộ, La Vang, Hải Lăng , Cổ Thành Quảng Trị rồi Dakto , Tân Cảnh, BenHet đến Bình Long , An Lộc . Những trận đánh dữ dội giữa hai bên, khiến cho dân chúng phải ồ ạt tìm đường lánh nạn . Giữa thời điểm này , tác giả Trần Tường Trình của nhật báo Sóng Thần có một bài viết “ thắp nén hương cho Linh Phương “.Lại thêm một lần nữa Linh Phương bị khai tử trong cuộc chiến tranh Việt Nam .
( còn nữa )
No comments:
Post a Comment